Làm việc
cho Vương
quốc Nước Trời
(Suy niệm
của John. W. Martens – Lm. GB. Văn Hào chuyển ngữ)
“Chúng ta hãy đi nơi
khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy
còn rao giảng ở đó nữa” (Mc1,38)
Có nhiều thái
độ khác nhau khi chúng ta thẩm định về
những công việc thường ngày. Một người
không có công ăn việc làm, cuộc sống sẽ bấp
bênh, đời sống kinh tế sẽ không
được bảo đảm. Rơi vào tình trạng
thất nghiệp, người ta dễ chán nản và
mất tự tin. Ngược lại, những ai có
việc làm ổn định, sẽ an tâm khi về hưu
trí. Cho dù, đôi lúc công việc làm ăn là cả một
gánh nặng với bao vất vả, nhưng nó rất
cần thiết để đảm bảo nhu cầu
vật chất cho cuộc sống mỗi người.
Giữa hai trạng huống, một đàng cần có
việc làm, đàng khác, lại ước muốn thoát
khỏi gánh nặng đó, là một thực tại vẫn
luôn giằng co căng thẳng, ẩn sâu nơi cuộc
sống hiện sinh của chúng ta ngày hôm nay.
Tác giả John
Hughes đã viết “ Trải dài theo truyền thống Kitô
giáo, người ta vẫn nhìn vào công việc với
nhiều ý nghĩa khác nhau. Đôi khi người ta xem
việc lao động như là một hình thái gắn
kết chặt chẽ với bản tính nhân loại trong
chính thiện ích của nó ngay từ thưở nguyên
sơ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phân định rằng
đã có lúc, thân phận người lao động cùng
khổ cũng gắn liền với kiếp nô lệ, và
họ phải luôn đấu tranh mong thoát khỏi
để sinh tồn (trích trong sách The end of Work)”
Gióp đã
phản hồi với Chúa, khi ông gợi nhắc
đến những công việc vất vả trong cuộc
sống thường ngày của kiếp người “
Cuộc sống con người nơi dương thế
chẳng phải là thời khổ dịch sao? Và chuỗi
ngày làm lụng vất vả có khác gì đời kẻ làm
thuê?” (Gióp 7,1). Gióp đã than vãn cách bi quan khi nhìn vào những
vất vả lao động như một gánh nặng, cho
dù nhìn ở góc cạnh khác, công việc thường ngày
của kiếp nhân sinh vẫn hàm ngậm một chiều
kích tích cực hơn. Ngày Sabbat mà Kinh thánh nói tới, là ngày
nghỉ ngơi, cho thấy công việc hằng ngày vẫn
chỉ mang tính tương đối. Sự nghỉ
ngơi đó, theo tác giả Hughes, hướng chúng ta
đến một thực tại cao cả hơn, đó là
sự an nghỉ cuối cùng trong Chúa. Cùng đích của
cuộc nhân sinh chính là sự nghỉ ngơi an bình trong bàn
tay của Thiên Chúa, nhưng cuộc sống con người
trên trần gian ngày hôm nay vẫn đòi hỏi phải có
công ăn việc làm để mưu sinh.
Chúng ta cần
phân định giữa những công việc thường
ngày để sinh nhai với công việc phục vụ
Vương quốc Nước trời mà Tân ước hay
nói đến. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta nói
rằng những công việc lao động trong thực
tại trần thế này không quan trọng. Những công
việc đời thường chúng ta làm, vẫn luôn hàm
ngậm những sự tốt lành và thiện ích một
cách nội tại. Nhưng chúng ta cần phải tránh hai
thái cực: Một là, xem công việc như một thần
tượng mà chúng ta cần phải tôn thờ, phải
đeo bám bằng bất cứ giá nào, hai là chúng ta lại
cố né tránh mọi việc làm để ở không
một cách lười biếng.
Có lẽ, chúng
ta sẽ nhận ra những thiện hảo nơi công
việc chúng ta thực hiện hằng ngày, khi đọc
lại các bản văn trong kinh thánh. Thánh Phaolô cũng
đã từng làm việc để mưu sinh với
nghề dệt lều (Cv 18,13). Nhưng công việc
phục vụ cho Tin mừng vẫn ý nghĩa hơn, và quan
trọng hơn đối với Ngài.
Dầu sao, Thánh
Phaolô luôn từ chối mọi thù lao khi Ngài thực
hiện sứ mạng tông đồ. Ngài viết
“Đối với tôi, rao giảng Tin mừng không phải
là lý do để tự hào, mà đó là sự cần
thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn cho tôi, nếu
tôi không rao giảng Tin mừng. Tôi mà tự ý làm việc
ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công. Còn
nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên
Chúa trao phó. Vậy đâu là phần thưởng của
tôi? Đó là khi rao giảng Tin mừng, tôi rao giảng không
công chẳng hưởng quyền lợi Tin mừng dành cho
tôi (1 Cor 16-18). Công việc của Thánh Phaolô để
phục vụ Vương quốc Nước Trời là
một việc làm mang chiều kích linh thánh, và những ai
thực thi sứ vụ này sẽ được vào
hưởng sự nghỉ ngơi vĩnh hằng trong tay
Chúa.
Chính Đức
Giêsu cũng nhận thức được những
thiện ích và sự cần thiết của công việc,
cùng với sự nghỉ ngơi đi kèm theo. Đó không
phải chỉ là sự nghỉ ngơi để chiêm
ngưỡng Thiên Chúa, như mục đích tối hậu
của cuộc sống con người mà chúng ta vươn
hướng tới. Đức Giêsu muốn đề cập
đến sự nghỉ ngơi sau những lao nhọc
vất vả của cuộc sống nhân sinh. Ngài
đến trần gian để thực hiện sứ
mạng xây dựng Nước Trời, và chúng ta cũng
thấy Ngài thực hiện sứ mạng đó, rất
quân bình giữa công việc và sự ngơi nghỉ. Sau khi
Đức Giêsu chữa lành cho nhạc mẫu của Thánh
Phêrô, như Tin mừng Marcô thuật lại, bà trỗi
dậy ngay sau đó và phục vụ các ngài. Cũng
vậy, sau khi Đức Giêsu vất vả chữa lành các
bệnh nhân với nhiều chứng bệnh khác nhau, và
trừ nhiều quỷ, Ngài cũng kiếm tìm một
nơi thanh vắng để nghỉ ngơi, và Ngài cầu
nguyện ở đó. Đức Giêsu cũng cần
những phút giây tĩnh lặng để thư giãn sau
những mệt nhọc vất vả với bao công
việc bề bộn thường ngày.
Tuy nhiên, như
Marcô trình thuật lại, Phêrô và các bạn đi tìm
kiếm Đức Giêsu, lúc Ngài ẩn tránh, lui vào một
nơi thanh vắng và ở đó một mình. Ngài không
khiển trách các tông đồ cho dù có vẻ như họ
đang quấy rầy, xen vào sự tĩnh dưỡng
của Ngài. Đức Giêsu nói với họ “ Chúng ta hãy
đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh
để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy
ra đi cốt là để làm công việc này.” Đức
Giêsu có những công việc cần phải làm và
điều căn bản ở đây, là Ngài đã chu toàn
những công việc ấy rất tốt đẹp
để phục vụ cho Vương quốc
Nước Trời. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có làm việc
hay không? chúng ta đã và đang làm những công việc gì,
làm cho ai, và làm như thế nào?
|