Sống tâm tình Mùa Vọng
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Thành Long)
Giáo Hội bắt đầu
Năm Phụng vụ mới bằng Mùa Vọng. Mà Mùa
Vọng thường rơi vào Mùa Đông. Vì thế có
người thắc mắc rằng: Tại sao mở
đầu cho một năm dân sự là Mùa Xuân, nhưng
mở đầu cho một Năm Phụng vụ lại
vào Mùa Đông? Tại sao lại không khởi
đầu Năm Phụng vụ vào chính ngày Lễ Giáng Sinh
như khởi đầu cho một cuộc đời là
ngày người ấy cất tiếng khóc chào đời?
Người Kitô hữu vẫn được dạy
rằng Đức Kitô sinh vào ngày 25-12 và trước đó
Giáo Hội dành 4 tuần cho Mùa Vọng, hàm ý “mùa trông
đợi Chúa đến” từ ngàn xưa. Mấu
chốt vấn đề chính ở điểm này. Như vậy, ý nghĩa vô cùng khi khởi
đầu cho một Năm Phụng vụ là Mùa Vọng.
Trong cuộc sống có nhiều thứ mùa
vọng: có mùa vọng ngắn, có mùa vọng dài. Đối
với một người mẹ thì mùa vọng là thời
gian 9 tháng 10 ngày chờ đợi đứa con cất
tiếng khóc chào đời. Đối
với các sinh viên, mùa vọng là khoảng thời gian 4
năm hay 5 năm ngồi ở giảng đường
đợi chờ ngày tốt nghiệp ra trường.
Đối với người Dothái, mùa vọng là cả
một hành trình dài trong lịch sử cứu độ,
hành trình của hơn 1.000 năm chờ đợi
Đấng Cứu Thế. Đối với người
Kitô hữu, Mùa Vọng là khoảng thời gian 4 tuần
lễ trước Giáng Sinh. Đây là thời gian trong
Năm Phụng vụ mà Giáo Hội dành để con cái mình
chuẩn bị tâm hồn mừng Con Thiên Chúa làm
người. Xa hơn nữa, mùa vọng
đối với đời người Kitô hữu còn là
thời gian sống trên trần gian này. Nói cách khác, khi
sống tâm tình Mùa Vọng của Năm Phụng vụ,
người Kitô hữu được mời gọi
sống tâm tình mùa vọng của cuộc đời,
một mùa vọng kéo dài, mùa trông chờ Chúa đến trong
vinh quang.
Tuy nhiên, điều mà người Kitô
hữu chúng ta đang mong chờ, không phải là một
biến cố, một món quà, một cuộc vui, hay là
một ngày lễ nghỉ, mà trên hết là mong chờ
một con người. Con người đó chính là
Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Tinh nhân loại. Nói
khác đi, Mùa Vọng là một mùa không phải chỉ
để chuẩn bị cho biến cố Giáng Sinh tưng
bừng, nhưng là thời gian trông chờ và chuẩn
bị đón mừng Ngôi Hai Thiên Chúa làm người và
đón chờ Đức Giêsu Kitô là Hoàng Tử Vinh Quang
sẽ đến trong ngày cánh chung, tức là ngày tận
thế. Vậy phải chuẩn bị
thế nào cho xứng đáng?
- Trước hết, hãy chuẩn bị
bằng việc sửa soạn bên trong tâm hồn.
“Hãy tự hỏi Giáng sinh có ý
nghĩa gì đối với cá nhân và gia đình mỗi chúng
ta? Trang trí nhà cửa, bắt điện, treo đèn,
hội tiệc… là cần thiết và phù hợp với mùa
lễ hội, nhưng không thể thay thế
được cho ý nghĩa thực sự mà đức tin
đã dạy chúng ta về việc Con Thiên Chúa giáng trần
để cứu chuộc sinh linh. Ngài là Ngôi
Hai Thiên Chúa sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria tại
Bêlem. Chúng ta không thể bắt
chước người đời nay chỉ trân quý Ông Già
Noel. Chúng ta cũng không thể bị
dẫn dụ bởi những kỹ thuật quảng cáo
tinh xảo để bán sản phẩm của các công ty
thương mại trong mùa này. Chúng ta cũng không
thể bắt chước thói tục đời nay
chỉ chúc mừng nhau trên môi miệng câu “chúc mừng ngày
lễ”,
bởi vì ngày sinh của Chúa không phải là ngày lễ
thường mà ngày lễ rất trọng, ngày lễ mà
mọi người Kitô hữu được kêu mời
nghỉ trọn ngày để tôn vinh Thiên Chúa, ngày làm chúng ta
được trở nên thánh thiện (A Holy Day),
để chúng ta có thể chúc nhau câu “Mừng Sinh Nhật
Chúa” (Merry Christmas). Nếu không có việc Chúa
Giáng Sinh thì làm sao có ngày lễ để mà “happy holidays”?
Do đó, khi gửi thiệp, tặng quà cho nhau, chúng ta hãy
nhớ đến tặng ân từ Thiên Đàng mà Chúa Cha
đã tặng ban cho nhân loại là Con Một Ngài là Chúa Giêsu
Cứu Thế, và hãy tặng nhau một tấm lòng chân thật,
biết ơn người khác” (Phó tế Phêrô Đặng
Phi Hùng, “Trông đợi”).
- Sau nữa, hãy chuẩn bị bằng
việc sống thái độ tỉnh thức.
Điệp khúc “hãy tỉnh thức” vẫn
vang lên nhiều lần trong suốt Mùa Vọng. Tỉnh
thức nghĩa là không mải mê, xao lãng với bổn
phận, với nghĩa vụ làm người và làm Kitô
hữu. Tỉnh thức là không ngủ say,
ngủ vùi trong những đam mê và trong những thực
tại trần thế mà quên đi những gì sẽ
xảy đến bất ngờ cho con người.
Tỉnh thức là thanh luyện tâm hồn mình khỏi
mọi thói hư tật xấu, là tẩy trừ tâm
hồn khỏi lòng tham sân si và mọi thứ dính bén
trần tục, là nỗ lực thu nhỏ cái tôi của
mình để cho Chúa được lớn lên, như tâm
tình của Gioan.
Khi tỉnh thức, có người nhâm nhi cà
phê, có người uống rượu... cho giờ mau qua,
có người đánh bài để giết thời gian, có
người hát hò, có người xem truyền hình, xem phim,
lại có người nói chuyện tán dóc cho hết giờ.
Bởi đó, nhiều lần ta nghe nói: người này
chết (Chúa đến) khi họ đang ngủ,
người kia chết (Chúa đến) khi họ đang
làm việc; có người chết (Chúa đến) khi
họ đang ăn uống, có người chết (Chúa
đến) khi họ tỏ ra anh hùng trên xa lộ, hay
đang chơi bời,...
Thời ông Noe, dân chúng mải mê ăn chơi thoải mái, trong khi gia đình
ông Noe lại tất bật với việc đóng tàu. Dân chúng đi qua đó, thấy đó, nhưng
họ lại chẳng lưu tâm gì với những
điều Kinh Thánh đã loan báo. Có lẽ ông Noe
cũng đã thông tin cho nhiều người chung
quanh, khi họ hỏi ông đóng tàu làm gì, nhưng họ
đâu có tin ông, vì họ đang mê mải ăn chơi,
hưởng thụ. Chính thái độ
thiếu tỉnh thức ấy đã khiến cho họ
chết vùi, chết thảm trong trận hồng thuỷ
thời bấy giờ.
Tỉnh thức là biết
nỗ lực xây dựng một thế giới hiệp
nhất, yêu thương, công bình và bác ái. Nếu chờ đợi trong tỉnh thức yêu
thương, thì việc chờ Chúa đến sẽ không
còn là sự bất ngờ đáng lo, đáng sợ nữa,
nhưng lại là sự bất ngờ của niềm vui
và hạnh phúc. Vì thế, Mùa Vọng là mùa của
đợi chờ: đợi chờ chính Con Thiên Chúa,
Đức Giêsu Kitô, đợi chờ trong hy vọng,
đợi chờ trong tin yêu. Chờ đợi như
thế, chính là tỉnh thức, là sẵn sàng, là mở
đường về Nước Trời. Amen.
|