Yêu thương
bằng việc làm.
(Trích trong ‘Đối
thoại với Thiên Chúa’ – Fernandez)
1.
Giới răn trọng nhất.
Các bài đọc trong thánh lễ hôm nay
cho chúng ta thấy sự liên tục giữa Cựu và Tân
ước, cũng như sự hoàn hảo trong Mặc
Khải của Thiên Chúa.
Trong bài đọc một, chúng ta được nghe
giới răn thứ nhất được tuyên
đọc bằng những lời rõ ràng: Nghe đây,
hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là
Đức Chúa duy nhất. Ngươi
phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi,
hết lòng, hết trí khôn, và hết sức lực
ngươi. Câu Thánh Kinh này rất quen
thuộc với tất cả những người Do Thái.
Họ lặp lại giới răn này hai lần mỗi
ngày, trong giờ kinh Sáng và kinh Tối của họ.
Trong bài Phúc âm, chúng ta được nghe
về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với
một vị kinh sư. Ông này đã lắng nghe cuộc đối
thoại giữa Chúa và những người Sa-đốc.
Vị kinh sư có một ấn tượng
về cách Chúa trả lời những vấn nạn.
Và ông đã hỏi Chúa về giáo huấn của
Người: Thưa Thầy, giới răn nào là giới
răn trọng nhất? Chúa Giêsu dừng
lại một chút trước câu hỏi thành tâm này,
mặc dù Người thường nghiêm nghị với
những kinh sư và những người Biệt Phái.
Vào cuội cuộc trao đổi, Chúa đã nói những
lời đầy khích lệ với vị kinh sư: Ông
không còn xa nước Thiên Chúa bao nhiêu. Chúa Giêsu
luôn sẵn lòng dành thời giờ cho những linh hồn
quan tâm đến Người. Chúa đã nhắc
lại những lời trong Thánh Kinh: Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là
Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến
Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết lòng, hết trí
khôn, và hết sức lực ngươi...
Đây
chính là giới răn trọng nhất trong mọi giới răn, là giới luật tóm kết và cao
điểm của mọi giới luật. Nhưng
ý nghĩa của tình yêu này hệ tại ở điều
gì? Trong một bức thư tưởng tượng
viết cho thánh Phanxicô Salê, Đức Hồng Y Luciani -
tức là Đức Gioan Phaolô I sau này - đã đưa ra
câu định nghĩa như sau: Theo ngài, người yêu
mến Chúa phải lên con tàu của Chúa, quyết tâm theo con
đường các giới luật của Chúa, dưới
sự hướng dẫn của các vị đại
diện của Chúa, và trong những tình huống và hoàn
cảnh cuộc sống Chúa đã cho xảy đến.
Ngài đã tưởng tượng ra cuộc phỏng
vấn hoàng hậu Marguerite, khi bà sắp sửa lên
đường gia nhập đạo quân Thánh Giá cùng
chồng là vua thánh Louis IX của nước Pháp: ‘Thưa
quí bà, quí bà định đi đâu?' Đức
vua đi đâu, tôi đi đó'. 'Nhưng
quí bà đâu có biết đích xác đức vua đi đâu
không?' 'Đức vua đã cho tôi biết
tổng quát. Tôi không quan tâm đến việc biết
đích xác nơi đức vua sẽ đến, tôi
chỉ quan tâm đến việc được cùng đi
với đức vua'... Đức vua là Thiên Chúa, và chúng ta
tất cả là những hoàng hậu Marguerites nếu chúng
ta thực tâm yêu mến Người...
Sống
với Thiên Chúa, chúng ta cảm nghiệm như một con
trẻ trên tay mẹ hiền; dù
Người ẵm chúng ta bên tay phải hoặc bên tay trái:
chúng ta hãy để tùy ý Người. Chỉ có một
điều can hệ: đó là được sống bên
Chúa Giêsu. Dù ở đâu, dù chúng ta chịu đau khổ nào,
dù thành công hay thất bại - tất cả phải
được chúng ta đón nhận. Hoàn
cảnh dù thế nào cũng phải giúp chúng ta yêu mến
Thiên Chúa hơn. Chúng ta hãy sống theo
lời khuyên của thánh nữ Têrêsa: Đừng để
sự gì làm bạn xao xuyến; Đừng để
điều gì làm bạn kinh hãi; Mọi sự đều
qua đi; Thiên Chúa không bao giờ đổi thay. Sự
nhẫn nại đạt được: Tất cả
những gì nó gắng đạt đến. Ai
có Thiên Chúa sẽ thấy mình không thiếu thốn gì;
Một mình Chúa là đủ cho ta.
2. Đáp
lại tình yêu Chúa.
Hôm
nay, chúng ta cầu nguyện trong phần đáp ca: Con yêu
mến Chúa, lạy Giavê, sức mạnh của con. Chúa là đá tảng, là đồn lũy, là
đấng giải thoát con. Lạy Chúa Trời con,
Người là thuẫn đỡ, là uy tế độ, là
đồn trú của con.
Thánh Vịnh 17 có thể được
coi là kinh Te Deum vua Đavít đã thân thưa với Chúa. Vua muốn cám tạ Thiên
Chúa về tất cả những sự trợ giúp đã
nhận được trong cả cuộc đời Chúa
đã giải thoát vua khỏi mọi địch thù.
Người đã ban cho vua được chiến
thắng các dân ngoại. Sau cuộc khởi
loạn của Absalom, Chúa đã trả lại thành Jerusalem cho vua. Lúc nào, vua cũng nhận
được sự trợ giúp của Chúa. Vì
vậy, vua đã dâng lên Chúa lời cám tạ và tình mến:
Lạy Chúa, sức mạnh của con, con
yêu mến Chúa. Chúa luôn luôn là đồng minh của vua
Đavít, là thành lũy, là nơi nương ẩn, và là
khiên thuẫn chở che cho vua... Chúa luôn luôn bảo trợ
cho vua: Người giải thoát tôi, bởi vì Người
hài lòng với tôi. Mỗi người chúng ta
cũng có thể lặp lại những lời như
thế. Nhân tố quyết định
cho cuộc đời chúng ta chính là việc Thiên Chúa yêu
thương chúng ta. Thực tại này phải làm cho
lòng chúng ta ngập tràn niềm an ủi
và hy vọng: Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng
ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa
đã sai Con Một đến thế gian để nhờ
Con Một của Người mà chúng ta được
sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải
chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người
đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người
đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. Mầu nhiệm Nhập Thể là biểu hiện
tối cao của tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi
người. Tình yêu này còn có trước thời
điểm Nhập Thể, vì phát sinh từ bản tính
Thiên Chúa: Ta đã yêu thương các người bằng
một tình yêu muôn thuở. Tình yêu này đã có
trước khi tạo thành trời đất. Thánh
Thomas dạy rằng tình yêu này là nguồn mạch mọi ân sủng của chúng ta.
Nhưng
điều còn kinh ngạc hơn nữa là tình yêu Thiên Chúa
đã được trào đổ vào lòng chúng ta nhờ
Chúa Thánh Thần, đấng đã được ban
tặng cho chúng ta. Thánh Augustine đã viết: Chúng ta đã
được yêu thương ngay cả khi chúng ta vô tâm
nhất. Thiên Chúa đã muốn ban cho chúng ta
một điều gì đó để chúng ta ca ngợi
Người. Thánh nhân còn nói: Hãy nghe đây! Hãy nghĩ về cách bạn đã được
yêu thương khi bạn không đáng được
thương yêu. Hãy lắng nghe, bạn
đã được thương yêu như thế nào khi
bạn vụng về và xấu xa, khi bạn chẳng có gì
đáng được yêu thương. Bởi
vì bạn đã được thương yêu
trước, bạn đã được tạo dựng
để được yêu thương.
Chúng
ta lẽ nào lại không đáp trả một tình yêu như
thế hay sao? Thiên Chúa mời gọi chúng ta yêu mến
Người bằng việc làm và bằng những cảm
tình của con tim. Mỗi
ngày, chúng ta hãy tìm hiểu thêm về nhân tính thánh thiện
của Chúa Giêsu, đó là con đường tốt nhất
để đến cùng Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Cha
hằng yêu thương Chúa Con. Người cũng yêu
thương chúng la: Cha đã yêu chúng như Cha đã yêu Con.
Người càng yêu thương chúng ta hơn nữa khi
chúng ta yêu mến Con của Người: Ai yêu mến Ta, Cha
Ta sẽ yêu mến kẻ ấy.
Tình yêu phải được thể
hiện bằng việc làm. Tình yêu được thể hiện trong sự tín
thác như con trẻ đến cùng người cha khi
gặp sự khó. Đây là việc của
mỗi ngày. Chúng ta hãy có một tinh thần tri ân vui tươi về bao phúc lành đã
được lãnh nhận. Chúng ta hãy tín trung như
những người con thảo hiếu đối với
Thiên Chúa, trong những nơi Người đã đặt
định cho chúng ta. Trong lâu đài của Thiên Chúa, chúng ta
hãy chấp nhận bất kỳ vị trí nào: người
nấu nướng hoặc người rửa bát,
người phục vụ, người làm bánh,
người giữ ngựa. Nếu đức vua muốn
gọi chúng ta vào số quần thần ưu tú, chúng ta hãy
sẵn sàng mà không xao xuyến, chúng ta biết sự ban
thưởng không tùy thuộc vào địa vị, nhưng
vào sự tín trung với nhiệm vụ được giao
phó. Thiên Chúa muốn chúng ta được
hạnh phúc với địa vị của chúng ta.
Bao nhiêu lần lẽ ra chúng ta phải thưa với
Người: Lạy Chúa, con yêu mến Chúa..., nhưng xin
dạy con biết yêu hơn nữa, yêu thật nồng nàn!
3. Tình yêu
thể hiện bằng việc làm.
Một
nhà viết tiểu sử thánh nữ Têrêxa Avila đã mô
tả tình mến tinh tế từ những ngày đầu
của đan viện thánh Giuse: Khi thiếu thốn tiền
bạc, các nữ tu sẵn lòng dùng bánh khô, nhưng họ
chẳng bao giờ thiếu nến sáp để thắp
sáng bàn thờ và những đồ phụng tự
đều là thứ tuyệt hảo hết sức có
thể. Một linh mục lấy làm khó chịu: 'Cái gì!
Một chiếc khăn để lau tay
trước khi dâng lễ mà cũng phải tẩm
thuốc thơm à?' Với dung mạo tốt lành rạng
ngời lửa mến, mẹ Têrêxa đã nhận phần
trách nhiệm: 'Chính vì tôi mà các chị em đã mắc sự
bất toàn này. Nhưng khi tôi nhớ rằng Chúa đã
quở trách bọn Biệt Phái vì không tiếp rước
Người xứng đáng, thì tôi lại ước ao mọi
sự trong thánh đường này, bắt đầu
từ ngưỡng cửa, đều được
tẩm dầu thơm...' Chúa rất coi
trọng những biểu hiện tình yêu chân thành như
thế.
Chúng
ta hãy tỏ lòng mến Chúa bằng cách trung thành giữ
trọn những giới luật của Người và chu toàn những bổn phận của chúng ta
giữa trần gian. Lòng mến của chúng ta sẽ
được minh chứng qua việc gớm ghét tội
lỗi và mọi dịp tội, qua việc thực thi tình
yêu trong những chi tiết nhỏ mọn như bái quì
nghiêm trang, giữ đúng giờ những việc
đạo đức, cung kính chào ảnh Đức
Mẹ... Chính nhờ những việc đạo
đức nhỏ bé này mà chúng ta giữ được
ngọn lửa tình yêu Chúa của chúng ta được
bừng cháy.
Mọi việc chúng ta dâng lên Chúa chỉ
có một giá trị tương đối nếu so
với tình yêu đi trước của Chúa. Thiên Chúa yêu thương
tôi. Thánh Gioan Tông đồ viết: 'Chúng ta hãy yêu
mến Thiên Chúa, bởi vì Người đã yêu
thương chúng ta trước'. Và như thế
dường như vẫn chưa đủ, nên Chúa Giêsu
đã đến với từng người chúng ta,
mặc dù chúng ta dơ nhớp, để hỏi chúng ta
giống như Người đã hỏi Phêrô: 'Simon, con Giona,
con có mến Thầy hơn những người này không?'
Đây
là lúc chúng ta phải trả lời: 'Lạy Chúa, Chúa
biết mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa!' Tuy
nhiên, chúng ta hãy khiêm tốn xin thêm: 'Nhưng xin giúp con yêu
mến Chúa hơn nữa. Xin gia tăng lòng mến cho con!'.
|