Tuyển
quân – Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn
“Đức Giêsu nói
với họ: ‘Hãy theo Ta’, và họ đã bỏ cả chài
lưới mà theo Ngài” (Mc 1,17).
Cuối năm 1999, trước tình trạng
thiếu hụt binh lính trong các đơn vị, Bộ
Quốc Phòng Hoa Kỳ đã đưa ra một quảng
cáo rất hấp dẫn nhằm chiêu mộ thêm thanh niên nam
nữ tòng quân giúp nước.
Ngũ Giác đài đã tặng một món
tiền thưởng lên đến 6.000 đô la cho
những ai tình nguyện gia nhập lục quân trong
khoảng thời gian từ cuối tháng Tám cho đến
30 tháng 9. Tuy nhiên kể từ khi tung ra
món tiền “câu người” cộng với những giao kèo
cho đi học tại các ngành nghề thực dụng và
cao cấp, rất bảo đảm cho cuộc sống
tương lai sau khi giải ngũ, kết quả
tuyển quân vẫn rất khiêm nhường: chưa tới
1,000 người. Trong khi đó, chỉ tiêu do Bộ
quốc phòng đề ra là 6.000.
Người ta cho biết nguyên nhân của
sự thiếu hụt binh lính, cũng như tình trạng
đáp ứng không mấy sốt sắng, dù rằng
quảng cáo rất hấp dẫn, là vì tình trạng kinh
tế quá khả quan. Cuộc sống còn dễ thở, công
việc không khó kiếm, nên đi lính làm gì. Với lại,
cuộc đời quân kỷ ngày nay khá là gắt gao nên chẳng mấy ai hăng hái tham gia.
Mẫu tin thời
sự, tình cờ xem thấy sau khi đọc qua bài Phúc âm
Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ tiên khởi, đã
gợi lên trong tôi đôi chút suy tư: có lẽ chưa lúc nào
việc đi lính được ưu đãi như lúc này:
vừa được tiền lại vừa
được nhiều lợi lộc khác, sự chết
chóc đổ máu không dễ gì sảy ra. Ấy
thế mà chẳng mấy ai hưởng ứng. Lý do
là vì sống đời dân sự vẫn tìm được
nhiều tiền hơn. Thế mới hay cái gì lợi
vẫn được người ta ưu tiên chọn
lựa.
Riêng việc đi
theo Chúa, khách quan mà nhận xét thì không thấy
được đồng nào, thậm chí còn phải
từ bỏ rất nhiều: bỏ thân bằng quyến
thuộc, tài sản vật chất, dự tính riêng tư,
có khi còn phải đối diện với khó khăn
hiểm nguy, nhưng không hiểu sao theo tổng kết
của Toà thánh thì chiều hướng gia tăng ơn
gọi hiện nay rất lạc quan, nhất là tại các
vùng Á châu.
Thử hỏi theo Chúa được lợi gì?
Ngày xưa, khi đáp
lại lời mời gọi của Chúa Giêsu, các tông
đồ Phêrô, Anrê, Gioan, Giacôbê đã phải bỏ lại
cha mẹ và những người làm công quen biết. Họ
phải giã từ luôn cả chiếc thuyền, tấm
lưới, biển khơi, để theo
một con người chỗ gối đầu không có, tài
sản nổi chìm gì cũng không. Đã vậy, tình
trạng no đói cũng thất thường, đến
nỗi có hôm phải tuốt gié lúa mà ăn
cho đầy bụng. Tương lai về tài chánh, kinh
tế, an sinh không có gì hứa hẹn.
Ấy thế mà còn phải đi theo Con
Người đó suốt đời.
Đi lính hay tham gia phục vụ trong
một tổ chức hành chánh nào thì cũng có những
hạn kỳ nhất định. Ít là 2 hay 3
năm, nhiều là 40, 50 năm. Sau đó có thể
giải ngũ để thực
hiện những dự phóng của mình khi xưa. Còn
bước theo Đức Giêsu là
phải bước theo suốt cả cuộc đời. Không có tình trạng vài ba hôm rồi nghỉ, hay 5, 6
năm rồi thôi.
Ấy thế mà tại sao vẫn có
không ít người đã “từ bỏ mọi sự
để đi theo Ngài”? Thử hỏi
người ta muốn tìm điều chi bên kia
sự từ bỏ? Trong mọi hành động hay
bước đi của con người luôn luôn có đích
tới, vậy đích tới của người theo Chúa Giêsu là gì?
Cuộc đời
của con người hay được đan dệt
bởi hai câu hỏi “sống để làm gì?” và “làm gì
để sống?” Sự sống đây tất nhiên không chỉ
thuần tuý sự sống của phần xác,
được duy trì bằng ăn uống, hoạt
động, ngủ nghỉ, nhưng còn là sự sống
tâm linh-một sự sống chỉ được
thăng hoa khi tìm ra ý nghĩa và giá trị của cuộc
đời. Song, ý nghĩa cùng giá trị cao
đẹp của cuộc đời con người
lại không nằm nơi tiền tài, vật chất,
dục tình, danh vọng, nghề nghiệp, nhưng là con
người.
“Hãy theo Ta, Ta sẽ
cho các ngươi làm ngư phủ bắt người” (Mc
1,17). Phục vụ “con
người” mới là lý tưởng và mục tiêu tiến
tới. Trải dài trong lịch sử cứu
độ, khi Thiên Chúa cất tiếng gọi hay chọn
ai- dù là Abraham, Môisen, Samuen, Đức Maria, hay các tông
đồ Phêrô, Gioan-không bao giờ chỉ để họ
được hưởng phúc vinh, nhưng là để
cộng tác trong tiến trình đưa mọi người
vào chung hưởng Tin Mừng Thiên Chúa yêu thương con
người.
Để có thể
thành công trên bước đường đem niềm hy
vọng yêu thương đến cho mọi người
và đưa mọi người về với cội
nguồn yêu thương là Thiên Chúa, kẻ được
gọi trước hết cần phải hướng
đến, đón nhận, và bước theo một con
người: Đức Giêsu. Đây chính là
đích điểm của mọi đích điểm, giá
trị trên mọi giá trị, và chính lộ của muôn
vạn nẻo đường. Do đó trước
khi có thể “chài lưới người” là phải “theo Ta”. Không thể nào tìm thấy ý nghĩa
của cuộc đời hay nhận rõ được giá
trị của con người để mà đi
“lưới” về, nếu không tin phục Đức Kitô.
Chỉ có Đức
Kitô mới có thể làm cho một ngư
phủ lưới cá thành một ngư phủ lưới
người. Thế giới vạn vật có gì sánh
được với giá trị siêu việt của con
người. Thiên Chúa không đến thế gian để
đánh bắt tôm cá hay cứu vớt một sinh vật nào
khác ngoài con người. Cho nên đáp trả lời mời
gọi cộng tác trao ban tình thương của Thiên Chúa
cho con người là ta đang làm cho cuộc sống
đời mình nên tốt đẹp, ý nghĩa.
Một lần kia, trên
một bài báo, nhà tỉ phú George Soros đã than thở: “Tôi
không biết mình đang giàu hay đang nghèo; tôi đang làm
chủ số phận hay là nô lệ cho thành công? Bởi vì
để thành công tôi phải làm việc như một con
chó; để giàu có tôi phải chịu căng thẳng
trường kỳ; và để duy trì phú quí tôi phải
chịu cảnh bất an liên tục, một sự bất
an mà thiết tưởng kẻ nghèo khổ nhất
hiện nay cũng chưa phải gánh chịu.”
Thế rồi một hôm kia,
một tiếng gọi vang lên từ nơi thẳm sâu
của tâm hồn George Soros. Trong âm thầm ông
đã hành động. Ông chi viện hàng năm 300
triệu đô la cho người nghèo bên phương
Đông, trợ giúp 50 triệu cho người Macedoine
đang bị các nước chung quanh cô lập; ông chi 50
triệu cho thành phố Sarajevo trong việc tái thiết
hệ thống cung cấp nước cho người di
tản; ông còn trả tiền cho gần 30 ngàn khoa học
gia thuộc khối cộng sản sau khi sụp
đổ, để họ không cộng tác với
những quốc gia khủng bố, chế tạo bom
đạn nguyên tử, gây tang thương cho thế
giới. Sau những công tác cứu trợ nhiều quốc
gia và dân tộc, Soros tâm sự: “Chỉ từ khi biết
yêu thương và chia sẻ, đời tôi mới bắt
đầu nếm được mùi hạnh phúc và sung túc
thật sự.”
Đúng vậy,
chỉ khi biết yêu thương và phục vụ con
người trong đường lối của Thiên Chúa,
chúng ta mới cảm nếm được giá trị và ý
nghĩa của đời mình.
|