HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT II MÙA
CHAY B
St 22,1-2.9a.10-13.15-18 ; Rm
8,31b-34 ; Mc 9,2-10
VÂNG NGHE LỜI CHÚA ĐỂ ĐƯỢC
BIẾN ĐỔI NHỜ THẦN KHÍ
I.HỌC LỜI CHÚA
1.
TIN MỪNG: Mc 9,2-10
(2) Sáu ngày sau,
Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và
Gio-an đi theo mình. Người đưa các
ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông
thôi, tới một ngọn núi cao rồi
Người biến đổi hình dạng
trước mắt các ông. (3) Y phục
Người trở nên rực rỡ,
trắng tinh, không có thợ nào ở
trần gian giặt trắng được
như vậy. (4) Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a
cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với
Đức Giê-su. (5) Bấy giờ, ông Phê-rô thưa
với Đức Giê-su rằng: “Thưa
thầy, chúng con ở đây, thật là hay!
Chúng con xin dựng ba cái lều, Thầy
một cái, ông Mô-sê một cái, và ông Ê-li-a
một cái”. (6) Thực ra, ông không biết phải
nói gì, vì các ông kinh hoàng. (7) Và
có một đám mây bao phủ các ông. Và
từ đám mây, có tiếng phán
rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe
lời Người”. (8) Các ông chợt
nhìn quanh thì không thấy ai nữa, chỉ
còn Đức Giê-su với các ông mà
thôi. (9) Ở trên núi xuống, Đức Giê-su
truyền cho các ông không được kể
lại cho ai nghe những điều vừa
thấy, trừ khi Người đã
từ cõi chết sống lại. (10) Các ông
tuân lệnh đó, những vẫn bàn hỏi
nhau xem câu “Từ cõi chết sống lại”
nghĩa là gì?
2.
Ý CHÍNH:
Sau khi cho các môn đệ biết
về việc Người sắp lên Giê-ru-sa-lem
để chịu chết và ngày thứ ba
sẽ sống lại, Đức Giê-su muốn củng
cố lòng tin của các ông đang bị giao
động, bằng cách đưa 3 môn đệ
thân tín là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an lên núi cao. Tại
đây, Người biến hình trước
mặt các ông, rồi có lời Chúa Cha
xác nhận Người là Con yêu dấu. Có
Mô-sê và Ê-li-a hiện ra đàm đạo về
cuộc khổ nạn Người sắp trải
qua. Như vậy, việc biến hình cho thấy
cuộc khổ nạn của Đức Giê-su là do
thánh ý của Chúa Cha và cũng nhằm khích lệ
tinh thần của các môn đệ, giúp các ông kiên
vững lòng tin khi phải chứng kiến
cuộc khổ nạn của Người sau này.
3.
CHÚ THÍCH:
-
C 2-4: + Các ông Phê-rô,
Gia-cô-bê và Gio-an: Đây
là ba môn đệ được Chúa ưu
ái. Người cho các ông nhìn thấy vinh
quang Thiên tính của Người, như chuẩn
bị tinh thần trước để các ông
khỏi bị vấp ngã khi chứng kiến
cảnh Người phải lo buồn sầu não
trong vườn Cây Dầu trước giờ
chịu khổ nạn (x. Mc 14,33). +
Lên núi cao: Chưa
xác định là núi nào trong hai ngọn
núi là Tha-bo và Héc-mon. Núi cao
thường được coi là nơi
Đức Chúa ngự. Lên núi cao là
để gặp gỡ Đức Chúa,
như Mô-sê gặp Đức Chúa trên núi
Khô-rếp trong vùng Si-nai để đón nhận
mười điều răn được khắc
trên hai tấm bia đá (x. Xh 24,12-18), còn Ê-li-a là vị
ngôn sứ thời kỳ Các Vua, ông phải chạy trốn
cuộc truy bắt của hoàng hậu I-de-ven
bằng cách trốn lên “núi Thiên Chúa” (x. 1V
19,2.8). Trong Tin mừng hôm nay, ba môn đệ đã
được Đức Giê-su cho leo lên núi cao để
được Người mặc khải cho
biết về Thiên tính của Người. + Người
biến đổi hình dạng: Đức Giê-su tạm
thời từ bỏ hình dạng bình
thường của phàm nhân, để mang một
hình dạng khác của Con Thiên Chúa. Y phục
rực rỡ trắng tinh chiếu tỏa vinh
quang thiên giới. Trong đoạn này, Mác-cô cho
thấy: Đức Giê-su, Đấng Mê-si-a đang
ẩn mình, người Tôi Trung đau khổ của
Thiên Chúa, giờ đây đã tỏ bày ra
trước kỳ hạn về vinh quang phục sinh
sau này. + Ông Ê-li-a
và ông Mô-sê: Hai
vị này đều đã từng leo núi
để tiếp nhận mặc khải của
Đức Chúa. Hai vị đều là nhân
vật của thời cánh chung. Cả hai
đều bước vào thế giới bên kia
cách bí nhiệm: Mô-sê thì bị chết ở
miền đất Mô-áp trước khi Gio-su-ê lãnh
đạo dân Ít-ra-en tiến chiếm Hứa Địa,
nhưng không ai biết mộ phần của Mô-sê ở
đâu (x. Đnl 34,6), còn Ê-li-a thì leo lên chiếc xe
ngựa rực lửa bay về trời
trong cơn gió lốc (x. 2V 2,11). Ở đoạn
này, sự hiện diện của Mô-sê
tượng trưng cho Lề Luật, và của
Ê-li-a tượng trưng cho các Ngôn sứ.
Điều này chứng minh có sự liên
tục giữa Cựu Ước với Tân
Ước. Nó cho thấy thời kỳ
Cánh Chung và ban ơn Cứu Độ
đã khởi đầu. +
Hiện ra đàm đạo với Đức
Giê-su: Mác-cô
không nói đến nội dung cuộc đàm
đạo, đang khi Lu-ca cho biết: “Và nói
về cuộc xuất hành” (nghĩa là cuộc ra
đi: chết, sống lại và lên trời
của Đức Giê-su) - mà Người
sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem (x Lc 9,29).
-
C 5-8: + Xin dựng
ba cái lều: Lúc
đó đang trong thời gian dân Ít-ra-en
mừng Lễ Lều kéo dài 7 ngày. Trong
các ngày này, họ phải đến ở
tạm trong các lều trại làm bằng
cành cây, để ôn lại công ơn Đức
Chúa đã cứu Ít-ra-en khỏi cảnh nô
lệ cho người Ai Cập và cha ông họ
đã từng phải ở trong các lều
trại nơi sa mạc (x. Lv 23,34.42-43). Ở đây,
Phê-rô xin dựng 3 lều trại nhằm kéo
dài cuộc thần hiện mà ông được
chứng kiến. +
Có một đám mây bao phủ các ông: Đám mây diễn tả
sự hiện diện của Đức Chúa,
giống như trong thời kỳ Xuất Hành
của dân Do Thái xưa (x. Xh 40,34-38) + Đây là Con Ta yêu
dấu, hãy vâng nghe lời Người: Lời Chúa Cha công
nhận Đức Giê-su là “Con” (x. Tv 2,7), giống
như khi Người chịu phép rửa
tại sông Gio-đan (x. Mc 1,11). Đức Giê-su cũng
được giới thiệu như một Ngôn
Sứ mà mọi người phải nghe theo lời
Người dạy (x. Mt 16,14 ; Cv 3,22-23).
-
C 9-10: + Đức
Giê-su truyền cho các ông không được kể
lại cho ai nghe những điều vừa
thấy: Trong
Tin Mừng Mác-cô, sau khi làm phép lạ
chữa bệnh hay trừ quỉ, Đức
Giê-su thường đòi người vừa
được chữa lành phải giữ
kín sự việc xảy ra, không
được tiết lộ cho người
khác biết là chính Đức Giê-su đã
làm phép lạ ấy. Đòi hỏi giữ kín
được gọi là “Bí Mật của
Đấng Thiên Sai”. Sở dĩ Đức Giê-su
không muốn cho người ta biết Người
là Đấng Thiên Sai vì cần có thời
gian để Người giảng dạy dân Do Thái
hiểu đúng về sứ mệnh Thiên Sai của
Người đúng theo Ý muốn của Thiên Chúa.
Nếu sớm nói ra sự thật này thì sẽ làm cho
dân Do thái bị tinh thần ái quốc cực
đoan tác động, đang mong đợi một
Ông Vua Thiên Sai theo nghĩa trần tục, sẽ hiểu
lầm về sứ mệnh Thiên Sai của
Đức Giê-su và sẽ gây ra bạo loạn, làm cớ
cho quân Rô-ma đem quân đến tiêu diệt dân Do Thái
nhỏ bé, bất lợi cho sứ mệnh Thiên Sai
về thiêng liêng tinh thần của Đức Giê-su.
Cuộc biến hình biểu lộ Thiên tính của
Đức Giê-su sẽ được các môn
đệ chính thức công bố sau biến cố
Tử Nạn và Phục Sinh của Đức
Giê-su, nghĩa là sau khi Người “từ
cõi chết sống lại”. +
Các ông tuân lệnh đó: Ba môn đệ đã
vâng lời Đức Giê-su. Các ông không nói
gì về cuộc biến hình này, cho đến
sau khi Người chết và sống lại.
Dù các ông không hiểu tại sao Người
lại cấm như vậy. +
Từ cõi chết sống lại nghĩa là
gì? Cũng
như Phê-rô đã can trách Đức Giê-su
đừng chấp nhận con đường
cứu thế mà phải qua đau khổ thập giá
theo ý Chúa Cha, còn các môn đệ khác
đều không hiểu hay không muốn hiểu về con
đường “Từ trong cõi chết sống
lại” hoặc “Qua đau khổ vào vinh quang”
đã được Đức Giê-su công
bố trước cuộc biến hình (x Mc 8,31).
4.
CÂU HỎI: 1) Tại sao Đức Giê-su lại hiển
dung biến hình trước mặt ba môn
đệ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an? 2) Núi cao ở
đây là núi gì? 3) Đức Giê-su hiển dung nhằm
mặc khải Người là ai? 4) Nội dung cuộc
đàm đạo với Mô-sê và Ê-li-a ra sao và nhằm
mục đích gì? 5) Tại sao ông Phê-rô lại xin
Thầy Giê-su cho phép dựng 3 lều trại? 6)
Đám mây muốn diễn tả gì? 7) Qua lời
phán từ trong đám mây, Thiên Chúa muốn
mặc khải điều gì về Đức
Giê-su với 3 môn đệ thân tín của
Người? 8) Bí mật Đấng Thiên Sai
nghĩa là gì? Tại sao Đức Giê-su lại
cấm ba môn đệ không nói ra điều các ông
vừa được chứng kiến? 9) Tại
sao sau cuộc biến hình các môn đệ lại thắc
mắc về ý nghĩa của câu “Từ trong
cõi chết sống lại” của Đức Giê-su?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1.
LỜI CHÚA: “Đức Giê-su
đã biến đổi hình dạng
trước mắt các ông” (Mc 9,2).
2.
CÂU CHUYỆN:
1)
VÂNG LỜI QUÝ GIÁ HƠN BÁU VẬT:
Một hôm nhà vua triệu
tập các cận thần. Vua đưa cho quan Tể
Tướng xem một viên ngọc trai vừa to vừa
rất đẹp và hỏi rằng:
- Khanh hãy lượng
định xem viên ngọc này đáng giá bao nhiêu?
- Tâu Bệ Hạ, nó đáng
giá hơn số lượng vàng khối mà 4 con lừa có
thể chuyên chở.
Vua ra lệnh cho quan Tể
tướng:
- Nhà ngươi hãy
đập bể viên ngọc này đi !
Quan Tể Tướng
liền nói:
- Tâu Bệ Hạ, làm sao
hạ thần có thể đập bể một báu
vật rất quý giá như thế được
ạ !
Nhà vua thưởng cho quan
Tể Tướng một chiếc áo danh dự và lấy
lại viên ngọc quý.
Kế đó vua lại
đưa viên ngọc quý ấy cho quan Thị Vệ trong
cung và cũng hỏi :
- Theo khanh, viên ngọc này
đáng giá bao nhiêu ?
- Bằng cả một
tỉnh thành của Vương quốc.
- Khanh hãy đập bể nó
ra !
- Đập vỡ viên
ngọc này ư ? Tâu Bệ Hạ, tay thần không
thể nào làm được công việc đó.
Nhà vua cũng thưởng
cho quan Thị Vệ một chiếc áo danh dự và còn
tăng lương cho ông.
Sau cùng nhà vua đưa viên
ngọc cho Abdul :
- Ngươi có thấy viên
ngọc nào đẹp bằng viên ngọc to quý này
không ?
- Muôn tâu, thần chưa
hề thấy viên ngọc nào quý giá như viên ngọc
của Đức Vua.
- Nhà ngươi hãy
đập nát nó đi.
Lập tức Abdul cầm
một viên đá lớn đập nát viên ngọc quý kia
thành bụi. Quần thần ai nấy đều thét lên
sợ hãi vì sự táo bạo của Ab-dul. Họ
hỏi ông rằng:
- Sao nhà ngươi lại
dám làm như thế ?
Ab-dul bình tĩnh
đáp lại:
Lệnh của
Hoàng Thượng đáng giá hơn bất kỳ viên
ngọc quý nào.
Trước thái độ thần
phục tuyệt đối của Ab-dul, nhà vua đã khen
ngợi chàng đã làm đúng nhiệm vụ của một
bề tôi trung thành và đã ban thưởng bội hậu
hơn hai vị quan kia.
Câu
chuyện trên giúp chúng ta hiểu được Đức
Giê-su chính là Con yêu dấu của Chúa Cha khi luôn vâng nghe lời
Cha, như Tin Mừng hôm nay đã ghi nhận: Và từ đám
mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta
yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc
9,7b).
2) GIÁ TRỊ
BIẾN ĐỔI CỦA ĐAU KHỔ:
Du khách đến Roma thường đi thăm ngôi
thánh đường cổ tên là Dominus sub aquis, vì phía trên bàn
thờ, có một tượng thánh giá rất đặc
biệt : bất cứ ai đến qùi trước
tượng thánh giá và cầu nguyện với tất
cả lòng thành đều được sức mạnh và
an ủi thâm sâu.
Người ta kể rằng tác giả của thánh
giá bằng tượng cẩm thạch này đã mất
nhiều năm mới hoàn thành được tác phẩm.
Hơn hai lần, mỗi khi treo bức tượng lên
để ngắm nhìn, ông lại cho kéo xuống và đập
bỏ, vì ông cho rằng tác phẩm vẫn chưa diễn
đạt được điều ông muốn.
Khi ông bắt tay vào công trình lần thứ
ba thì cũng là lúc ông gặp nhiều thử thách
nhất. Nhiều người ganh tị nên tìm cách hạ uy
tín ông. Vợ con ông qua đời trong những hoàn cảnh
thật đau thương.
Ai cũng tưởng rằng cơn
thử thách đã khiến ông bỏ cuộc. Trái lại,
ông càng miệt mài chú tâm vào công trình. Người nghệ
sĩ dồn tất cả niềm đau của mình lên
khuôn mặt của Đức Kitô. Bức tượng
của Chúa Giê-su trên thập giá không còn là một phiến
đá lạnh lùng , xa lạ, mà trở thành niềm đau
đậm nét của một tâm hồn. Bức
tượng đã trở nên sống động và có
sức thu hút do chính tâm tình mà người nghệ
sĩ muốn tháp nhập vào.
3) THIÊN THẦN
BIẾN THÀNH ÁC QUỈ:
Một hôm, một họa sĩ
người Ý khá nổi tiếng đang đi
bách bộ để tìm hứng sáng
tác. Khi đến một khúc cua đường,
ông chợt thấy một bé trai có khuôn
mặt hồn nhiên dễ mến. Tự nhiên ông
muốn vẽ lại vẻ mặt thiên thần
của em. Ông nói với cậu bé rằng:
“Này em, em có muốn tôi vẽ chân dung của em
không?” Cậu bé gật đầu đồng ý
và theo họa sĩ về xưởng vẽ
của ông. Mấy giờ sau, cậu ta rất ngạc
nhiên và vui mừng nhìn thấy khuôn mặt của em
rạng rỡ trong bức tranh. Họa sĩ
đặt tên cho bức tranh này là:
“Tuổi thơ trong trắng”. Ông treo nó nơi
phòng khách, và mỗi khi gặp điều
gì bực mình, ông lại nhìn lên bức
tranh kia và lập tức lấy lại bình an.
Một số người muốn mua bức tranh
với giá cao, nhưng dù gặp khó
khăn về tài chính mà họa sĩ vẫn không bán.
Hai mươi năm sau. Một hôm
họa sĩ cũng đang đi dạo để
tìm hứng vẽ tranh. Khi tới gần khu
nhà ổ chuột, tình cờ ông nhìn
thấy một gã ăn xin, áo quần lôi thôi rách
nát và có khuôn mặt chai lì gian ác, trông
như một tên quỉ sứ. Ông suy nghĩ: “Sao trên
đời này lại có người mang bộ
mặt gian ác xấu xa đến thế nhỉ?
Phải chi ta vẽ được gương
mặt quỉ sứ này để so sánh
với gương mặt thiên thần trong
bức “Tuổi thơ trong trắng” đang treo trong
phòng khách nhà ta thì hay biết mấy!”
Bấy giờ gã ăn mày
chìa tay ra xin bố thí. Họa sĩ yêu cầu
gã làm người mẫu cho ông vẽ và
hứa sẽ cho gã một số tiền khá
lớn. Gã ăn xin lập tức đồng
ý. Khi bức tranh đã vẽ xong, gã
nhận tiền và ra về. Nhưng khi đi ngang
phòng khách, gã trông thấy bức tranh “Tuổi
thơ trong trắng” đang treo trên tường,
gã liền dừng lại nhìn một lúc,
rồi hai dòng lệ từ từ lăn trên
gò má. Sau đó gã chỉ lên bức
tranh và nói với họa sĩ rằng:
“Thưa ông, đây chính là khuôn mặt của
tôi hồi còn bé mà tôi nhớ có lần
đã ngồi làm mẫu cho ông vẽ. Hôm nay ông lại vẽ
khuôn mặt của tôi sau khi nó đã biến
dạng!” Rồi gã thuật lại cuộc
đời bất hạnh của gã như sau:
“Tôi vốn là một
đứa con trai, lại là con một, nên
được cha mẹ rất mực cưng
chiều. Nhưng cũng vì thế mà tôi sinh ra hư
hỏng. Khi cha mẹ tôi lần lượt qua
đời, tôi đã bán tất cả gia sản cha
mẹ để lại để lao mình vào
các đam mê trác táng... Chỉ sau một
thời gian ngắn, tôi đã phung phí
hết tiền bạc của cha mẹ và phải
nhập bọn với lũ bạn xấu đi trộm
cướp. Rồi tôi bị bắt và thụ
án mười năm. Trong thời gian ở
tù, tôi đã trải qua rất nhiều gian nan tủi
nhục: Bị đánh đập, ứng hiếp
và bị bóc lột tàn nhẫn. Nhưng
rồi tôi cũng quen dần với cuộc sống
đó. Cuối cùng chính tôi lại trở
thành kẻ bóc lột hành hạ các tù nhân
mới nhập trại và các bạn tù khác
yếu đuối hơn tôi. Bây giờ sau khi mãn hạn
tù, tôi đang ở trong tình trạng không một
đồng xu dính túi, lại còn mang thêm bệnh lao
phổi thời kỳ thứ ba. Tôi chẳng
biết làm gì hơn là đi ăn xin như
ông thấy đó”.
Trước tâm sự của
một người đã phung phí trót cả
tuổi thanh xuân của mình, họa sĩ rất
xúc động. Nhưng ông cũng chỉ biết
khuyên bảo gã ăn xin hãy cố ăn ở
lương thiện. Ít lâu sau, ông được
tin gã đã nằm chết cô đơn tại
một góc phố. Họa sĩ đã treo
bức tranh “Ác quỉ” mà ông mới vẽ
bên cạnh bức “Tuổi thơ trong trắng”
trong phòng khách. Ông cũng thường giải thích
cho bạn bè và những người
thắc mắc về sự xuất hiện
của hai bức tranh như sau: “Hai khuôn mặt
trong hai bức tranh này thực ra chỉ là
một con người. Và sự khác biệt
giữa hai khuôn mặt thiên thần và ác
quỉ chỉ cách 20 năm sống phóng
đãng mà thôi!”.
3. THẢO LUẬN: 1) Hãy cho biết nguyên
nhân nào đã biến một em bé có khuôn
mặt trong trắng như thiên thần lại
biến thành khuôn mặt gian ác của quỉ
dữ? 2) Bạn sẽ thực tập nhân đức
nào bằng những việc làm cụ thể để
loại trừ một thói hư quan trọng bạn đang
mắc phải trong Mùa Chay này?
4.
SUY NIỆM:
1) BIẾN
ĐỔI LÀ QUY LUẬT CỦA CUỘC SỐNG:
Hãy nhìn chung quanh, chúng ta sẽ thấy mọi sự
luôn biến đổi. Thí dụ nhìn một cái cây. Tuy nó
vẫn là cái cây đó nhưng bên trong nó có biết bao
biến đổi : có những chiếc lá tháng
trước đến nay không còn, nhưng lại có
nhiều chiếc lá mới mọc ra. Và nhiều chiếc
lá hiện nay đến tháng sau sẽ không còn. Nếu cái
cây vẫn y như thế từ tháng này sang tháng khác, từ
năm này qua năm khác thì đó không còn là một cái cây
sống nữa mà chỉ là một cây giả.
Hãy nhìn lên trời, chúng ta cũng thấy quy luật
biến đổi ấy : bầu trời hôm qua
với bầu trời hôm nay đâu có hoàn toàn giống nhau
mặc dù cũng vẫn là một bầu trời.
Hãy nhìn xuống nước. Triết gia Hê-ra-clite đã
nói "Không ai tắm hai lần trong một dòng sông". Tuy
vẫn là con sông ấy nhưng nước sông hôm nay không
phải là nước sông của ngày hôm qua.
Và nhìn vào bản thân : các nhà khoa học nói rằng
các tế bào luôn có thay đổi, cái này chết
nhường chỗ cho cái kia sinh ra. Sau 7 năm thì không còn
tế bào nào cũ của 7 năm trước nữa. Không
biến đổi cũng đồng nghĩa với
chết. Đối với cuộc sống thân xác thế
nào thì cuộc sống thiêng liêng cũng giống như
thế. Mùa Chay chính là thời gian giúp chúng ta biến
đổi nên người mới tốt hơn. Nhờ
được ơn biến đổi trong Mùa Chay này,
chúng ta hy vọng sẽ được sống lại
thật về phần linh hồn trong Mùa Phục Sinh
sắp tới.
2)
CUỘC BIẾN HÌNH CỦA ĐỨC GIÊ-SU:
- Đức Giê-su biến hình trên núi hé lộ cho ba môn
đệ thân tín là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an thấy vinh quang
Thiên Chúa của Người: Từ khuôn mặt đến
y phục bên ngoài của Đức Giê-su đều
biến đổi nên sáng láng đẹp đẽ
khiến ba môn đệ cảm thấy sung sướng
ngất ngây khi nhìn thấy. Bấy giờ đang là lễ
Lều Trại, ông Phê-rô trong tình trạng nửa mê nửa
tỉnh thấy Thầy Giê-su trò chuyện với hai nhân
vật nổi tiếng là Mô-sê, đại diện cho
Lề Luật và Ê-li-a, đại diện cho Ngôn Sứ,
đã xin Thầy cho dựng ba cái lều: Một cho
Thầy, một cho ông Mô-sê và một cho ông Ê-li-a. Bấy
giờ có tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám mây xác
nhận Đức Giê-su là “Con Yêu Dấu” và dạy các môn
đệ “hãy vâng nghe lời Người” (x. Mc 9,7).
- Vâng lời Đức Giê-su chính là vâng lời Chúa Cha
như Người đã nói: "Ai nghe anh em là nghe Thầy;
và ai khước từ anh em là khước từ Thầy;
mà ai khước từ Thầy là khước từ
Ðấng đã sai Thầy" (Lc 10,16). Trong tiệc
cưới Ca-na, đức Ma-ri-a cũng dạy gia nhân:
“Người bảo gì các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5).
Cụ thể vâng lời Đức Giê-su nghĩa là chấp nhận bỏ mình, vác thập
giá mình hằng ngày mà đi theo Chúa, chấp nhận con
đường “Qua đau khổ vào trong vinh quang” như
Đức Giê-su đã tiên báo khi đi lên Giê-ru-sa-lem mà tông
đồ Phê-rô đã can trách, nên đã bị Người
mắng như sau: “Xa-tan. Lui lại đàng sau Thầy! Anh cản
lối Thầy, vì tư tưởng của anh không
phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của
loài người” (Mt 16,23).
Hiểu được giá trị biến đổi
của đau khổ thập giá, thánh
nữ Bec-na-dét đã cầu nguyện với
Chúa Giê-su như sau: ”Con không xin Chúa cất khỏi con sự
đau khổ, nhưng chỉ xin Chúa đừng bỏ con khi
con chịu đau khổ”.
3) CẦN BIẾN HÌNH NÊN GIỐNG CHÚA
GIÊ-SU:
- Họa lại cuộc sống
của Đức Giê-su: Khi lãnh bí tích Rửa tội, chúng ta
chấp nhận dìm mình trong dòng nước và trồi lên
mặt nước giống như Đức Giê-su đã
qua cuộc tử nạn, đến ngày thứ ba đã
từ cõi chết trỗi dậy. Các tông đồ các thánh
tử đạo đã chấp nhận đi con
đường chết và sống lại này. Mỗi tín
hữu chúng ta hôm nay cũng phải chấp nhận đi
con đường của Đức Giê-su, nghĩa là sẵn
sàng bị thua thiệt, bị mất việc làm, mất
địa vị xã hội vì lòng tin yêu Chúa...
- Thánh Phao-lô đã dạy các tín hữu: “Thật vậy, ai gieo giống
nào thì sẽ gặt giống ấy. Ai theo
tính xác thịt mà gieo điều xấu,
thì sẽ gặt được hậu quả
của tính xác thịt là sự hư
nát. Còn ai theo Thần Khí mà gieo điều
tốt thì sẽ gặt được kết
quả của Thần Khí, là sự sống
đời đời.” (Gl 6,7-8). ”Vì thế anh em phải cởi bỏ con
người cũ với nếp sống xưa, là con
người phải hư nát vì bị những ham muốn
lừa dối. Anh em phải để Thần Khí
đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con
người mới, là con người đã
được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa
để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep
4,22-24).
4) VÂNG NGHE LỜI
CHÚA ĐỂ ĐƯỢC BIẾN HÌNH NHỜ THẦN
KHÍ:
- Trong những ngày Mùa
Chay này, mỗi người chúng ta hãy xét mình mỗi buổi
tối và quyết tâm loại trừ các thói hư như:
lười tham dự lễ, bỏ đọc kinh tối
gia đình, loại trừ thói tham lam ích kỷ và vô trách
nhiệm, tránh nói hành những kẻ vắng mặt, biết
nín nhịn kẻ mình không ưa… Nhờ việc tham dự
các buổi tĩnh tâm Mùa Chay, dọn mình xưng tội, tham
dự các buổi học sống Lời Chúa hằng
tuần, quyết tâm thi hành các công tác tông đồ bác ái cụ
thể kèm theo những lời nguyện tắt… chúng ta hy
vọng sẽ được Thần Khí Chúa biến đổi
nên hiền lành và khiêm nhường giống Chúa Giê-su như
Người đã dạy: “Tất cả những ai
đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến
cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh
em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi,
vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn
anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi
dưỡng” (Mt 11,28-29).
- Noi gương
Đức Ma-ri-a sau khi đón nhận Thai Nhi Giê-su, đã
đem Người đi thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét,
làm cho thai nhi Gio-an nhảy mừng trong dạ mẹ. Noi
gương An-rê sau khi gặp Đức Giê-su đã gặp
Si-mon và dẫn em đến giới thiệu với Đức
Giê-su để trở thành tông đồ đi chài
lưới các linh hồn. Người tín hữu chúng ta sau
khi được ơn biến đổi cũng phải
chu toàn sứ mệnh làm chứng cho Chúa, giới thiệu
Chúa cho những người thân như cha mẹ, anh chị
em, bạn bè chưa biết Chúa để họ cũng tin
yêu Chúa và được hưởng ơn cứu
độ với chúng ta.
5.
LỜI CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Mỗi khi con bị những tiếng ồn ào vây hãm,
xin cho con biết tìm những phút giây thinh lặng được
gần bên Chúa.
Khi tâm trí con bị căng thẳng phải lo trăm
công ngàn việc, xin cho con biết quý chuộng những giờ
phút được hiện diện trước nhan thánh Chúa.
Khi lòng trí con bị giao động và không biết
phải làm gì, xin cho con biết tìm đến ngồi
dưới chân Chúa để nghe lời Người.
Khi thân xác con bị lôi cuốn bởi các đam mê
dục vọng, xin cho con biết vượt lên cao nhờ biết
sử dụng đôi cánh thiên thần là cầu nguyện và
chay tịnh.
Lạy Chúa. Ước gì tinh thần ăn chay cầu
nguyện thấm nhuần vào cuộc đời con. Trong
Mùa Chay này xin giúp con biến đổi nên hiền lành và
khiêm nhường giống như Chúa khi xưa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.-
Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH -
HHTM
|