Tin Mừng cho người
ngoại biên.
(Suy niệm của
ĐGM. Gioan B. Bùi Tuần)
Thuở
còn nhỏ, tôi đã sớm nhận thấy sự khác
biệt giữa người giàu và người nghèo. Lớn
lên, tôi cảm được sâu sắc cảnh nghèo. Nghèo
thì hèn. Nghèo thì khổ. Cái Nghèo, cái Hèn, cái Khổ dính vào nhau
khăng khít. Đồng thời, tôi cũng nhìn
được cảnh giàu. Giàu thì sang. Giàu thì có. Cái Giàu, cái
Sang, cái Co đồng hành ung dung.
Khi
đi qua nhiều nơi, ở lại nhiều nước,
tôi lại thấy giàu nghèo làm thành những giai cấp. Giàu
là giai cấp cao. Nghèo thuộc giai cấp thếp. Cấp
cao, cấp thấp đều có nhiều bậc. Đôi
khi, người nghèo khổ bậc dưới không thể
và cũng không dám nhìn người giàu sang ở bậc trên.
Vì khoảng cách quá xa về địa lý, nhất là về
tâm lý.
Trung tâm và ngoại biên.
Để
đơn giản hoá tình trạng chênh lệch giữa giàu
và nghèo, tôi tạm chọn cho mình một hình ảnh gợi
ý. Hình ảnh đó là Trung tâm và Ngoại biên.
Trung
tâm có thể áp dụng về nhiều mặt. Như trung
tâm kinh tế, trung tâm văn hoá, trung tâm chính trị, trung tâm
tôn giáo. Những ai được ở trong hoặc
gần những trung tâm đó thường được
coi là những người hưởng nhiều may mắn
về phát triển, về danh dự, về cuộc
sống.
Ngoại
biên cũng được hiểu về nhiều lãnh
vực như trên. Những ai ở ngoại biên kinh tế,
văn hoá, xã hội, tôn giáo thường phải chịu
nhiều mất mát, thua thiệt, kém cỏi.
Trung
tâm và ngoại biên không hẳn chỉ là địa lý, mà còn
là tâm lý và pháp lý.
Thời
Chúa Giêsu giáng thế, theo truyền thống lâu đời,
thì Giêrusalem là trung tâm chính trị, văn hoá và kinh tế, còn
đền thờ là trung tâm tôn giáo. Đền thờ này
cũng toạ lạc tại Giêrusalem.
Giêrusalem
là nơi tập trung những người có địa
vị, nắm quyền lực, sống trong phẩm
trật và được ưu đãi. Đền thờ
là nơi thờ phượng của người có
đạo. Gian trên dành cho các chức sắc. Gian giữa
dành cho các đàn ông Do Thái. Gian cuối dành cho phụ nữ
và trẻ con. Ngoài hè dành cho các người ngoại giáo, các
kẻ tội lỗi và những ai tàn tật.
Chúa Giêsu đi về ngoại biên.
Trong
một tình hình như thế, Thiên Chúa có những lựa
chọn lạ lùng. Thực vậy, Chúa Giêsu xuất
hiện ở Galilêa. Xứ này là vùng biên, xa trung tâm Giêrusalem.
Người sinh ra trong một gia đình làm nghề
mộc, thuộc dạng nghèo. Như vậy, Người
mang thân phận kẻ nghèo để chia sẻ với
thế giới những người ngoại biên.
Khi
đi rao giảng Tin Mừng, Người ưu tiên
để ý đến những người nghèo,
người người tội lỗi và những
người cùng khổ. Người áp dụng vào chính mình
những lời tiên tri Isaia xưa đã nói: “Thần Khí Chúa
ngự trên tôi, Chúa đã xức dầu tấn phong tôi.Sai
tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,17-20). Người
cũng đã xác định: “Thầy đến không
phải để kêu gọi người công chính, nhưng
để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13). Người
muốn dạy cho mọi người thấy:
Trước mặt Chúa không có vấn đề ưu
đãi cho trung tâm và bỏ quên hoặc loại trừ
những ngoại biên. Người nói rõ ràng với
người phụ nữ ngoại giáo xứ Samaria:
“Này
chị, hãy tin tôi: Đã đến giờ, các người
sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này
hay tại Giêrusalem... Nhưng giờ đã đến, và
chính là lúc này đây, giờ những người thờ
phượng đích thực sẽ thờ Chúa Cha trong tinh
thần và trong sự thực. Vì Chúa Cha tìm kiếm những
ai thờ phượng Người như thế” (Ga
4,21-24).
Suốt
đời, Chúa Giêsu đã sống gần gũi những
người ngoại biên, Người đến với
họ, Người chia sẻ những nỗi đau
của họ, Người được kể như
người ngoại biên. Người cho họ thấy
Người rất thương họ, và tình thương
đó là vô hạn, vô cùng. Thương đến đổ
máu mình ra, chết cho họ, chết thay cho họ, và cho
mọi người.
Người
hiến thân đến tột cùng vì tình yêu. Chính ở
điểm hiến thân trên thánh giá, mà Người làm vinh
danh Chúa Cha, và chính Người được tôn vinh.
Người đã nói trước khi tự nạp mình
chịu chết: “Lạy Cha, giờ đã đến. Xin
Cha tôn vinh Con Cha, để con Cha tôn vinh Cha” (Ga 17,1).
Người
muốn các môn đệ Người cũng hãy theo
gương Người, mà đem Tin Mừng đến cho
người nghèo khổ như vậy. Muốn
được thế, các ngài cần đón nhận
sẵn tình thương cứu độ của
Người. Để đón nhận, các môn đệ
phải rất khiêm nhường trong phục vụ. Gương
phục vụ khiêm nhường sau cùng Nguời trối
lại là chính Người quỳ xuống rửa chân cho
các môn đệ. Sau đó, Người truyền dạy:
“Thầy đã nêu gương cho các con, để các con
cũng làm như Thầy đã làm cho các con » (Ga 13,15).
Phục
vụ rất khiêm nhường là một cách tốt
nhất để mở cửa lòng, đón nhận lửa
tình yêu của Chúa, một thứ lửa đầy ánh sáng
chân lý và yêu thương. Nhờ đó, môn đệ Chúa có
thể ra đi ngoại biên, đem Tin Mừng cho mọi
người, ưu tiên cho những người nghèo
khổ.
Vui buồn về thực tế
truyền giáo.
Đem
mấy tư tưởng Phúc Âm trên đây chiếu dọi
vào thực tế truyền giáo tại địa
phương, tôi thấy có những điều đáng
mừng và có những điểm đáng lo ngại.
Những
điểm đáng mừng là từng triệu những
người nghèo khổ vẫn đón chờ Tin Mừng,
và vẫn sẵn sàng đón nhận Tin Mừng. Nhiều
nơi, nhiều người đã gặp được
Tin Mừng, nhờ gặp được những
người môn đệ Chúa đến với họ,
thương cảm đời họ, phục vụ họ
một cách khiêm nhường, và dấn thân hy sinh vì họ.
Các môn đệ như thế thuộc mọi thành
phần, trong đó các nữ tu và giáo dân giữ một vai
trò quan trọng. Những điểm đáng buồn là
ở nhiều nơi còn thiếu gương sáng về
truyền giáo.
Trên
đường đời, không thiếu trường
hợp, người có đạo chúng ta thuộc
đủ cấp bậc, đã xử sự lạnh lùng
với người ngoại biên. Thái độ của ta
cũng giống thái độ thầy tư tế và Lêvi
xưa trước nạn nhân nằm quằn quại bên
vệ đường. Mặc người ngoại Samaria lo cho người ngoại biên (Mt
12,41-44). Ta cứ an tâm đi về đền thờ là
trung tâm.
Trong
cuộc sống, không thiếu trường hợp,
người có đạo chúng ta thuộc đủ cấp
bậc, cũng đã xua đuổi người ngoại
biên, không cho họ đến gần Chúa. Giống như
các môn đệ Chúa xưa đã muốn xua đuổi
người đàn bà xứ Canaan. Khi bà
cứ lẽo đẽo sát lại bên Chúa Giêsu, để
xin Người chữa con bà bị quỉ ám (Mt 15,21-28). Ta
bảo vệ Chúa là trung tâm bằng cách loại trừ
ngoại biên, tức những ai ta coi là bất xứng.
Trong
những công việc chung, không thiếu trường
hợp người có đạo chúng ta thuộc đủ
cấp bậc, cũng đã đánh giá thấp
người ngoại biên. Không giống cách Chúa Giêsu xưa
đã đánh giá rất cao người đàn bà goá nghèo,
đã dâng cúng vào đền thờ chỉ một
đồng xu (Mt 12,41-44). Ta tôn vinh con người theo tiêu
chuẩn tiền bạc và địa vị, như thể
tiền bạc và địa vị là giá trị của
trung tâm đạo.
Hiện
nay, Mẹ thánh Têrêsa Calcutta đang được
đề cao như một gương mẫu rao giảng
Tin Mừng cho người ngoại biên. Mẹ không làm
việc gì khác ngoài đi theo đường lối mà Chúa
Giêsu đã đi trước. Điều đáng ngợi
khen nhất nơi Mẹ là Mẹ làm, chứ không chỉ
nói. Với những việc làm yêu thương cụ
thể, Mẹ là một người mẹ âm thầm hy
sinh, trước khi là thánh vinh quang.
Khi
tôn vinh Mẹ Têrêsa, Toà Thánh muốn tôn vinh một tinh
thần truyền giáo sáng ngời, một phương cách
truyền giáo khôn ngoan, đã rất hữu hiệu, đã
gây được nhiều thiện cảm ở các xã
hội và tôn giáo đa dạng, tại Ấn Độ nói
riêng và Á châu nói chung. Qua đời sống của mình,
Mẹ Têrêsa Calcutta đã giới thiệu dung mạo
một Hội Thánh dễ thương, dễ mến.
Một Hội Thánh dịu dàng, khiêm tốn phục vụ,
đầy tình xót thương, luôn đi tìm những
người nghèo khổ, tội lỗi, bị loại
trừ, sống trong bế tắc, để đưa
họ vào tình Chúa bao la. Ước gì mọi người
truyền giáo chúng ta cũng theo gương Mẹ,
để bất cứ ai, nhất là các người
ngoại biên, đón nhận được hy vọng là Tin
Mừng nơi Chúa là Cha giàu lòng thương xót.
|