Sinh ra nơi gia đình để cứu các gia đình
Suy Niệm Lễ Kính Thánh Gia
(Mt 2, 13-15.
19.23)
Hôm nay chúng ta cùng nhau cử
hành lễ kính Thánh Gia Thất, trong bối cảnh Giáo hội
Việt Nam lấy năm 2019 là năm quan tâm cách đặc biệt đến
việc “Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn”,
với ba đối tượng phạm trù là : các gia đình di
dân, các gia đình của các cặp hôn phối khác tôn
giáo/tín ngưỡng, và các “gia đình” li thân, li dị tái hôn.
Đẹp biết bao khi
nhìn vào hang đá chúng ta thấy Chúa Cứu Thế đến
trần gian đã chọn sinh ra trong một gia đình
nhân loại mà chính Người đã thành lập để cứu
các gia đình. Mừng Chúa Cứu Thế đến cũng là
mừng Thánh Gia Thất, nơi Ngài sinh sống.
Các bài đọc hôm nay từ
Cựu Ước đến Tân Ước thật là đẹp, đẹp
về cách hành văn, đẹp về nội dung, nhất là đẹp
tuyệt vời về cách sống trong gia đình. Nếu
bài đọc I trích sách Đức Huấn Ca dạy con cái phải
thảo cha kính mẹ : "Hỡi
kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ
làm phiền lòng người khi người còn sống",
cùng với những phần phúc cho những người con biết
tôn kinh mẹ cha là : "Ai yêu mến
cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo
kính mẹ mình, thì như người thu được một
kho tàng", nhất là được trường thọ : "Ai thảo kính cha mình, sẽ
được sống lâu dài. " Thì bài đọc II, Thánh
Phaolô khuyên những người làm vợ làm chồng : "Hỡi các bà vợ, hãy phục
tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người
chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến
nó". Ngài cũng khuyên cha mẹ phải tôn trọng,
yêu mến con cái : "Hỡi
những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với
con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt" (Cl 3,
21). Bài Tin Mừng nêu bật vai trò quan trọng của
Thánh Giuse, mẫu gương cho bậc làm cha, làm chủ, làm chồng
trong các gia đình.
Thảo kính cha mẹ
Để giữ cho gia đình hạnh
phúc, Thiên Chúa đã ban cho Giới răn thứ Bốn trong
Mười Điều răn: “Thứ Bốn thảo kính cha mẹ”,
Có nhiều kẻ làm con đã hỏi:
Vậy, tước phẩm làm cha làm mẹ là thế nào để
con cái phải tôn kính. Quyền bính cha mẹ tự đâu mà có?
Để có một cuộc sống đích
thực, nhân loại phải có quyền bính, nếu không xã
hội không thể có được, và phải đi tới nguyên
tắc căn bản: không có Thiên Chúa, không có quyền bính.
Vì thế, kẻ làm con, người làm bề dưới
phải vâng lời cha mẹ, tùng phục người trên là
vì thấy trong trật tự ổn định là
quyền lực, là thế giá của Thiên Chúa. Đứa
trẻ thấy quyền lực Thiên Chúa nơi cha mẹ,
học trò ở nơi thầy cô, người dân thấy
ở nhà cầm quyền. Phải, quyện lực của
cha mẹ là do Thiên Chúa mà ra.
Chúa dạy: "Hãy tôn kính cha ngươi và mẹ ngươi ". Và Thánh Phaolô khuyên: "Hỡi
những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong
mọi sự " (Cl 3, 20). Giới răn không nói yêu
mến nhưng là tôn kính. Người ta yêu anh chị em, yêu tha nhân,
song đối với cha mẹ, phải tôn kính. Đó là điều mà
phận làm con, kẻ bề dưới ngày nay không muốn
biết nữa. Tôn kính có nghĩa là khi cha mẹ nói, dạy
điều gì, con cái phải im lặng, lập tức thi
hành, dù là ước muốn nhỏ nhất: "Vì đó là
đẹp lòng Chúa" (Cl 3, 20). "Hãy tôn kính cha
con và mẹ con" ; "Đứa con nào mà đánh đập cha mẹ mình thì
phải chết" ( Xh 20;21).
Phu
phụ tương kính như tân
Thiên Chúa dựng nên con
người có nam có nữ giống hình ảnh Chúa, và cho
hai người kết hợp với nhau nên một bằng mối
giây loài người không thể tháo cới, để mỗi người
phát triển nảy nở trong hạnh phúc, và sinh con cái nối
giòng dõi loài người và Hội Thánh.
Khi nói thế, người chồng có
thể đòi người vợ phụng tùng chồng
một cách mù quáng không? Không, người này phải phục
tùng người kia cho phải đạo, cả hai đều
phải phục tùng Đức Kitô như toàn thể Giáo hội.
Người nam có biết khi được làm
đầu thì phải làm gì không? Thánh Phaolô kêu gọi
: " Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ
mình, đừng đay nghiến nó" (Cl
3, 20).
Người ta thường nói: chồng là
đầu gia đình, vợ là trái tim gia đình. Nói đúng hơn:
chồng là cả hai, vừa là đầu, vừa là trái tim.
Người ta cũng ví người chồng giữ vai trò
như người lái thuyền, phải đưa thuyền đi đúng
hướng, là bảo vệ sự an toàn cho mọi người
trong thuyền, phục vụ mọi người với
tình yêu thương, như yêu thương chính mình, để cùng nhau
hướng tới hạnh phúc.
Cha mẹ tôn trọng và yêu mến
con cái
Giới răn thứ Bốn này có hai
chiều: con cái và cha mẹ, cha mẹ và con cái. Nếu con
cái phải tôn kính cha mẹ, thì cha mẹ cũng
phải tôn trọng, yêu mến con cái : "Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn
nộ với con cái". Cha mẹ quí mến con cái, vì
con cái trước hết không thuộc về các cha mẹ mà
thuộc về Thiên Chúa. Con cái là kho tàng Thiên Chúa trao cho,
một ngày kia Chúa sẽ đòi cha mẹ phải trả
lẽ. Vậy, cha mẹ phải yêu quí, tôn trọng sự
sống con cái, ngày từ khi còn trong lòng mẹ,
chớ làm phương hại đến chúng. Tôn trọng con cái
từ lúc còn thơ đến tuổi trưởng thành...
Chăm lo cho con cái về mặt tinh thần
cũng như thể xác, nhất là linh hồn, vì
trước hết chúng thuộc về Thiên Chúa. Cha mẹ không
thể lên thiên đàng một mình, phải có con cái đi theo.
Con cái không lên thiên đàng được, cha mẹ cũng không lên
được. Chúng ta thấy Mẹ Maria, Thánh Giuse, và Chúa Giêsu,
cả Ba Đấng đều lên Đền thờ dự lễ theo
luật.
Khi có chuyện chẳng lành trong gia
đình, lời thánh Phaolô sau đây như là khuôn vàng thước
ngọc về lẽ sống và cách đối nhân xử
thế của các thành viên trong gia đình: "Anh em thân mến, như
những người được chọn của Thiên Chúa, những
người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy
mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu,
khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau,
và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện
phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh
em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết
mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng
buộc điều toàn thiện".
Noi gương Mẹ Maria và Cha thánh Giuse, mỗi
gia đình kitô giáo hãy đón rước Chúa Giêsu, lắng nghe
Người, nói chuyện với Người, gìn giữ
Người, che chở Người, lớn lên với Người, và
như thế chúng ta mới phúc âm hóa gia đình, canh tân giáo xứ
và cải tiến thế giới được. Hãy dành cho
Chúa một chỗ trong trái tim và ngày sống của chúng ta.
Chúng ta hãy phó thác gia đình nhân loại nói chung, và gia
đình chúng ta nói riêng cho Thánh Gia Thất che chờ phù
trì. Amen.
Lm.
Antôn Nguyễn Văn Độ
|