Xin hãy sai con – Lm. Ignatiô Trần
Ngà
Thông
thường khi cầu xin bất cứ ân
huệ gì, chúng ta tha thiết cầu xin cho bản thân, cho
gia đình mình trước. Thế nhưng, giả như
khi đất nước lâm nguy, cần có người ra
biên thuỳ bảo vệ, thì người ta lại sốt
sắng cầu xin cho người khác, ngoại trừ
bản thân, được can đảm xông ra chiến
trường gìn giữ giang sơn. Nếu ai cũng
cầu như thế và những lời cầu kiểu
nầy được chấp nhận, thì làm gì còn Tổ
Quốc!
Trong
việc cầu cho công cuộc truyền giáo cũng vậy,
chúng ta thường cầu với Chúa rằng: "Lạy
Chúa, xin cho có đông người, ngoại trừ con,
biết quảng đại lên đường đi
khắp muôn phương loan báo Tin Mừng cứu
độ". Nếu ai cũng cầu xin
kiểu đó, nghĩa là cầu cho người khác lên
đường, ngoại trừ bản thân mình, thì cánh
đồng truyền giáo sẽ vắng bóng thợ gặt,
tìm đâu ra người đi loan báo Tin Mừng.
Vậy
thì lời cầu xin thiết thực nhất mà mỗi
người chúng ta phải cầu xin với Chúa là:
"Lạy Chúa, tuy con bất xứng, nhưng xin hãy sai con
đi làm thợ gặt cho Chúa ngay hôm nay."
Dù muốn dù không, chúng ta cũng là tông
đồ của Chúa ngay từ ngày lãnh bí tích thanh tẩy. Bí Tích Thanh Tẩy làm cho chúng ta trở
thành chi thể Chúa Giêsu, cho thông dự vào vai trò ngôn sứ
của Người, nên chúng ta phải đảm nhận
trách nhiệm loan Tin Mừng cứu độ của
Người.
Chính
vì thế, trước khi về trời, Chúa Giêsu long
trọng chuyển trao cho chúng ta, là môn đệ
Người, tiếp tục thi hành sứ vụ: "Anh em
hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép
rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,
dạy bảo họ tuân giữ mọi điều
Thầy đã truyền cho anh em." (Mt 28, 19-20)
Vậy
thì sứ mạng loan Tin Mừng là một bổn phận
phải làm chứ không phải là việc tuỳ thích. Thánh
Phaolô thú nhận: "đối với tôi rao giảng Tin
mừng không phải là lý do để tự hào, nhưng là
một sự cần thiết buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin
mừng." (1 Cr 9,16).
Việc
loan Tin Mừng là một bổn phận bắt buộc.
Chỉ khi nào chúng ta tự khai trừ mình ra khỏi Hội
Thánh, tự tách mình ra khỏi Thân Thể Chúa Giêsu, thì chúng ta
mới có thể cho phép mình ngừng loan báo Tin Mừng.
Truyền giáo bằng
chia sẻ tình thương
Phải
truyền giáo cách nào?
Đối với Mẹ Têrêxa Calcutta,
truyền giáo là chia sẻ tình thương. Mẹ không rao giảng
Phúc Âm bằng lời nhưng bằng những tâm tình và
cử chỉ yêu thương cụ thể. Mẹ cũng chẳng chủ trương yêu
thương đại chúng cách chung chung, nhưng là yêu
thương từng người đang đối
diện.
Mẹ
nói: "Đối với chúng tôi, điều quan trọng
là từng người một. Để thương yêu
một người thì phải đến gần
người ấy... Tôi chủ trương
một người đến với một người.
Mỗi một người đều là
hiện thân Đức Kitô, mà chỉ có một Chúa Giêsu thôi.
Người đó phải là người duy
nhất trên thế gian trong giây phút đó." Với
tâm tình nầy, Mẹ Têrêxa đã thu
phục nhân tâm rất nhiều người khắp nơi
trên thế giới. Cũng bằng phương thức
nầy, Giáo Hội công giáo Hàn Quốc đã làm gia tăng
gấp đôi số tín hữu chỉ trong vòng mươi
năm!
Theo gương Mẹ Têrêxa, mỗi
một người công giáo nên kết thân với một
người lương, coi người đó như anh em
ruột thịt và đem hết lòng yêu thương
người đó.
Mỗi
gia đình công giáo nên kết thân với một gia đình
lương dân, coi họ như thân quyến của mình,
sẵn sàng chia sẻ buồn vui sướng khổ; khi có
kỵ giỗ, cưới xin hay lễ lạc gì trong gia
đình, hãy mời họ cùng thông hiệp. Nhờ đó hai
bên thắt chặt mối giây thân ái và qua tình thân nầy,
Tin Mừng của Chúa Kitô sẽ được lan toả.
Giáo Hội Hàn Quốc đã chứng
tỏ đây là phương thức truyền giáo rất
hiệu quả mà mỗi tín hữu đều có thể
thực hiện trong đời mình.
|