Thứ bánh
không thể thiếu
(Suy niệm của Giuse Nguyễn Cao Luật,
OP)
Mãi mãi là chia
sẻ
Trong bài Tin Mừng Chúa nhật này, thánh Gioan
kết thúc phần suy niệm diễn từ bánh
trường sinh. Sẽ thật là uổng công khi muốn
tách rời điều Đức Giêsu muốn nói và
điều tác giả muốn hiểu - một suy tư
ở cuối một kinh nghiệm dài về đời
sống Hội Thánh. Toàn bộ diễn từ, đặc
biệt phần kết luận, trình bày những suy tư
của thánh Gioan về mặc khải Đức Giêsu nói
về chính Người qua Lời giảng và thập giá.
Đức Giêsu là bánh hằng sống từ trời
xuống và ở mãi với con người. Thịt Máu
Người là quà tặng cho nhân loại được
sống, là lương thực đưa đến
vĩnh cửu và là bảo đảm cho sự phục
sinh.
Kết luận của diễn từ cũng
chỉ là nhấn mạnh đến thực tại tính
của bí tích Thánh Thể. Điều này đã
được hàm ẩn ở phần trên, còn ở đây
được nói đến trực tiếp: những
điều Đức Giêsu nói trong diễn từ rất
gần với trình thuật Tiệc Ly. Chính vì thế, tác
giả Tin Mừng thứ tư không thuật lại
chuyện Đức Giêsu lập bí tích Thánh Thể trong
bữa Tiệc Ly; tác giả chỉ đưa ra những
suy niệm rất phong phú sau trình thuật hoá bánh ra
nhiều.
Quả thế, trong suốt lịch sử
Dân Thiên Chúa, việc chia sẻ thực sự của ăn
vật chất vẫn là điều thường
được nhắc đến để rồi bí tích
Thánh Thể do Đức Giêsu thành lập chính là cao
điểm. Bí tích Thánh Thể loan báo sự hoàn tất
của điều chỉ mới phác thảo trong của
ăn vật chất. Do đó, bí tích Thánh Thể buộc
con người phải suy nghĩ về cách thức phân
phối của ăn trong thế giới hiện nay.
Biết bao lần con người đã làm
cho dấu chỉ này mất đi nền tảng thực
sự của mình. Người tín hữu vẫn mong
muốn thế giới đến lãnh nhận bánh này,
nhưng lại xao lãng thi hành điều Thiên Chúa muốn và
chính Đức Giêsu đã mở đầu. Đó là trao
tặng của ăn đích thực cho tất cả
mọi người.
Trách nhiệm này không chỉ liên hệ
đến gia đình hay những nhóm nhỏ, nhưng
trở thành một vấn đề có tầm mức
quốc tế, liên hệ đến cả lãnh vực kinh
tế, chính trị. Điều này làm cho con người
sợ! Con người cảm thấy dễ dàng khi
phải chấp nhận một số ít của cải
hơn là phải chia sẻ những gì mình đang có,
những lợi lộc mình kiếm được,
những kỹ thuật tiên tiến hay kiến thức
của mình. Họ sợ rằng những người
được họ trao tặng những thứ đó mai
này sẽ trở thành những đối thủ của
họ trên thị trường cạnh tranh, tức là
về công việc làm và về bánh ăn!
Nếu những ý tưởng đó thực
sự là suy nghĩ của nhiều người thì tại
sao họ lại ngạc nhiên khi thánh lễ chẳng có ý
nghĩa bao nhiêu đối với nhiều Ki-tô hữu, và
lại càng chẳng có ý nghĩa gì đối với
những người không tin?
Chia sẻ! Một đòi hỏi cần
thiết trong mọi thời đại, vì đó chính là trao
tặng "thịt làm của ăn". Điều này
chỉ có một mình Đức Giêsu thực hiện
đến cùng.
Cuộc trao
đổi kỳ diệu
Trao tặng cuộc sống: thành ngữ này
làm người ta nghĩ ngay đến hành động anh
hùng của người băng mình cứu người
bị nạn, hay của người chiến binh liều
mạng vì lợi ích của đồng đội. Thành
ngữ này cũng làm người ta nghĩ đến các
bậc cha mẹ, những nhà giáo dục, có thể cả
những nhà chính trị thực sự hy sinh vì lợi ích
chung.
Trao tặng cuộc sống, đó là hy sinh
cuộc sống riêng mình vì các con, vì người thân
cận, vì người đồng hương. Tất
cả thời giờ để phục vụ
người khác đều có ý nghĩa là cuộc sống
được sử dụng, được tiêu dùng.
Thế nhưng, có thực tại nào của
nhân loại diễn tả đầy đủ nhất
về sự trao tặng này hơn là bữa ăn. Khi
bữa ăn chia sẻ diễn ra trong một cộng
đoàn yêu thương nhau, thì nó không chỉ là cung cấp
của ăn vật chất, bởi vì người dọn
bữa ăn cũng như người tham dự đã
trao tặng một phần thời gian dành để
kiếm sống. Trong bữa ăn như thế,
người ta trao tặng phần thời gian đã qua
cũng như khoảng thời gian hiện tại
để cho người khác được sống và
sống vui tươi.
Đó là một thực tại tinh thần mà
người ta ít quan tâm. Thật là dễ dàng biết bao khi
chỉ nhìn sự vật theo dáng vẻ bên ngoài, và đánh
giá bữa ăn theo chất lượng của thức
ăn để rồi không nhận ra rằng chỉ
một mẩu bánh nhỏ thôi, nhưng do chính người
đang đói trao tặng với lòng yêu thương thì có
giá trị hơn hẳn bữa tiệc huy hoàng nhất.
Ai hiểu được thực tại này
cũng sẽ hiểu được thực tại vô cùng
sâu xa do Đức Giêsu loan báo: "Tôi là bánh hằng
sống từ trời xuống... Ai ăn thịt và
uống máu tôi thì được sống muôn
đời." Đấng đưa ra lời mời này
chính là nguồn mạch tình yêu. Dòng sống Người
muốn đưa nhân loại vào khi trao tặng chính
Người cho họ, đó là Thiên Chúa.
Ai tin tưởng và mở ra trước
lời mời của Đức Giêsu, ai tin tưởng và
lãnh nhận tấm bánh do Thiên Chúa ban, thì sự sống
đích thực sẽ phát triển nơi người
ấy, bởi vì qua tấm bánh, họ lãnh nhận chính con
người và sự sống của Đức Giêsu.
Như vậy, khi lãnh nhận thịt và máu Đức Giêsu,
người tín hữu bước vào mối tương
quan thân mật hoàn toàn mới. Họ tham dự vào mối
hiệp thông thần linh và vĩnh cửu giữa Cha và Con,
đồng thời lãnh nhận bảo chứng sẽ
được phục sinh vào ngày cuối cùng.
Một mẩu bánh, đó là tất cả
những gì Đức Giêsu để lại cho con
người kèm theo một lời mời. Ai ăn tấm
bánh đó thì được đồng hoá với
Đức Giêsu, trở nên thiêng liêng và được
mời gọi trao tặng không giới hạn. Liệu con
người còn có thể hy vọng có một chứng tá
tình yêu nào lớn lao hơn là cuộc trao đổi kỳ
diệu này?
Hiệu quả
tinh thần
Từ những lời của Đức
Giêsu, ta có thể nhận ra ba hiệu quả của bí tích
Thánh Thể.
* Sự sống đời đời và sự
sống lại
Thánh Thể làm cho ta được hiệp
thông với Đức Giêsu Phục Sinh, đang ngự bên
hữu Chúa Cha. Thân xác sống động ấy trở
thành một hạt giống của sự sống vĩnh
cửu được gieo vào trong chúng ta. Nhờ đó, ngay
tại trần gian này, chúng ta đã bắt đầu tham
dự vào hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa Cha, Chúa Con
và Chúa Thánh Thần.
* Đức Ki-tô ở lại trong người Ki-tô
hữu
Thánh Gioan thường nhắc đi nhắc
lại từ ngữ ở lại. Ơn gọi của
tất cả chúng ta là được "ở lại
với Thiên Chúa, trong Thiên Chúa". Ngược lại, Thiên
Chúa vẫn luôn mong muốn ở lại với nhân
loại. Lịch sử cứu độ không có gì khác
hơn câu chuyện Thiên Chúa đến ở với con
người và làm cho con người được ở
với Thiên Chúa.
* Sống nhờ Chúa Cha
Qua cách dùng từ ngữ của thánh Gioan,
chúng ta có thể hiểu rằng Đức Giêsu sống qua
Chúa Cha, nhờ Chúa Cha và vì Chúa Cha. Thật ra, Đức
Giêsu không ngừng bày tỏ điều này trong suốt
cuộc đời của Người. Bất cứ hành
động hay lời nói nào của Người cũng
đều phát xuất từ Chúa Cha và vì tình yêu mến
đối với Chúa Cha. Đức Giêsu mời gọi
mỗi người chúng ta đi vào mối tương giao
ấy qua việc đón nhận chính thân thể của
Người.
"Chúng con
ăn thân xác chí thánh của Chúa,
thân xác đã
chịu đóng đinh vì chúng con.
Chúng con uống
máu thánh của Chúa
đã đổ
ra để giải thoát chúng con.
Ước mong
thân xác của Chúa,
nên ơn cứu
độ cho chúng con!
Ước chi máu
thánh của Chúa,
trở thành
ơn tha thứ mọi tội lỗi chúng con."
(theo Phụng Vụ Pháp)
|