Các thánh
Nói
tới việc nên thánh, nhiều người thường
có thái độ hoài nghi và an phận,
họ bảo: Nên thánh là chuyện của các linh mục, tu
sĩ, những người có nhiều thời giờ
để đọc kinh cầu nguyện, chứ còn chúng
tôi phải ngược xuôi, bươm chải giữa lòng
đời. Không trộm cắp giết người, không
bỏ lễ ngày Chúa nhật, không bỏ xưng tội
rước lễ vào mùa Phục sinh cũng là khá lắm
rồi, còn nói chi đến chuyện nên thánh.
Đó là một quan niệm sai lạc,
bởi vì sự thánh thiện không phải là một lý
tưởng dành riêng, một loại ngành chuyên nghiệp
cấp cao, dân chúng đừng hòng mơ tưởng
tới. Quan
niệm này có lẽ xuất phát từ một thực
tế, đó là trong số những vị thánh
được Giáo Hội tuyên phong, thì con số giáo dân
rất thấp so với các linh mục và tu sĩ. Hơn nữa, có những thời người ta
đề cao tính chất phi thường và xuất chúng,
thậm chí có lúc nhiều người thi đua nhau lập
thành tích trong khổ chế. Rồi cùng
với trí tưởng tượng, người ta đã
thêu dệt thêm cho ly kỳ và hấp dẫn.
Còn một quan niệm sai lạc khác
nữa coi việc xa tránh thế gian là điều kiện
cốt yếu để nên thánh. Chúng ta thường nói: tu là cõi phúc, tình
là giây oan, sự thánh thiện là một cái gì thuộc
về cá nhân, không dính dấp chi tới cuộc đời.
Vậy thì Giáo Hội quan niệm như
thế nào về sự thánh thiện? Tôi xin thưa:
trong Kinh Tiền tụng ngày lễ hôm nay, chúng ta vốn
thường đọc: Khi tuyên dương công trạng
các ngài, Chúa biểu dương chính những ân
sủng Ngài ban. Nghĩa là các thánh không phải là những
siêu nhân, nhưng là những con người bình
thường, được Chúa tuyển chọn và ban cho
tham dự vào sự sống của Ba Ngôi, được
Chúa giúp sức để sống một cuộc sống
phù hợp với Tin mừng. Công trạng
của các ngài là một đón nhận và không cản
trở ơn huệ của Chúa.
Bởi vì chỉ mình Thiên Chúa mới là
Đấng thánh, còn chúng ta được trở nên thánh,
khi tham dự vào sự thánh thiện duy nhất ấy. Các thánh sở dĩ
được tuyên phong là thánh, bởi vì cuộc
đời các ngài được coi như là một
tấm gương phản chiếu sự thánh thiện
của Thiên Chúa. Mà vì Thiên Chúa đã xuất hiện
nơi Đức Kitô, nên có thể nói cách khác rằng: Ai
giống Đức Kitô, người ấy trở nên thánh
thiện. Ai thực hiện những giá
trị Tin mừng, người ấy trở nên thánh
thiện. Một sự thánh thiện
như thế rất có thể được thực
hiện trong một đời sống rất bình
thường. Thánh thiện Kitô giáo không
phải lúc nào cũng đồng nghĩa với hoàn
thiện. Có những vị thánh mà
vẫn bất toàn. Chính Chúa Giêsu cũng đã từng
nói: Những kẻ trộm cắp, đĩ điếm có
thể vào Nước Trời dễ hơn những kẻ
tự coi mình là đạo đức, là mô phạm.
Đúng
thế, với người trộm lành, Chúa Giêsu đã
hứa: Ngay hôm nay con sẽ được lên thiên đàng
với Ta. Có lần người ta đã thắc mắc
tại sao vị tử đạo kia có
hai vợ mà vẫn được làm thánh. Sở
dĩ, ngài được làm thánh không phải vì có hai
vợ, mà vì mặc dù tội lỗi như thế, ngài
đã chấp nhận chịu chết để khỏi
chối Chúa. Mất vợ thì
được, chứ mất Chúa thì không.
Ngày
nay chúng ta cần tới một sự thánh thiện tỏa
rộng, một hình thức thánh thiện vừa bình dân,
vừa gần gũi lại vừa có thể
được thực hiện cho hết mọi
người, thay vì một hình thức thánh thiện
chọn lọc, dành riêng cho một thiểu số. Giáo
Hội không phong thánh cốt để mà thờ, nhưng
để tôn vinh Thiên Chúa, để khuyến khích chúng ta
noi theo và bắt chước.
|