Ai muốn theo
tôi phải từ bỏ chính mình
Một
bác tiều phu đi đốn củi.
Đốn được một bó to sắp mang về thì
bác bỗng chợt nghĩ thấy đời mình sao
khổ quá, tuổi đời cứ tăng lên, sức
khoẻ thì sút đi, mà gánh nặng gia đình vẫn không
đổi thay, lại thấy nhiều người
chẳng phải lo đến chuyện cơm áo gạo
tiền. Bác mới kêu lớn lên: “Ước gì tôi
được gặp Thần Chết!”
Bác vừa nói xong thì thấy Thần
Chết đứng ngay trước mặt, tay
cầm lưỡi hái, miệng hỏi: “Ông lão muốn
điều gì?” Bác lập cập trả lời: “Bó củi
to nặng quá! Nhờ ngài đưa giùm lên vai
tôi”.
Thế đó, dù khổ đến
đâu, sự sống vẫn luôn được yêu quý
hơn mọi giá.
Nhưng dù có quý trọng và giữ gìn đến đâu, cái
chết vẫn là một sự thực không ai có thể
phủ nhận được: “Mạng người dù giá
cao mấy nữa, thì rồi ra cũng chấm dứt
đời đời. Nào phàm nhân sống mãi
được sao mà chẳng phải đến ngày
tận số?” (Tv 49,9-10). Thoạt
nhìn, sự chết là một thực tại cay đắng
của phận người, nó đập tan mọi
bảo đảm bền vững, mọi dự tính khôn
ngoan của trần gian.
Nhưng
phải cám ơn Thần Chết! Vì đó là người
thổi tiếng kèn đánh thức con người khỏi
mê ngủ bởi những quyến rũ hào nhoáng của
thế gian, để đi tìm một ý nghĩa cao
đẹp cho thân phận cát bụi, để nhận ra
và sống tình yêu thương, đó là cánh cửa
đưa chúng ta vào sự sống thực sự và vĩnh
cửu mà Thiên Chúa đã ban tặng khi dựng nên chúng ta theo
hình ảnh Ngài. Sự chết cho chúng ta thấy tình yêu Chúa:
“Căn cứ vào điều này, chúng ta biết
được tình yêu là gì: đó là Đức Ki-tô đã
thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa,
chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16). Vâng, ai cũng kính phục một
người sẵn lòng chết vì yêu, dù người đó
có địa vị thấp hèn đến đâu đi
nữa: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình
thương của người đã hy sinh tính mạng vì
bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Thế mà tình yêu đẹp nhất đã dành cho chúng ta: Trên
cây thập tự, Chúa nâng chúng ta lên cao khi gọi chúng ta là
bạn hữu, và yêu thương chịu chết cho
tội của chúng ta.
Niềm
tin Kitô là một nghịch lý trước mọi suy nghĩ,
tính toán của thế gian, ngay từ lời mời gọi
của Đức Kitô: “Ai muốn theo
tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình
hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu
mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất
mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được
mạng sống ấy” (Lc 9,23-24). Nhưng
ai đi theo Đức Kitô, bỏ mình vì
yêu, người ấy nghiệm được nơi mình
một kho báu vượt trên tất cả và không bao
giờ bị mất.
Tình
yêu Thiên Chúa hướng con người đến một
giá trị không tàn phai theo thời gian, và làm cho mọi bóng
tối trong cuộc đời khổ cực
được tràn đầy ánh sáng phục sinh: “Những
thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin
của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là
của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ
hiện, đức tin đã được tinh luyện
đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem
lại vinh quang, danh dự. Tuy không
thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa
được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì
vậy, anh em được chan chứa một niềm vui
khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận
được thành quả của đức tin, là ơn
cứu độ con người” (1Pr 1,7-9)
Năm
1861, khoảng 2300 giáo dân Bà Rịa đang yên ổn sống
đạo thì đến tháng 8 quan tuần vũ Biên Hoà ra
chỉ thị cho phủ Bà Rịa lập danh sách
người có đạo. Dân có đạo
phải “khắc tự” hai bên má, một bên chữ Biên Hoà,
một bên chữ tả đạo. Đến
tháng 9, có khoảng 700 người Kitô hữu bị giam
trong bốn nhà giam được thiết lập tại
phủ Bà Rịa. Lính gác nghiêm nhặt
ngày đêm, không cho ai ra ngoài. Đại tiện,
tiểu tiện đều tại chỗ, may lắm
mới có được một đứa nhỏ ở
ngoài được cho vào hốt đổ đi. Thời
tiết mùa mưa ẩm thấp, phải nằm ngủ
dưới nền đất, lại không phên bạt che
nắng mưa nên nhiều người lâm bệnh chết rũ tù. Dù vậy, chẳng có
ai bỏ đạo. Có một ông bị nhốt trong
ngục, vợ và con ở ngục khác trốn thoát
được ra ngoài mới tìm chạy được 30
quan tiền định lo lót cho chồng được
tha. Nhưng ông nhất định không chịu vì coi đó
là việc không chính đáng, và sẵn sàng ở lại
để chịu chết vì Chúa.
Cuối
tháng 12, Biên Hoà thất thủ, quân nhà Nguyễn chạy
đến Bà Rịa nhưng thấy không đủ sức
địch lại quân Pháp nên phải rút đi. Trước khi rút, ngày 07/01/1862, họ phóng hoả
đốt cả bốn nhà giam các tín hữu. Người bị giam cố gắng
thoát ra, có lính canh ở ngoài đâm chết, có lính thấy
đàn bà trẻ con thì thương tình phá cửa cho họ
chạy, một cai đội chặn
họ lại cướp của. Số
người tử vì đạo là 444 người. Họ đã chết, nhưng chết trong niềm
vui, chết trong hy vọng.
Được sinh ra, sống, chết
và chịu đau khổ là những gì không ai tránh
được. Nhưng
mọi đau khổ trong cuộc sống sẽ nở hoa
niềm vui và hy vọng khi chúng ta để tình-yêu-đến-bỏ-mình
của Chúa dẫn đường và thúc đẩy:
“Bởi ân tình Ngài quý hơn mạng sống, miệng
lưỡi này xin ca ngợi tán dương” (Tv 63,4). Sống yêu thương có
phải là chọn lựa của tôi?
|