Chúa Chịu
Phép Rửa, Cả Trần Gian Được Thánh Hóa
Suy niệm Lễ Chúa Giêsu chịu
Phép Rửa - Năm B
(Mc 1, 6b-11)
Tiếp
theo lễ Chúa Hiển Linh, Phụng vụ của Giáo Hội
mời gọi chúng ta cử hành lễ Chúa Giêsu Chịu Phép
Rửa, kết thúc mùa Giáng sinh. Lễ này đã được các
Giáo phụ quan tâm đặc biệt ngay từ những thời
kỳ đầu, vì tầm quan trọng đặc biệt
có tính cổ thời của nó. Đây là lễ được mừng
sớm nhất, chỉ sau lễ Phục sinh, vì nó bao
hàm lời rao giảng của các Tông Đồ, là điểm khởi
hành cho tất cả những việc mà các Tông Đồ phải
làm chứng cho (x. Tđcv 1, 21-22; 10, 37-41). Thứ đến, đây là
lần đầu tiên, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được mạc
khải một cách đầy đủ và rõ ràng. Lý do nữa
là phép rửa của Chúa Giêsu nơi sông Giordan loan báo trước
cho phép rửa bằng Máu của Chúa trên Thập Giá, và tượng
trưng cho toàn bộ những hoạt động có tính cách bí tích
của Ðấng Cứu Thế. Để thực hiện ơn
cứu rỗi nhân loại, Ngài đặt mình vào hàng
ngũ các tội nhân, mặc dù Ngài là Đấng vô tội,
nhưng Ngài đã mang trên mình tất cả tội lỗi
của nhân loại. Hành động khiêm nhường và tự hủy
này, đã được Chúa Cha chứng dám : " Con là Con
yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha" (Mc 1,
11). Cùng với Đức Giêsu, Chúa Thánh Thần xuất hiện
dưới hình chim bồ câu đậu xuống trên Người,
để chỉ cho chúng ta tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh mà
chúng ta sẽ thấy diễn ra tương tự nơi biến cố
Chúa Biến Hình.
Câu hỏi được đặt ra trước
hết là tại sao Chúa Giêsu là Đấng vô tội sao lại
đến xin Gioan làm phép rửa?
Thánh Ghê-gô-ri-ô, giám mục Na-di-en
cho biết : "Có thể là Chúa muốn thánh hoá kẻ sắp làm
phép rửa cho Chúa, nhưng chắc chắn để chôn vùi trọn
vẹn con người A-đam cũ trong dòng nước. Thật
vậy, trước khi thanh tẩy ta và để thanh tẩy ta,
Chúa thánh hoá sông Gio-đan ; vì Người vừa là thần khí
vừa là xác phàm, nên Người cũng muốn nhờ Thần
Khí và nước để đưa chúng ta vào đạo". Nên dù
Gioan làm phép rửa, ông cũng chỉ là đèn đối với Mặt
Trời, tiếng nói với Lời, phù rể đối với
Chàng Rể, người cao trọng nhất trong số những
người sinh bởi đàn bà với Trưởng Tử mọi
loài thọ sinh, người nhảy mừng trong dạ mẹ
với Đấng được thờ lạy ngay khi còn trong
lòng mẹ, người tiền hô hiện tại và tương
lai với Đấng vừa xuất hiện và sẽ xuất
hiện. Quả thật, Gioan biết rằng mình sẽ
được thanh tẩy bằng cuộc tử đạo. (Trích
bài giảng của thánh Grêgôriô, giám mục Na-di-en). Thánh
Phêrô Kim Ngôn giải thích rằng, khi Gioan làm phép rửa cho
Chúa Giêsu thì : "Tôi tớ đóng vai chủ,
con người đóng vai Thiên Chúa, ông Gio-an đóng vai Đức Ki-tô ; ông
đóng vai đó để lãnh ơn thứ tha chứ không phải để
ban phát". Nên Gioan giảng: " Phần tôi, tôi đã rửa
anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh
em trong Thánh Thần" (Mc 1, 8). Đây là phép lạ
vĩ đại đã xảy ra sau khi Đấng Cứu Thế
chịu phép rửa ; phép lạ này là khúc dạo đầu cho
những gì sẽ xảy ra. Đây không phải là Thiên Đàng
khi xưa đóng lại vì tội của Ađam nay mở ra, mà
chính trời mở ra : " Khi vừa lên khỏi nước,
Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần
như chim bồ câu ngự xuống trên mình "
(Mc 1,10).
Tại sao khi Chúa Giêsu vừa lên khỏi nước, trời
lại mở ra?
Chúa Giê-su vừa bước lên khỏi
nước lúc ấy trời mở ra là Chúa Giêsu nâng thế
gian lên cao với Ngài. Vì xưa kia, khi bị đuổi ra khỏi
vườn địa đàng và bị lưỡi gươm lửa cấm đoán,
chính A-đam đã đóng cửa trời lại, không cho
mình mà cũng không cho con cháu vào. Nay nhờ Chúa Giêsu mà cửa
trời được mở ra.
Trời
mở ra, còn mạc khải cho Gioan Tẩy Giả và
những người Do Thái biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Theo
thánh Gioan Kim Khẩu, điều này muốn dạy chúng ta rằng,
một sự tương tự vô hình cũng xảy ra khi
chúng ta chịu Phép Rửa Tội: Chúa Thánh Thần cũng
ngự vào tâm hồn của chúng ta. Ngài không ngự đến
một cách hữu hình, bởi vì chúng ta không cần:
đức tin hiện nay là đủ... Thiên Chúa mở cửa trời
để kêu gọi chúng ta hướng về trời, vì quê
hương chúng ta là quê trời, và mách bảo chúng ta rằng, chúng
ta không có gì ở dưới đất.
Tại sao Chúa Thánh Thần lại lấy hình một
con chim bồ câu mà hiện xuống?
Lý
do là vì chim bồ câu rất dịu dàng và trong sạch,
và Chúa Thánh Thần là thần khí dịu êm và an bình. Chim
bồ câu cũng nhắc cho chúng ta nhớ lại một sự
kiện chúng ta đọc thấy trong Cựu Ước khi trái đất
bị ngập do lũ lụt và toàn thể loài người
trong nguy cơ hư mất, chim bồ câu ngậm cành ôlui xuất
hiện để báo sự chấm dứt của cơn đại hồng
thủy, tin vui hòa bình cho toàn thế giới. Giờ
đây, tất cả những điều này cũng tiên báo về
tương lai. Khi tất cả đã hư mất, nay được giải
thoát và đổi mới, điều gì đã xảy ra khi
nước lũ đến ngày hôm nay như là một lũ lụt của
ân sủng và lòng thương xót Chúa... Chim bồ câu, thay
vì ngậm một cành ô liu báo cho Noe là người duy nhất
bước ra khỏi tầu để đặt chân lên mặt đất. Nay
Chim bồ câu báo tin trận hồng thuỷ tràn ngập thế
gian đã lui đi, thế gian không còn phải chìm
ngập trong cảnh trầm luân muôn đời nữa, phẩm
giá ơn gọi làm con Thiên Chúa của chúng ta được phục hồi,
và lôi kéo hết thảy mọi người lên Thiên Đàng.
Lời
ngôn sứ nói : "Tiếng Chúa vang rền trên nước… Tiếng Chúa uy linh tung sấm sét" (Tv 28). Tiếng nào vậy ? "Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ,
là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban
Thần trí Ta trên người" (Is 42,
1). Đây là tiếng từ trời vọng xuống để
làm chứng cho Đấng từ trời mà đến. Tiếng đó
bày tỏ lòng tôn trọng thân xác dưới hình chim bồ
câu, vì thân xác đã được thần hoá, khi Thiên Chúa tự
tỏ mình ra trong thân xác :"Con là Con yêu dấu
của Cha ; Con đẹp lòng Cha"(Mc 1, 11).
Vậy, phép rửa của
Chúa Giêsu và phép rửa của chúng ta có liên kết chặt chẽ
với nhau. Phụng Vụ của ngày lễ này đã hát
lên như sau: "Đức Kitô chịu phép rửa, cả trần
gian được thánh hoá, chúng ta được tha thứ tội lỗi,
được thanh tẩy nhờ nước và Thánh Thần"
(Tiền xướng của Kinh Bênêdictus, của Giờ Kinh
Sáng). Chúng ta hãy thanh tẩy
mình cho thanh sạch, hãy tiếp tục thanh tẩy
cho thanh sạch hoàn toàn và đem lòng tôn kính mà tưởng niệm
ngày Đức Ki-tô chịu phép rửa, và hãy mừng lễ
cách xứng đáng. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
|