Chúa Nhật VIII thường niên - Năm C
CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN C
Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu
Duyên
Một lần nữa, Lời Chúa lại muốn
nói nhiều hơn với những ai được đặt
lên làm "lãnh đạo", "làm đầu": "Hãy
lấy cái đà ra khỏi con mắt mình trước đã".
Cái "đà" Chúa nói ở đây không phải chỉ là
những sai lầm thường có, nhưng là những sai lầm
cơ bản và nghiêm trọng. Thậm chí có thể nói như
Chúa nói, nó làm cho chúng ta trở thành những kẻ mù, và làm
tiêu hủy cái sứ vụ. Và dường như Chúa cũng
muốn nói nhiều hơn về "lời nói" trên môi
miệng người "làm đầu", khi muốn kết
thúc lời dạy bằng nhận định " và kẻ
dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều
ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra".
Có thể là có một liên đới trong cùng
một suy nghĩ khi bài Đức Huấn Ca kết luận
"Lời nói là sự thử thách của con người",
vì "nghe lời nói cũng biết tư tưởng lòng
người như thể ấy."
Trọng tâm Lời Chúa trong Chúa Nhật hôm nay
rõ ràng cảnh báo chúng ta về lời nói, lời rao giảng.
Chắc chắn nhiều giáo dân cũng được cởi
mở nỗi lòng để tin Chúa hơn, khi thấy Chúa cũng
rất là thông cảm với họ khi phải nghe các "lãnh
đạo" chúng ta rao giảng. Họ nhận ra rằng
dù sao Chúa cũng đích thực có cái tình thương giản
đơn nhưng thực tế và mãnh liệt, điều
ấy khiến họ yêu Chúa hơn. Ước gì cảm
nghiệm đó lớn mạnh lên trong lòng mỗi tín hữu.
Thực vậy, khi nghe các bài giảng ở nhà
thờ, ngày nay người tín hữu có một nhạy cảm
và "dị ứng" với những bài giảng luân lý-đạo
đức. Đó là một thực tiễn, cho dù muốn
hiểu và muốn nhìn nó thế nào. Thực ra người
giảng trong thời đại này cũng đã tự hạn
chế rất nhiều. Cái băn khoăn và trăn trở
chính là nền luân lý và đạo đức càng ngày càng suy
thoái. Nhưng có lẽ chúng ta hãy trở về với bối
cảnh xã hội của Tin Mừng để khám phá lại
nguồn mạch của công cuộc loan báo Lời Chúa. Bối
cảnh của một xã hội cũng trên đà suy thoái...Những
cung đình thời đó cũng là những trung tâm gieo rắc
lối sống sa đoạ. Thánh Phaolô từng phải đối
diện với một thế giới có lẽ cũng dị
ứng với những vấn đề tôn giáo không kém thời
đại hôm nay. Đã có những người chủ trương
lấy lề luật làm trọng điểm canh tân. Nhưng
Phaolô bằng kinh nghiệm bản thân, bằng mạc khải
đã lãnh nhận có một chủ trương khác: Người
viết "Nọc độc của sự chết là tội,
thế lực của tội là lề luật". Bởi
vì cũng chính là luật đã thúc bách người lên đường
tầm nã các Kitô hữu, cũng chính là luật đã lôi Đức
Kitô ra tòa... qủa thật luật là thế lực của
tội. Vì vậy Thánh Phaolô luôn khẳng định "chúng
tôi không rao giảng điều gì khác ngoài Đức Giêsu
Kitô chịu đóng đinh". Và hôm nay người nói với
chúng ta "Cảm tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã ban
cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô."
Với Đức Giêsu, Ngài đã đến
không phải để hủy bỏ lề luật, nhưng
là để kiện toàn. Luật, đối với Ngài, là
mặc khải về Thiên Chúa cho con người, do đó người
ta phải giải thích lề luật bằng chính mầu
nhiệm thẳm sâu của Thiên Chúa. Mầu nhiệm ấy
được Đức Giêsu trình bày qua sự chết và sống
lại của Ngài: mầu nhiệm của một tình yêu lớn
hơn sự chết. Nơi Đức Giêsu, đúng hơn,
nơi sự chết và sống lại của Ngài, Luật
đã được tôn vinh và đạt tới tầm vóc
siêu việt của nó. Trong khi nơi chính những con người
hô hào bảo vệ luật pháp, thì Luật đã bị họ
chôn vùi và đầy đoạ, trở thành cái thế lực
cho họ khống trị và giết chết anh em mình. Chúng
ta hãy cầu nguyện cho mọi lời rao giảng luôn bộc
lộ Tình Yêu đã thành Luật Vĩnh Hằng nơi Đức
Giêsu Kitô.
Sống trong sứ vụ phải rao giảng
Lời Chúa, lời "Hỡi kẻ giả hình,, hãy lấy
cái đà ra khỏi con mắt mình trước đã..." là
lời có ý nghĩa rất đặc biệt. Tôi luôn cảm
thấy sức nặng của lời Chúa, luôn nhận ra sự
mong manh giữa "giả hình" và suy niệm Lời. Không
mấy khi tôi không hãi sợ đến thấm mồ hôi... Nhưng
dù sao, chính Đức Giêsu cũng đã thấy rất rõ chân
tướng của mình, nên Ngài bảo "Chúng con đừng
sợ là phải nói gì. Khi đó sẽ dạy cho chúng con biết
phải nói gì" tôi vẫn tin vào cái ơn Chúa hứa, mà tôi
quen nghĩ đó là "ơn đấng bậc". Và tôi
nghĩ chính ơn này khiến cho lời tôi rao giảng được
đón nhận.
|