Suy Niệm Lễ Kính
Thánh Gia Thất – Năm B
Trong lá thư gửi cho các gia
đình công giáo năm 2016, ở mục NHỮNG THÁCH
ĐỐ CHO GIA ĐÌNH NGÀY NAY, Hội Đồng Giám
Mục Việt Nam đã nêu lên bốn thách đố đáng
báo động của gia đình hôm nay là: Ly thân và ly dị;
bạo hành gia đình; sống chung, sống thử; nạn
phá thai. Trước những thách đố đó, các gia
đình công giáo chúng ta phải làm gì? Đó là nội dung tôi
muốn gợi với anh chị em suy niệm trong ngày
lễ Thánh Gia Thất hôm nay.
I. Bốn
thách đố trên đáng báo động như thế nào?
1. Ly thân và ly dị: Tình trạng ly dị ở Việt Nam ngày
càng gia tăng: Cuộc điều tra do Bộ VH-TT&DL,
phối hợp với Tổng cục Thống kê, với
sự hỗ trợ của UNICEF cho thấy, số vụ
ly hôn đang tăng nhanh. Năm 2000 có 51.361 vụ ly hôn.
Năm 2005 có tới 65.929 vụ. Có 4 nguyên nhân thường
xảy ra nhiều là: Mâu thuẫn về lối sống:
(chiếm 27,7%); ngoại tình (25,9%); kinh tế (13%); bạo
lực gia đình (6,7%). (Nguồn: http://vienthongke.vn/)
Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân khác nữa. Gần
đây, có một bài viết nói về sự giàu có của
một làng xã nhờ bà con đi xuất khẩu lao
động. Nhưng cũng có một bài báo khác cho biết
rằng: do đi xuất khẩu lao động, vợ
chồng xa nhau sinh ra nhiều cám dỗ...cuối cùng nhà
cửa, của cải thì có nhưng vợ chồng lại
phải chia tay, con cái thì bơ vơ. Đây là một
thực tế đáng buồn cho người dân Việt
nam nói chung và cho các gia đình trong các giáo xứ nói riêng.
2. Bạo hành trong gia đình: Theo một nghiên cứu về bạo
lực ở các gia đình Việt Nam cho biết: 66% các vụ ly hôn
ở Việt Nam liên quan đến bạo hành gia đình.
Trong đó: 82% hộ dân nông thôn và 80% hộ ở thành
phố có xảy ra bạo lực; 5% phụ nữ
thường xuyên bị chồng đánh đập; 9-10%
trường hợp nạn nhân của bạo lực gia
đình là nam giới và thủ phạm chính là người
vợ. (Nguồn: https://vi.wikipedia.org)
Bạo lực cũng có thể do con cái
cháu chắt gây nên: Gần đây, một loạt những
câu chuyện giới trẻ dùng từ ngữ xúc phạm, hỗn xược với người lớn,
thậm chí là chửi bới ông bà, bố mẹ mình đang gióng lên một hồi chuông
báo động. Thậm
chí có những vụ án giết người thân như bà
giết cháu, cha giết con, vợ giết chồng, con cái
giết cha mẹ...thật đau lòng.
3. Sống chung, sống thử
trước hôn nhân: Theo
thống kê của khoa xã hội học Đại học
Mở Sài Gòn, năm 2010, có khoảng 1/3 các bạn trẻ
sống thử trước hôn nhân. Đó là những đôi
nam nữ sống chung như vợ chồng không có
đăng ký kết hôn. Sau một thời gian, nếu thấy
phù hợp thì họ tiến tới hôn nhân, đăng ký
kết hôn theo pháp luật. Còn nếu thấy không phù
hợp, họ sẽ chia tay nhau, không cần đến pháp
luật. Người ta gọi đó là “sống thử”.
Hiện tượng “sống thử” hay còn gọi là “góp
gạo thổi cơm chung” đã và đang trở thành
một thứ “mốt” trong lối sống của giới
trẻ hiện nay, không chỉ trong giới công nhân sống
xa nhà mà còn cả ở những sinh viên đang ngồi trên
ghế nhà trường.
Xét theo giáo lý Công giáo thì “sống thử” là
trái với luật Chúa, luật Hội Thánh. Cho nên,
những người “sống thử” là mắc tội.
Đồng thời, “sống thử” khó được
toàn xã hội chấp nhận, đó là lối sống sai
lầm, buông thả, phóng túng, làm băng hoại các giá
trị đạo đức truyền thống, là một
biểu hiện của sự xuống cấp về
đạo đức trong lối sống thực dụng
ngày nay.
Xét theo truyền thống đạo
đức, thuần phong mỹ tục của người
Việt Nam thì “sống thử” là một lối sống
không phù hợp, nó có tác động xấu đến
đời sống và mang lại nhiều hậu quả
đáng tiếc cho bản thân, gia đình, Giáo hội và xã
hội như: không chồng mà có con, dễ dẫn
đến tội phá thai. (x. bài: Vấn đề “Sống
thử” của giới trẻ ngày nay - Tu sĩ Lôrensô
Vũ Văn Trình MF).
4. Tệ nạn nạo phá thai : Theo các số liệu thống kê cho
biết hàng năm trên thế giới có khoảng: 42
triệu ca phá thai; 20 triệu ca phá thai không an toàn; 70.000 ca
tử vong bà mẹ; 5 triệu ca khuyết tật. Riêng
ở Việt Nam: bình quân mỗi năm cả nước
có khoảng 300.000 ca nạo phá thai (chiếm 20% tổng số
ca nạo phá thai), cao nhất các nước Đông Nam Á và
xếp thứ 5 thế giới. Có nhiều nguyên nhân
đưa đến nạn phá thai, trong đó nguyên nhân
đầu tiên là do “sống thử”, sống buông thả nên có thai ngoài ý muốn,
nguyên nhân thứ hai là bị
ảnh hưởng bởi các chương trình KHHGĐ và
giáo dục sai lầm. Ví dụ: Công nhân viên chức chỉ
được sinh 1-2 con, nếu sinh đứa thứ ba
thì phải giáng chức, cắt lương. Người
dân sinh con thứ ba: có nơi bị chính quyền phạt,
hoặc bắt đóng góp tiền vào quỹ dân số... Vì
sợ mất chức, sợ mất tiền... dẫn
đến việc phá thai.
Trên đây là bốn thách đố trong muôn
vàn thách đố đang xảy ra trong các gia đình,
đang tiềm ẩn những hiểm họa không chỉ
phá vỡ nền tảng gia đình mà còn đẩy nhân
loại đến bờ vực của sa đọa và
hủy diệt.
II.
Chúng ta cần phải làm gì trước những thách
đố trên?
1. Hãy đến với Chúa qua đời
sống cầu nguyện: Trước
những thách đố về đời sống gia
đình, chúng ta rất cần lời cầu nguyện. Thánh
Nữ Mônica chung sống với người chồng hoang
đàng, trác táng và thiếu chung thuỷ. Augustinô là đứa
con sống vô luân, ngã theo lạc giáo… nhưng thánh nữ
không sờn lòng nãn chí mà kiên trì hy sinh cầu nguyện.
Cuối cùng, chồng và con đã được ơn
trở lại, đặc biệt là Augustinô đã trở
thành một vị đại thánh.
2. Hãy lãnh nhận các Bí tích:
Đức Kitô đã để lại cho Hội Thánh
những bí tích, là những dấu chỉ hữu hình làm máng
chuyển thông ơn thánh cho các tín hữu. Các bí tích có
mục đích thánh hoá con người, xây dựng thân
thể Đức Kitô và thờ phượng Thiên Chúa.
Nhờ lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Giao hoà và Thánh
Thể đời sống Kitô hữu, đời sống
các gia đình được nuôi dưỡng và ngày càng
tăng trưởng hơn.
3. Phải biến gia đình thành cộng đoàn
yêu thương:
Khi đã có tình yêu thương, các thành viên trong gia
đình sẽ loại trừ được các thứ
bạo hành về thể xác, tâm lý, tinh thần, loại
trừ được sự bất trung… ở trong chính
gia đình của mình. Vợ - chồng; cha mẹ - con cái sẽ
“có lòng thương cảm, nhân
hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, chịu
đựng và tha thứ cho nhau” (Cl 3,12-13). Đó
là điều các thành viên trong gia đình phải cố
gắng để thực hiện.
4. Một số thực hành
khác: Ngoài các việc làm chủ chốt
để gìn giữ gia đình trên đây, trong thư
gửi các gia đình năm 2016, Hội Đồng Giám
Mục Việt Nam còn nhắc đến các bổn phận
khác của gia đình như : bổn phận đón
nhận và tôn trọng sự sống; bổn phận
hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ;
bổn phận chăm sóc người cao tuổi; bổn
phận cha mẹ giáo dục con cái về mọi
phương diện nhân bản, đạo đức, tri
thức và đức tin; việc chuẩn bị cho
giới trẻ bước vào đời sống hôn nhân và
gia đình cũng là đòi hỏi khẩn thiết hơn
bao giờ hết.
Kết
luận: Để gia đình
chúng ta luôn được êm ấm hạnh phúc trước
những thách đố của thời đại, các thành
viên trong gia đình hãy quyết tâm siêng năng cầu
nguyện, lãnh nhận các bí tích, xây dựng gia đình thành
một mái ấm của tình yêu và lòng thương xót. Xin Thánh
Gia Thất đổ tràn đầy ân sủng trên mỗi
người, mỗi gia đình chúng ta. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành
|