Bí Tích Thánh Thể
– Lm. Giuse Trần
Việt Hùng
Sách Phương Ngôn, cũng gọi là sách Châm
Ngôn, bao gồm những lời huấn dụ khôn ngoan
của vua Salômôn, con vua Đavít. Sách Châm Ngôn giúp con
người tìm biết lẽ khôn ngoan và hiểu
được những lời cao siêu của các bậc
hiền nhân. Sách này giúp chúng ta tìm mở lòng mở trí và
học hỏi thêm kiến thức. Kính sợ Thiên Chúa là
bước đầu của kiến thức. Lời
mời gọi khôn ngoan: Các ngươi hãy đến ăn
bánh của ta và hãy uống rượu ta đã pha sẵn
cho các ngươi (Cn 9, 5). Bánh và rượu đây là
thức ăn quý báu dành cho những kẻ đơn sơ
chân thành. Bánh sẽ mang lại sự no thỏa thân xác và
rượu sẽ làm hoan hỉ lòng người.
Được cùng chia sẻ bữa tiệc là cùng
được chung hưởng niềm hoan lạc
cuộc sống.
Của ăn trao ban qua bánh rượu và các
bữa tiệc trần thế được chuẩn
bị để đón nhận bữa tiệc hằng
sống. Thánh Gioan đã diễn tả những lời
mạc khải về thần lương của Chúa Giêsu
rất rõ ràng minh bạch. Lời mạc khải trọn
vẹn về sứ mệnh của Con Thiên Chúa làm
người: Tôi là bánh hằng sống từ trời
xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn
đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi
đây, để cho thế gian được sống (Ga
6, 51). Chúa Giêsu không úp mở hay nói bóng nói gió theo kiểu
ẩn dụ hoặc dụ ngôn với các môn đệ và
dân chúng. Chúa xác tín lời hằng sống và mời gọi
mọi người hãy tin và chấp nhận, vì đây là
điều kiện để được sống muôn
đời: Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì
được sống muôn đời, và tôi sẽ cho
người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì
thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là
của uống (Ga 6, 54-55). Thịt và Máu của Chúa Giêsu
được biến đổi trong Bí Tích Thánh Thể.
Dọc theo lịch sử, Giáo Hội đã
trải qua rất nhiều nghịch cảnh để loan
truyền niềm tin vào Chúa Kitô đã từ cõi chết
sống lại. Cốt lõi của niềm tin là sự
hiện diện thật sự của Chúa Giêsu trong Bí tích
Thánh Thể qua hình bánh và rượu. Ngay từ lúc khai sinh,
Giáo Hội đã cử hành các nghi thức phụng vụ
xoay quanh việc Bẻ Bánh. Thực hành theo lời
truyền dạy của Chúa Giêsu: “Rồi Người
cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao
cho các ông và nói: "Đây là mình Thầy, hiến tế vì
anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ
đến Thầy."(Lc 22, 19). Giáo Hội ở khắp
năm châu, bốn biển trong mọi thời khắc, luôn
luôn có các linh mục cử hành Bí Tích Thánh Thể để
tưởng nhớ đến Thầy Chí Thánh.
Có nhiều phép lạ chứng minh sự
biến đổi Thịt và Máu Chúa Giêsu trong Phép Thánh
Thể.Vào năm 750, tại Lancianô, nước Ý, trong
đan viện thánh Legonziano, có một linh mục dòng Basiliô
đức tin lung lay nghi ngờ về sự hiện
diện thật của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể.Khi
linh mục này dâng lễ, sau lời Truyền phép, bánh đã
trở nên thịt và rượu đã trở nên máu,
đông đặc lại thành năm hột nhỏ theo hình
dáng đặc biệt.Sự lưu trữ Thịt và Máu
trong mười hai thế kỷ qua là lưu trữ cách
tự nhiên, không bằng chất hoá học, giữ trong
không khí thường và môi trường sinh vật mà
vẫn giữ được nguyên chất.
Tại Ý, năm
1263, thành Bolsène, trong nhà thờ Sainte Catherine, một linh
mục sau khi đọc lời truyền phép đã nghi
ngờ về bánh và rượu trở thành Máu và Thịt
Chúa Giêsu. Tức thì Máu Thánh chảy đẫm khăn thánh
và khăn bàn thờ. Đức Giáo Hoàng nghe tin này, đã ra
lệnh đem khăn thánh về để tạm tại
nhà thờ Orviette. Sau này Giáo Hội đã xây nhà thờ khang
trang để kính khăn thánh này.
Ngày 8 tháng 9 năm 1264, Đức Giáo Hoàng
Urbano IV (1262-1268) đã ký sắc lệnh Transiturus, thành
lập lễ kính Mình Thánh Chúa Giêsu, cử hành vào sau lễ
Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Trong thời gian đó,
thánh tiến sĩ Thomas Aquino đã sáng tác nhiều bài hát vào
dịp mừng lễ này như bài Lauda sion, Pange lingua, Adoro
Te và các kinh đọc Sacris Solemniis và Verbum Supernum. Vào
dịp lễ này, các Giáo xứ tổ chức kiệu Mình
Thánh Chúa ra đường phố công cộng để
mọi người tôn thờ.
Thời vua Philippe le Bel đang cai trị
nước Pháp (1285-1314), năm 1290, có một bà công giáo
sống đạo đức. Vì nghèo, bà phải đem
cầm chiếc áo cho một người Do Thái. Đến
gần lễ Phục Sinh bà đến chuộc lại
chiếc áo để mặc đi dự lễ.
Người chủ đồng ý trả lại chiếc áo
và không lấy tiền lời, với điều kiện
buộc bà là rước lễ xong phải nhả Mình Thánh
ra và đem về cho anh ta. Bà nghe lời nhả Mình Thánh vào
khăn đem về cho anh ta. Anh để Mình Thánh trên bàn
lấy dao nhọn đâm nhiều lát. Máu trong Mình Thánh
chảy ra. Anh đem Mình Thánh bỏ vào lửa đốt,
song Mình Thánh bay lên khỏi lửa.
Năm 1608, trong nhà dòng Faverney tại Besançon,
vào ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống có chầu
Mình Thánh Chúa trọng thể. Trên bàn thờ trưng hoa và
thắp nhiều đèn nến. Người ta sơ ý
để đèn cháy khăn bàn thờ, nhà tạm và bàn
thờ. Trong khi lửa lan nhanh và bốc cháy khắp cả,
Mình Thánh đựng trong hào quang cứ bay lên lơ lửng
trên không gian trọn một ngày một đêm. Qua ngày
thứ ba, người ta lập một bàn thờ khác thay
bàn thờ đã cháy và trong khi cử hành thánh lễ, thì hào
quang từ từ đặt xuống bàn thờ. Có nhiều
người chứng kiến đã cùng hát kinh chúc tụng
và thờ lạy.
Có rất nhiều chứng tích phép lạ
Thánh Thể được lưu giữ và ghi lại trong
kho tàng tài liệu của Giáo Hội để chứng minh
sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu trong
phép Thánh Thể.Thực ra, giáo lý về Bí Tích Thánh Thể
vẫn luôn là đề tài suy tư và tranh luận giữa
các nhà thần học của các Kitô Giáo. Giữa các giáo phái
Tin Lành và Công Giáo có những quan niệm thần học khác
nhau về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong phép
Thánh Thể. Niềm tin trong đạo Công Giáo là tin
thật Chúa Giêsu tiếp tục ngự thật trong Bí Tích
Thánh Thể cả trong nhà tạm, nghĩa là sau khi dâng thánh
lễ. Các giáo phái khác không chia sẻ cùng niềm tin này.
Một số Kitô hữu (Christians) tin rằng sự thánh
hiến bánh và rượu có thể là biểu tượng
(symbolic) hay việc tưởng niệm của Bữa
Tiệc ly. Niềm tin của Giáo Hội Công Giáo là trong thánh
lễ, sau khi linh mục chủ tế đọc lời
truyền phép: Đây là mình Ta…Đây là Máu Ta… thì bánh và
rượu trở nên Mình và Máu của Chúa Kitô.
Thánh Phaolô trong thơ gởi cho tín hữu
Êphêsô nhắn nhủ rằng: Trong mọi hoàn cảnh và
mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà
cảm tạ Thiên Chúa là Cha (Eph 5, 20). Thừa hưởng
gia tài vô giá của Chúa Giêsu qua Giáo Hội của Ngài, chúng ta
được tiếp tục thông hiệp vào tiệc Thánh
Thể. Chúng ta được kết hợp mật
thiết với Chúa Giêsu và với tha nhân. Chúng ta
được trở nên một trong Chúa nhờ một
phép rửa, một niềm tin và một niềm hy vọng.
Vậy chúng ta hãy thực thi lời của thánh Phaolô: Anh em
hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình,
đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng
hãy sống như người khôn ngoan (Eph 5, 15).
Trong mọi sự, chúng ta hãy cùng dâng lời
tạ ơn Thiên Chúa là Cha. Chúa đã ban bánh bởi trời
cho nhân loại và bánh đó có đủ mọi mùi thơm
ngon: Đây là bánh từ trời xuống, không phải như
bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai
ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời
(Ga 6. 58). Lạy Chúa, Chúa là
nguồn ban sự sống. Xin cho chúng con biết
đặt trọn niềm tin tưởng và phó thác vào Chúa.
Chúa sẽ cho chúng con bánh ban sự sống đời
đời. Amen.
|