YÊU THƯƠNG
SƯU TẦM
Huyền thoại Hy lạp kể lại rằng:
Narcisse là một vị thần rất đẹp
trai, khiến cho nàng tiên Echo đem lòng yêu thương say đắm.
Thế nhưng, Narcisse không những đã cự tuyệt mối
tình say đắm ấy, mà còn biến nàng thành tượng
đá.
Ngày kia, Narcisse đi lang thang, tình cờ chàng đến
bên một giòng suối. Chàng nhìn ngắm bóng hình mình in trên mặt
nước và cảm thấy ngất ngây vui sướng. Chàng
cố sức nắm bắt bóng hình ấy, nhưng không tài
nào nắm bắt được. Chính vì thế, chàng sinh ra
buồn sầu, ủ rũ và qua đời. Sau khi chết,
chàng hóa nên cây thủy tiên, mọc bên giòng suối.
Bởi đó trong tiếng Pháp, danh từ “narcisse”
có nghĩa là kẻ hợm hĩnh về sắc đẹp
của mình, còn danh từ “narcissisme” có nghĩa là lòng tự kiêu
quá đáng.
Mỗi người chúng ta, không ít thì nhiều,
cũng giống như chàng Narcisse đáng buồn ấy, bởi
vì ai cũng yêu mình thái quá, ai cũng thích khoe rằng mình tài,
mình giỏi, mình đẹp, mình hay… Ai cũng muốn mình là
nhân vật số một, mình là “number one”, mình là trung tâm của
thế gian, mình là cái rốn của vũ trụ. Ai cũng
thường nghĩ rằng kẻ khác sinh ra là để phục
vụ cho mình và rồi cuối cùng mình sống trong cô độc
và chết trong quạnh hưu, còn bản thân cũng chẳng
hóa kiếp thành cánh hoa thủy tiên mọc bên giòng suối hư
vô.
Thế nhưng, Chúa Giêsu đã đến để
giải thoát con người khỏi tình cảnh đáng thương
ấy. Ngài chỉ cho chúng ta phương thức khai thông những
bế tắc, bằng cách tận diệt cái tôi ích kỷ và
kiêu căng để đến với tha nhân và yêu thương
anh em đồng loại.
Cụ Phan bội Châu đã viết trong “Lưu
cầu huyết lệ thư” như sau:
- Con chim sắp chết hót tiếng hót bi thương,
con người sắp chết nói lời tâm huyết.
Lời tâm huyết của Chúa Giêsu trối lại
cho các môn đệ trong phòng tiệc ly, trước khi Ngài
ra đi chịu chết, đó là:
- Thày truyền cho các con một điều răn
mới, là các con hãy yêu thương nhau.
Bản tính của Chúa chính là Tinh yêu và cốt
lõi của đạo Chúa cũng chính là Tình yêu. Sở dĩ
đạo Chúa được gọi là đạo Công giáo
vì đã dạy một điều phổ quát, chung cho mọi
người, đó là hãy yêu thương nhau.
Tất cả những ai yêu thương anh
em, đều là người có đạo, đều là Kitô
hữu, đều là môn đệ của Chúa. Thực vậy,
Ngài đã truyền day:
- Người ta cứ dấu này mà nhận
biết các con là môn đệ Thày, là các con hãy yêu thương
nhau.
Trong ngày sau hết, chúng ta sẽ bị tra vấn
về những hành động bác ái, và công hay tội của
chúng ta được ấn định dựa trên một
tiêu chuẩn duy nhất đó là tình yêu, như chúng ta đã thấy
trong hoạt cảnh của ngày phán xét:
Ai cho người đói được ăn,
người khát được uống, người trần
trụi được mặc, ai thăm viếng người
đau yếu, người bị giam cầm, ai nhường
cơm sẻ áo va tiếp đón khách lạ… thì sẽ
được ân thưởng hạnh phúc thiên đàng.
Vậy chúng ta phải yêu thương anh em như
thế nào?
Chính Chúa đã dạy:
- Các con hãy yêu thương nhau như Thày đã
yêu thương các con.
Đây là một tiêu chuẩn, một đòi hỏi
rất cao, cũng cao như tiêu chuẩn và đòi hỏi:
- Các con hãy nên trọn lành như Cha các con ở
trên trời là Đấng trọn lành.
Yêu thương anh em như Chúa đã yêu thương
chúng ta. Về số lượng, Chúa đã yêu thương
hết mọi người, kể cả những kẻ thù
địch, bằng chứng là trên thập giá, Ngài đã cầu
nguyện cho những kẻ làm khốn mình:
- Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng
biết việc chúng làm.
Về phẩm chất, Chúa đã yêu thương
chúng ta tới mức đã đổ hết máu mình ra để
tầy xóa tội lỗi chúng ta như lời Ngài đá phán:
- Không ai yêu hơn người hiến mạng
sống mình vì bạn hữu.
Trong cuộc sống, có những vị thánh,
nhờ ơn Chúa, đã thực hiện được một
ty cao cả như thế, chẳng hạn các thánh Tử
đạo Việt Nam đã đổ máu đào để làm
chứng cho Chúa, thánh Maximilianô Kolbê đã tình nguyện chết
thay cho một bạn tù, Cha Đamiêng đã tình nguyện sống
giữa những người phong cùi ở hải đảo
Molokai để giúp đỡ họ, Mẹ Têrêxa thành
Calcutta đã tận tình chăm sóc những người bất
hạnh và nghèo khổ.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã thực thi giới
luật yêu thương Chúa truyền dạy hay chưa? Nếu
có, thì tình thương của chúng ta đã vượt khỏi
những người thân quen, để tìm đến với
những kẻ bất hạnh và khổ đau, nhất là
đến với kẻ kẻ thù oán, ghét bỏ chúng ta hay
chưa?
Chúng ta có giám hy sinh thời giờ, tiền bạc
và công sức để giúp đỡ những kẻ chẳng
may gặp phải tai ương hoạn nan, như người
Samaria nhân từ đã làm
cho kẻ gị cướp đánh dọc đường
hay không?
Chúng ta có nhớ rằng số phận đời
đời của chúng ta lệ thuộc vào những hành động
bác ái yêu thương chúng ta đã làm hay đã không làm để
giúp đỡ nhung người chung quanh hay không?
Dĩ nhiên, không phải mọi Kitô hữu đều
có lòng bác ái yêu thương, nhưng chắc chắn rằng
những người có lòng bác ái yêu thương đều
là môn đệ của Chúa và như vậy họ đều
là Kitô hữu, như lời Ngài đã xác quyết:
- Người ta cứ dấu này mà nhận
biết các con là môn đệ Thày, là các con yêu thương
nhau.
Nếu bây giờ tạm gác bỏ những
việc bên ngoài như xưng tội rước lễ, tới
nhà thờ đọc kinh cầu nguyện…để chỉ
căn cứ vào những việc bác ái yêu thương, thì liệu
người khác có còn nhận ra chúng ta là Kitô hữu, là môn đệ
của Đức Kitô nữa hay không?
Cầu nguyện
Lạy Chúa, trong cuộc sống có lẽ chúng
con đã nghe và đã nói quá nhiều về tình yêu, nhưng còn
việc làm thì lại chẳng được bao nhiêu. Chúng
con chỉ mới yêu bằng tai, thương bằng miệng,
chứ chưa thực sự yêu thương bằng việc
làm, bằng hành động. Xin Chúa giúp chúng con biết giúp đỡ
những người chung quanh, nhất là những kẻ nghèo
túng và khổ đau, để nhờ đó chúng ta trở nên
người môn đệ đích thực của Chúa.
|