LUẬT SỐNG
Chú giải của William Barclay
Chúng ta đọc thấy một
chuỗi những câu nói có vẻ không liên hệ nhau. Có
hai cách giải thích: có thể Luca thâu góp những lời Chúa
Giêsu đã nói trong những dịp khác nhau và ông cho chúng ta một
bảng tóm lược các luật sống. Hoặc
có thể đây là điển hình về phương pháp giảng
dạy của Do Thái. Người Do Thái
gọi giảng dạy là charaz, nghĩa là xâu chuỗi.
Các rapbi có dạy rằng diễn giả không nên nói lâu về
một đề tài, nhưng để hấp dẫn thính
giả, nên thay đổi mau chóng từ đề tài này
sang đề tài khác. Vì thế lời giảng
của người Do Thái có vẻ rời rạc đối
với chúng ta. Đoạn Kinh Thánh này được
chia làm bốn phần.
1. Câu 39-40, Chúa Giêsu cảnh cáo thính giả rằng
không giáo sư nào có thể đưa học trò mình đi xa
mức độ mà chính mình đã đạt và đây là lời
cảnh cáo hai chiều cho chúng ta. Trong khi học,
chúng ta chỉ nên học với một giáo sư tốt nhất
vì chỉ có giáo sư ấy mới có thể đưa chúng
ta tới một độ cao nhất. Trong
khi dạy, chúng ta đừng quên rằng chúng ta không thể
dạy điều gì mình không biết.
2. Câu 41-42, đây là một tỷ dụ về
tính khôi hài của Chúa Giêsu. Hẳn Ngài đã mỉm
cười khi vẽ bức hoạ về một người
có cái xà trong mắt mình mà cứ cố gắng moi một cái
rác ra khỏi mắt kẻ khác. Chúa Giêsu
dạy rằng chúng ta không có quyền phê bình khi chúng ta còn
khuyết điểm. Điều này có nghĩa
là chúng ta không có quyền đoán xét gì cả, bởi “có nhiều
điều xấu trong những người tốt nhất,
có nhiều điều tốt trong những người xấu
nhất giữa chúng ta, đến nỗi ai trong chúng ta cũng
phải xấu hổ khi muốn moi tội kẻ khác”.
3. Câu 43-44 nhắc nhở chúng ta chỉ có thể
nhận xét người khác qua việc làm của họ. Có người
nói với một giáo sư: “tôi không thể nghe lời ông nói
vì đã thấy con người của ông rồi”. Giảng và dạy, cả hai điều là “sự
thật qua nhân cách”. Lời hay không bao giờ thay thế
được việc tốt. Điều đó
rất thích hợp cho ngày nay. Chúng ta sợ
hãi tiếng đe doạ của các phong trào thế tục.
Chúng ta không bao giờ đánh bại được
các phong trào đó bằng cách viết nhiều sách báo và tổ
chức nhiều cuộc giảng thuyết. Con đường
duy nhất để chứng tỏ tính siêu việt của
Kitô giáo là chúng ta phải sống thế nào cho mọi người
thấy Kitô giáo sản xuất ra những người tốt
thật.
4. Câu 45. Trong câu này Chúa Giêsu nhắc
chúng ta xét cho cùng, lời nói ở môi miệng chúng ta chỉ
là sản phẩm của lòng chúng ta. Không
ai có thể mở miệng nói về Chúa nếu Thánh Linh không
ở trong lòng người ấy. Không có
điều gì bộc lộ rõ tâm trạng của một người
cho bằng chính lời nói của họ, khi họ không ý tứ
lúc nói năng, khi họ tự do phát ngôn, nghĩ sao nói vậy.
Nếu bạn hỏi thăm đường đến một
chỗ nào đó, người thì bảo nó ở gần nhà thờ
nọ, người khác lại bảo nó ở gần rạp
hát kia, người khác lại chỉ nó gần
sân bóng đá, người khác nữa nói nó gần một công
sở. Chính câu trả lời cho một câu hỏi
bất ngờ có thể cho thấy tư tưởng của
người đó thường tập chú vào đâu và những
sở ước của họ đặt ở đâu.
Lời nói của chúng ta phản ánh tâm địa
của chúng ta.
|