Thái độ
của con người đối với Thiên Chúa
(Suy niệm của Lm. Nguyễn Hữu Thy)
Bài Phúc Âm tường thuật
sự xuất hiện của các Đạo Sĩ đi tìm
Đấng Thiên Sai là đề tài khiến các nhà thần
học Kitô giáo qua mọi thời đại phải suy
nghĩ. Các Giáo Phụ dạy là có ba vị Đạo
Sĩ, tức ba vị đại diện cho ba lục
địa trong thời cổ đại lúc bấy
giờ: Âu Châu, Á Châu và Phi Châu. Còn Úc Châu và
Mỹ Châu vào thời đó chưa được khám phá
ra. Các ngài cho rằng qua ba vị
Đạo Sĩ, lời Thánh Kinh “mọi dân nước
trên mặt đất sẽ được nhìn thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa” hoàn toàn
được nên trọn.
- Các Đạo Sĩ là dẫn chứng cụ
thể cho việc tất cả mọi người trên
khắp trái đất đi tìm kiếm Đấng Cứu
Thế.
- Các Luật Sĩ người Do-thái là
biểu tượng cho tất cả những ai thông
hiểu mọi giáo lý về đức tin, nhưng lại
không muốn động tay động
chân ra sức thực hành đức tin. Vậy
họ là biểu tượng của sự thờ ơ
lạnh lùng và cố chấp.
- Cuối cùng các Giáo Phụ coi Hê-rô-đê là
hiện thân cho tất cả những ai ham hố chức
quyền danh vọng, những kẻ chỉ vì quyền
lợi và phẩm hàm của mình, đã sẵn sàng thực
hiện bất cứ thủ đoạn nào, trước
hết họ tìm mọi cách hạ bệ và tiêu diệt
một cách dã man các đối thủ của mình, bất
cứ là ai, dù cho đó chỉ là một đứa trẻ
vừa mới được sinh ra từ dòng giống
hoàng tộc, cũng không được tha.
Sự phân định con người làm ba
loại như thế, tức: Những kẻ thành tâm tìm
kiếm chân lý - những kẻ thờ ơ hững hờ
- những kẻ ham hố quyền hành - vẫn luôn giữ
nguyên giá trị của nó trong suốt dòng lịch sử qua
mọi thời đại và mãi cho đến ngày nay.
Vâng, ngày nay giữa các dân tộc trên khắp
thế giới vẫn luôn có cả hàng triệu
“đạo sĩ” đã và đang can đảm bỏ lại
“nhà cửa và quê hương vô đạo” của mình
để đi theo ánh sáng của “ngôi sao đức tin”
hướng dẫn, tìm về với Đức Kitô trong
lòng Giáo Hội của Người. Trên
khắp các lục địa, đặc biệt ở Á và
Phi Châu, số tân tòng được lãnh nhận bí tích
Rửa Tội mỗi ngày mỗi tăng. Ở Châu Mỹ La-tinh, các Kitô hữu mạnh
mẽ tranh đấu cách ôn hòa cho sự canh tân xã hội,
chính trị và tín ngưỡng. Trong khi đó ở các
nước chủ trương vô thần hay thù
địch với Kitô giáo, mặc dầu hằng ngày
phải đối mặt với những bắt bớ,
đàn áp và kỳ thị, số người trưởng
thành nói chung và số thanh thiếu niên nói riêng coi việc
đi tìm kiếm Thiên Chúa như một khát vọng to
lớn của đời họ vẫn tăng triển.
Trong khi đó, ở mọi thời
đại bao giờ cũng có những kẻ trí thức,
thông hiểu luật lệ và giáo lý, những lý thuyết
gia Kitô giáo hững hờ khô khan, những kẻ luôn có
thể cắt nghĩa rành mạch từng câu từng
chữ về giáo lý, về đức tin, nhưng lại
không hề quan tâm tới việc rút tỉa cho cuộc
sống của riêng mình những hệ luận và những
quyết định thích ứng. Vâng, đã có
bao nhiêu Kitô hữu đã trở nên mệt mỏi và ù lì
trong đức tin. Đó là những Kitô
hữu đi tìm cho mình những vũ trụ quan thoải
mái và không muốn đi tìm kiếm Đức Kitô nữa,
vì họ cho rằng họ đã tìm gặp Người
rồi. Phải chăng cuộc sống đức
tin hằng ngày của chúng ta cũng đã bao lần
trở nên mệt mỏi như thế? Phải
chăng chúng ta đã nói về Đạo rất nhiều,
nhưng lại sống Đạo rất ít? Phải chăng các tổ chức và các hội
đoàn trong các giáo xứ thì không thiếu, nhưng lại
có rất ít người có được hứng khởi,
lòng nhiệt thành và hăng hái thực thi đúng đắn
tinh thần của các tổ chức và của các hội
đoàn thánh thiện đó?
Sau cùng, xưa kia cũng
như ngày nay bao giờ cũng có những cuộc chiến
của những kẻ có thế quyền lực chống
lại Kitô giáo và chống lại các Kitô hữu. Họ là những
người có quyền thế và không bao giờ chấp
nhận những kẻ khác còn có quyền thế hơn mình
hay ngang hàng với mình. Đó là những nhà độc tài
hay những tập đoàn, đảng phái chuyên chính ở
khắp nơi trên thế giới, và để bảo
vệ quyền hành, họ luôn nắm trọn các
phương tiện truyền thông trong tay để
độc quyền chi phối dư luận theo chiều
hướng chủ quan và lệch lạc của họ. Điều làm cho họ lo sợ nhất, đó là
quyền bính của một Trẻ Sơ Sinh vừa
đến trong trần gian để làm chứng cho sự
thật và cho tình yêu chân chính. Bởi
vậy, những kẻ hay những tập đoàn
độc tài chuyên chính đó đã làm đủ mọi
cách để loại bỏ sức mạnh của tinh
thần bằng những khủng bố thể lý hay bằng
những cuộc áp đảo và đe dọa về
mặt tâm lý.
Tất cả ba lớp người -
những người thành tâm tìm kiếm chân lý - những
người thờ ơ hững hờ - những
người nắm quyền lực đầy tham vọng
- vẫn luôn hiện diện và cùng đồng hành với
chúng ta trong cuộc sống đức tin và trên đường
tìm kiếm Đức Kitô. Đức Kitô vẫn luôn là
mục đích tìm kiếm của ba nhà Đạo Sĩ
từ Phương đông và của tất cả những
ai muốn bước theo vết chân
của các ngài. Nhưng đồng thời Đức Kitô
cũng chính là Đấng bị các thầy thông luật và
những kẻ nối tiếp họ qua mọi thời đại
tẩy chay chối từ, họ là những kẻ thông
hiểu hết mọi góc cạnh, mọi ý nghĩa của
chân lý, nhưng lại không chịu chấp nhận chân lý và
không sống theo chân lý, không quì gối tôn thờ
Đấng là Chân Lý Tuyệt Đối. Sau
cùng, Đức Kitô cũng là Đấng bị Hê-rô-đê
và tất cả những kẻ nắm giữ quyền hành
đầy tham vọng tìm mọi cách để bắt
bớ và tiêu diệt. Đức Giêsu Kitô
luôn hiện diện một cách vô hình giữa lòng lịch
sử nhân loại. Người là
mốc giới phân định giữa sự cứu
rỗi và sự hư mất, giữa hạnh phúc và sự
bất hạnh, giữa Thiên đàng và hỏa ngục.
Trước ngai tòa Đức Giêsu, dù dưới bất
cứ hình thức nào, chỉ có sự tôn thờ hay
chối từ, chứ không hề có thái độ trung
lập được.
Các Giáo Phụ xưa cũng
hiểu rõ Kinh Thánh và các ngài đã biết rất rõ, không có
gì có thể bảo đảm chắc chắn
được rằng ba Đạo Sĩ là ba vị vua
cả. Tuy vậy, trong các bức tranh
người ta thường trình bày các nhà Đạo Sĩ
với mũ triều thiên đội trên đầu và khoác
y phục của các bậc vương giả.
Nhưng đối với chúng ta dữ kiện ba nhà
Đạo Sĩ có phải là ba vị vua hay không, chuyện
đó không quan trọng. Thật ra không có gì xứng đáng
với phẩm hàm vương giả của con
người hơn là việc con người biết can
đảm lên đường tìm kiếm chân lý, và rồi
biết quì gối kính thờ tình yêu nhập thể của
Thiên Chúa.
Hôm nay, tất cả chúng ta cũng như các
nhà Đạo Sĩ xưa kia, sấp
mình bái thờ Con Trẻ nằm trong máng cỏ để
nhận diện được tình yêu trọng đại
của Thiên Chúa đã hiện thân hữu hình giữa loài
người chúng ta.
|