Sống là chiến đấu
Trong chuyến viếng thăm Giáo
Hội tại Lituani vào tháng 9 năm 1993, Đức Giáo
Hoàng Gioan Phaolô II đã đến cầu nguyện tại
một ngọn đồi nổi tiếng của
nước nầy, thường được mệnh
danh là “Ngọn đồi Thập Giá”.
Ngọn đồi này nằm
tại một ngôi làng hẻo lánh. Qua suốt dòng lịch
sử của dân tộc, cứ mỗi lần có một
người dân trong làng ngã gục ngoài mặt trận thì
toàn dân trong làng tập trung lại để tưởng
niệm và dựng lên một cây thập giá.
Dưới thời Nga Hoàng cũng
như dưới thời Liên Xô đã có không biết bao
nhiêu người dân làng ngã gục để bảo vệ
nền độc lập của xứ sở. Binh lính và
công an đã làm mọi cách để triệt hạ
thập giá khỏi ngọn đồi. Trong ba thế
kỷ liền, ngọn đồi thập gái đã không ngừng
bị san bằng bởi những bàn tay vô đạo.
Nhưng cứ đêm đến, người dân trong làng
lại lẳng lặng dựng lên những cây thập giá khác.
Cuộc chiến của thập giá cứ tiếp diễn
như thế cho đến khi tự do được
thực sự vãn hồi.
Ngày nay khách hành hương tìm
đến ngọn đồi thập giá nầy để
nhận ra biểu trưng của một niềm tin
sắt đá, của khát vọng tự do, và cuối cùng,
của chiến thắng.
Anh chị em thân mến,
Có niềm tin hay không, có sống
đạo hay không, dường như ai cũng có ý
thức được rằng cuộc đời là
một trận chiến. Giáo Hội không ngừng mời
gọi các Kitô hữu chúng ta sống lại cuộc
chiến đấu của Chúa Giêsu trong sa mạc. Mời
gọi chúng ta sống lại kinh nghiệm chiến
đấu của Chúa Giêsu, Giáo Hội muốn nhắc
nhở chúng ta rằng cuộc sống niềm tin Kitô là
một cuộc chiến đầu trường kỳ.
Các sách Tin Mừng Nhất Lãm
đều kể rằng sau khi được tấn phong
bên bờ sông Giođan, Chúa Giêsu vào sa mạc đương
đầu với Satan. Thánh Marcô chỉ nói vắn tắt
rằng, Chúa Giêsu ở trong sa mạc 40 ngày và chịu Satan
cám dỗ. Còn thánh Matthêu và Luca lại kể rõ ba
chước cám dỗ của Satan, nhưng theo thứ
tự hơi khác nhau. Theo thánh Luca, những chước cám
dỗ của Satan phải được giải thích trong
mối liên hệ chặt chẽ với cuộc tử
nạn thập giá của Chúa Giêsu. Các chước cám
dỗ nhằm lôi kéo Chúa Giêsu đi trệch
đường lên thành Giêrusalem dẫn đến
đỉnh đồi thập giá. Chính vì để
nhấn mạnh ý nghĩa của đỉnh đồi
thập giá ở Giêrusalem mà thánh Luca đã sắp xếp lại
thứ tự các chước cám dỗ, để cho
chước cám dỗ sau cùng xảy ra ở Giêrusalem là
đích điểm của con đường Ngài đã
dứt khoát chọn lựa ngay từ đầu sứ
vụ Cứu Thế.
Do đó, Thánh Luca sắp xếp cám
dỗ thứ nhất là Satan thách đố Chúa Giêsu
biến sỏi đá thành cơm bánh ăn: “Nếu ông là Con
Thiên Chúa, hãy làm cho đá nầy trở thành bánh đi!” Ý đồ của Satan là xúi Chúa Giêsu
vận dụng quyền năng Thiên Chúa trao cho Ngài
để phục vụ bản thân mình trước đã.
Nhưng Chúa Giêsu đã từ chối. Ngài là Con Thiên Chúa không
phải để phục vụ bản thân mình, nhưng
để làm công việc Thiên Chúa trao cho Ngài. Ngài đến
để phục vụ và làm theo ý Đấng đã sai
Ngài. Satan muốn xúi Chúa Giêsu lấy mạng sống riêng
của mình làm cứu cánh, chỉ có mạng sống là
đáng quý, chỉ có bản thân là đáng trọng, không còn
gì quý và cao cả hơn nữa.
Dân Israel khi ở trong sa mạc
cũng đã bị cám dỗ như vậy. Khi họ
hết lương thực, họ quên tất cả giá
trị của cuộc giải phóng khỏi Ai Cập,
tất cả niềm tự hào được trở thành
người tự do. Trước nguy cơ chết
đói, họ sẵn sàng đánh đổi tất cả:
Thà làm nô lệ mà được ăn no hơn
được tự do mà phải chết đói. Nhưng
Thiên Chúa đã muốn cho họ thấy: còn có một cái gì
đáng quý trọng hơn nữa, hơn cả mạng
sống: “Người ta không sống nhờ cơm bánh mà
thôi, mà còn nhờ Lời Chúa nữa” (Đnl 8,3). Chúa Giêsu
dùng lời ấy để khẳng định rằng:
mạng sống trần gian không phải là tất cả
đâu. Ngài đã lãnh nhận cuộc sống làm
người không phải để khư khư giữ
lấy, nhưng là để cho đi, để hiến
mình cho mọi người được sống.
Cám dỗ thứ hai là Satan hứa
sẽ trao cho Chúa Giêsu mọi quyền lực và vinh quang
của các vương quốc trên trần gian nầy,
nếu Chúa Giêsu chịu thờ lạy nó. Cái “xạo”
của Satan là ở chỗ nó cho rằng nó là bá chủ
mọi vương quốc trần gian và có quyền ban
quyền lực và vinh quang cho Chúa Giêsu. Satan muốn Chúa Giêsu
nhìn nhận rằng: chỉ có quyền lực và vinh quang
của mọi vương quốc trên trần gian này là
đáng quý. Chúa Giêsu muốn được hưởng thì
cứ thờ lạy là xong ngay. Để trả lời
Satan, Chúa Giêsu phán: “Mi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa
của mi, và mi chỉ phải thờ phượng một
mình Ngài mà thôi” Đnl 6,13). Sau nầy, Philatô sẽ phải
công khai nhìn nhận rằng: Chúa Giêsu chẳng hề có
dụng ý tranh cướp quyền lực và vinh quang của
Đế quốc Rôma.
Dân Israel khi xưa đã đúc bò
vàng để thờ thay vì thờ phượng Thiên Chúa.
Đó là tội bất trung của Israel đối với
Thiên Chúa. Chúa Giêsu dứt khoát trả lời Satan: Mi không
phải là Thiên Chúa. Quyền lực và vinh quang trên trần
gian không phải là tất cả. Chỉ có Thiên Chúa mới
đáng thờ lạy, chỉ có Thiên Chúa mới có quyền
lực và vinh quang thật để ban cho Ngài.
Cám dỗ thứ ba là Satan xúi Chúa
Giêsu thử thách quyền năng Thiên Chúa; vận dụng
quyền năng Thiên Chúa để mở một con
đường tắt mà hoà thành sứ mạng; nếu
Chúa Giêsu nhảy từ đỉnh cao của đền
thờ Giêrusalem xuống mà an toàn thì tất nhiên mọi người
sẽ theo Ngài. Chúa Giêsu không theo đường tắt Satan
đề nghị. “Ngài hạ mình vâng phục cho
đến nỗi bằng lòng chết và chết trên
thập giá” để thực hiện công cuộc của
Chúa Cha. Ngài mời gọi ai muốn theo Ngài thì hãy bỏ
mình đi, vác thập giá của mình mà đi theo Ngài.
Dân Israel trong sa mạc khi thiếu
nước uống, họ đã thử thách Thiên Chúa. Chúa
Giêsu đáp lại Satan: “Ngươi đừng thử
thách Thiên Chúa của ngươi” (Đnl 6,16). Chúa Giêsu đã
không thử thách Thiên Chúa nhưng hoàn toàn tin tưởng và
phó thác trọn vẹn cho Thiên Chúa khi Ngài đi vào con
đường tuyệt vọng nhất – con
đường thập giá.
Chúa Giêsu đã chiến thắng
hết mọi chước cám dỗ của Satan. Trong
suốt thời gian Chúa Giêsu rao giảng, ma quỷ tiếp
tục thua dài hết keo này đến keo khác. Nó không còn
chước nào để cám dỗ Ngài nữa. Cuối cùng
Satan nhập vào Giuđa Iscariôt (một trong mười hai
môn đệ) để nộp Ngài. Trong cuộc giao
chiến này, Satan sẽ cướp được mạng
sống của Chúa Giêsu. Nếu quả thật không có gì
khác ngoài cuộc sống trần gian thì Satan đã thắng
rồi. Nhưng chính lúc cướp được mạng
sống của Chúa Giêsu, Satan đã đại bại,
bởi vì Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu từ trong cõi
chết sống lại và đặt Ngài làm Chúa, khiến
cho mọi loài trên trời dưới đất khi nghe Danh
Giêsu thì phải quỳ gối mà tuyên xưng Đức
Giêsu là Chúa, để làm vinh danh Thiên Chúa Cha. Đây là
cuộc chiến thắng dứt khoát và vĩnh viễn.
Anh chị em thân mến,
Đọc lại đoạn Phúc
âm này vào ngày Chúa Nhật đầu Mùa Chay, Giáo Hội
muốn mời gọi chúng ta suy nghĩ về cuộc
sống Kitô hữu như một cuộc chiến
đấu với Satan. Chúa Giêsu đã chiến thắng
Satan, làm con Thiên Chúa. Nhưng chúng ta còn phải thể
hiện bản chất con Thiên Chúa ấy trong cuộc
sống. Chúng ta phải đích thân chiến thắng Satan
trong cuộc sống của chúng ta. Chúa Giêsu đã chiến
thắng để cho chúng ta có thể chiến thắng
nhờ Thánh Thần Ngài ban cho, nhưng không hề miễn
cho chúng ta khỏi chiến đấu. Mùa Chay là thời
kỳ tập luyện tích cực để chiến
đấu với Satan.
Những cám dỗ mà Satan đã
đem ra dụ dỗ Đức Giêsu vẫn là những cám
dỗ muôn đời của con người.
Cơm ăn, áo mặc, danh
vọng, tiền của, quyền uy, thế lực. Có
những người, để làm giàu cho bản thân mình
đã tán tận lương tâm, chà đạp mọi quy
luật của đạo đức… Có những
người, vì danh vọng, vì quyền lực, đã
sẵn sàng sinh sát anh em đồng bào mình… Những cám
dỗ ấy liên tục xảy ra trong cuộc sống chúng
ta. Nếu chúng ta không cảnh giác, không được trang
bị bằng ánh sáng và sức mạnh Lời Chúa, chúng ta
sẽ ngã gục lúc này không hay!
Càng có điều kiện
để làm giàu, có điều kiện để thụ
hưởng danh vọng và nắm giữ quyền lực,
càng dễ bị Satan cám dỗ. Có của mà vẫn sống
lương thiện, hưởng thụ danh vọng mà
vẫn khiêm tốn, hiền hoà, nắm giữ uy quyền
mà vẫn là người phục vụ chân thực… đó
là một thử thách lớn, là một cuộc đấu
tranh gay gắt. Những cơn cám dỗ đến với
Chúa Giêsu, các Lời Chúa đáp lại, và sự vượt
thắng cám dỗ của Chúa vẫn là cái gì gần gũi
với chúng ta ngày hôm nay, trong cả cuộc sống,
nếu không muốn nói là từng giây phút, khi mà các nhu
cầu tối thiểu còn là vấn đề quan trọng
và cấp bách, khi mà lòng tham quyền bính và bả vinh hoa
vẫn làm cho nhiều người mong bước vào.
Muốn chống trả và
chiến thắng Satan, cần phải có tinh thần từ
bỏ và tấm lòng siêu thoát. Chúa Giêsu đã chiến
thắng Thần Chết và tội lỗi. Chúng ta cũng có
thể chiến thắng mọi cám dỗ và thử thách,
nếu chúng ta biết dựa vào Thiên Chúa, biết dùng vũ
khí vạn năng mà Chúa Giêsu đã trao cho chúng ta. Lời Chúa
mà thánh Luca ghi lại vẫn là lời nhắc nhở các tín
hữu, đừng để sa vào các cơn cám dỗ, mà
ngày nay không khác với ngày xưa, nếu không muốn nói là
còn lộ liễu hơn. Hãy lấy chính Lời Chúa làm
sức nâng đỡ, lời chỉ đạo, và hãy
lấy tâm gương Chúa làm tiêu chuẩn cho cuộc
sống để đương đầu với
những cơn thử thách bất cứ từ đâu
tới.
|