Phúc thay ai hiền lành – Lm. Ignatiô
Trần Ngà
Khát vọng lớn nhất, sâu xa
nhất của con người là được hạnh
phúc. Vì
thế, người ta thường cầu chúc cho nhau
được dồi dào phúc, lộc, thọ. Trong bộ ba đó, phúc đứng hàng
đầu. Nhưng điều quan
trọng là phải sống thế nào để đạt
được hạnh phúc đích thật?
Qua
bài Tin Mừng Lễ Các Thánh (Mat-thêu 5, 1-12), Chúa Giêsu nêu lên
tám đối tượng được chúc phúc và một
trong những đối tượng đó là người
hiền lành: "Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ
được Đất Hứa làm gia nghiệp".
Chúa
Giêsu là Thiên Chúa nên Người có đầy đủ
những phẩm tính cao đẹp nhất, thế nhưng
Người lại chú trọng đến đức tính
hiền lành hơn hết và kêu mời chúng ta: "Hãy
học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm
nhường" (Mt 11, 29), "phúc cho những ai hiền
lành", "hãy khôn ngoan như con rắn và hiền lành
như bồ câu" (Mt 10, 16).
Vậy giờ đây, xin cùng nhìn lại
những phẩm chất của người hiền lành.
Người hiền lành mềm dẻo
như tre.
Trong
cơn bão tố cuồng phong, nhiều cây cổ thụ cao
lớn bị xô ngã, trốc gốc, gãy cành; nhưng tre và
trúc thì an bình vô sự nhờ tính mềm
dẻo của mình. Tương tự như
thế, người hiền lành luôn mềm dẻo trong cách
đối nhân xử thế, nên họ không hề bị
ngã gục đau thương.
Người hiền lành mềm mại
như nước.
Người ta có thể đập
vỡ đá cứng, nhưng không bao giờ đập
vỡ được nước. Khi ta giáng búa tạ vào đá, đá
sẽ dùng sự cứng rắn của mình kháng cự
lại búa và như thế đá sẽ bị vỡ tan; còn
khi giáng búa tạ vào nước, nước dùng sự
mềm mại của mình mà nuốt trửng búa và nhận
chìm búa xuống bùn!
Nước
tuy mềm mại nhưng có thể bào mòn đá cứng:
"nước chảy đá mòn." Người
hiền lành tuy mềm mỏng nhưng có thể làm xiêu lòng
những tâm hồn chai đá nhất.
Người
hiền lành lấy nhu thắng cương, lấy
nhược thắng cường.
Họ
hiểu được chân lý Chúa Giêsu dạy: "Ai dùng
gươm thì sẽ phải chết vì gươm" nên
họ không dùng bạo lực với bất cứ ai.
Họ không ăn miếng trả
miếng như bao nhiêu người khác, không theo luật
"mắt đổi mắt răng đền
răng" nhưng biết chế ngự tính nóng nảy,
hãm dẹp tính tự ái, biết lấy thiện báo ác,
biết lấy tình thương xoá bỏ hận thù.
Vì thế, rốt cuộc, người
hiền lành mới là người chiến thắng. Họ thu phục
được nhân tâm và tình yêu của mọi người
chung quanh.
Ngày nọ, thánh Vinh-sơn bước
vào một tiệm cơm, ngả mũ xin thực khách
bố thí cho những trẻ mồ côi mà ngài đang chăm
sóc. Cũng trong tiệm ấy, có một anh thợ giày
ngạo mạn và đang có hơi men hất hàm hỏi ngài:
"Tiền cho trẻ em nghèo hả? Có
đây!"
Thế rồi anh ta hớp một
ngụm bia, phun thẳng vào mặt thánh
Vinh-sơn trước những cặp mắt bàng hoàng kinh
ngạc của các thực khách. Mọi người im
lặng chờ đợi sự đáp trả cân xứng
từ phía Vinh-sơn, một con người vạm vỡ
vừa bị xúc phạm quá đáng trước mặt
đám đông.
Vinh-sơn từ từ cho tay vào túi, không phải để tìm hung khí
trừng trị anh thợ giày nhỏ thó kia, nhưng là
để rút ra một chiếc khăn tay và từ tốn
lau khuôn mặt dơ bẩn của mình. Sau đó, cho
khăn vào túi, ngài ôn tồn nói với anh thợ giày:
"Cám ơn anh. Phần anh cho tôi, tôi đã nhận. Thế còn phần của các trẻ mồ côi
đâu?"
Mọi
người trong quán hết sức ngạc nhiên vì thái
độ điềm tĩnh và hiền lành tột bực
của ngài. Cả anh thợ giày hỗn láo kia cũng cảm thấy rúng động
trước tấm lòng bao dung hào hiệp và bản lãnh
rất cao của ngài. Anh ta quỳ xuống tạ lỗi
và sau đó, quay về quyên góp bà con bạn bè một số
tiền khá lớn đem đặt dưới chân thánh
Vinh-sơn để giúp cho những kẻ nghèo.
˜˜˜
Lạy Chúa Giêsu hiền lành khiêm
nhượng, Chúa kêu mời "hãy học cùng Tôi vì Tôi
dịu hiền". Xin cho đoàn con biết
học sống hiền lành như Chúa để đáng
được hồng phúc Chúa hứa ban.
|