Đau khổ
Mỗi năm, vào Chúa nhật thứ II
Mùa chay, Giáo hội cho chúng ta nghe đọc đoạn Tin
Mừng về việc Chúa Giêsu hiển dung trên núi Tabor.
Hiển dung là thế nào? Là thay đổi hình
dạng. Chúa tỏ hình dạng Thiên Chúa,
Chúa bộc lộ thần tính của Ngài cho các môn
đệ thấy. Nói một cách đầy
đủ và đúng nghĩa là Chúa Giêsu để cho
rạng sáng lên trong giây lát cái vinh hiển của “hình
dạng” Thiên Chúa, đã bị che giấu đi trong cái “hình
dạng” con người của Ngài. Vì thế, Tin Mừng
cho biết: ba môn đệ đã thấy “vinh quang” của
Ngài.
Đó là ý nghĩa của việc
hiển dung. Còn mục
đích của việc hiển dung là gì? Có hai mục
đích: Thứ nhất, Chúa Giêsu tỏ ra cho các môn đệ
thân tín và mọi người biết rõ ràng Ngài là Thiên Chúa
làm người. Bởi vì người Do thái nói chung
và nhất là các môn đệ, đã sống gần Chúa ba
năm rồi, đã nghe biết bao lời Chúa giảng
dậy, và đã chứng kiến nhiều phép lạ Chúa
làm, nhưng họ vẫn chỉ thấy Ngài là một
người như mọi người khác, họ không
thấy chân tướng đích thực của Ngài. Hôm nay, qua sự kiện hiển dung, Chúa cho họ
thấy rõ Ngài là vinh quang của Thiên Chúa, là Thiên Chúa vinh
quang.
Mục đích thứ hai là để
củng cố đức tin của các môn đệ. Bởi vì Chúa thấy các ông quá sợ
đau khổ, không muốn chấp nhận cuộc khổ
nạn của Ngài, nên Chúa đã hé mở vinh quang của
Nước Thiên Chúa cho các ông thấy để tăng thêm
cho các ông niềm tin và hy vọng vào ngày mai. Như vậy,
việc Chúa hiển dung cũng dạy bảo cho các môn
đệ biết: phải trải qua đau khổ mới
vào cõi phúc, cõi hằng sống được.
Cũng như Chúa Giêsu đã dùng sự
kiện hiển dung để chuẩn bị cho các môn
đệ đón nhận biến cố Vượt Qua, thì
Giáo hội cũng làm như thế: trong khi dẫn chúng ta
đến chiêm ngắm và tham dự vào mầu nhiệm
Vượt Qua như điểm tới của mùa chay, Giáo
hội cho chúng ta đọc đoạn Tin Mừng này
để khích lệ chúng ta, nghĩa là bảo cho chúng ta
biết: khổ giá mà không có vinh quang Phục sinh thì khổ
giá vô nghĩa. Vinh quang Phục sinh mà không có
khổ giá thì vinh quang không bao giờ có được.
Vì thế, mỗi lần loan báo về
cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu cũng nói đến
Phục sinh vinh quang. Cũng vậy, sau khi nói về
cuộc khổ nạn sắp xảy đến, Chúa Giêsu
đã hiển dung cho các môn đệ thấy vinh quang
của Ngài, để động viên khích lệ các ông và
dạy cho các ông cũng như mọi người biết
rằng: đau khổ chỉ là bước
đường phải đi qua để đưa chúng
ta tới quê trời, tới hạnh phúc đích thực
mọi người mong đợi.
Sống trên đời, ai cũng có
đau khổ, có mặt trên đời là có khổ:
“Hữu sinh hữu khổ” là thế. Đời
người là một chuỗi đau khổ đầy
ứ. Nhà Phật thường nói: “Đời là bể
khổ”. Kinh Thánh nói: “Đời là thung lũng nước
mắt”. Một thi sĩ đã nói: “Đời là cây đàn
thất huyền, có một dây vui và sáu dây sầu”. Như
vậy, ai cũng có đau khổ, người khổ tinh
thần, người khổ thể xác, có người
khổ cả hai; người khổ lúc này, người
khổ lúc khác, nên có người đã nói: “Đau khổ là
một khách câm, không bao giờ bảo cho chúng ta biết
tại sao nó đến phá rối đời chúng ta”. Không ai muốn đau khổ mà tại sao cứ
gặp hoài? Vì đời trần gian là
thế.
Chúng ta đều biết: đau
khổ tự nó là một điều xấu, chẳng có
giá trị gì cả. Nhưng cái làm cho đau
khổ có giá trị, có công phúc, chính là cách thức chúng ta
xử lý chúng. Nếu chúng ta chán nản,
buông xuôi, thất vọng, thì đau khổ càng đè
nặng trên chúng ta. Ngược lại, nếu chúng ta
bắt chước Chúa Giêsu, can đảm cúi xuống nâng
chúng lên, thì chúng ta sẽ biến chúng thành năng lực
tích cực, thành nguồn ban sức sống. Bởi
vì chính những đau khổ ấy sẽ biến
đổi chúng ta thành người tốt hơn, nhiệt
tình hơn, khiêm tốn hơn, biết từ tâm hơn và
biết thông cảm kẻ khác hơn.
Do đó, những khi gặp đau
khổ, chúng ta đừng bao giờ kêu trách Chúa, Chúa đâu
có gửi đau khổ đến cho chúng ta, Chúa đâu có
muốn chúng ta phải đau khổ. Vì
vậy, phàn nàn, kêu trách Chúa là oan cho Chúa và xúc phạm
đến Chúa. Cũng thế, chúng ta
đừng bao giờ rủa mình, than thân trách phận, chán
nản, buông xuôi. Nhưng hãy gia tăng cầu
nguyện để xin Chúa trợ giúp, vì Chúa đã nói:
“Hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến
với tôi, tôi sẽ nâng đỡ, bổ sức cho”. Chúng
ta nên nhớ: Chúa nói Ngài “nâng đỡ, bổ sức” cho
chúng ta chứ Ngài không cất gánh nặng cho chúng ta đâu. Bởi vì Ngài xuống trần gian không phải
để làm cho hết đau khổ, nhưng chỉ
muốn đem lại cho đau khổ một giá trị
của nước trời.
Nếu chúng ta biết nương
nhờ vào Chúa, Chúa sẽ giúp chúng ta. Người
ta kể rằng: một bác tiều phu kia
đi lấy được một xe bò củi chất
đầy. Nhưng khi đi tới một
khúc đường sình lầy thì đôi bò đứng
lại. Xe bò sụp lún xuống bùn.
Bác ta ngồi khóc than. Khóc một hồi
bác ta nhớ ra có một vị thần và bắt
đầu van xin. Vị thần hiện ra phán bảo: “Thay
vì ngồi khóc thì ngươi hãy ghé vai vào xe
thử đẩy đi và ta sẽ giúp”. Bác tiều phu làm theo lời vị thần, cố gắng
mọi cách, cuối cùng chiếc xe bò đã vượt qua
khúc đường sình lầy. Đó là
ngụ ngôn dạy chúng ta phải cộng tác với một
sức mạnh hơn để làm việc, để
giải quyết mọi việc. Trong công việc hàng
ngày, chúng ta còn biết nhờ vả vào những
người khoẻ mạnh hơn, uy
quyền hơn, tài năng hơn, thì tại sao chúng ta
lại không nhờ cậy vào Chúa, là Đấng toàn năng
và hay cứu giúp? Ngài sẽ giúp chúng ta vượt thắng
đau khổ nếu chúng ta tin tưởng, cậy trông và
kêu xin Ngài.
|