Truyền
giáo
(Suy niệm
của Lm Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP)
Trước
đây chúng ta quen gọi lễ hôm nay là lễ Ba Vua. Các ông ấy có
phải là vua không? Không phải, họ
chỉ là những nhà quý phái thuộc về hoàng tộc, vì
nếu họ là vua thì không lý gì mà vua Hê-rô-đê lại không
biết đến xuất xứ của họ. Đàng khác, nếu họ là vua thì không thể ra
đi âm thầm như vậy, mà phải có tiền hô
hậu hét với nhiều người hộ tống và
với lễ nghi ngoại giao đàng hoàng. Một lý
do nữa chứng tỏ họ không phải là vua, đó là
căn cứ vào nghề nghiệp của họ, là nghề
thiên văn. Ở vào thời đó chỉ có
các nhà quý tộc mới ưa thích và chuyên về thiên
văn. Tóm lại, họ chỉ là các
đạo sĩ, học rộng, hiểu biết nhiều
về chiêm tinh, nên có thể gọi họ là những nhà
chiêm tinh như thuật lại trong Tin Mừng.
Một
điều nữa, có ba ông hay nhiều hơn? Tại Xy-ri và Ác-mê-ni,
người ta nói có 12 ông, chúng ta thường kể có ba
ông, hoặc là căn cứ vào ba sắc dân được
nói đến trong sách ngôn sứ Isaia, hoặc là vì lễ
vật tiến dâng có ba thứ là vàng, mộc dược và
nhũ hương. Nhưng theo chuyện
kể, họ đã gây ảnh hưởng xôn xao cho cả
thành Giê-ru-sa-lem, thì có lẽ đông hơn số ba. Tin Mừng chỉ nói “có mấy nhà chiêm tinh”,
tức là ở số nhiều, chứ không nói rõ bao nhiêu.
Đến thế kỷ IX, người ta coi như
quả quyết có ba ông và đặt tên cho một ông là
Gát-pa, đại diện cho dân da vàng, một ông là Ban-tha-sa,
đại diện cho dân da đen, một ông là Men-ki-o,
đại diện cho dân da trắng. Nhưng điều
quan trọng không phải là xác định họ là vua hay
không phải là vua, có ba ông hay nhiều hơn, mà chính là hãy
nhìn họ như hình ảnh sống động của
tất cả những ai trong đời đã có một
lòng khao khát chân thành tìm kiếm Thiên Chúa, khởi đi
từ những thiện hảo tốt lành, nghĩa là
họ là dân ngoại, từ xa xôi, không biết Kinh Thánh,
nhưng lại chân thành và sẵn sàng vượt qua
những chặng đường gian khổ để tìm
gặp Chúa, trong khi đó dân Do Thái ở gần, hiểu
biết Kinh Thánh, lại không mảy may kiếm tìm.
Mặc dầu
cách gọi Ba Vua vẫn giữ nguyên giá trị cổ kính,
nhưng ngày nay phụng vụ sử dụng tên gọi
Hiển Linh để làm nổi bật ý định
mầu nhiệm chung nhất của Thiên Chúa trong mùa Giáng
Sinh, đó là Ngài muốn tỏ mình ra cho tất cả
mọi người, mọi thời, bất luận họ
là ai và ở đâu, miễn là họ biết chân thành
kiếm tìm Ngài. Vì thế, đây không chỉ
là một biến cố của ngày đã qua mà còn là một
sứ điệp của ngày hôm nay và cho những ngày
sẽ tới, Chúa vẫn tỏ mình, nhưng vấn
đề là người ta có thiện chí đến
gặp Ngài không.
Thực
vậy, Hiển Linh có nghĩa là Thiên Chúa tỏ mình ra,
cụ thể ở đây Chúa tỏ mình ra cho các dân tộc
ngoài Do Thái. Đúng
vậy, Thiên Chúa không chỉ tỏ mình cho dân Do Thái, Ngài còn
tỏ mình cho các dân tộc khác, vì Ngài muốn cứu
độ mọi người chẳng trừ ai.
Đối với các nhà chiêm tinh phương Đông là
đại diện cho dân ngoại, Ngài đã dùng một ngôi
sao lạ để mời họ lên đường đi
gặp Đấng Cứu Độ. Họ đã sẵn
sàng mang theo lễ vật lên đường theo ánh sao
để đi tìm Chúa, không quản gian nan vất vả,
không ngại đường xa vô định, không sợ
phải hy sinh công sức, thời giờ và tiền
bạc, không nản chí thất vọng khi gặp trở
ngại dọc đường. Chính vì
đầy thiện chí như vậy nên cuối cùng họ
đã gặp được Chúa.
Ngày nay, Thiên Chúa
vẫn ngỏ lời với những ai chưa biết
Ngài bằng nhiều cách khác nhau, Ngài vẫn làm sáng lên muôn
ánh sao, không phải ở trên trời cao, nhưng ở trong
lòng người. Ánh sao đó có thể là một lý
tưởng, một khát vọng mãnh liệt, khát vọng
sự thật, tự do, ấm no, hạnh phúc...Ánh sao
đưa con người lên đường tìm kiếm,
nếu có thiện chí họ sẽ gặp được
Chúa.
Đối
với chúng ta cũng vậy, dù chúng ta đã gặp Chúa, dù
chúng ta đã được rửa tội, dù chúng ta đã
gia nhập Giáo hội, chúng ta vẫn còn phải đi tìm
Chúa, cuộc đời chúng ta luôn là một cuộc lên
đường theo ánh sao, và Chúa vẫn luôn gửi tới
chúng ta nhiều dấu chỉ như những ánh sao
để chỉ dẫn cho chúng ta. Ánh sao đó có thể là
những biến cố vui buồn của cuộc sống,
có thể là những người sống quanh chúng ta, có
thể là một lời dạy dỗ, nhủ khuyên, có
thể là một gương sáng chúng ta được nghe,
được thấy. Nhưng muốn nhìn những
điều tốt đẹp đó như ánh sao của
Chúa, chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn như
những thửa đất đã cày bừa dọn sạch
gai góc, sỏi đá, sẵn sàng đón nhận hạt
giống tốt. Phải biết tìm hiểu ý
Chúa nơi mỗi biến cố trong cuộc sống và
cố gắng thực hiện những gợi ý Chúa
gửi tới.
Đàng
khác, chúng ta vừa là người đi tìm kiếm vừa
là ánh sao cho người khác đi tìm Chúa. Đúng vậy, mỗi Kitô
hữu luôn phải là một ánh sao: lời nói, việc làm,
cách xử thế của mỗi người phải nên
gương mẫu cho bạn bè, cho người còn xa cách
Chúa. Một nụ vười, một ánh
mắt, một lời khích lệ, một sự cảm
thông, chia sẻ, giúp đỡ… là những ánh sao đưa
anh em về với Chúa. Như vậy,
lễ Hiển Linh cũng nhắc nhở chúng ta về
việc truyền giáo.
Xưa kia, Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho các nhà chiêm
tinh bằng ánh sao lạ, chính nhờ ánh sao ấy các ông
đã đi tìm và gặp thấy Chúa Giêsu giáng sinh để
thờ lạy. Từ đó Thiên Chúa vẫn tiếp tục
tỏ mình ra cho nhân loại để con người
nhận biết sự thật và đón nhận sự
sống. Cũng như ngày xưa, Thiên Chúa đã mời
gọi các ngôn sứ cộng tác, cũng như Đức
Kitô đã mời gọi các môn đệ cộng tác, ngày nay
Ngài cũng mời gọi chúng ta cộng tác vào công cuộc
cao cả ấy. Vẫn cần có những ánh
sao để chỉ đường dẫn lối cho
những người khác gặp thấy Chúa.
Người Kitô hữu được mời gọi
trở thành những ánh sao cho những người chung
quanh ngay trong cuộc sống bình thường hằng ngày
của mình, để trong sinh hoạt bình thường
ấy, người ta có thể gặp được
những tín hiệu dẫn đưa đến Thiên Chúa,
đó là ánh sao của cho đi, của quên mình, của bác
ái, của phục vụ… những ánh sao đó có sức
tỏa sáng giúp ngưới ta nhận ra Thiên Chúa, nhận ra
tình thương của Ngài.
|