Bị cám dỗ bởi việc lành
Những côn
trùng và ruồi bị hương thơm
của chất ngọt quyến rũ. Nhiều lần,
chúng phát hiện rằng theo sau
hương thơm của chất ngọt, có thể
dẫn chúng đến một cuộc sống bị giam
hãm hoặc tệ hại hơn. Do không thể kháng cự
lại hương thơm, chúng bò vào bên
trong một bông hoa, chỉ để đắm mình trong
phấn hoa, để rồi chúng không thể trở ra
được nữa.
Có thể
bạn nghĩ rằng điều này không bao giờ
xảy ra với con người chúng ta. Chúng ta quá tinh khôn
để không bị sa ngã vào
điều đó. Sự kiện đáng
buồn là chúng ta lại vẫn cho phép điều đó
xảy ra. Giống như những con ong, chúng ta
cũng bị hương thơm của
chất ngọt quyến rũ.
Ý nghĩa
phổ biến của chước cám dỗ là lôi kéo con
người làm điều sai trái. Khi nghĩ
đến chước cám dỗ, ngay tức khắc chúng
ta nghĩ đến những điều xấu xa. Tuy nhiên, không chỉ có sự dữ mới có
thể đưa chúng ta đi lạc đường.
Những việc tốt đẹp vẫn có
thể cám dỗ chúng ta một cách đầy hiệu
quả. Trên thực tế, tất
cả những chước cám dỗ đều
đến dưới chiêu bài là việc tốt
đẹp. Và sức mạnh của một
chước cám dỗ tỉ lệ với sức quyến
rũ của mục đích.
Không phải
chỉ khi nào đường đi khó khăn và rải
đầy chướng ngại vật, chúng ta mới không
tiếp cận được mục đích, nhưng khi đường
đi dễ dàng và trải đầy những nét quyến rũ, chúng ta cũng vẫn bị như
vậy. Trong trường hợp thứ hai, chúng ta bị cám
dỗ coi con đường đó như trò đùa. Chúng ta tự cho phép mình đi sai đường,
sao cho trước khi nhận ra điều đó, chúng ta
đã quên mất mục đích, và lãng phí sức mạnh
của mình. Những vinh hoa trần thế làm mất
đi sự quyến rũ của
hạnh phúc thiên đàng. Trong Tin Mừng, không thiếu
những ví dụ về điều này.
Một dịp kia, Đức Giêsu kêu gọi một
người giàu có trở thành môn đệ của
Người, nhưng người đó đã từ
chối. Không phải sự dữ đã làm
cho anh ta từ chối – anh ta không làm điều gì xấu
xa cả. Nhưng anh ta từ chối
chỉ vì một điều gì đó tốt đẹp –
sự giàu có.
Khi
Đức Giêsu đi vào nhà của Marta và Maria, Marta quá
bận rộn, nên không thể lắng nghe Người nói
được.
Không phải do điều gì đó xấu xa đã làm cho bà
không nghe được lời Người, mà là một
việc làm tốt đẹp, thậm chí đáng khen
nữa – những công việc bày tỏ lòng hiếu khách. Đức Giêsu kể một câu chuyện về
những người khách từ chối lời mời
đến dự tiệc. Khi từ chối, họ
không hành động do những động cơ xấu xa,
nhưng do những động cơ tốt đẹp. Người thì muốn đi thăm mảnh
đất mà họ mới tậu được.
Người khác lại muốn thử con bò mới mua. Người thứ ba thì vừa mới
cưới vợ. Tuy nhiên, mặc dù
những nguyên nhân của họ đều tốt hảo
cả, thì hậu quả vẫn như thể họ là
những người tồi tệ – họ đã để
cho bữa tiệc trôi qua.
Trong dụ ngôn
về người gieo hạt, Đức Giêsu nói rằng
một số hạt bị chết ngạt do gai góc. Những “bụi gai” này bao gồm cái gì vậy?
“Những lo lắng và quan tâm đến thế gian này, và
sự quyến rũ của giàu sang”. Một lần nữa, những điều này
không phải tự chúng xấu xa. Từ
tất cả những điều này, chúng ta phải suy ra
điều gì? Đó là chúng ta có thể
có nhiều điều đáng e sợ từ việc
tốt cũng như việc xấu. Sau hết, khi
nhận thấy một điều nào đó rõ ràng là
xấu, thì chúng ta phải cự tuyệt nhiều hơn là
bị điều đó lôi cuốn. Do đó, điều
này đặt ra nhiều nguy hiểm hơn. “Khi
dát vàng vào đôi cánh chim, thì nó sẽ không bao giờ bay
được”. Những điều cám
dỗ chúng ta từ bỏ mục đích của mình không
phải lúc nào cũng luôn luôn xấu xa. Thông
thường, đó lại là điều tốt
đẹp. Vì thế, thật khó mà kháng
cự lại được. Những
sự chọn lựa đau thương nhất
thường ở giữa điều tốt và
điều xấu. Quỉ dữ không
xuất hiện giống như một nhân vật đáng
ghê tởm. Nhưng nó xuất hiện
như một nhân vật hấp dẫn, đáng mến,
dễ thương, thậm chí là một người
bạn nữa. Nó xuất hiện
để đem lại ý thích tốt đẹp nhất
trong tâm hồn bạn – như khi nó dâng bánh và tất cả
các nước trên thế giới cho Đức Giêsu. Chúng ta cần có sự khôn ngoan và sức mạnh,
để có thể kháng cự lại những
chước cám dỗ, đặc biệt đối
với những cám dỗ đến dưới chiêu bài
tốt đẹp.
|