Tín hữu bị
cám dỗ cách riêng về điều gì?
(Suy niệm của
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty)
Đức
Giêsu khởi đầu cuộc rao giảng Tin Mừng
về tình yêu thương xót và cứu độ của
Thiên Chúa; rồi trong tư cách một người phàm, qua
kinh nghiệm ‘cám dỗ’ nơi chính bản thân mình,
Người cho thấy phải tiếp nhận Tin Mừng
cứu độ đó như thế nào. Kinh nghiệm
chiến đấu với cám đỗ này mang tính phổ
quát, cách riêng có giá đối với Kitô mọi thời
đại và trong mọi hoàn cảnh, không chỉ
dưới khía cạnh luân lý nhưng nhất là trong thái
độ tiếp nhận Tin Mừng. Càng là Kitô hữu,
dầu là các linh mục - tu sĩ đã được tu
luyện nhiều năm tháng, ai trong chúng ta cũng cần
liên tục vượt thắng các cơn cám dỗ đánh
trực tiếp vào niềm tin của mình.
Nói
tới ‘cám dỗ’ thông thường ta nghĩ ngay tới
điều gì đó cấm kỵ, thuộc lãnh vực
luật lệ hay luân lý mà mọi người phải xa
tránh; vì thế cho nên nhiều người cắt nghĩa
trình thuật Đức Giêsu chịu cám dỗ như sau:
Người bị ma quỉ cám đỗ về mê ăn
uống, về tính khoe khoang hay tự tôn tự đại;
nhất là sự hiện diện của ‘con quỷ’
lại càng làm cho vấn đề thêm vẻ ‘luân lý’. Đã
sống trên đời thì phàm ai cũng bị ‘cám dỗ’
như thế thôi, chẳng cứ gì Đức Giêsu hay Kitô
hữu; và như thế thì bài học của Đức
Giêsu về chống trả cám đỗ càng ít giá trị
khi mà ta muốn giới thiệu Người như ông
thầy dạy luân lý (moralist). Điều này chắc
chắn không đánh trúng trọng tâm, vì trước
Người, đã có rất nhiều bậc thánh hiền
thuộc nhiều tôn giáo và triết thuyết khác đã
từng dạy và phổ biến những nền luân lý và
đạo đức còn cao đẹp và cặn kẽ
hơn, cũng như đưa ra các phương thế
chế ngự hữu hiệu hơn nhiều. Họ không
những giải thích bản chất của cám dỗ (tham,
xâm, xi) mà còn dạy các phương pháp
chế ngự vượt thắng (diệt dục, tự
kỷ) rất căn cơ và bài bản. Nếu thế thì
Kitô hữu chúng ta rút ra được điều gì qua bài học
‘chiến thắng cám đỗ’ của Đức Giêsu, khi
mà Người không chỉ bị cám dỗ ‘luân lý’ về mê
ăn uống, khoe khoang hay thống trị, mà sâu sắc
hơn, Người đang cho thấy một kinh nghiệm
chống trả thách thức đối với đức
tin trong tư cách Kitô hữu?
Tôi
thiết nghĩ mọi ‘tín hữu’ - bất luận
thuộc tôn giáo nào (miễn là không thuộc hạng vô
đạo) vẫn cho rằng đời mình
được xây dựng trên niềm tin vào một đấng
vô hình; có một điều họ cần làm, nhưng
lại rất ít khi thực hiện, đó là duyệt xét
xem mình thực sự mong đợi điều gì nơi
đấng đó. Họ coi như chuyện
đương nhiên, ‘niềm tin’ là chờ đợi Chúa
(hoặc Trời, hoặc Phật, hoặc Thần Thánh) chu
cấp cho cuộc sống mình được đầy
no, sung túc; cao hơn thế nữa, để đời
mình được thăng hoa trong thành đạt và danh
vọng, được danh thơm tiếng tốt… và cao
thượng hơn nữa là được đắc
đạo, là đạt tới nhân đức thánh
thiện, trọn lành. Niềm tin ‘kỳ vọng’ này hình
như rất phổ biến nơi người ‘có
đạo’ thuộc mọi tôn giáo, trong đó có cả Kitô
hữu chúng ta. Điều được coi như tất
yếu, như lẽ thường tình này thì hôm nay lại
bị Lời Chúa liệt vào loại ‘cám dỗ’, mà
Đức Kitô trước nhất, rồi tới mọi
Kitô hữu chúng ta, phải thắng vượt. Trong tư
cách một con người đặt niềm tin tuyệt
đối vào Thiên Chúa là Cha, Đức Giêsu đã nêu
gương chiến đấu và chiến thắng cơn
cám dỗ tinh vi này như thế nào?
Thường tình ta sẽ nghĩ rằng, Thiên Chúa phải
(truyền) biến những hòn đá thành lương
thực để nuôi sống tôi… vì tôi đã tin vào Ngài,
phải gìn giữ tôi “kẻo chân vấp phải đá”… vì
tôi đã cậy trông nơi Ngài, phải ban cho tôi thành công, quyền
lực, vinh quang, phúc lộc… vì tôi đã ”bái
lạy, thờ phượng Ngài”.
Đối với Đức Giêsu, tin
vào Thiên Chúa trước hết phải là lắng nghe, phó
thác và qui về Thiên Chúa nhân ái cách trọn vẹn và vô
điều kiện! Đặt bất cứ điều
gì khác lên trên niềm tin phó thác tuyệt đối đó,
cho dầu có là nhu cầu cuộc sống, là thăng
tiến nhân bản, là trọn lành đạo đức…,
thì đều bị coi là cám dỗ đối với
đức tin. Trước lời cầu cứu khẩn
thiết rất chính đáng của các môn đệ trong
cơn bão táp: “Thầy ơi, chúng con chết đến
nơi rồi!” (Mc 4:38), hay của Phê-rô trong lúc bị chìm
xuống nước: “Thầy ơi, cứu con” (Mt 14:30) thì
Đức Giêsu vẫn luôn quở trách các ông là đã ‘sa ngã’
vào cơn cám đỗ đức tin: “Làm sao mà anh em vẫn
chưa có lòng tin?”
Vì
thế, vào đầu mùa chay thánh, thời gian mà Hội
Thánh mời gọi con cái mình duyệt xét và củng cố
niềm tin vào một Thiên Chúa đã tự hiến, đã
chết và phục sinh để cứu độ, bài
tường thuật về các cám đỗ Đức
Giêsu đã trải qua khi khởi sự cuộc rao giảng
Tin Mừng về Chúa Cha nhân ái cứu độ thật có
ý nghĩa và đánh rất trúng trọng tâm; trong số các
điều cần chấn chỉnh trong Mùa Chay thánh này, các
Kitô hữu chúng ta (ngay cả các linh mục, tu sĩ)
cần phải đặt việc chấn chỉnh
đức tin lên hàng đầu:
-
Phải
chăng tương quan giữa tôi với Thiên Chúa (của
Đức Kitô) vẫn chủ yếu là cầu xin cho
được no đủ, được che chở,
được thăng tiến trong nhân đức, trong
tông đồ…?
-
Niềm
tin và phó thác tuyệt đối vào một Thiên Chúa từ
nhân và hay thương xót, đã cho Con Một Người
xuống thế để sống và chết cho tôi, đang ở mức độ nào?
-
Trong
cuộc sống Tin Mừng của tôi, giữa cầu xin
các ơn huệ và phó thác tin tưởng cho tình yêu nhân ái,
điều nào nổi trội hơn? Mùa chay là thời gian
để tôi suy nghĩ và trả lời các vấn nạn
trên, nếu tôi thật sự muốn chân thành hoán cải!
Lạy Chúa! Mùa Chay là thời gian hồng
phúc, là thời gian thuận tiện để con tiến xa
hơn trong niềm tin vào lòng Chúa yêu thương. Xin cho con
hằng biết chiêm ngưỡng Đức Kitô Cứu
Chúa tự hiến trên Thập Giá, để không bao giờ
con rơi vào cám dỗ đặt tin tưởng vào tình Chúa
yêu thương chỉ thông qua các ân huệ mình nhận
được. Qua Mùa Chay thánh này, xin cho con có
được niềm xác tín vững chắc như Phao-lô:
“không gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của đức
Giêsu Kitô, cho dầu là…” A-men.
|