NHÌN RA NHAU LÀ ANH CHỊ EM
Trích trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’ – Radio Veritas
Asia
Có một Rabbi nọ hỏi
một tín hữu Do Thái: “Có biết khi nào đêm nhường
chỗ cho ngày không?” Sau một hồi nghĩ ngợi, tín hữu
nọ mới trả lời: “Thưa thầy, đêm nhường
chỗ cho ngày có lẽ khi người ta nhận ra ánh sáng bình
minh đang ló ở chân trời”. “Không”. “Hay
là khi người ta phân biệt được bụi cây với
một người chăng?” Rabbi lắc
đầu nói: “Không phải thế, đêm nhường chỗ
cho ngày là khi mỗi người nhận ra gương mặt
người khác là một người anh chị em của
mình. Bởi vì cho tới khi nào con người không nhìn ra
nhau là anh chị em, thì khi đó, đêm đen vẫn còn dày đặc
trong tâm lòng chúng ta”.
Lời nói thâm trầm trên đây của Rabbi
Do Thái nọ, có lẽ giúp chúng ta suy hiểu nghĩa sứ
điệp mà Giáo Hội nhắn gởi chúng ta hôm nay.
Ơn gọi của chúng ta để trở
nên thánh trọn lành như Thiên Chúa, là Ðấng vô cùng xót thương
con người và ban giới răn hướng dẫn toàn
cuộc sống của chúng ta, là cái lôgic của Tin Mừng
yêu thương ấy mà Chúa Giêsu đã để lại cho
chúng ta. Sách Samuel có viết về hành xử thánh
thiện của vua Ðavít. Mặc dù vua Saolê ghen tương
truy nã, nhưng khi có dịp thủ tiêu nhà vua, Ðavít đã không
phạm tội giết vua theo ý kiến
của hai người anh họ là hai tướng tài của
mình. Ðavít minh chứng cho nhà vua thấy ông có thể hạ sát
người, nhưng không làm vì ba lý do:
Thứ nhất, nhà vua là người
được Thiên Chúa xức dầu tuyển chọn nên
là người của Chúa. Do đó cần được
tôn trọng, mặc dầu có khuyết điểm và hèn yếu
đến đâu đi nữa.
Thứ hai, chính nghĩa là lẽ
phải của trung thực đáng tin cậy, thì không dùng bạo
lực bất công và các phương thế hèn hạ đen
tối của sự dữ.
Và thứ ba, phương thế
duy nhất giúp loại bỏ hận thù chống đối
một cách vĩnh viễn không phải là giết đi, là triệt
hạ, nhưng là cảm hóa để biến thù địch
trở thành bạn hữu.
Khi theo ba nguyên tắc hành xử trên đây, Ðavít
không chỉ lên tiếng cho nhà vua thấy mình là một tôi
trung rất am tường phép Chúa và luật nước, mà
còn chứng minh cho nhà vua thấy lòng nhân từ quảng đại
của mình nữa. Nghĩa là Ðavít chứng tỏ
ông là người vừa có tài, vừa có đức và do đó,
là người lãnh đạo lý tưởng và phó thác việc
xét xử và thưởng phạt cho Chúa. Ðavít tuyên xưng lòng tin vào sự công thẳng và tình
yêu thương quan phòng của Ngài. Ðây là
đặc điểm hiếm thấy nơi các nhà lãnh đạo
chính trị xã hội trần gian. Trong
khi đó, cung cách hành xử của vua Saolê chứng minh cho
chúng ta thấy nhà vua đã vừa thiếu tài, thiếu đức,
lại không phải là một minh quân. Thấy Ðavít có tài,
có được mưu kế hơn người, đánh đâu
thắng đó, được quần thần kính nể, được
tin tưởng và toàn dân thương mến nên vua ghen tương,
mà nhất là sợ Ðavít chiếm ngôi của mình. Thay vì trọng dụng Ðavít, giữ Ðavít ở lại
phục vụ và trợ giúp quyền thế của mình, thì
vua sanh lòng mấy lần mưu sát Ðavít, khiến cho Ðavít bị
bắt buộc phải trở thành người sống ngoài
vòng pháp luật. Nghĩa là vua Saolê đã tự chặt
lấy cánh tay mặt của mình. Lòng ghen tương đã khiến cho tâm trí nhà vua mờ
tối, đem ba ngàn quân truy nã vị tướng tài ba lỗi
lạc của đất nước. Chính với thái
độ sống hẹp hòi và thiếu sáng suốt, không biết
trọng tài trọng hiền trên đây đã dẫn đưa
dòng họ đến ngày tận diệt.
Thái độ sống quảng đại
liêm chính của Ðavít đã khiến cho chúng ta thấy nơi
ông gương mặt của chính Ðức Giêsu Kitô, vẫn
luôn luôn tha thứ cho những người lầm lạc và
cầu nguyện cho những kẻ giết mình. Các giáo
huấn của Chúa Giêsu như ghi trong chương 6,22-38 của thánh Luca, chứng minh cho thấy
sự thật này qua hình thái của nền văn chương
khôn ngoan. Thánh Luca thu góp các lời rao giảng
của Chúa Giêsu liên quan đến luật sống yêu thương
đại đồng và kiểu cách hành sự nhân từ,
thương xót vô biên theo mẫu gương của chính Thiên
Chúa. Khi mời gọi chúng ta yêu thương kể cả kẻ
thù địch, là Chúa Giêsu muốn các Kitô hữu sống tình
yêu thương vượt xa mực thước và các nấc
thang giá trị theo tâm thức của con
người trần gian. Người đời
thường chỉ yêu kẻ yêu mình và ghét kẻ ghét mình.
Những người sống tinh thần Tin Mừng
yêu thương của Chúa Giêsu thì yêu cả kẻ thù của
mình nữa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không chỉ rao
giảng mà Ngài còn sống làm gương nữa, bằng cách
hiến chính mạng sống mình để đền bù tội
lỗi cho toàn nhân loại. Ở đây, Chúa Giêsu đề
ra ba hình thức cụ thể trong nỗ lực sống yêu
thương thù địch:
Thứ nhất, hãy làm điều
lành phước đức cho kẻ thù ghét. Chúng ta lo
lắng tạo dựng hạnh phúc cho họ sống được
như thế, chúng ta mới xứng đáng là con Chúa, nếu
Kitô hữu thù hận thì có khác gì họ.
Thứ hai, hãy chúc lành cho những
người chúc dữ và nguyền rủa chúng ta. Ơn gọi của Kitô hữu là trở thành chúc
lành cho người khác, đổ phước lành của
Chúa xuống cho người khác và biến đổi môi trường
họ sống trở thành môi trường đầy ơn
phước của trời cao. Ơn phước
phần hồn và kể cả ơn phước phần xác
nữa.
Thứ ba, là cầu nguyện cho kẻ bắt
bớ ngược đãi chúng ta để cho họ
được ơn hối cải tâm lòng, thay đổi
lối sống, từ bỏ kiểu cách sống gian tham độc
ác, từ bỏ kiểu cách nói năng và hành xử của
dã thú để sống người hơn và tin nhận Chúa
và trở thành con cái Ngài.
Yêu người như Chúa Giêsu, đến độ
triệt để khai trừ mọi hành động đối
chất với bạo lực, luôn luôn sẵn sáng chia sẻ
và quảng đại, không từ chối ai điều gì,
là một thứ cụ thể cho mọi kiểu cách hành xử,
là luật vàng của lòng yêu thương bác ái. Chúng ta muốn người khác làm những gì cho mình
thì cũng phải làm tất cả những điều đó
cho người khác. Chúng ta muốn người
khác kính trọng yêu thương và trợ giúp chúng ta phải
không? Hãy biết kính trọng yêu thương
và trợ giúp họ như thế. Chúng ta muốn người
khác dịu hiền thân thiện và an ủi
đỡ nâng chúng ta phải không? Hãy dịu hiền, thân
thiện và an ủi đỡ nâng họ
như vậy. Chúng ta muốn người khác
khoan hồng nhân thứ và cảm thông mọi tội lỗi
yếu hèn và thiếu sót của chúng ta phải không? Hãy khoan hồng nhân thứ và thông cảm mọi tội
lỗi yếu hèn và thiếu sót của người khác như
vậy. Nếu ai cũng đem luật vàng trên đây
ra thực hành nơi gia đình, giữa cộng đoàn, ngoài
xã hội, thì chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ,
một cuộc cách mạng chưa từng thấy trong lịch
sử loài người sẽ xảy ra. Hòa bình, hạnh phúc,
và thịnh vượng sẽ chan hòa trái đất này, sẽ
chan hòa trong tâm lòng mỗi người, trong mọi gia đình,
trong mọi quốc gia và trên toàn thế giới mà không cần
phung phí biết bao nhiêu tài nguyên và nhân lực cho các dịch
vụ chiến tranh; mà không phải mua bán, chế tạo vũ
khí; mà không cần phải bắn giết tàn phá lẫn nhau.
Cũng không cần phải thương thuyết,
vất vả hòa đàm, tranh cãi, tốn tiền, tốn của,
tốn giờ hao phí hơi sức, mà thường không đi
đến kết quả cụ thể của việc làm.
Luật yêu thương dung thứ mà Chúa Giêsu Kitô đề
nghị với loài người, không chỉ là giải pháp
cho mọi vấn đề xã hội mà loài người chưa
sao giải quyết được, nhưng còn là con đường
dẫn đưa tín hữu cho đến đỉnh trọn
lành và trở nên thánh thiện và dung thứ như Chúa. Trong
thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô 15,45, thánh Phaolô cho chúng ta thấy Chúa Giêsu Kitô chính
là Ðấng Cứu Thế và là con đường dẫn chúng
ta đến cuộc sống thần thiêng bất diệt.
Nếu con đường tội lỗi đã đưa
Adong và toàn con cái loài người xa rời Thiên Chúa và đánh
mất đi cuộc sống hạnh phúc của mình, thì giờ
đây, Chúa Giêsu Kitô đến trần gian để dẫn
đưa chúng ta trở về với Thiên Chúa. Ngài là Adong mới
trao cho con cái loài người cuộc sống mới qua một
tinh thần sống mới. Tinh thần của
Tin Mừng yêu thương đại đồng, tinh thần
của cuộc sống hướng trọn về Thiên Chúa
và lấy Ngài làm mẫu mực duy nhất cho cuộc sống.
Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta bí quyết làm
thế nào để sống hạnh phúc, làm thế nào để
tạo dựng hạnh phúc cho nhau và cách mạng thế giới.
Chúng ta có can đảm chấp nhận và đem ra thi hành
hay không?
|