Một tình yêu duy
nhất.
(Trích trong
‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Không
dễ gì tìm được trong Tin Mừng một luật
sĩ đã tìm đến Chúa Giêsu với thành tâm thiện
chí như trong Tin Mừng hôm nay. Chúng ta bắt gặp
một luật sĩ được Chúa Giêsu ca ngợi
rằng: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” Luật
sĩ này đã tìm đến với Chúa Giêsu để
hỏi Ngài giới răn nào là giới răn trọng
nhất. Chúa Giêsu đã cho ông thấy hai giới răn
trọng nhất là mến Chúa và yêu người. Mến
Chúa và yêu người thực ra cũng là điều đã
được dạy trong Cựu Ước. Nhưng
điều độc đáo ở đây là Chúa Giêsu liên
kết hai giới răn này lại với nhau và cho đây
là giới răn trọng nhất.
Luật
sĩ đã tỏ ra đồng ý với Chúa Giêsu. Chính ông
cũng đã lập lại: “Yêu
mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức
lực và yêu người thân cận như chính mình thì
hơn là dâng mọi lễ vật toàn thiêu và hy lễ”.
Thưa
anh chị em,
Mến
Chúa và yêu người là nội dung căn bản của toàn
bộ lời giảng dạy và việc làm, toàn bộ
cuộc sống và cái chết của Chúa Giêsu. Ngài đã
mạc khải tình thương của Thiên Chúa
được thể hiện qua việc sai Con Một
của Ngài nhập thể làm người, sống giữa
mọi người để làm nền tảng cho lòng
mến Chúa và yêu người của những người
tin Chúa. Qua những dụ ngôn, như dụ ngôn
“người Samari nhân hậu”, dụ ngôn “cảnh phán xét
cuối cùng” v.v… Chúa Giêsu đã đi tới chỗ nhập
cả hai giới mến Chúa và yêu người thành một
giới răn duy nhất: mến Chúa thì yêu người,
yêu người thì mến Chúa. Một tình yêu người
được diễn tả một cách cụ thể, qua
việc cho kẻ đói ăn, cho người khát uống,
cho người không có áo mặc, băng bó vết
thương tích cho người không quen biết… Tình yêu
thương người đồng loại
được diễn tả qua những cử chỉ,
việc làm dù là nhỏn mọn, theo giáo huấn của Chúa
Giêsu đều hơn cả những nghi lễ, những
lễ vật người ta muốn dâng cho Thiên Chúa
để tỏ lòng yêu mến và tôn kính Ngài. Bởi vì Thiên
Chuá đã chọn, đã muốn được tôn vinh,
được yêu mến nơi con người, và
những con người bé mọn, nghèo hèn, hẩm hiu…
được tôn vinh và được yêu mến.
Những cử chỉ của lòng thương
người, vẫn theo giáo huấn của Chúa Giêsu, đã
thay thế mọi nghi lễ, lễ vật người ta
cử hành và dâng cúng để tỏ lòng yêu mến Chúa.
Yêu
Chúa không hệ tại tuân giữ một cách hình thức một
số lề luật, tham dự một số nghi lễ.
Việc tuân giữ này không làm nên tình yêu đích thực,
nếu không phát xuất từ tâm tình thâm sâu bên trong.
Yêu
người cũng không phải là “cho của dư
thừa”, cũng không chỉ là “cho cái mình có”, mà là trao thân
hiến mạng cho kẻ khác, là chấp nhận bị
tước đoạt, là xác tín rằng nơi con
người có cái gì đó của Thiên Chúa, được
Thiên Chúa yêu thương, được Ngài cứu
chuộc bằng giá máu của Chúa Giêsu, xứng đáng
được phục vụ và yêu thương đến
cùng.
Vì
vậy, tình yêu Chúa phải là căn nguyên, là động
lực, là điều kiện để yêu người,
yêu tha nhân. Tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa như cội
nguồn và phải quay trở về Thiên Chúa như là cùng
đích của nó. Hơn nữa, chỉ có tình yêu Chúa
mới nuôi dưỡng tình yêu tha nhân bền chặt lâu dài.
Ngay trong tình yêu vợ chồng, nếu không được
nuôi dưỡng bằng tình yêu mến Chúa, một tình yêu
quên mình, tha thứ, hy sinh, phục vụ người mình
yêu, thì tình yêu vợ chồng cũng sớm phai nhạt và
có nguy cơ tan rã… chỉ khi nào chúng ta gặp gỡ
được Thiên Chúa bằng cách sống gắn bó
với Ngài, chúng ta mới có thể tôn thờ Thiên Chúa
đích thực và thực sự yêu thương tha nhân.
Thưa
anh chị em,
Giới
răn mới mà Chúa Giêsu để lại cho các môn
đệ giúp chúng ta đi vào trong ý định của Thiên
Chúa và góp phần đổi mới cộng đồng nhân
loại. Giới răn mới cải thiện mối
tương quan giữa người với người,
từ các mối tương quan hạn hẹp giữa hai
cá nhân cho đến các mối tương quan rộng
lớn giữa nước này với nước khác,
giữa dân này với dân kia. Bác ái phá đổ mọi hàng
rào chủng tộc hay màu da, vượt trên mọi phân
biệt quốc gia hay tôn giáo, xoá bỏ mọi thành kiến
hay những hiềm khích quá khứ. Yêu người
đồng loại đâu chỉ là yêu kẻ gần
gũi hay thích hợp với ta, nhưng còn là “bước
tới”, là làm cho mình trở nên gần gũi với tha
nhân, dù người ấy có ở xa hay ở ngoài vòng thân
bằng quyến thuộc của mình. Vì thế,
người Kitô hữu có thể yêu thương
người mình không chọn. Bác ái thực sự
vượt trên cảm tình. Nó đòi hỏi phải có
một sự trao ban không hoàn lại, ngay cả khi làm ơn
mà phải mắc oán, làm phúc và phải mang hoạ vào thân…
Cuối
cùng, người Kitô hữu không yêu bằng lời nói,
bằng môi mép, nhưng bằng hành động cụ
thể. Thánh Gioan Tông đồ đã nói: “Nếu ai có của cải đời này, thấy anh
em mình lâm cảnh túng thiếu mà đóng lòng dạ lại
với anh em, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa lưu lại trong
người ấy được?” (Ga 3, 17// Gc 14-17).
Một tình yêu chân thật bắt ta đem hết tài
năng và của cải mà phục vụ người khác.
Như Chúa Giêsu đã thí mạng cho nhân loại, người
Kitô hữu cũng phải là những người dấn
thân xây dựng công lý và hoà bình, để hết thảy, dù
xa hay gần, đều đạt đến hạnh phúc
Nước Trời.
Đối
với chúng ta, yêu thương anh em là một món nợ
phải trả cho Chúa Kitô, như Thánh Gioan còn nói: “Nếu Đức Kitô đã
hiến mạng sống mình vì chúng ta, thì đến
lượt chúng ta, chúng ta cũng phải hiến mạng
sống vì anh em. Nếu Thiên Chúa yêu thương chúng ta
như thế, thì đến lượt chúng ta, chúng ta
cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 3,16; 4,11).
“Đây là lệnh truyền chúng ta
đã lãnh nhận nơi Chúa Kitô là: “Ai yêu mến Thiên Chúa thì
cũng phải yêu mến anh em mình” (1Ga 4, 20-21).
Nhìn
ngắm Chúa Kitô trên thập giá và nhất là được
hiệp thông với Ngài trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta
cầu xin được thêm lòng yêu mến Cha trên trời
và yêu thương anh em đồng loại như Ngài đã
yêu thương chúng ta.
|