SUY NIỆM CÁC NGÀY TRONG TUẦN 05 THƯỜNG
NIÊN
THỨ HAI
GIÁO HỘI VÌ NGƯỜI NGHÈO
(Mc, 6, 53-56)
Mẹ Têrêxa Calcutta nổi
tiếng trên khắp thế giới không phải ngài là một
người giỏi giang, cũng không phải nơi mẹ
có những điểm hấp dẫn về nhan sắc; tuy
nhiên, mẹ trở nên một người vĩ đại
và có thể làm đảo lộn thế giới chỉ vì
tình yêu rất lớn của mẹ dành cho người nghèo
và những người bệnh tật, đến nỗi
có những ngày các nữ tu trong dòng của mẹ phải nấu
thức ăn cho khoảng 7 ngàn người, và cả những
người phải cung cấp lương thực, có lúc
lên đến 9 ngàn người.
Chúng ta còn nhớ ngày mẹ
lìa cõi trần, nhiều nguyên thủ quốc gia đã tuyên bố
quốc tang, nhiều bài phát biểu bày tỏ sự ngưỡng
mộ được phát đi với những lời lẽ
hết sức xúc động như: “Từ nay, thế giới bớt tình thương
hơn”; hay: “Hôm nay, người
nghèo mất đi một người mẹ yêu
thương, người bạn đồng hành...”.
Hôm nay, bài Tin Mừng
cũng thuật lại cho chúng ta khái quát về những hoạt
động của Đức Giêsu. Ngài làm việc không biết
mệt mỏi, đi đến đâu là thi ân giáng phúc tới
đó.
Đối tượng
mà Đức Giêsu nhắm đến để phục vụ
chính là những người nghèo. Vì họ mà Ngài chấp nhận
quên ăn, quên ngủ, bất chấp bị quấy rầy,
bởi Ngài thấy được những vấn đề
cấp thiết mà họ đang mong đợi!
Ngày nay, Giáo Hội của
Đức Giêsu không có con đường nào khác để
loan báo về Đức Giêsu tốt hơn cho bằng lựa
chọn người nghèo, người sống bên lề,
vùng biên của xã hội.
Nếu Giáo Hội quên
đi điểm căn cốt, bản lề này, thì Giáo Hội
đánh mất đi bản chất và ý nghĩa của sự
hiện diện.
Tuy nhiên, điều
chúng ta đặt ra là: trong khi phục vụ, chúng ta có thái
độ nào với họ? Phải chăng là trưởng
giả, hay chỉ phục vụ gián tiếp? Không! Phục
vụ như Chúa, đến để phục vụ chứ
không phải được phục vụ. Tinh thần Kitô
giáo không chấp nhận phục vụ hình thức, hay trên
môi miệng, hoặc chỉ dừng lại nơi tư duy
mà không đi đến hành động cụ thể!
Lạy Chúa Giêsu, xin
thương ban cho chúng con mặc lấy tâm tư của
Chúa. Sẵn sàng trở nên điểm tựa và niềm hy vọng
cho những ai cần sự giúp đỡ của chúng con.
Amen.
THỨ BA
ĐỪNG VỤ LUẬT MÀ XA LẠ VỚI TIN
MỪNG!
(Mc 7, 1-13)
Tại đất
nước Philippines hay tại Ấn Độ, người
ta có thói quen ăn cơm bằng tay thay vì dùng muỗng
nĩa như người Tây Phương hay đũa
như người Việt Nam.
Khi dùng tay để
ăn, họ buộc phải dùng tay phải để lấy
cơm và thức ăn đưa vào miệng. Tay trái là
điều cấm kỵ vì họ cho rằng tay trái là biểu
tượng của sự dơ bẩn; hay tay trái là dấu
chỉ của những người khó có thể được
cứu độ! Chính vì vậy, mà những người
thuận tay trái thường bị cho rằng sau này khó có
thể được vào Nước Trời!
Tin Mừng thánh Máccô
được trích đọc hôm nay ghi lại cuộc
tranh luận giữa Đức Giêsu và những người
Pharisêu về vấn đề rửa tay trước khi
ăn.
Theo luật, buộc
khách dự tiệc phải rửa tay trước khi
ăn. Việc rửa tay trước khi ăn có ý nghĩa
tôn giáo rất tốt lành, đó là ý muốn nói hay nhắc
nhở mỗi người về sự trong sạch trong
tâm hồn. Trước khi họ dâng lời chúc tụng, tạ
ơn Chúa thì họ phải thanh tẩy tâm hồn cho xứng
đáng. Còn về mặt xã giao, thì đây là biểu lộ
sự kính trọng với người đồng bàn với
mình.
Tuy nhiên, trải qua thời
gian, khi người ta chỉ còn biết hình thức bên
ngoài mà không hề khám phá hay sống ý nghĩa, giá trị bên
trong, thì tập tục này trở nên thuần túy phô
trương, hình thức. Chính vì lý do này mà khi thấy các môn
đệ của Đức Giêsu không rửa tay trước
khi ăn, nên những người Pharisêu đã thắc mắc!!!
Nhân cơ hội này, Đức Giêsu nhắc lại lời
ngôn sứ Isaia nói về sự giả hình nơi những
người này, vì họ chỉ thờ Thiên Chúa bằng môi
bằng miệng, còn lòng họ thì không. Vì thế, họ
như cái thùng rỗng. Những lời dạy của họ
trở nên trò hề khi họ chỉ cậy dựa vào tập
quán của phàm nhân.
Ngày nay, nơi nhiều
cộng đoàn, vẫn còn đó những lối suy nghĩ
như những người Pharisêu khi xưa, đó là: chú trọng
hình thức bên ngoài quá nhiều mà không để ý đến
ý nghĩa, sứ điệp ngang qua những hoạt động
tôn giáo.
Nhiều khi chỉ biết
đọc kinh mà không hề hiểu ý nghĩa của lời
kinh! Hoặc nhiều khi giữ đạo từ nhỏ,
nhưng nói về tinh thần huynh đệ, bác ái thì xem ra
quá xa vời, bởi bấy lâu nay ta sống theo kiểu: “Đèn ai nấy rạng”.
Sứ điệp Lời
Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta thấy rằng: lời nói phải
đi đôi hành động. Việc bề ngoài chỉ có
giá trị khi nó được toát ra từ bên trong. Đừng
chỉ lo loay hoay hình thức mà đánh mất đi nét
đẹp của tâm hồn. Mất đi ý nghĩa này, mọi
sự trở nên giả dối, trống rỗng và vô ích.
Lạy Chúa Giêsu, chúng
con tạ ơn Chúa vì đã dạy cho chúng con bài học về
việc giữ luật. Xin cho chúng con ngày càng gắn bó với
Chúa mật thiết để được sống trong
tình yêu và chiếu tỏa tình yêu ấy cho tha nhân cách chân
thành. Amen.
THỨ TƯ
SỐNG ĐẠO THẬT TÂM
(Mc 7, 14 – 23)
Ở đời
người ta hay nói: “Thiện
căn ở tại lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba
chữ tài”; hay: “Sông sâu còn có
kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho tường.
Lòng người thăm thẳm mù khơi, không bờ không bến
biết nơi nào dò”.
Tin Mừng hôm nay thuật
lại việc Đức Giêsu tuyên bố một sự thật,
đó là: “Không có cái gì từ bên
ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con
người ra ô uế được; nhưng chính cái từ
con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế”.
(Mc 7, 15).
Thật vậy, chính tận
sâu thẳm cõi lòng, người ta mới thấy được
cội rễ của sự thiện hay ác!
Khi nói về điều
xấu xa xuất phát từ cõi lòng, Kinh Thánh kể ra 12 thứ
tội được coi là khởi đi từ trong tâm con
người: dâm bôn, trộm cắp, giết người,
ngoại tình, tham lam, độc ác, giảo quyệt, phóng
đãng, ghen bì, gièm pha, kiêu hãnh, bất lương.
Thật vậy, tâm của
những người Pharisêu chính là tâm ác gian tà, vì thế họ
luôn đối đầu với Đức Giêsu. Sự
đối đầu của họ với Ngài chính là cuộc
đối đầu về: lòng đạo đức
đích thực và thái độ giả hình; giữa
lương tâm và vụ hình thức; giữa công bằng và
bất công; giữa lòng bác ái và sự ích kỷ.
Đức Giêsu thì coi
trọng tình huynh đệ, người Pharisêu thì coi trọng
hình thức; Đức Giêsu thì nhấn mạnh và tập
trung vào chiều sâu nội tâm, trong khi họ lại coi trọng
bề ngoài không khác gì cái máy! Đức Giêsu thì coi trọng
con người, đặt con người vào trung tâm sứ
vụ, còn những người Pharisêu thì coi trọng luật
lệ, hình thức, đến nỗi khiến họ trở
thành nô lệ cho luật.
Sứ điệp Lời
Chúa hôm nay mời gọi chúng ta biết xác định nguyên
nhân gây nên điều xấu là cõi lòng, ý hướng từ
bên trong; đồng thời biết tập trung vào việc
cốt lõi của Đạo Thánh chính là tình yêu
thương. Không có tình yêu thương chủ đạo,
chúng ta không thể gặp được Thiên Chúa là tình yêu,
và gặp được con người là trung tâm của
Tin Mừng.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban
cho con một tâm hồn thánh thiện, đạo đức,
để từ nơi đó phát xuất ra tình yêu
thương chân thành. Amen.
THỨ NĂM
NIỀM TIN CẦN ĐƯỢC TÔI LUYỆN
QUA THỬ THÁCH
(Mc 7,24-30)
Trong đời sống
đức tin của mỗi người, nhiều khi chúng
ta phải mày mò đi trong đêm tối! Có những lúc
tưởng chừng như Chúa đang bỏ rơi chúng
ta. Có khi cuộc đời chúng ta đi vào ngõ cụt với
biết bao thách đố mà chúng ta khó hòng vượt qua.
Tuy nhiên, khi chúng ta không
còn biết cậy dựa vào ai, thì lúc đó Chúa có mặt và
giải thoát chúng ta cách nhiệm mầu. Điều quan trọng
là chúng ta có dám “lỳ” trong đức tin hay không mà thôi.
Tin Mừng hôm nay thuật
lại gương sáng của người đàn bà dân ngoại.
Một mẫu gương về niềm tin tuyệt đối
vào Đức Giêsu. Bà thừa biết mình là người dân
ngoại, nên không thể có lý do gì để xin Đức
Giêsu chữa lành cho con gái bà. Thế nhưng, niềm tin và sự
hy vọng đã làm cho bà vượt qua hàng rào ngăn cách
đó, nên bà đã mạnh dạn đến xin Đức
Giêsu chữa lành cho con gái bà.
Quả thật, Đức
Giêsu đã không chữa ngay, mà ngược lại, Ngài
đã nói một câu rất nặng để thử thách
đức tin của bà, Ngài nói: “Phải
để con cái ăn no trước đã, vì không
được lấy bánh dành cho con cái mà mà ném cho lũ chó
con”. (Mc 7,27). Người phụ nữ này đã không nản
lòng, nhưng qua câu nói đó, bà lại càng khiêm tốn và
đức tin mỗi lúc lại mãnh liệt hơn, bà
thưa với Đức Giêsu: “Thưa
Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm
bàn lại được ăn những mảnh vụn của
đám trẻ con”. (Mc 7, 28).
Chính đức tin mãnh
liệt như thế, nên phép lạ đã xảy ra. Đức
Giêsu đã chạnh lòng thương và cứu thoát con gái bà
khỏi quỷ ám.
Sứ điệp Lời
Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy kiên trì, trung thành và vững
tin nơi Chúa. Bởi lẽ đức tin chỉ có thể
trưởng thành khi chúng ta trải qua đau khổ và
được tôi luyện bằng nghịch cảnh. Nhờ
thế, chúng ta mới có kinh nghiệm về sự hiện
diện của Thiên Chúa, đồng thời xứng
đáng trở nên chứng nhân về niềm hy vọng cho
con người hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban
thêm đức tin cho chúng con, để chúng con vững tin
vào quyền năng của Chúa. Amen.
THỨ SÁU
HÃY BIẾT NHẠY BÉN VỚI NHỮNG DẤU CHỈ
(Mc 7, 31- 37)
Ngày
nay, người ta nói nhiều về sự vô cảm, dửng
dưng trước nỗi khổ của con người.
Họ đưa ra rất nhiều lý do để giải
thích cho sự dửng dưng và vô cảm đang trở
thành phổ quát trong xã hội hôm nay.
Nguyên
nhân mấu chốt, căn bản có lẽ chính là thiếu
sự nhạy bén, liên đới!
Thật
vậy, nếu người ta có một chút nhạy bén thì hẳn
họ đã không hờ hững khi thấy một người
phải đói lả trong khi mình lại quá dư thừa;
hay nhiều khi vì thiếu trách nhiệm khi xả rác cách bừa
bãi mà không hề nghĩ đến sự vất vả của
những người phu hằng đêm phải thức trắng
để dọn dẹp đường phố; hoặc
vô tâm đến mất nhân tính khi cướp đi từng
gói mỳ tôm, từng nắm gạo của những người
vô gia cư, nghèo khổ, đói khát đang thoi thóp mong chờ
chút lương thực cho ấm lòng...! Tệ hơn nữa,
đó là, nhiều khi chúng ta lại phủi tay đến lạnh
lùng trước tấm lòng của những người làm
việc tốt, để rồi tung ra những lời nói
không thật, gây nên một sự hoang mang làm cho người
ta rất khổ tâm!
Tin
Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu ra tay
cứu chữa cho một người điếc và nói ngọng
được nghe và nói rõ ràng. Đây là niềm vui mừng
của người bị bệnh và cũng là niềm vui của
những người đã dẫn anh ta đến gặp
Đức Giêsu.
Tuy
nhiên, nếu chúng ta đọc lui lại các chương
trước thì chúng ta sẽ thấy rõ giữa Đức
Giêsu và những người Pharisêu luôn có sự đối
kháng, và họ luôn cho rằng: Đức Giêsu lấy quyền
của Tướng quỷ mà trừ quỷ. Như vậy,
họ không hề có chút nhạy bén với điều thiện,
mà ngược lại, họ luôn lạnh lùng, vô cảm và
vô tâm trước những nghĩa cử tốt lành của
Đức Giêsu.
Lối
sống và cái nhìn của những người Pharisêu khi
xưa có thể cũng chính là quan điểm và lựa chọn
của chúng ta! Nhiều khi vì thành kiến cá nhân, mà chúng ta
không thể thấy được điều tốt
nơi anh chị em mình. Lòng ích kỷ nơi bản thân nó
đã làm cho lương tâm bị che khuất, sự thật
bị bóp méo, vì thế, hậu quả chính là sự chia rẽ,
bất công và không thể nhận ra chân lý.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn có tâm tình
như đám đông dân chúng trong bài Tin Mừng hôm nay, đó
là luôn biết ca ngợi và chúc tụng những điều
tốt đẹp Chúa đã làm chung quanh và cho bản thân
chúng con. Amen.
THỨ BẨY
HÃY BIẾT CHẠNH
LÒNG THƯƠNG
(Mc, 8,1-10)
Khi kể về ơn
gọi của Mẹ Têrêxa Calcutta với người nghèo,
người ta không quên được sự kiện làm cho
mẹ thay đổi ơn gọi. Từ một giáo viên dạy
địa lý và là một nữ tu của Dòng Nữ
Vương Ðức Bà Loreto, mẹ đã trở thành một
nữ tu khiêm tốn, chuyên phục vụ người nghèo
khi quyết định rời bỏ dòng cũ để lập
nên Hội Dòng Nữ Tu Bác Ái với hy vọng xoa dịu nỗi
khổ cho biết bao con người ngày đêm kêu cứu.
Vì thế, mẹ đã trở thành người nổi tiếng
về lòng bao dung, nhân hậu.
Nguyên nhân để mẹ
trở thành vĩ nhân là vì mẹ đã cảm nghiệm sâu
xa lời kêu cầu của Đức Giêsu trên Thánh Giá “Ta
khát” qua hình ảnh của một người già nghèo
khổ, trong sân ga tàu hỏa khi mẹ lên đường
để đi chữa bệnh.
Tin Mừng hôm nay thuật
lại việc Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều
lần thứ hai. Qua phép lạ này, chúng ta thấy nổi bật
lên sự quảng đại, lòng nhân hậu, thương
xót của Đức Giêsu với đám đông dân chúng.
Thấy một đám
đông đang theo mình, Đức Giêsu đã không thể yên
vị được khi thấy họ vất vưởng
và bụng đói, nên Ngài đã nói với các môn đệ: “Thầy chạnh lòng
thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy
đã ba ngày rồi mà không có gì ăn”. (Mc 8, 2). Và Đức
Giêsu đã làm phép lạ để nuôi dân chúng.
Hình ảnh thật
đẹp về một Đức Giêsu: Ngài nhìn đám
đông với một ánh mắt đăm chiêu, trìu mến
và lộ rõ sự thao thức! Ngài nói với các môn đệ
về nỗi thao thức của mình, rồi lường
trước được những mối nguy hại khi
họ bụng đói ra về! Và cuối cùng, Ngài đã hành
động để nuôi dân chúng.
Ngày hôm nay, vẫn có
nhiều chương trình phúc lợi xã hội, nhưng
không biết có phải là những chương trình
được khởi đi từ tình thương hay là một
dịp thuận tiện để những kẻ chuyên tham
nhũng, bóc lột có cơ hội trục lợi về
cho cá nhân và đoàn thể của mình khi nhân danh điều
thiện???
Thật vậy, nếu
mọi việc công ích, không được khởi đi từ
lòng nhân hậu và tình thương, thì sớm muộn gì nó
cũng sẽ bị những ý đố đen tối, xấu
xa xen vào và bị biến thái.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho
chúng con biết mặc lấy tấm lòng từ bi nhân hậu
và thương xót của Chúa, để chúng con biết
đem Chúa đến với anh chị em chúng con. Amen.
|