Xin ơn chữa lành bệnh tật hồn xác
(Suy niệm của Lm Trần Bình Trọng)
Gần đến tuổi xế chiều thì
cơ thể con người khó thích ứng được
với một số đồ ăn, thức uống và
những yếu tố ảnh hưởng bên ngoài. Do đó
cơ thể phát ra những chứng bệnh tật,
đau yếu khác nhau. Như vậy thì ta có thể
đồng hoá với dân chúng trong Phúc âm hôm nay, gồm bà
nhạc mẫu của thánh Phêrô, vây quanh Chúa để xin
được chữa lành bệnh tật. Hôm nay Chúa
đến chữa nhiều kẻ ốm đau mắc
đủ thứ bệnh tật và trừ nhiều quỉ
(Mc 1:34) nghĩa là đem
lại tự do cho con người. Chúa dùng nhiều cách
thế khác nhau để chữa trị bệnh tật
loài người.
Chúa dùng loài người như là bác sĩ, nha
sĩ, y tá cùng với thuốc men để chữa trị
bệnh tật. Tuy nhiên Chúa cũng chữa trị bệnh
tật loài người cách trực tiếp mà không cần
sự cộng tác của loài người, cùng với
thuốc men. Cách thế chữa trị đó được
gọi là phép lạ. Có những trường hợp Chúa
không chữa trị loài người khỏi bệnh ngay,
nhưng Chúa chữa trị dần dần để
thử lòng tin và lòng kiên nhẫn của họ. Lại có
những trường hợp Chúa muốn loài người
cộng tác với đường lối chữa trị
tự nhiên, bằng cách soi sáng cho người ta biết
cách giữ gìn sức khoẻ như ăn uống, ngủ
nghỉ điều độ, tập thể thao
dưỡng sức. Vấn nạn ở đây là sự
thể đã không xẩy ra như vậy. Có người
đi bác sĩ thường xuyên, nằm nhà thương lâu
ngày, cầu nguyện liên tục mà bệnh tật vẫn
không thuyên giảm. Nhiều người còn phải mang
bệnh tật lâu dài. Như vậy bệnh tật có
phải là do hậu quả của tội lỗi gây ra
không?
Hình như Thánh kinh Cựu ước có ám
chỉ như vậy, nghĩa là những tai hoạ xẩy
ra cho loài người được coi là hình phạt
của Thiên Chúa. Đạo lí nhà Phật thì cho là tại
nghiệp chướng: kiếp trước làm bậy thì
kiếp sau phải gánh chịu hậu quả tai hại.
Đạo lí nghiệp chướng cũng giống ý
nghĩa trong câu ngạn ngữ: Đời cha ăn
mặn, đời con khát nước. Có điều khác
biệt là trong thuyết nghiệp chướng thì cùng
một cá nhân phải chịu hậu quả trong kiếp
luân hồi; còn quan niệm cha ăn mặn, con khát
nước là hai cá nhân khác nhau: cha có liên hệ huyết
nhục với con, nhưng không phải là con.
Quan niệm trong câu ngạn ngữ Việt Nam
trên đây còn giống quan niệm trong câu ngạn ngữ mà
người ta truyền tụng trong dân Ít-ra-en (Do thái):
Đời cha ăn nho xanh (chua), đời con phải ghê
răng (Gr 31:29; Ed 18:2). Để sửa sai quan niệm
đó, Thiên Chúa dùng miệng nhị vị ngôn sứ Giêrêmia
và Êdêkien để trách dân Do thái sao cứ truyền tụng
câu ngạn ngữ đó và dạy họ rằng mỗi
thế hệ hay mỗi cá nhân chịu trách nhiệm về
hành động của thế hệ đó hay cá nhân mình (Gr:
31:30; Ed 18:3). Quan niệm trong câu ngạn ngữ trên của
dân dân Do thái chỉ đúng khi áp dụng vào một số
bệnh di truyền nào đó dựa vào lí do sinh thể lí mà
thôi.
Theo giáo lí Do thái giáo là đạo Cựu
ước và giáo lí Kitô giáo là đạo Tân ước thì
tội lỗi không cắt nghĩa được hết
tại sao người ta phải mang tai họa. Sách Gióp
đã chứng minh điều đó. Ông Gióp phàn nàn về
những tai họa xẩy đến cho ông và gia đình ông
như phải mất của cải, vợ con (G 7:1-4,6-7).
Các bạn ông cho rằng những bất hạnh đó là
hình phạt cho tội lỗi của ông. Tuy nhiên ông Gióp không
thể chấp nhận lối giải thích đó vì ông
sống đời ngay lành, công chính và cảm thấy
lương tâm không bị trách móc. Vậy thì phải có lý do
nào khác, điều mà người ta không hiểu
được hay chưa hiểu được ở
đời này. Người ta không hiểu được
tại sao có những người hiền đức,
ăn ngay ở lành mà phải chịu bệnh tật
đau khổ? Người ta cũng không hiểu
được tại sao một số trẻ em vô tội
cũng phải mang bệnh hoạn tật nguyền?
Là người Kitô giáo, ta phải tin rằng
Chúa có thể giải thoát loài người khỏi bệnh
tật, nếu điều đó có ích lợi cho linh
hồn. Tuy nhiên đức tin của người công giáo
không dựa trên việc phục hồi khỏi bệnh
tật phần xác mà thôi. Xét về phương diện nào
đó thì loài người, cũng như loài vật, cỏ
cây hoa lá, đều trải qua tiến trình của kiếp
sống con người: sinh, lão, bệnh, tử. Việc
phục hồi khỏi bệnh tật phần xác là
một ân huệ và là niềm vui. Tuy nhiên đó không phải
là điều quan trọng nhất trong ước muốn
của người Kitô giáo.
Chúa Cứu Thế đến với mục
đích chính là để chữa lành bệnh tật
phần hồn của loài người, giải thoát con
người khỏi tội lỗi, để phục
hồi sự sống thiêng liêng bằng cách giao hoà nhân
loại với Thiên Chúa. Đó là lí do tại sao khi ta
cầu nguyện, xin ơn chữa lành bệnh tật
phần xác mà Chúa lại ban ơn chữa lành bệnh
tật phần hồn, mà ta không hay biết.. Có những
trường hợp mà việc mang bệnh tật phần
xác, có thể mang lại lợi ích cho đời sống
thiêng liêng, khiến người ta tuỳ thuộc vào Chúa.
Nếu được chữa khỏi bệnh tật
phần xác, người ta có thể lầm tưởng
rằng đời sống thiêng liêng của họ là
tốt lành, không gì đáng trách. Vì lợi ích thiêng liêng cho
loài người, Chúa cũng có thể trì hoãn việc
chữa lành. Nếu Chúa ban ơn ngay cho mỗi
người, họ có thể chóng quên ơn Chúa, không
đánh giá được tầm quan trọng của ơn
chữa lành, khiến họ bớt tuỳ thuộc vào Chúa.
Đó là lý do giải thích tại sao trong Phúc
âm hôm nay Chúa tách biệt khỏi đám đông quần chúng
để đi cầu nguyện, rao giảng trong các
hội đường và trừ quỉ (Mc 1:35-39). Trong khi còn nhiều người
đau yếu bệnh tật cần được
chữa lành mà Chúa vẫn bỏ đi. Lý do là vì Chúa còn
một sứ mệnh quan trọng hơn để thi hành
là truyền bá tin mừng cứu độ, đem ơn
chữa lành cho tâm hồn nữa. Chúa cũng không dùng
quyền năng để tự cứu mình khỏi đau
khổ và sự chết. Chúa tự ý chấp nhận
đau khổ và sự chết vì Người ý thức được
giá trị của đau khổ và sự chết vì yêu
mến Chúa và tha nhân để mang lại ơn cứu
độ cho loài người.
Để đi đến kết luận
thực hành, thái độ người tín hữu phải
có là khi đau ốm bệnh tật, người ta cần
đi bác sĩ và uống thuốc chữa trị,
đồng thời phải cầu xin cho được
ơn chữa lành. Tuy nhiên bao lâu người ta còn mang
bệnh tật, người ta cần cầu xin để
được ơn can đảm và nhẫn nại
chịu đựng vì yêu mến Chúa. Người tín
hữu chấp nhận đau khổ bệnh tật không
phải như một đường cùng không lối thoát.
Người tín hữu chấp nhận đau khổ
bệnh tật vì tin yêu và phó thác để được
tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa. Chỉ
bằng việc chấp nhận như vậy mới
đem lại bình an và ơn phúc cho tâm hồn khi phải
mang bệnh tật đau khổ về phần xác.
Để khỏi ngã lòng trông cậy Chúa và khỏi trở
nên gánh nặng cho người săn sóc, có linh mục kia
vẫn cầu nguyện xin Chúa đừng để mình
phải nằm trên giường bệnh lâu dài.
Lời cầu nguyện xin cho
được khỏi bệnh phần xác phần hồn:
Lạy Chúa, chúng
con xin tạ ơn Chúa đã đến,
chữa lành
bệnh tật hồn xác loài người.
Xin Chúa ban ơn
chữa lành cho bệnh nhân
đau yếu,
bệnh tật trong thời đại chúng con.
Xin Chúa soi sáng cho
giới bác sĩ và khoa học gia,
tìm ra thuốc men
và phương pháp chữa trị bệnh tật.
Xin Chúa cũng
chữa lành bệnh tật của chính con:
phần xác,
phần hồn, phần tâm trí, phần tình cảm
để con có
thể phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân
với hồn
xác an vui và lành mạnh. Amen.
|