Mong chờ một cuộc gặp gỡ - Cố Lm.
Hồng Phúc
Đây, Mùa Vọng lại
đến. Mùa Vọng là mùa mong chờ
một cuộc gặp gỡ. Người
nông phu gieo hạt xuống đất mong chờ ngày
hạt trổ bông. Người bộ
hành mong chờ gặp gỡ nơi chỗ hẹn.
Nhà Tiên tri Giêrêmia loan báo, trong bài đọc I,
“ngày Thiên Chúa làm nẩy sinh một chồi công chính” và trên
bước đường lịch sử, nhân loại
sẽ gặp Đấng Cứu Độ. Mùa Vọng là
thời điểm Chúa Kitô, Đấng mà Đavit là tiền
ảnh, Đấng đã được tiên báo đến
trong thế gian và còn tiếp tục đến.
Phải, Chúa Giêsu vẫn
tiếp tục đến giữa chúng ta. Nhân loại càng ngày càng thay đổi thì Chúa Kitô,
niềm hy vọng thế giới, vẫn tiếp tục
đến để đem sự công chính, hoà bình và ơn
cứu rỗi. Chúa Giêsu vẫn tiếp
tục đến trong mỗi người chúng ta. Là
một con người, ai lại không mong muốn
được biết đường đi, xa lánh sự
dữ, được khỏi tiêu diệt và khỏi
chết. Thì Chúa Kitô chính là Đường, là
sự Sống, là sự Thật sẽ đến
hướng dẫn chúng ta và cứu chuộc chúng ta.
Thánh Phaolô, trong thánh thư
gửi giáo đoàn Thessalonica, dạy chúng ta phải sống
tinh thần Mùa Vọng như thế nào. Người
tín hữu là kẻ đã được Đức Tin
hướng dẫn ngày chịu phép Rửa tội thì
phải tiến lên không ngừng, “phải gia tăng và tràn
đầy lòng thương yêu nhau”. Phaolô
dạy giáo đoàn Thessalonica vẫn đã sốt sắng,
phải sốt sắng, phải thánh thiện hơn. Bằng bốn lần, Phaolô khuyên họ và khuyên
chúng ta phải kết hợp với Chúa Kitô mật
thiết và thương yêu anh em hơn, như Ngài đã
thương yêu chúng ta. Đó là chìa khóa
sự thánh thiện. Đó là tinh thần
Mùa Vọng chân chính, mùa mong đợi Chúa đến.
Vì thế, Giáo Hội
thường khuyến cáo tổ chức những buổi
tĩnh tâm cấm phòng trong mùa Vọng, không ngoài mục
đích thăng tiến lòng đạo đức. Chúng ta hãy sốt sắng tham gia. “Hãy quên đi đoạn đường đã qua
và chạy đến cùng đích” (Phi. 3, 14). Cùng đích ấy là Chúa Kitô.
Mùa Vọng là mùa mong đợi
gặp gỡ Chúa. Chúa Giêsu chỉ đi vào lịch
sử một lần khi Ngài giáng sinh trong hang lừa máng
cỏ, cách đây 19 thế kỷ. Nhưng
như vừa nói, Ngài sẽ đến lại với
mỗi người chúng ta và nhất là Ngài sẽ
đến lại trong vinh quang ngày tận thế.
Bài Phúc âm mở cho chúng ta một cái nhìn bao
quát vĩ đại đó. Thời gian từ ngày Chúa đến lần
thứ nhất trong lịch sử đến ngày Chúa
lại đến trong vinh quang là thời gian của Giáo
hội. Và Giáo hội cũng vọng
về ngày Chúa đến trong uy quyền. Ngày đó bao giờ đến?
Ngài không nói ra bí mật của Thiên Chúa!
Nhưng Ngài cho ta những điềm báo trước:
những điềm lạ trên trời, những rung
chuyển dưới đất. Những vụ nổ
như vụ núi lửa Pinatubo ở Phi luật Tân phun lên
đến cao độ 12 miles với sức mạnh
của 10 quả bom nguyên tử, tháng 6, 1991, là một
tiếng dội xa xôi của ngày Chúa giáng lâm. Những
điềm báo đó phải là những điều
thức tỉnh, những bài học cho chúng ta.
Ngày nay, có nhiều người
sống và tổ chức cuộc sống như rằng
thế giới sẽ vô tận, không có một cùng
điểm. Có nhiều người
sống như không bao giờ phải chết. Người tín hữu biết rằng Chúa đã
đến và Chúa sẽ đến lại cho cả thế
giới và với mỗi người chúng ta, nên phải
chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ đó. “Chúng
con hãy giữ mình, kẻo lòng chúng con ra nặng nề, vì chè
chén say sưa và lo lắng việc đời mà ngày đó
thình lình đến với chúng con như chiếc
lưới chụp xuống mọi người sống
trên mặt đất”.
Vậy chúng ta “Hãy tỉnh
thức và cầu nguyện luôn” trong Mùa Vọng này.
Trời cao hãy đổ
sương xuống và ngàn mây hãy mưa Đấng
chuộc tôi.
|