Sống là
chiến đấu
Trong chuyện
ngụ ngôn của Lafontaine có kể một câu chuyện
như thế này: có một tiều phu vác củi từ
trong rừng về nhà. Củi thì nặng mà
sức thì yếu cho nên ông ta cứ than thở hoài. Sau
hết vì quá chán nản, ông đã kêu thần chết
đến đem mạng sống mình đi phứt cho
rồi. Vừa kêu dứt tiếng thì thần chết
bỗng hiện ra, mặt mày khủng khiếp, tay cầm sẵn lưỡi hái. Thần
chết hỏi: "Mi gọi ta đến để làm
gì?" Ông tiều phu mặc dù vừa mới đòi
chết nhưng khi thấy thần chết thì hoảng
sợ và không muốn chết nữa, bèn nói trớ: "Xin
ông làm ơn đặt bó củi này lên vai hộ tôi". Thần chết bỏ lưỡi hái xuống và
đem bó củi chất lên vai người tiều phu.
Ông này vội vàng cám ơn và nhanh chân rảo bước,
không còn thấy nặng nhọc gì nữa.
Câu chuyện ngụ ngôn trên có
thể giúp ta hiểu được phần nào Lời Chúa
mà chúng ta vừa nghe. Tất cả 3 bài đọc
trong Thánh Lễ hôm nay đều bàn đến những
việc lao động nhọc nhằn
trong cuộc sống chúng ta nơi trần gian này. Cuộc sống
này quả là vất vả: ai nấy phải làm lụng
từ sáng tới chiều, quần quật hết ngày này
sang ngày khác, hết tháng nọ sang tháng kia
để kiếm lấy miếng cơm manh áo. Kẻ thì lao động chân tay, người thì lao
động trí óc, nhưng tất cả mọi
người đều phải làm việc vất vả.
Làm để có cái mà ăn, ăn
để có sức mà làm. Làm-ăn, ăn-làm như một
cái vòng lẩn quẩn trói buộc con người, cho
tới khi con người làm không nỗi, ăn không vô thì
cũng là lúc sắp xuôi tay chấm dứt một kiếp
sống làm người.
Trước cảnh sống cơ cực
đó, những kẻ bi quan thì than thở như trong bài
đọc thứ nhất của sách ông Gióp: "Lao
động nhọc nhằn là kiếp sống của tôi. Ngày của tôi giống như ngày của một
kẻ làm công, như một người nô lệ. Tôi phải buồn sầu mãi cho đến
tối và mắt tôi sẽ không nhìn thấy hạnh phúc".
Thái độ đó cũng giống như
người tiều phu trong chuyện ngụ ngôn Lafontaine,
làm việc cực nhọc quá nên bác tiều phu cứ
đòi chết cho rồi. Khi
người ta làm việc cực nhọc mà không hiểu
được ý nghĩa và giá trị của việc mình
làm thì người ta dễ có thái độ bi quan như
thế.
Bài Tin mừng hôm nay mô tả một ngày làm
việc của Chúa: Chúa vừa giảng dạy trong Hội
đường và cứu chữa một người
bị quỷ ám xong, vừa mới đi ra thì hay tin bà
Nhạc mẫu của Phêrô đang bị sốt nặng.
Người liền đến nơi cầm tay nâng bà dậy, bà liền khỏi sốt. Liền sau đó có cả một đám đông
tụ họp trước cửa nhà, đó là những
người đau đớn vì đủ thứ bệnh
tật, Chúa lại phải cứu giúp họ. Mãi tới chiều tối Chúa mới có chút ít
giờ nghỉ ngơi. Người tìm
một nơi thanh vắng để cầu nguyện.
Vừa tảng sáng hôm sau thì các môn đệ lại đi
tìm Người và cho hay dân chúng lại tấp nập tuôn
đến xin Người cứu chữa.
Chính Đức Giêsu là Con Thiên Chúa mà còn
phải làm việc vất vả từ sáng tới tối,
hết ngày này sang ngày khác, không chỉ làm việc để
lo cho bản thân Người mà làm việc để
cứu giúp người khác, không phải chỉ lo phần
xác người ta mà còn lo rao giảng để cứu giúp
linh hồn người ta nữa. Qua tấm gương
đó, Đức Giêsu muốn cho chúng ta thấy ý nghĩa
và giá trị của việc lao
động: lao động là bổn phận của
mọi người, lao động giúp ích cho bản thân và
cho người khác, lao động sinh ích lợi cả
phần xác lẫn phần hồn. Những
bài đọc Thánh Kinh trong Thánh Lễ hôm nay vạch cho ta
thấy phương hướng sống trước
những công việc bề bộn cực nhọc.
. Trước tiên chúng ta hãy dâng lên cho Chúa
tất cả những công việc lao
động của chúng ta.
. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta sức
khoẻ thể xác và tinh thần để có thể
đảm nhận những công việc ấy.
. Chúng ta hãy xin Ngài chúc lành cho
việc làm của chúng ta sinh ra những kết quả
tốt đẹp.
. Xin Chúa giúp chúng ta làm việc
không phải chỉ cầu lợi ích cho bản thân mình, mà
còn để giúp ích cho những người khác.
. Và đặc biệt xin Chúa giúp chúng ta
biết để ra một phần thời giờ,
một phần sức lực để làm việc mở
mang Nước Chúa nơi trần gian...
Xin Chúa ban cho
tất cả chúng con một khối óc biết sáng tạo,
một đôi tay biết làm nên những bát cơm
đầy để xoa dịu những cơn đau do
đói khát đem lại, một đôi tay biết xây
dựng một mái ấm gia đình nên tươi
đẹp. Xin Chúa nâng đỡ những lao
công vất vã của chúng con, và xin Chúa ban cho chúng con
những ơn lành hồn xác. Amen.
|