TINH THẦN PHÚC ÂM MÔI
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn
Lâm
Tinh thần Phúc Âm mới. Yêu
mến thù địch
Có thể nói ai cũng biết bài
Tin Mừng chúng ta vừa nghe đọc, kể cả người
ngoài Kitô giáo. Hết mọi người đều
biết đạo Chúa dạy phải yêu mến thù địch
và làm ơn cho những kẻ oán ghét mình. Hơn nữa,
người ta còn biết đến cả chi tiết của
lời Chúa dạy: Nào kẻ tát má này thì hãy chìa má kia nữa cho nó, và người đoạt áo
choàng cũng đừng cản nó lấy áo lót. Không biết trong thế gian này đã được
mấy người thi hành triệt để những điều
dạy này? Hay người ta phải giải thích lệnh
Chúa truyền một cách “bóng bẩy” hơn? Hai bài Kinh Thánh kia đọc trong thánh lễ hôm nay có giúp chúng
ta hiểu bài Tin Mừng chính xác hơn không? Chúng ta cứ thử
xem thế nào!
1. Bài sách Cựu Ước
Câu chuyện Ðavít xứng đáng
đi trước bài Tin Mừng. Ngay ở thời Cựu Ước,
người ta đã biết tha thứ cho cừu địch.
Ðavít tha chết cho Saul mặc dù vua này chỉ muốn
thủ tiêu Ðavít. Ðọc kỹ lại câu
chuyện, chúng ta còn khám phá được nhiều chi tiết
đáng kể nữa.
Như mọi người biết Saul là vị
vua đầu tiên của con cái Israen. Ông đã
có thời được Chúa tin dùng và chúc phúc. Nhưng ông đã bất trung, làm nhiều điều
tội lỗi, khiến Chúa phải chọn một người
khác để thay thế ông. Ðó là Ðavít, một cậu
bé chăn chiên có mái tóc hoe, đôi mắt xinh xắn và dáng vẻ
khôi ngô. Chúa cho Ðavít thắng được tên Gôliát từng
đe dọa thách thức con cái Israen. Nhờ
đó Ðavít được đưa vào đền vua.
Nhưng những tiếng ken của dân chúng lại
làm cho Saul ghen ghét Ðavít. Bao nhiêu cạm bẫy
ông đặt ra, Ðavít đều thoát khỏi. Lòng Saul lại càng như lửa cháy. Ðavít biết
thân phận đành bỏ trốn, lang
thang lâu năm nơi đất khách quê người và thường
phải lấy sa mạc mênh mông làm nơi ẩn núp. Nhưng Saul vẫn không buông thả. Bài sách Samuen hôm nay cho thấy ông lấy cả 3,000
tinh binh, thân hành di truy lùng Ðavít.
Chắc chắn cuộc săn đuổi
đã khiến ông mệt nhọc. Ông phải nằm
ngủ, nhưng quân binh vẫn đóng trại chung quanh. Ðavít nhìn thấy, Và đem theo một người bộ hạ. Ðavít đã có thể lén đến gần Saul mà chẳng
ai biết gì. Sung sướng, tên bộ hạ
xin phép hạ thủ Saul. Ðavít không cho, chỉ
lấy cây giáo và chóe nước nơi đầu chỗ Saul
nằm rồi đi. Sang đến bên kia
sườn núi, Ðavít mới lên tiếng đánh thức quân
binh của Saul và nói cho họ rõ: Hôm nay nếu muốn sát hại
Saul, thì Ðavít đã làm xong.
Người ta có thể nghĩ
Ðavít có thái độ quân tử không? Lịch
sử cũng kể nhiều vị đại tướng
và hoàng đế tha chết cho kẻ thù một cách cao thượng
như vậy. Nhưng bấy giờ Ðavít không phải
là hoàng đế hoặc đại tướng mà vẫn
còn là một kẻ cô đơn phải lẩn trốn sự
truy lùng của quân binh nhà vua. Ðavít đã không hành
động như các nhà chính trị và quân sự hào hiệp.
Chàng nhỏ bé hơn nhiều. Mặc dù
được Chúa chọn, chàng vẫn cư xử như
kẻ bầy tôi của vua Saul. Chàng chưa thay đổi
gì cả, kể từ ngày được xức dầu,
ngoại trừ bản chất đơn sơ, đạo
đức của kẻ mục tử bây giờ được
thêm ơn Chúa đã dám liều mạng trong nhiều cử chỉ
hào hiệp.
Chính vì vậy đoạn văn này không thể
là một trang anh hùng ca, mặc dù có nhiều yếu tố khiến
tác giả có thể dùng để tạo nên một áng văn
như thế.
Ở đây, Ðavít không tỏ ra là một tay
anh hùng, nhưng chỉ là một tâm hồn đạo đức,
Ðavít không để cho bộ hạ lấy đầu Saul
chỉ vì chàng kính sợ Chúa và giữ lời Chúa truyền
dạy. Chàng biết Saul là đấng đã được
xức dầu và Luật pháp không cho phép ai động đến
một con người như thế. Chàng không
nghĩ đến quyền lợi của mình, chàng tôn trọng
ý Chúa. Chàng để Chúa quyết định
cho Saul.
Do đó, nếu chỉ đọc đoạn
văn hôm nay, chúng ta mới chỉ thấy lòng đạo đức
của Ðavít. Lòng kính sợ Chúa đã khiến chàng không muốn
tra tay trên đấng được xức
dầu của Ðức Giavê. Phải đọc
thêm nữa, đọc tất cả những đoạn nói
đến quan hệ giữa Saul và Ðavít, chúng ta mới thấy
rõ lòng yêu kẻ thù của Ðavít. Mặc dù Saul luôn tìm cách
hạ sát mình, Ðavít từ đầu chí cuối vẫn một
lòng kính yêu đối với chủ mình. Chàng
không xét đến quyền lợi riêng nhưng luôn chỉ muốn
cầu hòa và không bao giờ có lòng thù ghét Saul. Với bối
cảnh chung như vậy, chúng ta có thể
bảo đoạn văn hôm nay cũng nói lên lòng yêu thương
thù địch của Ðavít. Chàng đã tha chết cho kẻ luôn
tìm cách sát hại mình một cách vô cớ. Và
đoạn văn này xứng đáng đi trước bài
Tin Mừng hôm nay.
Tuy nhiên một lần nữa chúng
ta đừng quên lòng đạo đức của Ðavít.
Chính vì kính sợ Chúa mà chàng đã cư xử
rất quảng đại và hào hiệp với Saul. Nhà vua không ngớt thù ghét chàng, nhưng chàng lại
luôn giữ một lòng kính yêu. Ðavít vẫn còn treo cao tấm
gương đó cho chúng ta khi muốn thi hành lời Tin Mừng
hôm nay.
2. Bài Tin Mừng
Tác giả Luca trong đoạn văn
này tỏ ra không quan tâm nhiều lắm đến khía cạnh
văn chương. Nghe đọc lần
đầu chúng ta chẳng thấy luận lý gì cả.
Các tư tưởng xem ra được viết ra bừa
bãi không theo một thứ tự nào cả.
Cũng có láy đi láy lại một vài ý nhưng tác giả
không dụng ý xếp thành hệ thống, khiến người
đọc và nghe khó nhớ được tất cả.
Là vì đây là đoạn văn
tiếp nối Bài giảng trên Núi về các Mối phúc thật,
diễn tả tinh thần Phúc Âm mới mẻ của Chúa
Giêsu. Người tiếp tục bài giảng
lạ lùng ấy bằng đoạn văn hôm nay, có thể
nói không phải để đưa ra thêm ý tưởng nào,
nhưng chỉ để trưng ra một số các thí dụ
để giải thích thêm về tinh thần Phúc Âm. Tinh thần này là một sự sống mới, sự
sống của chính Thiên Chúa muốn chia sẻ với loài
người. Chắc chắn không một
công thức nào có thể diễn tả đầy đủ.
Một bài thuyết minh dài với cấu trúc
chặt chẽ cũng không hứa hẹn hơn. Người
ta phải chọn nhiều quan điểm, nhiều khía cạnh
để nhìn vào, họa may chân lý mới, hiện lên được
trong sự phong phú của nó.
Vậy, ở đây Chúa Giêsu muốn
dùng nhiều ví dụ khác nhau để đưa thính giả
của Người vào tinh thần mới của Phúc Âm.
Và đám thính giả này, theo Luca cho biết
ở đầu Bài Giảng Trên Núi, là nhóm đông môn đệ
cùng đoàn lũ dân chúng đông đảo. Nhưng
thật ra khi nói, Chúa Giêsu lại ngước mắt nhìn riêng
các tông đồ. Chúng ta có thể hiểu
các môn đồ đây là Nhóm 12 tông đồ mà Người
mới chọn. Tuy nhiên, đúng hơn nên hiểu từ
ngữ theo một nghĩa rộng hơn,
bao gồm tất cả các môn đệ. Nhất
là nơi Luca, chữ môn đồ thường ám chỉ mọi
tín hữu trong Hội Thánh buổi sơ nguyên. Như vậy, có thể nói Luca viết bài này cho tất
cả chúng ta nay là môn đồ của Chúa Giêsu.
Người dùng một số ví
dụ để đưa chúng ta vào tinh thần Phúc Âm mới
của Người. Trước hết,
Người dạy chúng ta “hãy yêu mến thù địch và làm
ơn cho những người oán ghét các ngươi”. Những ý sau chỉ diễn tả thêm. Nào là
hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa, khẩn cầu cho kẻ
ngược đãi, kẻ tát má này hãy chìa má kia
nữa. Chúng ta không có điều kiện để
phân tách tỉ mỉ từng câu từng chữ, nhưng chúng
ta phải biết Chúa muốn dạy gì đây.
Người thế gian thường
oán ghét thù địch và chỉ muốn làm hại nó hoặc
chỉ muốn cho nó bị hại. Còn
tinh thần mới của Chúa đem đến là lòng yêu thương
và làm ơn. Nhưng để hiểu rõ
ý của Chúa, có lẽ tiên vàn chúng ta phải xác định
ai là thù địch. Ðối với người Do Thái,
hết mọi người không phải là con cái Israen đều
là thù địch - vì họ có tôn giáo khác và luôn luôn trở thành
cạm bẫy dụ dỗ họ rơi vào đa thần
tà giáo. Thế nên có thể nói vì muốn bảo vệ một
cách quá khích mà người Do Thái coi mọi người như
thù địch... Sang đến môi trường của
Luca, nói với các môn đồ của Chúa, thù địch theo nghĩa trên bây giờ lại là những
người Do Thái và đặc biệt là hoàng đế Rôma
và các khanh tướng của ông đang bắt đạo
thời bấy giờ.
Vậy tinh thần mới của
Phúc Âm bây giờ không giống như các lệnh truyền thời
Cựu Ước nữa. Chúa Giêsu đã đến
thiết lập Nước Trời, không đóng khung trong một
dân tộc và truyền thống của dân tộc ấy, nhưng
mở rộng hai cánh tay trên thập giá
để đón nhận mọi tâm hồn thống hối
ăn năn. Người đến đem tình
yêu cứu độ đến cho mọi người tội
lỗi. Môn đệ của Người
không còn được kỳ thị ai nữa. Ngay đối
với những kẻ bắt bớ mình, họ cũng phải
theo gương Chúa trong mầu nhiệm
Cứu Thế; chấp nhận sỉ nhục, đau thương
và khẩn cầu chúc phúc cho kẻ làm khổ mình “vì chúng không
biết việc chúng làm”. Trong mầu nhiệm
thánh giá cứu chuộc Chúa Giêsu Kitô giống như Người
Tôi Tớ đau khổ trong sách các tiên tri. Thế nên ở đây tác giả Luca gợi lên hình
ảnh tát má, giật áo... những điều mà Ðức Giêsu
Kitô cũng đã phải chịu. Tác giả không có ý bảo
chúng ta phải thi hành theo chữ đen,
nhưng dạy chúng ta phải có tinh thần như Chúa chúng
ta trong mầu nhiệm Thánh Giá. Hiểu như vậy, chúng
ta sẽ đọc thấy một tinh thần mới, tinh
thần của các mối phúc thật, được diễn
tả trong đoạn văn này, hơn là khẳng định
đây là những việc mà chúng ta phải thi hành theo nghĩa đen. Nói đúng hơn, có tinh thần
của Chúa Cứu Thế trong mầu nhiệm Tử nạn
- Phục sinh rồi, thì mới hiểu và mới làm được
những lệnh truyền kia, và còn làm hơn
thế nữa, miễn sao chứng tỏ được mình
là môn đồ của Chúa.
Cũng vì vậy mà Luca không dừng
lại ở những việc trên. Người
còn đi xa hơn, nói đến việc cho vay mượn
và cho của cải. Người không nghĩ
đến những điều người viết trong sách
Công vụ Sứ đồ sao? Các môn đồ
thời ấy biết chia sẻ cho nhau để ở giữa
họ không ai phải thiếu thốn. Lòng yêu mến
thù địch đã biến sang tình huynh đệ chân thật
mà Chúa Giêsu đã dạy bảo và đã gọi là lệnh
truyền và giới răn mới của mình. Và nền tảng, nguồn gốc của tinh thần
và lệnh truyền ấy, chính là lòng thương xót của
Thiên Chúa. Người thương xót con cái loài người,
trước đây thù địch với Người và với
nhau. Người cho Con Một của Người
xuống thế, đem lòng thương xót đó đến
hòa giải hết thảy nên một dân tộc mới là
đoàn con và là đoàn chiên của Chúa. Chính lòng thương
xót đã đổi mới họ và ban cho họ sự sống
mới, sự sống của lòng thương xót, khiến
ai có sự sống mới cũng phải đầy lòng thương
xót.
Sách Tin Mừng Luca đã
được mệnh danh là tác phẩm của lòng thương
xót. Ðoạn văn hôm nay nằm trong tác
phẩm ấy. Nó cũng chẳng muốn nói gì hơn
là dạy ta hãy theo gương lòng thương xót của Chúa
biểu lộ đặc biệt trong mầu nhiệm Cứu
Thế để chúng ta luôn có nếp sống và thái độ
xót thương mọi người, khiến không ai còn là thù
địch hoặc xa lạ, nhưng hết thảy đã
trở thành anh em vì đã là môn đồ của Chúa. Nếu
ngay trong đạo Do Thái cũng chỉ có một loại
thù nghịch đáng kể là thù nghịch làm hư hỏng
niềm tin; mà tinh thần mới của Phúc Âm đã hủy
bỏ loại thù nghịch đó rồi, thì đối với
người môn đồ của Chúa không còn có thể có một
mối thù nghịch nào nữa, khiến đạo của
họ mới thật là bác ái yêu thương. Thực tế họ có thể sống được
như vậy không?
3. Bài thơ Phaolô
Thánh Tông Ðồ rất thực tế.
Bức thư này của người thường
được gọi là Bức Thư của người
Công Giáo, nói đến nếp sống Công Giáo trong Hội Thánh
Công Giáo, đang khi thư Rôma được gọi là thư
của người Tin Lành vì được những người
này yêu thích cách riêng. Vậy trong thư nói
về nếp sống Công Giáo, Phaolô không ảo tưởng
nghĩ rằng mọi môn đồ của Chúa đều đã
hoàn toàn và có thể thi hành các lệnh truyền của Chúa cách
dễ dàng. Ðặc biệt tinh thần mới mà Chúa Giêsu đã
mang đến, theo thánh nhân, chúng ta đón
nhận trong thân xác yếu hèn, chẳng khác những bình sành
lọ đất. Chúng ta khó giữ được.
Và càng khó thi hành được. Bởi vì chúng ta không thần thiêng như Thiên Chúa.
Chúng ta được cấu tạo bằng
thể xác và linh hồn. Hơn nữa Ơn Chúa đến
đổi mới chúng ta, nâng cao bản tính con người
lên, kết hợp và chia sẻ sự sống Thiên Chúa, khiến
nơi chúng ta vừa có con người cũ do Ađam lưu
truyền vừa có con người mới do Chúa Giêsu mặc
cho. Con người Ađam do tự đất, nên luôn hướng
chiều về đất. Con người Giêsu do tự trời,
nên muốn kéo chúng ta lên những sự cao siêu. Con người
do đất là người trần ai, muốn sống như
người phàm trần, con người do Chúa kéo chúng ta bắt
chước nếp sống của Người. Vì người
môn đồ ở trong một thế hai chiều như vậy,
nên họ luôn bị giằng co. Tự nhiên họ muốn đối
xử với mọi người theo cách
thế gian là yêu bạn hữu ghét thù địch. Nhưng ơn
của Chúa, tinh thần mới của Phúc Âm mà họ nhận
được khi tái sinh trong phép rửa, lại thúc giục
họ thi hành lệnh truyền của Chúa là yêu mến thù
địch.
Do đó, kết luận hiển nhiên là nếu
muốn thi hành điều Chúa dạy, họ phải tăng
cường tinh thần của Người. Thánh
lễ cho ta cơ hội đặc biệt để làm công
việc này. Nhờ thân thể vinh quang của Chúa Giêsu
mà chúng ta được lãnh nhận, Thánh Thần được
ban thêm cho ta, sức sống thần linh được tăng
cường để chúng ta lựa chọn nếp sống
Phúc Âm. Chúng ta được hạnh phúc hơn đã sống
theo tinh thần của Chúa, Ðấng đã
đến để thi hành công cuộc hòa giải. Người lôi kéo chúng ta vào mầu nhiệm Cứu
Thế, nơi mà kẻ tội lỗi và trước đây
là thù địch cũng được hưởng lòng thương
xót, để hết thảy trở nên Dân mới và là anh
em với nhau. Xin cho chúng ta nhờ thánh lễ
này được nhiều tinh thần ấy.
|