Cùng Chúa chiến thắng cám
dỗ
(Suy niệm của
Lm. Giuse Trần Đình Túc)
Chuyện xưa kể rằng: Vua
nước Thục có tính tham lam. Huệ vương, vua
nước Tần lại muốn xâm chiếm nước
Thục. Nhưng vì khe núi hiểm trở, không thể
đem quân sang đánh, Huệ vương sai lấy đá
tạc hình một con trâu để gần địa
giới nước Thục, mỗi ngày bỏ vàng sau
đuôi trâu và phao tin đồn rằng: “Trâu đãi ra vàng”.
Tiếng đồn ấy đến tai
vua Thục. Ông liền sai xẻ núi lấp khe và cho năm
lực sĩ vào rừng kéo con trâu đá về. Huệ
vương nhờ đó sẵn lối đi, liền
đem quân tiến đánh, cướp được
nước Thục. Vua Thục vừa mất nước,
vừa hại cả mình, vừa để lại trò
cười cho thiên hạ.
Vua Thục chỉ vì tham chút lợi
nhỏ giả tạo mà mất nước, và số vàng kia cũng quay trở lại vào tay quân thù. Thiên hạ cười chê nhà vua dại khờ vì
đã chọn lựa sai.
Kính
thưa quý ông bà anh chị em,
Cuộc sống luôn mở ra cho chúng ta
những chọn lựa, thử thách. Tuy nhiên, với người này, gian nan
thử thách có thể làm cho họ nhụt chí, thoái lui, hay
vấp ngã ê chề; nhưng với người khác, có
thể lại là dịp để họ lớn lên,
trưởng thành và vững chắc hơn trước
thách đố cuộc sống.
Cám
dỗ gắn liền với phận người tự
do. Bởi tự do chỉ thực sự có giá trị và ý
nghĩa khi nó đi liền với chọn lựa.
Những chọn lựa thật dứt khoát của Chúa
Giêsu trong Tin Mừng hôm nay có thể gợi lên một thái
độ mới trước những thách đố
của cuộc sống, đồng thời cho chúng ta cái
nhìn chân xác hơn về bản chất của những
cơn cám dỗ trong cuộc đời.
Bởi
cám dỗ không đơn giản là xúi giục làm
điều xấu, nhưng còn là những mánh khóe biến
giả thành thật, thực thành ảo, là thủ
đoạn tô hồng những khía cạnh chân thật,
đánh bóng những nhu cầu giả tạo – thoạt nhìn
– thật tốt đẹp và cần thiết, nhưng
thật ra, đó chỉ là hình ảnh ảo, hoặc
một cái nhìn rất phiến diện.
Cám dỗ
thứ nhất ma
quỷ đưa ra hôm nay là nhu cầu ăn
uống, là đánh vào bản năng sinh tồn, đánh vào
thân xác luôn đòi hỏi nâng niu, chiều chuộng. Đây
quả là một nhu cầu thật thiết thân, nhưng
chưa phải là nhu cầu cao nhất, càng không phải là
nhu cầu độc nhất. Bởi cứ mải đánh
bóng nhu cầu vật chất, nhiều người bị
mờ mắt, không còn ý thức đến nhu cầu tinh
thần, và nguy hiểm hơn, đánh mất phẩm giá
của mình để rơi vào một hình thức nô lệ
khác: nô lệ cho vật chất và cái bụng.
Cám dỗ
thứ hai là một nhu
cầu khác, cao hơn và hấp dẫn hơn nhu cầu ăn uống. Đó là cơn cám dỗ chính
yếu của con rắn địa đàng trong bài
đọc I hôm nay: “Chẳng chết chóc gì đâu! Thiên Chúa
biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó,
mắt hai người sẽ mở ra và ông bà sẽ nên
như những vị thần biết điều thiện
điều ác”.
Ngày nay, đó là cơn cám dỗ nhắm
vào bản năng đối kháng. Là tìm cách chạy trốn giới
hạn cùng những thực tại phũ phàng để
bay lên bằng ảo giác của bia bọt và thuốc kích
thích,… Là thèm khát địa vị,
quyền chức thế gian, nhắm vào khuynh hướng
thích ngồi chiếu trên, để thống trị, áp
đặt quyền lực trên người khác… Bởi
Thiên Chúa luôn có vẻ như vắng mặt, nên con
người rất dễ chạy theo những vị
thần giả hiệu, chúng có tên là tiện nghi, sắc
đẹp, kiến thức, tài năng,…
Khát vọng vươn lên một cuộc
sống tốt đẹp hơn là một khát vọng chính
đáng. Nhưng mối nguy của nó ở chỗ
điều kiện luôn đi kèm: phải thỏa hiệp
với sự dữ. Nhiều người vì muốn
thăng quan tiến chức mà phải chạy chọt, gian
lận, sống luồn cúi, bất lương và vì
thế, họ vô tình “bái lạy” ma quỷ mà không hề hay
biết.
Cám dỗ thứ ba là cám dỗ xảo quyệt nhất. Vì nó không xui giục người ta
bỏ Chúa, nhưng khuyến khích người ta chạy
đến cầu xin với Ngài để được
ban phép lạ. Thực ra, cầu xin không
phải là chuyện xấu xa, và một đời sống
đạo đức, gắn bó với Thiên Chúa là
điều đáng khuyến khích.
Tuy
nhiên, Chúa Giêsu đã khước từ lời đề
nghị của quỷ ma, vì xin không phải là thử,
lại càng không phải là thách thức Thiên Chúa, đòi
kiểm chứng bằng dấu lạ điềm thiêng.
Đó là cơn cám dỗ tìm những pha
ngoạn mục, kiếm những chuyện thần kỳ,
muốn gặt hái những thành công lẫy lừng bằng
những chuyện kinh thiên động địa.
Cơn
cám dỗ này thúc đẩy người ta đổ xô
đi tìm phép lạ, dùng quyền năng Thiên Chúa để
trốn tránh khó khăn, nghịch cảnh. Thích
phô trương màu mè, nhưng rất ngại nghe Lời
Chúa, hoặc mượn danh nghĩa việc tông đồ
để cầu danh trục lợi. Không
ít người đã từ bỏ, không còn đặt
niềm tin vào Thiên Chúa chỉ vì xin mà không được.
Như thế, Ác thần chẳng
những dùng điều xấu xa, mà còn có thể lợi
dụng việc đạo đức tốt lành
để đẩy con người ra xa Thiên Chúa. Những cơn cám dỗ ma quỷ
thật vô cùng tinh khôn và hiểm độc vì nó tiến
từng bước: từ hạ thấp phẩm giá
đến tước mất tự do của con
người. Sau cùng là chối bỏ,
khước từ Thiên Chúa. Cơn cám dỗ càng
hiểm độc khi âm mưu nham hiểm được
bọc trong lớp vỏ nhung lụa, ngọt ngào, hợp
lý và đầy quyến rũ của
những nhu cầu, quyền lực và uy tín.
Chúa
Giêsu được Thánh Thần thúc đẩy đi vào sa
mạc, vì 40 ngày chay tịnh đầy thử thách, không
chỉ như giai đoạn thanh luyện, chuẩn bị
cho sứ vụ sắp tới của Ngài, mà còn là một
gặp gỡ, để đón nhận sức sống
từ trời cao cho hạt mầm cứu độ
đâm chồi nảy lộc giữa lòng thế giới. Ngài
đi vào sa mạc không chỉ để
đối đầu với thử thách mà còn để
sống tâm tình con thảo với Chúa Cha.
Vì
thế, sa mạc không chỉ là nơi
hoang vu, thiếu thốn, nhiều cạm bẫy đáng
sợ, mà còn có thể là chặng dừng quan trọng, là
nơi gặp gỡ của những con tim. Con tim Thiên Chúa và con tim nhân loại.
Mùa
Chay vì vậy, không chỉ là mùa của kiêng khem, khổ
chế trong u sầu than vãn, mà còn là giờ của ân
sủng, là thời gian Thiên Chúa yêu thương chúng ta.
Bởi
những cơn cám dỗ và lời thách thức: “Nếu ông
là con Thiên Chúa” trong Tin Mừng hôm nay vẫn có đó giữa
đời thường, như gắn liền với thân
phận đàn con lũ cháu của Ông Bà
Nguyên Tổ.
Dù
có khoác lớp áo mới hào nhoáng, hấp dẫn, tinh vi, hiện đại hơn, thì cũng là
một chuỗi những cám dỗ của thuở
đầu tạo dựng. Nếu lo sợ
đi tìm một biện pháp giải trừ, tìm một
phương cách để chống chọi hay tránh né
vẫn thật sự chưa đủ. Điều cần thiết là một định
hướng, một thái độ, một cách nhìn. Bởi một khi đã gạt Thiên Chúa ra khỏi
những suy nghĩ của mình, chúng ta cũng rất dễ
hào phóng mở lòng ra với cơm bánh, của cải và danh
vọng. Vì thế, khi chọn bước vào cuộc
chiến suốt 40 ngày sa mạc, Chúa Giêsu muốn chứng
tỏ với thế gian rằng: Con người có thể
thắng được những cám dỗ của thế
lực tối tăm, nếu biết chọn đứng
về Thiên Chúa và sống bằng sức sống của
Ngài.
Chọn Thiên Chúa và thực thi thánh ý Ngài,
là thông điệp mà Chúa nhật đầu Mùa chay hôm nay
gửi đến chúng ta, như lời gọi mời
một tư thế đứng thẳng, và để
lại sau lưng những ươn lười, ngần
ngại. Đứng
thẳng lên để cùng với Chúa Giêsu đi tới trong
cuộc hành trình Mùa chay: nói KHÔNG với cái xấu, cái
thấp hèn; nói KHÔNG với lối sống buông thả, gian
tà, nhu nhược.
Nhưng điều quan trọng hơn
có lẽ là cách nhìn của mỗi chúng ta về những khó
khăn, thách đố của đời thường. Bởi những thách đố của
cuộc sống hôm nay có thể làm chúng ta lo sợ, tránh né,
hoặc thỏa hiệp với tà tâm, bất chính, nhưng
cũng có thể là cơ hội cần thiết giúp chúng ta
lớn lên hơn, vững vàng hơn, để sống công
chính và thẳng ngay trong tư thế đứng thẳng
của những người con Thiên Chúa.
|