CHÚA NHẬT VIII THƯƠNG NIÊN C
Suy niệm của NCK
Câu hỏi gợi ý:
1. Bạn là người đang có trách nhiệm
hướng tinh thần hoặc tâm linh dẫn một số
người, chẳng hạn những người trong gia đình
bạn, con cái bạn, hay một tập thể lớn nhỏ
nào đó. Bạn có ý thức rằng nếu bạn không đủ
khôn ngoan sáng suốt thì bạn sẽ dẫn cả gia đình
hay tập thể của bạn vào con đường sai lầm
tai hại không? Bạn phải làm gì để tránh được
tình trạng đó?
2. Có thể căn cứ vào lời nói của
một người để biết người đó tốt
hay xấu, ngay thẳng thật thà hay quanh co gian dối không?
Kinh nghiệm cho bạn thấy thế nào về những
người khéo nói, nói hay, nói giỏi?
3. Tại sao thấy lỗi của người
thì dễ, mà thấy lỗi của mình thì khó? Bạn có thấy
mình có khuynh hướng xấu ấy không? Làm sao để
sửa?
Suy tư gợi ý:
1. Những người dẫn lối chỉ
đường cần phải sáng mắt
Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ
nào cả hai lại không sa xuống hố?. Đức Giêsu
đưa ra một chân lý liên quan đến việc hướng
dẫn, lãnh đạo bằng một minh họa rất cụ
thể. Về tinh thần hay tâm linh, người không đủ
khôn ngoan sáng suốt về mặt này mà lại dẫn lối
chỉ đường cho người khác đi, thì chỉ
có nước làm hại người ta thôi. Làm hại người
ta về mặt vật chất nhiều khi không tai hại
bằng làm hại người ta về mặt tâm linh. Vì thế,
những người đang có trách nhiệm hướng đạo
về mặt tâm linh cần phải có khả năng đích
thực, phải biết nhìn xa trông rộng, và nhất là phải
có tình yêu rộng mở, có lòng nhiệt thành, và có một đời
sống tốt đẹp phù hợp với những hiểu
biết về tâm linh.
Những người hướng dẫn người
khác về mặt tinh thần hay tâm linh, không những phải
có những kiến thức đúng đắn và lành mạnh
về tâm linh, mà còn phải có một đời sống tâm
linh thật sự và sâu xa nữa. Thời nay, rất nhiều
người hướng dẫn tâm linh quá chú trọng tới
những kiến thức (về tâm linh, về đời sống
tâm linh, về Thiên Chúa, về đạo đức, về
những việc phải làm), nhưng lại quá ít chú trọng
tới kinh nghiệm đích thực về tâm linh, không chủ
yếu giúp người khác cảm nghiệm về Thiên Chúa,
có tương quan thật sự cá nhân với Ngài. Người
được họ hướng dẫn nhận thấy
họ nói quá nhiều và quá hay so với thực tế họ
sống và cảm nghiệm được. Họ quên rằng
đời sống nội tâm của người hướng
dẫn về tâm linh có sâu xa thì mới có khả năng hấp
dẫn và lôi cuốn người khác đi vào con đường
ấy. Lời nói hay chỉ có tác động thoảng qua,
còn gương sống mới có tác dụng lôi cuốn đích
thực. Người hướng dẫn sáng suốt là người
giúp người khác sống được, thực hành được,
chứ không phải chỉ giúp họ hiểu rõ hay hiểu
đúng mà thôi.
2. Căn cứ vào hành động mà biết được
con người
Ngày nay, người ta chán ngán nhiều người
trong xã hội cũng như trong Giáo Hội nói quá hay mà làm
chẳng ra làm sao. Nhiều từ ngữ, nhiều tuyên bố
kiểu dao to búa lớn, nghe rất kêu nhưng nội dung rỗng
tuếch được lập đi lập lại hằng
ngày trên các đài phát thanh, trên tivi, trên các chương trình
quảng cáo, trên các bài giảng, bài báo, trong các mẩu đối
thoại, những cuộc nói chuyện, v.v. Nhiều người
lầm tưởng những người nói hay như vậy,
là những người tốt. Nhưng Đức Kitô
đã đưa ra cho chúng ta một nguyên tắc rất thực
tiễn để biết được ai tốt ai xấu:
Cứ xem quả thì biết cây. Để biết một
người là tốt hay xấu, phải nhìn vào hành động
của họ, chứ không chỉ nghe lời họ nói. Lời
nói hay chỉ có thể chứng minh được sự thông
minh và lanh lợi, khả năng suy nghĩ sâu xa hay nông cạn
của người đó, chứ không nói lên được
tính đạo đức, tình yêu thương, sự quảng
đại, cao thượng, ngay thẳng, trong sáng, can đảm
của họ.
Kinh nghiệm đời thường cho thấy
người càng hô hào cổ vũ bằng miệng nhiều,
càng tuyên bố nảy lửa, giật gân, hùng hồn, thì càng
ít hướng về hành động. Nghĩa là càng nói nhiều
thì càng làm ít.
Kitô giáo - cũng như linh hạnh Khôi Bình - là
một đường lối sống, là một con đường
hành động, chứ không phải là một lý thuyết để
học hỏi, để bàn luận, tranh cãi. Đặc tính
của Kitô giáo - cũng như linh hạnh Khôi Bình - là nghiêng
về hành động, hay hướng về hành động.
Lý thuyết tuy rất cần thiết, nhưng chỉ là phương
tiện để đi đến hành động. Lý thuyết
mà không đi đến hành động chỉ là lý thuyết
xuông, vô giá trị. Thế giới được biến đổi
nên tốt đẹp hơn là nhờ những con người
hướng đến hành động hơn là những
con người lý thuyết.
Vì thế, mỗi Kitô hữu, mỗi thành viên
Khôi Bình, muốn sống đúng lý tưởng hay bản chất
của mình, thì phải tự phấn đấu để
trở nên một con người của hành động. Nghĩa
là phải biến tất cả những điều mình chủ
trương thành thực tế, phải biến Tin Mừng
của Chúa Kitô thành hành động cụ thể. Tuyệt đối
tránh tình trạng nói mà không làm, hay nói nhiều mà làm ít. Tốt
nhất người Kitô hữu hay thành viên Khôi Bình nên nói ít
mà làm nhiều. Làm cho bằng được rồi mới
nói mới khuyên. Chưa làm được thì chưa nói gì,
chưa khuyên ai.
3. Tự sửa mình nhiều hơn sửa người
khác
Người chủ trương làm nhiều
hơn nói, tự nhiên sẽ quan tâm tới hành động của
mình hơn là xét nét hành động của người khác. Họ
sẽ tự xét xem hành động của mình còn thiếu sót
chỗ nào, cần phải sửa chỗ nào. Họ nhận
thấy sửa chính bản thân mình thì dễ thực hiện
vì điều ấy tùy thuộc vào chính mình, do mình làm chủ,
nên hễ mình muốn sửa là sửa được. Còn sửa
lỗi người khác thì khó hơn rất nhiều vì
điều ấy không tùy thuộc vào mình, không do mình làm chủ.
Vả lại, họ muốn chính mình nên thánh trước đã.
Mình đã là thánh rồi thì cảm hóa hay sửa chữa người
khác sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Nếu bản
thân mình còn đầy khiếm khuyết, thì mình sửa sang
ai được? Người ta sẽ bảo Hỡi thầy
thuốc, hãy chữa lấy mình đã, đừng làm theo kiểu
Chân mình những lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà
rê chân người.
Đức Kitô muốn chúng ta - những Kitô hữu,
hay những thành viên Khôi Bình - hãy tự xét lỗi chính bản
thân mình đã, chứ đừng vội xét lỗi người
khác. Thường thì ta dễ thấy những lầm lỗi
của người khác, cho dù lầm lỗi ấy rất
nhỏ. Còn những lầm lỗi của chính mình thì mình lại
không thấy, cho dù rất lớn. Nếu một tập thể
hay một gia đình mà trong đó ai cũng đều có tính
chỉ nhìn thấy lỗi của người khác mà không thấy
lỗi của chính mình thì đời sống chung sẽ rất
khó chịu. Khi chỉ thấy lỗi của người
khác, thì mình sẽ dễ dàng trách móc, bực bội, hờn
giận người khác, và sẽ thấy thật đau khổ
khi phải sống chung với những người ấy.
Đây là một khuynh hướng chung trong tâm
lý mọi người. Nếu chúng ta không ý thức và phản
tỉnh, hay nói theo từ của Tin Mừng là không tỉnh
thức, thì chúng ta khó lòng thoát khỏi tật xấu đó.
Rất có thể ta đang có tật đó mà không biết,
hoặc tưởng là không có. Chính tôi - người viết
bài này - nhận thấy nhiều người chung quanh mình được
coi là loại khá phản tỉnh mà cũng mắc phải tật
này. Và biết đâu người khác nhìn vào tôi cũng thấy
tôi có tật như vậy, đang khi chính tôi lại tưởng
mình không hề có tật ấy!? Phải xét mình thường
xuyên ta mới tránh được tật xấu này.
Nguyện:
Lạy Cha, xin cho con nhận ra những lầm
lỗi của con, chứ không phải thấy lỗi của
người khác. Thấy được lầm lỗi của
mình thì có lợi hơn thấy lầm lỗi kẻ khác. Nhờ
đó mà khiêm nhượng hơn, dễ sống với người
khác hơn. Xin cho con đủ thành thật và khiêm nhượng
để thấy được lỗi của chính mình. Amen.
|