Chúa Giêsu là Bánh hằng
sống từ trời xuống
Minh Họa
Lời Chúa
1. Cuộc sống trường sinh
Sau khi Kha Luân
Bố khám phá Mỹ châu, một người Tây-ban-Nha tên là
Ponce de Lion nghe đồn ở Tân thế giới có
ngọn suối trường sinh. Ông liền sắm
thuyền vượt biển sang Nam Mỹ tìm. Và trước Chúa
Giáng Sinh khoảng 2000 năm, hoàng đế Trung Hoa tên
Tần Thủy Hoàng muốn được trường
sinh bất tử. Ông nghe các nhà chiêm tinh nói ở biển
Đông có hòn đảo thần, dân ở đó khám phá ra bí
quyết trường sinh. Ông liền phái một số tàu
thuyền chở đầy châu báu đến đó
đổi lấy bí quyết trường sinh, nhưng dân
chúng ở đó không chịu đổi…
*****
Những câu chuyện trên muốn nói lên
điều gì? Nói lên con người thời nào cũng
muốn trường sinh bất tử. Đó là ước
mơ ngàn đời của loài người. Mỗi
lần thấy một người nằm xuống là
ước mơ này cũng dày vò con người mãnh
liệt hơn.
Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu tự giới
thiệu Người là “Bánh hằng sống từ trời
xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn
đời… Ai tin thì được sống đời
đời” (Ga.6,50-51)
Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta cuộc
sống nơi trần gian này không phải là cuộc
sống duy nhất và chết không phải là hết. Còn có
một cuộc sống mai hậu không bao giờ chấm
dứt. Đó là cuộc sống trường sinh, cuộc
sống vĩnh cửu.
Khi nghe Chúa Giêsu tuyên bố “Người là Bánh
trường sinh từ trời xuống”. Dân Do thái không tin,
họ xầm xì phản đối, vì họ chỉ
nhận Người là con ông Giuse thợ mộc nghèo khó mà
họ quen biết. Mãi đến khi họ thấy
Người từ cõi chết sống lại, họ
mới nhận ra Người là Con Thiên Chúa từ trời
xuống cứu thoát họ khỏi chết, đem
đến cho mọi người sự sống
đời đời.
Chính vì tin nhận mầu nhiệm
trường sinh này mà hôm nay chúng ta đến nhà thờ
đây, để nghe Chúa Giêsu nói về cuộc sống
vĩnh cửu, để được nuôi dưỡng
bằng Lời Chúa, nhất là bằng Mình Máu thánh
Người là “Bánh từ trời xuống, để ai
ăn thì khỏi phải chết’. (Ga.6,50).
Ngọn suối trường sinh mà Ponce de
Lion người Tây-ban-Nha đã khổ công đi tìm
kiếm, bí quyết sống vĩnh cửu mà Tần
Thủy Hoàng cho người đến tận các
đảo thần tiên đổi lấy hiện đang
ở trước mặt chúng ta trong Bí tính Thánh Thể.
Muốn được trường sinh
bất tử, muốn sống đời đời trong
tương lai, mỗi người chúng ta chỉ cần
đến rước lấy Mình Máu Thánh của
Đấng là Bánh Hằng Sống từ trời xuống…
(Theo “Sunday Homilies”).
2. Trường sinh bất tử
Chuyện
thần thoạt Hy-lạp kể:
Sivil là
người phục vụ đền thờ, có nhiều
công trạng. Khi được hỏi muốn
được thưởng thế nào cho xứng với
công khó của mình, bà trả lời:
- Xin cho tôi
được trường sinh bất tử…
Thế là bà
được toại nguyện. Tất cả
người thân và bạn hữu bà đều chết
hết, chỉ còn lại một mình bà. Nhưng dù không
chết, thân bà ngày càng tàn tạ teo héo, bệnh tật ngày
càng gia tang, nên bà không còn muốn được sống
trường sinh nữa, chỉ muốn chết thôi.
*****
Con người thời nào và ở đâu
cũng muốn được trường sinh bất
tử. Nhưng trường sinh bất tử mà phải
triền miên đau khổ bệnh tật thì nào có ích
lợi gì, thà chết còn hơn…
Cuộc sống trường sinh Chúa Giêsu nói
trong Tin mừng hôm nay không phải ở cõi đời này.
Nó chỉ đến với con người trong cuộc
sống mai sau. Để được sống
trường sinh con người phải lìa bỏ
đời này. Muốn được sống muôn
đời, họ phải trải qua đau khổ,
bệnh tật, chết chóc. Tuy nhiên không vì hướng
đến cuộc sống vĩnh viễn đó mà họ
được xao nhãng cuộc sống hiện tại. Trái
lại họ phải biết rằng: hạt giống
vĩnh cửu được gieo vãi và nảy mầm
tại cuộc sống đời này. Họ phải làm sao
cho hạt giống đó trổ sinh tươi tốt
bằng đời sống lương thiện, yêu
thương bác ái. Đặc biệt đối với các
Kitô hữu, họ còn cần phải vun trồng cuộc
sống trường sinh đó bằng tin cậy mến
Chúa, bằng lắng nghe và thực hành Lời Chúa, bằng
lương thực thiêng liêng là Mình Máu Thánh Chúa Giêsu: “Ta là
bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này
sẽ được sống muôn đời. Và bánh Ta
sẽ ban, chính là Thịt Ta, để cho thế gian
được sống” (Ga.6,51) (Theo “Phút cầu nguyện
cuối ngày, tập I).
3. Trên đường về quê
Lúc ông Theodore
Roosevelt làm tổng thống Hoa Kỳ, một kỳ
nghỉ hè ông sang Phi châu săn bắn hươu cao cổ
để giải trí.
Lúc trở về
Hoa Kỳ, ông cùng đi một chuyến tàu với nhà
truyền giáo đã 40 năm hy sinh giảng đạo
nơi vùng xa xôi hẻo lánh bên Phi châu. Khi tàu cập bến,
nhà truyền giáo thấy cảnh các nhân vật trong chính
phủ và dân chúng đứng sẵn trên bờ đón chào
tổng thống đi săn về, không ai để ý
đến ông. Ông lủi thủi một mình lên bờ,
tủi phận nên phàn nàn với Chúa:
- Chúa có thấy
không? Ông tổng thống đi nghỉ hè săn bắn
trở về mà người ta còn tiếp rước
nồng hậu như thế. Còn con đã hy sinh phục
vụ Chúa 40 năm trời trở về, không một
người nghĩ đến con. Thật là bất công
tủi hổ cho con quá! Phải biết vậy, con không
đi giảng đạo làm gì.
Chúa liền
thầm thỉ trong lòng ông:
- Con chưa
trở về quê hương thật của con mà…
*****
Có thể chúng ta cũng phàn nàn với Chúa
như nhà truyền giáo đó. Chúng ta đã giảng
đạo Chúa nhiều năm, chúng ta đã sống
đạo Chúa nhiều ngày, nhưng cảm thấy mình
chưa được Chúa thưởng công gì, mà lắm lúc
còn phải khổ cực gian nan đủ thứ.
Câu Chúa trả lời cho nhà truyền giáo trong
câu chuyện trên cũng là câu trả lời của Chúa cho
mỗi người chúng ta: “Con ơi! Con chưa trở
về Quê Hương thật của con. Ngày nào con trở
về Quê Thật, con sẽ thấy Cha tiếp đó con
nồng nhiệt thế nào!...
Thế gian này chỉ là nơi chúng ta sống
tạm để lập công nghiệp, để chuẩn
bị cho cuộc sống mai hậu trường sinh
hạnh phúc. Chúng ta cứ cố gắng hết khả
năng phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân, thay vì
bận tâm lo lắng tích lũy cho bản thân, ganh tỵ
với may mắn của kẻ khác.
Đặc biệt chúng ta là các Kitô hữu,
chúng ta sẽ nhờ Thánh Thể Chúa Kitô mà đạt
được cuộc sống trường sinh, như
Lời Chúa Giêsu hứa với chúng ta trong Tin mừng hôm nay:
“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn
bánh này sẽ được sống muôn đời”
(Ga.6,51).
“Sự sống muôn đời mời gọi
mỗi người chúng ta hãy sống thế nào, hành
động ra sao, để đến giờ
được Chúa gọi về Quê Hương Thật,
chúng ta không lo sợ chi mà còn vững tâm an lòng đi vào cõi
sống hạnh phúc trường sinh. Nhớ đến
sự sống vĩnh cửu đời sau sẽ giúp
mỗi người chúng ta sống trọn vẹn, sống
tốt đẹp cuộc sống đời này. Sở
dĩ nhiều người sống buông thả vô luân là vì
họ không thường nghĩ gì đến sự
sống đời đời của họ. Thánh Phaolô
đã khóc lóc than phiền hạng người đó:
“Như tôi đã nói với anh em, và bây giờ
tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều người
sống đối nghịch với thập giá Đức
Kitô: chung cuộc là họ sẽ phải hư vong. Chúa
họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang
lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những
người chỉ nghĩ đến những sự
thế gian. Còn chúng ta, quê hương của chúng ta ở
trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức
Giêsu-Kitô từ trời đến cứu chúng ta”. (Pl.3,18-20)
(Theo “Phút cầu nguyện cuối ngày”, tập I).
4. Sống sung mãn từng giây phút
Ngụ ngôn Mông
Cổ có câu chuyện sau:
Một hôm con
phượng hoàng hỏi con quạ:
- Anh quạ
ơi! Sao anh sống được 300 năm, còn chúng tôi
chỉ sống được 33 năm tuổi?
Con quạ
hỏi ngược lại:
- Thế tại
sao bạn chỉ uống máu tươi, còn chúng tôi phải
sống bằng xác chết?
Con phượng
hoàng nghĩ ngợi:
- Hay là chúng tôi
thử ăn xác chết như anh quạ xem sao! Coi có
sống được lâu hơn không?
Thế là cả
hai cùng bay lượn tìm mồi. Thấy con ngựa
chết thúi, cả hai cùng lao mình xuống. Con quạ như
trúng số độc đắc, nó ăn lấy ăn
để cách ngon lành. Trong khi đó con phượng hoàng
mổ một cái rồi dừng lại, nó rán thử
một lần nữa, nhưng rồi lắc đầu
bảo quạ:
- Anh quạ
ơi! Tôi không thể ăn nữa được, thà
một lần uống máu tươi, còn hơn 300 năm
ăn đồ hôi thúi!...
*****
Bài học của câu chuyện trên là: một
khoảnh khắc sống sung mãn có giá trị hơn một
cuộc sống kéo lê trong bùn nhơ hôi thối. Có những
cuộc sống kéo lê trong bùn nhơ hôi thối của
trụy lạc, của tham lam, ích kỷ, hận thù,
nhưng cũng có những cuộc sống tuy ngắn
ngủi, mà sung mãn của những người biết
sống xả kỹ, hy sinh, lương thiện…
Một người Do thái viết cuốn
sách tựa đề “Khôn ngoan” như sau:
“Người đức nghĩa dầu
chết sớm cũng tìm được an nghỉ.
Tuổi thọ đáng kính đâu phải nhiều năm
hay đo bằng số tuổi. Nhưng tuổi
đời chính là sự khôn ngoan và một cuộc sống
thọ là một cuộc sống không vết nhơ. Vì
đẹp lòng Thiên Chúa, người đức nghĩa
được Ngài yêu mến, bởi phải sống
giữa những tội nhân nên được cất
đi. Người ấy được cất đi
kẻo sự dữ làm phôi phai trí khôn và quyến rũ tâm
hồn. Bởi vì tật xấu làm mờ sự lành và
đam mê quay cuống làm tiêu ma tinh thần chất phác”.
Thiên Chúa không để con người
sống mãi trong cuộc sống tại thế, vì còn có
một cuộc sống đáng quý hơn. Đó là cuộc
sống vĩnh cửu. Có những giá trị cao cả
gấp bội phần sự sống, sức khỏe và mọi
thứ của cái trên thế giới, do đó giá trị
của cuộc sống không phải là tuổi đời
của cuộc sống, không phải là tuổi đời
chồng chất, không phải là danh vọng hão huyền, mà
là chính sự sống vĩnh cửu. Sống chính là dệt
nên cuộc sống vĩnh cửu ấy qua từng
khoảnh khắc trong cuộc sống tại thế. Và bí
quyết dệt nên cuộc sống vĩnh cửu đó
chính là nhận lãnh Thánh Thể Chúa Giêsu, như Lời
Người đã xác quyết trong Tin mừng hôm nay: “Tôi là
bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn bánh man-na
trong sa mạc nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ
trời xuống, để ai ăn thì khỏi chết”
(Ga.6,48-50) (Trích “Chờ đợi Chúa”).
5. Cuộc sống vĩnh cửu
Tại Phi
luật Tân, cách thủ đô Manila chừng 200 cây số, có
một trại tỵ nạn do quốc gia Hoa Kỳ tổ
chức, nhằm chuẩn bị cho những người
tỵ nạn Đông Dương chờ vào sống trong xã
hội Mỹ.
Trại
được tổ chức như một thành phố
nhỏ: có trường học, chợ búa, đường
xá, bưu điện… Tất cả cố gắng của
người tỵ nạn đều được
dồn vào hai mục địch: Đó là học Anh
ngữ, và tập sống nếp sống một cách rất
khít khao, để tạo cho người tỵ nạn cái
cảm tưởng là họ đang sống trên đất
Mỹ, nơi mà giờ rảnh được coi là xa
xỉ.
*****
Cứu cánh tối hậu của con
người là sự sống vĩnh cửu. Do đó
cuộc sống tạm bợ trên trần gian này chỉ có
giá trị khi nó là một chuẩn bị để
bước vào vĩnh cửu. Chúng ta hãy tập sống làm
sao để mỗi giây phút, mỗi việc làm, mỗi
cuộc gặp gỡ của chúng ta đều là một
sinh hoạt trong cuộc sống vĩnh cửu.
Đặc biệt chúng ta chuẩn bị cho
cuộc sống vĩnh cửu đó bằng cách năng
dọn mình rước Chúa Giêsu vào tâm hồn chúng ta. Vì trong
Tin mừng hôm nay, Người tự giới thiệu:
Người là bánh ban cho chúng ta sự sống trường
sinh: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai
ăn bánh này sẽ được sống muôn đời”
(Ga.6,5).
Không ai trong chúng ta có thể tưởng
tượng được cuộc sống đó như
thế nào, chỉ biết rằng tình yêu là giá trị
sẽ mãi mãi tồn tại ở đời sau. Và chỉ
có tình yêu mới thắng được sự chết, và
tất cả những gì trói buộc con người trong
giới hạn của cuộc sống này. Hãy sống
mỗi phút giây của cuộc sống này như
hương vị ngọt ngào của mai hậu.
(Trích “Như lòng Chúa khoan dung”).
|