Từ thiện - Lm. Giuse Trần
Việt Hùng
Từ thiện là việc làm công
đức. Người
có lòng nhân ái thường hay bố thí, làm từ thiện và
thi hành bác ái. Sống bác ái là sống yêu
thương chia sẻ cả tình, nhân và nghĩa.
Đức ái hay đức mến là một nhân đức
cao đẹp của con người. Mỗi
người được sinh ra đời trong một
hoàn cảnh khác nhau. Trong cuộc sống có
người giầu kẻ nghèo, người sang kẻ hèn
và người thành kẻ bại. Đời
người mong manh như hạt sương dễ tan.
Không có ai sống mãi trên đời. Cuộc sống của chúng ta giống như
những lượn sóng nhấp nhô trồi lên rồi hạ
xuống. Không ai là một hòn đảo,
chúng ta sống là sống cùng và sống với người
khác. Mọi người cần
nương tựa, cần hỗ tương nhau và
sống nương nhờ nhau. Lòng
từ thiện trở thành mối giây liên kết giữa
người với muôn loài.
Câu
truyện của tiên tri Êlia chạy trốn vào thành giữa
cơn đói kém, ông đã gặp bà góa nghèo đang đi
lượm củi và ông gọi bà ấy và nói: "Bà làm
ơn đem bình lấy cho tôi chút nước để tôi
uống.”(Cv 10, 10). Người đàn bà
rất tử tế và có lòng bao dung: Bà ấy liền đi
lấy nước. Ông gọi bà và nói: "Bà làm ơn
lấy cho tôi miếng bánh nữa!” (Cv 17,
11). Tuy gia đình bà nghèo túng, bánh bột sắp cạn
hết nhưng bà cũng sẵn sàng cung cấp bánh cho
người xin ăn. Không phải ai cũng
có thể cử xử tốt lành như bà. Nếu chúng ta ở trong trường hợp này,
có lẽ chúng ta đã chần chừ và có khi chối quanh.
Tự nghĩ rằng gia đình con cái của tôi còn chưa
đủ ăn, làm sao có thể giúp cho người khác. Thế là chúng ta đóng kín cửa tâm hồn
trước nhu cầu cần thiếu của tha nhân.
Bà góa có thái độ rộng lượng và quảng
đại, nên lòng từ của bà đã sinh trổ hoa trái:
Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng
cạn, đúng như lời Chúa đã dùng ông Êlia mà phán.
Hồi sinh đứa con của bà goá (Cv 17, 16).
Chúng ta có cơ hội suy nghĩ về
việc bác ái và lòng từ của mình. Ai trong chúng ta cũng lãnh
nhận rất nhiều ơn. Ơn cha
nghĩa mẹ qua công sinh thành dưỡng dục, ơn
thầy cô đã truyền thụ kiến thức văn hóa
và nghề nghiệp. Ơn sống trong quốc gia có an bình trật tự và xã hội tiện nghi.
Ơn làm con Chúa được sống trong một Hội
Thánh Công Giáo. Các ơn huệ liên đới trùng
trùng điệp điệp trong một kiếp
người. Chúng ta đã chịu ơn
của biết bao nhiêu người qua bao nhiêu thế
hệ. Chúng ta đã nhận lãnh
nhiều, nên cũng cần phải chia sẻ. Vì cho thì quí hơn nhận. Ai
trong chúng ta cũng có cơ hội để cống
hiến cho đời những hoa trái của khả
năng, thời giờ và của cải. Biết rằng bất cứ ai gieo hạt,
trồng cây thì cũng mong cây sinh hoa kết trái. Cha
mẹ sinh con vào đời cũng mong con cái thành
đạt và sinh ích cho gia đình, xã hội.
Trong bài phúc âm, kể câu truyện Chúa
Giêsu đến giảng dạy trong hội
đường. Chúa quan
sát những hành vi cử chỉ của
những thầy Luật sĩ, Biệt phái, Tư tế và
mọi người đến cầu kinh. Chúa
đã rút ra những bài học thực tiễn để áp
dụng cuộc sống đạo. Con người
chúng ta thường đánh giá con người và sự
việc theo hình thức dáng vẻ bề
ngoài, hơn là quan tâm đến nội tâm. Chúa Giêsu dẫn
mọi người đi vào tâm ý của mình và vạch ra
cách thế tế nhị, Ngài nói rằng: Cũng có một
bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền
kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma
(Mc 12, 42). Hai đồng tiền kẽm
chẳng có là bao so với khối tiền trong thùng dâng cúng.
Số lượng qúa nhỏ để nêu
danh và ghi công. Chúa Giêsu đã nhìn tận đáy tâm
hồn chân chính của người đàn bà góa và
Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và
nói: "Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã
bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết (Mc 12, 43).
Với chút ít tiền cúng nhưng đó
là số tiền bà đang cần. Bà đã bỏ vào thùng
tất cả những gì bà có. Bà không lo lắng cho ngày
mai sẽ ăn gì, uống gì và mặc
gì. Có nghĩa là bà đã phó thác hoàn toàn trong bàn tay
Chúa quan phòng. Bà đã buông xả tất cả
cái đang có, bán nghèo mua giầu. Chúa Giêsu đã khen bà:
Quả vậy, mọi người đều rút từ
tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ
vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình
mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả
những gì bà có để nuôi sống mình.(
Mc 12, 44). Không sai, Chúa Giêsu nhắm trúng vào tim
đen của mọi người. Nghe
thế, có lẽ ai trong chúng ta cũng giật mình. Có rất nhiều lần chúng ta đã làm từ
thiện, bác ái và bố thí. Nhiều
việc từ thiện của chúng ta đã được
ghi công bảng vàng. Chúng ta làm việc bác
ái nhưng lại đòi hỏi nhiều điều
kiện. Nói thật, so với những
gì chúng ta đang sở hữu, tất cả việc
từ thiện và bố thí của chúng ta mới chỉ là
một góc nhỏ. Biết rằng đồng
tiền nào cũng do công lao mồ hôi
nước mắt kiếm tìm nên rất quí. Đôi
khi tính toán rằng chúng ta có nhiều tiền nhưng
chưa đủ, làm sao có dư. Đợi
khi nào chúng ta có dư đủ, sẽ giúp người.
Phước báo cuộc đời
hệ tại ở việc biết dâng hiến và chia
sẻ. Càng
cho đi nhiều, chúng ta càng nhận thêm nhiều. Cái tâm từ bi được cởi mở và phát
khởi sự tốt lành nơi chính nội tâm. Chúng ta đừng quá quan tâm vào món quà bố thí
sẽ đi về đâu. Thường
thì ai cũng muốn đồng tiền cho đi
được xử dụng đúng chỗ, đến
đúng người và dùng đúng mục đích. Đôi khi chúng ta sẽ không hài lòng và không vui khi qùa
biếu bị lạc hướng. Số qùa tặng
có đến tận tay của
người nghèo hay không, còn tùy thuộc qua nhiều trung
gian. Cho đi nhiều hay ít thì không quan trọng bằng tâm
thiện mở rộng. Điều quan
trọng là tâm ý của chúng ta được an lạc vì
đã làm một việc thiện. Một
việc từ thiện dù nhỏ, chớ khinh. Việc thiện dù nhỏ, không nên bỏ. Làm từ thiện, bác ái và bố thí là chúng ta
đang bỏ vào kho tiết kiệm phúc báo của chính mình.
Tác
giả của thơ gởi tín hữu Do-thái viết:
Phận con người là phải chết một lần,
rồi sau đó chịu phán xét (Dt 9, 27). Mỗi
người chỉ có một đời để
sống. Sống dài hay sống ngắn không quan
trọng cho bằng sống có ý nghĩa. Sống
ý nghĩa nhất là sự hiến thân và cho đi. Cho đi như Chúa Giêsu Kitô. Ngài
đã hiến dâng thân mình làm hy tế trọn vẹn
để tẩy xóa tội lỗi nhân loại. Ngài đã dâng hiến tất cả đến
giọt máu cuối cùng. Không phải máu chiên bò hay
của cải thế thân, mà chính là sự sống con
người toàn vẹn: Cũng vậy, Đức Ki-tô
đã tự hiến tế chỉ một lần, để
xoá bỏ tội lỗi muôn người. Người
sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần
này không phải để xoá bỏ tội lỗi, mà
để cứu độ những ai trông đợi
Người (Dt 9, 28). Chúa đã thể
hiện một tình yêu cao vời tuyệt đỉnh và vô
điều kiện là cho tất cả.
Chúng ta được mời gọi
thực thi bác ái trong việc hành đạo. Dù là một việc
nhỏ giúp người, chúng ta sẽ không mất phần
thưởng. Vào ngày phán xét sau cùng, Chúa Giêsu đáp
nghĩa: Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn;
Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các
ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng,
các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các
ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các
ngươi đến hỏi han." (Mt 25, 35-36). Chúa
kể rằng tất cả những gì chúng ta đã làm cho
những người nghèo, kẻ bé mọn và người
khổ đau là chúng ta đang làm cho chính Chúa. Vậy
mà đôi khi chúng ta quá lo lắng cho bản thân và gia đình
riêng tư mà quên đi nghĩa vụ phải có đối
với tha nhân, giáo hội và xã hội. Chúng
ta sợ mất thời giờ phục vụ công ích.
Chúng ta ngại ngùng tham gia phục vụ trong
các đoàn thể của cộng đoàn và giáo xứ.
Chúng ta không dám xả thân giúp đỡ vì
sợ phải hy sinh, liên lụy, tốn kém, mất mát và
thua lỗ. Nhiều khi chúng ta chỉ muốn thu gom cho cuộc sống mình vì sự ích
kỷ hẹp hòi. Chúng ta chỉ thích làm tính
cộng mà không muốn làm tính trừ.
Lạy Chúa, tất cả chúng con
đang được ngụp lặn trong ân
tình của Chúa và tha nhân. Xin cho chúng con biết rộng lòng
chia sẻ cuộc đời với anh chị em chung quanh.
Bất cứ điều gì chúng con đã lãnh nhận
một cách nhưng không, xin cho chúng con cũng biết cho
đi cách nhưng không.
|