Thập Giá
- Vinh Quang
1. Biến cố hiển dung trong đoạn
Phúc Âm chúng ta vừa nghe, hé mở trước vinh quang
thật của Chúa, về phương diện nào đó
thiết nghĩ để củng cố niềm tin cho các
Tông đồ. Bởi 6 ngày trước đây, theo Phúc Âm
Mátthêu và Máccô (còn Lc thì 8 ngày), ĐG báo cho các ông biết
rằng Người sắp dẫn các ông lên Giêrusalem, ở
đó Người sẽ bị đánh đập và bị
giết chết, và những ai muốn làm môn đệ Chúa
thì cũng phải vác thập giá mình mà theo Chúa, điều
này đang làm cho các ông hoang mang, lo sợ. Chính Phêrô ngăn
cản Chúa đừng đi vào con đường đau
khổ này.
2. Đang lúc các ông trong tâm trạng bất
ổn đó, ĐG dẫn các ông lên núi cao, chính nơi
đây trước mặt hai nhân vật nổi danh của
Cựu Ước: Môisen và Êlia đại diện cho Lề
Luật và các tiên tri. Việc này như báo
rằng thời Cựu Ước đã hết, thời
Đức Giêsu, thời Tân Ước bắt đầu.
Chính Chúa Cha xác nhận ĐG là con yêu dấu, và bảo hãy
vâng nghe lời Ngài. Trước cảnh vinh quang của
Đức Giêsu, Phêrô và các Tông đồ xin được
kéo dài điều ấy: Vì vậy, các ông xin làm ba lều (1
cho Chúa, 1 cho Môisen, và 1 cho Elia). Điều này
có ý nghĩa gì? Thưa các ông muốn khai
mạc thánh đô ngay tại đây, các ông muốn lưu
lại trong lễ hội vinh quang, các ông không muốn
xuống núi. Nhưng cảnh ấy
chỉ được Chúa cho diễn ra cách ngắn
ngủi. ĐG và các Tông đồ
lại xuống núi, lại tiếp tục công việc
vất vả loan truyền Nước Chúa.
3. Phải chăng, chúng ta hôm nay cũng
như các Tông đồ xưa, bước theo
Chúa để chỉ muốn được những
điều thuận lợi, mà khước từ những
khó khăn, những hy sinh? Ước vọng của các
Tông đồ, hay ước vọng của chúng ta
bước theo Chúa để tìm
được hạnh phúc thật, đó là điều
đúng, chính đáng. Nhưng chúng ta
đừng quên rằng, Đức Kitô đã phải
trải qua khổ nạn mới được phục
sinh, mới được suy tôn trong vinh quang sao?
Người Kitô hữu cũng được mời
gọi đi theo con đường ấy, chính ĐG nói:
"Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác
thập giá mình mà theo" (Mc 9,34).
Khi nói tới vác thập giá của mình, ta thường
nghĩ: Thầy Giêsu có những đau khổ, và mỗi
người ai cũng có cái khổ riêng. Điều đó
không sai, nhưng chúng ta nên hiểu đúng hơn, đó là
khi bước theo Chúa thì phải
chấp nhận những cái khó khăn do việc theo Chúa
mang lại: như phải tuân giữ những điều
Ngài dạy, nghĩa là chấp nhận những hy sinh,
vất vã của việc giữ đạo, sống
đạo, từ bỏ con người cũ... Đôi khi còn phải hy sinh cả mạng sống
(như thời kỳ cấm cách). Đây là con
đường hẹp, con đường thập giá,
nhưng là con đường dẫn đến hạnh
phúc thật.
4. Muốn đạt tới vinh quang, hẳn
phải trải qua con đường thập giá đó
cũng là điều dễ hiểu thôi. Chẳng
hạn như các bạn trẻ muốn có một nghề
nghiệp, một bằng cấp đại học, các
bạn cũng biết rằng phải đầu tư,
phải hy sinh cho việc học hành như thế nào?
Các bậc gia trưởng, hiền mẫu
nhìn lại xem, để có một cơ ngơi, một mái
ấm gia đình như hôm nay hẳn quý ông bà phải hy
sinh, vất vả để xây dựng như thế nào?
v.v. Cũng vậy, để
được phúc trường sinh, mọi người
chúng ta cũng phải hy sinh, cũng phải chịu
cực khổ để bước theo Chúa, nghĩa là
phải sống đạo, chứ không phải khi lãnh
nhận BT Rửa tội là đương nhiên sẽ
được phúc Thiên Đàng.
5. Có thể nói thập giá là biểu
tượng của Kitô giáo, ở đâu có Kitô hữu,
ở đó có thập giá: trên nóc nhà thờ, trên cổng nhà,
trên người, trên mộ, nhưng thập giá
được trưng bày như thế không bao giờ quan
trọng cho bằng thập giá trong cuộc sống
hằng ngày: thập giá khi nỗ lực chu toàn bổn
phận, khi quên mình đi để quan tâm tới
người khác, khi nói tiếng "không" với
những gì đi ngược lại với những giá
trị Phúc Âm. Thập giá không là điểm
kết của Đức Giêsu, mà qua thập giá Ngài mới
đạt đến Phục Sinh vinh hiển. Vì thế những hy sinh, những cố gắng
của chúng ta hôm nay làm vì danh Đức Giêsu, là thập giá,
là chìa khoá để mở cửa vào Thiên Quốc ngày sau
với Ngài.
6. Bầu khí mùa chay rất thuận lợi
cho việc chúng ta bước vào con đường
thập giá của ĐKT. Thế nhưng hơn 10 ngày
của mùa chay năm nay đã qua, mỗi người chúng
ta hãy nhìn lại để xem mình đã bước theo Chúa được đến đâu? Mình giống Chúa được đến đâu?
Chúng ta cũng nhớ rằng, chúng ta không chỉ
bước theo Chúa trong mùa chay, mà còn
bước theo Chúa trong suốt cuộc đời nữa.
7. Vinh quang mà Phêrô, Giacôbê và Gioan
được cảm nếm trong khi Chúa biến hình, vinh
quang của Đức Kitô Phục sinh cũng sẽ là vinh
quang của chúng ta mai ngày, nếu chúng ta trung thành
bước theo Chúa, và chấp nhận những khó khăn
do việc bước theo Chúa mang lại. Nhưng liệu
vinh quang ấy có đủ sức hấp dẫn
để giúp chúng ta vượt qua mọi thử thách,
mọi cám dỗ, mọi cạm bẫy trong cuộc
đời để đi trọn con đường mà Chúa
mời gọi chúng ta đi vào hay không?
|