Cuộc Hiển Linh vẫn kéo dài
(Suy niệm
của Lm Giuse Nguyễn Cao Luật, OP)
Chỉ hiểu biết
mà thôi, chưa đủ
Sau khi Đức
Giêsu giáng sinh tại hang đá, các thiên thần đã vang tiếng
hát tung hô, và các người chăn chiên đã kéo nhau
đến thờ lạy Người. Hai sự kiện
này có chung một mục đích là diễn tả việc
Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại, nhất là cho
người nghèo. Sau này, chính Đức Giêsu quả
quyết với những người được ông
Gio-an Tẩy Giả sai đến: ""người
nghèo được nghe Tin Mừng" "(Mt 11,5). Đức
Giêsu đến trần gian với sứ mệnh là bày
tỏ cho người nghèo, cho họ biết rằng Thiên
Chúa yêu thương và bênh vực họ.
Thế thì,
tại sao trình thuật Tin Mừng về ba nhà đạo
sĩ lại được sử dụng để mừng
kính việc Đức Kitô tỏ mình ra lần thứ
nhất? Hai sự kiện trên không đủ ư? Các
đạo sĩ là những người trí thức, họ
có mặt tại hang đá với mục đích gì? Họ
đem những tặng phẩm quý giá như vàng, nhũ
hương và mộc dược, những tặng phẩm
vốn dành cho bậc vua chúa, đến hang đá
để làm gì?
Thật ra,
đây chính là một cuộc tỏ mình ra của Đức
Kitô, một cuộc Hiển Linh. Kiến thức hiểu
biết, sự giàu sang của các nhà đạo sĩ hoàn
toàn tương phản với sự trần trụi,
yếu ớt của vị vua mà họ đến thờ
lạy.
Để
đến được Bê-lem, các nhà đạo sĩ
đã phải từ bỏ tất cả. Họ vốn là
những bậc quyền thế, hiểu nhiều biết
rộng và có nhiều của cải, nhưng họ đã
từ bỏ mọi sự để lên đường.
Họ là những người hiểu biết, nhưng
lại lên đường theo một ánh sao, một ánh sáng
từ bên trong, một lời mời gọi. Đây cũng
là một cuộc Hiển Linh của Đức Kitô.
Sau cuộc
gặp gỡ với vua Hê-rô-đê, người đang
nắm quyền tại chỗ, và với những
người thông thạo về Lề Luật, các nhà
đạo sĩ đã ra đi, chẳng thỏa mãn,
nếu không muốn nói là thất vọng. Họ đã tìm
lại được bình an và niềm vui khi gặp
lại ngôi sao, chứ không phải do những hiểu
biết trong sách vở hay những lời dối trá
của quyền bính. Từ đó, họ đã thay
đổi cái nhìn, họ đã sám hối. Họ khám phá ra
rằng quyền hành đích thực nằm trong tay con
trẻ vừa mới giáng sinh tại hang đá Bê-lem:
đây cũng là cuộc tỏ mình ra của Đức Kitô,
một cuộc Hiển Linh.
Xưa nay,
người ta vẫn muốn trình bày niềm tin vào Đức
Giêsu Kitô tựa như lòng tin của người dân quê mùa,
chất phác, ngược hẳn với niềm tin do
hiểu biết, suy tư... Theo cách nhìn này, Tin Mừng
dường như chỉ dành cho những người ngu
dốt, đần độn.
Đúng ra,
đây chỉ là một vấn đề giả. Cuộc
gặp gỡ với Đức Kitô không phải là một
hoạt động dựa trên chỉ số thông minh,
nhưng do thái độ sẵn sàng đón tiếp của
tâm hồn. Tin Mừng luôn được loan báo cho mọi
người, không ai bị loại trừ, thế nhưng,
chỉ những ai có tâm hồn rộng mở mới có
thể hiểu được.
Những
người nghe được Tin Mừng là những
người khát khao tìm kiếm và sẵn sàng cất
bước lên đường. Những người
cứ nghỉ yên trong kiến thức của mình, trong
quyền hành và sự giàu có của mình, đó là những
người điếc.
Món quà
đẹp nhất và quý giá nhất các đạo sĩ
đem đến để tặng Đức Giêsu, chính là
con đường họ đã đi, chính là niềm tin vào
ngôi sao, chính là thái độ nhận ra mình thiếu sót và
yếu đuối, mặc dù họ đang có rất
nhiều thứ.
Khởi đầu
từ những người nghèo
Đọc
lại những trình thuật Tin Mừng về cuộc
giáng sinh của Đức Kitô, người ta thấy
được một chi tiết khá thú vị: những
người nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng
Cứu Thế là những người chăn chiên, cụ
già Si-mê-on, các đạo sĩ. Ngoại trừ ông cụ
Si-mê-on, những người kia không phải là những
người được chọn trước, và cũng
không chuẩn bị gì. Ngược lại, những
người không nhìn nhận Đức Giêsu lại là
những nhà thông thái, những người được
lựa chọn trước và được chuẩn
bị rất kỹ để đón tiếp Đấng
Cứu Thế: chính họ đã chỉ cho các đạo
sĩ biết rõ về nơi Đấng Cứu Thế
giáng sinh.
Tại sao thế?
Những nhà
thông thái biết quá nhiều, nhưng chỉ biết thôi
chứ không hiểu. Ngược lại, những
người chăn chiên và các đạo sĩ tuy không
biết nhiều nhưng họ có khả năng hiểu,
vì họ sẵn sàng và khao khát kiếm tìm. Sau này Đức
Giêsu sẽ nói: ""Lạy Cha là Chúa Tể trời
đất, con xin ngợi khen Cha vì điều Cha đã
giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết, thì Cha
lại mặc khải cho những người bé
mọn." "(Mt 11,25)
Có học
thức, đó chưa phải là điều kiện
cần thiết để hiểu biết những mầu
nhiêm về Thiên Chúa, còn một điều khác cần
hơn, đó là phải nhận rằng mình còn thiếu sót.
Tính kiêu ngạo là một thứ màn tối dầy
đặc che khuất ánh sáng, còn thái độ khiêm tốn
là cửa ngõ để đón nhận ánh sáng.
Ngoài ra, khi
thuật lại câu chuyện các đạo sĩ từ
phương Đông tìm đến với Đức Giêsu,
tác giả Mát-thêu muốn nói đến ơn gọi
phỗ quát của Tin Mừng. Các nhà lãnh đạo tại
Giê-ru-sa-lem đã từ khước, không nhìn nhận Đấng
Cứu Thế, thì đây các dân ngoại lại đón
tiếp Người. Ngay từ giai đoạn đầu
trong cuộc sống của Đức Giêsu, sức
mạnh truyền giáo của giao ước mới đã
được bày tỏ, và sẽ lan mãi đến toàn
thế giới. Đến cuối sách Tin Mừng, tác
giả Mát-thêu ghi lại huấn lệnh cuối cùng
của Đấng Phục Sinh: ""Anh em hãy đi
đến với muôn dân... để muôn dân trở nên môn
đệ của Thầy." "(Mt 29,19-20). Những dân
ngoại ấy hiện đã có mặt tại hang đá,
qua hình ảnh ba đạo sĩ từ phương Đông
đến.
Như thế,
Tin Mừng được trao tặng cho tất cả
mọi người, bởi vì họ đều
được Thiên Chúa yêu thương trong Đức Kitô.
Mọi người đều được mời
đến gặp Đức Giêsu tại hang đá,
miễn là họ có được tâm hồn nghèo khó và thái
độ sẵn sàng. Và từ hang đá, mỗi
người cũng nhận được lệnh đem
Tin Mừng đến mọi miền của thế
giới, của tâm hồn con người.
Các đạo sĩ
của hôm nay
Các đạo
sĩ của ngày hôm nay là ai? Ngày nay, ai là những
người từ xa đến để nhận ra Đức
Giêsu ở giữa những người nghèo?
Các đạo
sĩ của thế kỷ XXI có thể là những
người chúng ta đã gặp đây đó. Họ là
những người nam cũng như nữ, biết
bỏ lại kho tàng của mình (văn minh, hiểu
biết...) để phục vụ những người
nghèo, nhất là những trẻ em. Họ là những
người đã đi theo một ánh sao, đã nhận ra
rằng người nghèo chính là hình ảnh của Đức
Kitô. Họ là những người luôn có thái độ
sẵn sàng đón tiếp người khác, và biết
sử dụng những điều kiện mình đang có
để đem lại niềm vui cho người khác.
Họ là những người sung sướng khi
được hưởng những tiện nghi trong
đời sống; nhưng họ cảm thấy hạnh
phúc hơn, sung sướng hơn khi từ bỏ những
tiện nghi của riêng mình để làm cho người
khác được sống xứng đáng hơn.
Những con
người như thế, chúng ta gặp rất nhiều. Đời
sống của họ là một cuộc Hiển Linh của
Đức Kitô, hay nói cách khác, Đức Kitô dùng cuộc
đời của họ để bày tỏ cho thế
giới về chính Người.
Phần chúng ta,
chúng ta sẽ đem gì đến trước hang đá
của Đức Giêsu? Đời sống của chúng ta có
phải là sự diễn tả về Đức Giêsu? Đời
sống của chúng ta có phải là một cuộc Hiển
Linh của Đức Kitô?
Những câu
hỏi như thế được nêu lên không phải
chỉ một lần. Mỗi năm, vào mùa Giáng Sinh, chúng ta
lại được nhắc nhở về sứ
điệp ấy. Mỗi năm chúng ta lại bắt
đầu lên đường bởi vì nhận thấy
rằng có nhiều lần chúng ta đã bỏ dở hành
trình, đã từ chối yêu mến.
Hãy dành một
phút thinh lặng để suy niệm và cầu nguyện
trước hang đá. Hãy cùng với các nhà đạo
sĩ lên đường tìm đến hang đá, và
phục lạy. Hãy dâng cho Con Trẻ món quà quý giá nhất là
chính đời sống của chúng ta.
|