Niềm tin vào
Đức Kitô giải phóng con người
(Suy niệm của Achille Degeest)
Trong phần đầu bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thu hẹp
nhận định vào điểm thánh Luca đã soạn
thảo Phúc Âm của ngài với tất cả thái
độ nghiêm túc của giới trí thức
đương thời. Chúng ta dừng lại ở
phương cách Đức Giêsu thuyết giáo trong nhà
hội ở Nagiarét. Chúa tham gia đầy đủ vào
những tục lệ dân tộc, tuân giữ ngày hưu
lễ như những người Do Thái khác, nghĩa là
đến tụ họp tại hội đường
nghe đọc Lề Luật rồi nghe người ta bình
giải. Người giữ hội đường đưa
cho Chúa một cuốn sách về Cựu Ước
(thời đó sách là một tờ giấy rất dài
cuộn lại). Chúa đọc trong đó một bản
văn mang ý nghĩa lời sấm về Đấng Mêsia.
Chúa đọc xong, tất cả mọi người,
kể cả Chúa, ngồi xuống. Bấy giờ Chúa loan
báo cho đám thính giả rằng thời đại cứu
độ mà nhân loại mong đợi đang mở ra cho
họ, Chúa dùng lối nói bóng cho họ linh cảm rằng
Đấng Mêsia đang hiện diện trước mắt
họ.
Đoạn Phúc Âm cho chúng ta biết giảng thuyết
của Đức Giêsu bắt nguồn từ đâu và
nhằm mục đích gì?
1) Bắt nguồn từ quyền phép Chúa Thánh Linh.
Một trong những nét được coi là đặc
điểm của Đấng Mêsia hiện rõ lên ở đây:
đó là quyền phép Chúa Thánh Linh. Sở dĩ Đức
Giêsu có được quyền phép ấy vì Người là
Con Thiên Chúa. Tuy vậy, trên bình diện nhân tính, quyền phép
ấy Chúa có được cũng là do sự Người
cầu nguyện liên tục. Chúng ta có thể nghĩ rằng
mỗi lần trước khi nói và hành động, Chúa
cầu xin Chúa Thánh Linh soi sáng hướng dẫn
Người. Nhờ mối liên hệ tâm linh ấy, Chúa là
một người có những lời nói châu ngọc khiến
người nghe ngưỡng mộ, và có một quyền
năng làm phép lạ khi nào Chúa muốn. Đây là một quy
luật căn bản cho tất cả những ai sau này
đến lượt mình mang sứ vụ loan báo cho
thế gian rằng thời đại cứu độ
đã tới. Dẫu cho ngày nay không cần phải làm phép
lạ, sự giảng dạy về đức tin vẫn
phải bắt nguồn từ tâm tình tuỳ thuộc hoàn
toàn vào Chúa Thánh Linh.
2) Mục đích giảng thuyết của Đức
Giêsu là loan tin một sự giải phóng. Chúng ta nói rõ, không
phải là một sự giải phóng về chính trị,
nhưng là giải phóng về tâm hồn: mở ra một vận
hội hy vọng cho những kẻ vô vọng.
Được dễ dàng chuẩn bị nhất
để đón sứ điệp ấy, là những
kẻ nghèo, những kẻ bị áp bức, những
kẻ đi tìm sự thật cho trí óc và giải thoát cho tâm
hồn. Chúa phán rằng sự hiện diện của
Người mở ra một năm ân sủng của Thiên
Chúa, nghĩa là khai mạc một thời đại
mới, thời đại cứu độ. Chúa tuyên
bố điều ấy một cách dè dặt. Chúa
để cho người ta phỏng Chúa là AI hơn là Chúa
xác nhận. Chúa biết rõ sự áp bức thật sự là
những thiên kiến của trí óc và những mờ ám
của tâm hồn. Suốt ba năm giảng dạy,
Đức Kitô giáo dục dân chúng cách tuần tự, cho họ
quyền tự do nghe hay không nghe, dẫn dắt họ
tiến dần đến chỗ hiểu biết rằng
niềm tin vào Chúa đem đến sự giải phóng
thật sự. Tất cả những cuộc giải phóng
khác đều xuất phát từ sự giải phóng Chúa
đề nghị với nhân loại.
|