LỄ GIÁNG SINH - BAN NGÀY, NĂM B
NGÔI LỜI TỰ HỦY ĐỂ NÊN
NGƯỜI PHÀM
(Is 52, 7-10; Dt 1, 1-6; Ga 1, 1-5.9-14)
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
Nếu
lễ Đêm Giáng Sinh, Phụng Vụ Giáo Hội tập
trung để giới thiệu Đức Giêsu là Ánh Sáng
của Thiên Chúa. Ngài đến để chiếu soi nhân
loại và giải thoát con người khỏi bóng đêm
tội lỗi. Thánh lễ Rạng Đông thì nhấn
mạnh đến tình yêu của Thiên Chúa được
tỏ hiện nơi các mục đồng là đại
diện cho những người bé mọn, nghèo khổ và
bị loại ra bên lề. Còn thánh lễ này, Phụng Vụ
Lời Chúa muốn nhấn mạnh đến sự
tự hạ của Đức Giêsu khi giới thiệu
Ngài chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa, nhưng đã
chấp nhận trở nên người phàm và cư ngụ
giữa nhân loại để cứu chuộc con
người.
1.
Vì yêu, nên Ngôi Lời đã hóa thành
nhục thể
Khởi đầu Tin Mừng thánh Gioan đã
viết: “Ngôi Lời đã
trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Đây là một
mầu nhiệm. Mầu nhiệm này vượt quá sự
hiểu biết, suy tư của con người! Bởi vì
theo lẽ thường thì hiểu sao được khi
một vị Thiên Chúa toàn năng vô biên, trí tuệ khôn
lường; Ngài là Đấng hằng hữu,
trường cửu; Đấng tạo dựng
đất trời và biển khơi; Đấng làm
chủ không gian và thời gian; Đấng là nguồn
mạch sự sống và mọi điều thiện
hảo…. (x. Dt 1, 3; Cl 1,15). Thế mà hôm nay, Ngài lại
trở nên một con người hữu hạn và chịu
sự chi phối như một loài thụ tạo bình
thường với những truyền thống và văn
hóa của một dân tộc nhỏ bé.
Đây
quả là điều rất khó hiểu đối với
chúng ta!
Nhưng,
theo thánh Gioan, chìa khóa để mở ra cho chúng ta hiểu
được mầu nhiệm cao cả này, chính là hai
chữ “tình yêu”.
Vì
thế, ngài viết: “Thiên Chúa
đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một
để những ai tin vào Con của Người thì
khỏi phải chết nhưng được sống
muôn đời” (Ga 3, 16 ). Lúc khác ngài khẳng
định: “Thiên Chúa là tình yêu”
(1 Ga 4, 16).
Chính vì
yêu, Thiên Chúa Cha đã trao ban cho nhân loại món quà quý giá
nhất là Con Một của Người. Cũng chính vì yêu,
nên khi đến lượt mình, Đức Giêsu, Ngôi
Lời của Thiên Chúa đã trở nên người phàm và
cư ngụ giữa chúng ta (x. Ga 1, 14 ). Khi trở nên
một Đức Giêsu – người, Ngài cũng trở
thành Đấng Cứu Chuộc, Hoàng Tử Hòa Bình, Vua muôn
thủa và Ánh Sáng chiếu soi mọi người để
dẫn đưa nhân loại về với nguồn sự
thật và sự sống để được hạnh
phúc viên mãn.
Đây là điều mà chính Đức Giêsu,
Ngôi Lời của Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta. “Không ai thấy Thiên Chúa bao
giờ; nhưng Con Một là Thiên Chúa, và là Đấng
hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã
tỏ cho chúng ta biết” ( Ga 1, 18 ), Nhờ sự
mạc khải đó mà: “Toàn
cõi đất này được xem thấy: Ơn cứu
độ của Thiên Chúa chúng ta” (Tv 97, 3 ).
Tuy nhiên, hơn hai ngàn năm đã trôi qua
kể từ khi Ngôi Lời đặt chân trên trái
đất. Ngài đã thắp lên ánh sáng trong bóng đêm. Ngài
chính là Ánh Sáng chiếu soi mọi người (x. Ga 1,9).
Tiếc thay, nhiều người đã chọn bóng
tối, vì bóng tối dễ chịu hơn, dễ
đồng lõa hơn (x. Ga 3,19). Vì thế, chúng ta không
lạ gì khi Ngôi Lời đã đến nhà của Ngài,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận (x.
Ga 1,11).
2. Đón
nhận Ngôi Lời như thế nào?
Đây là một
nỗi buồn cho nhân loại. Là tấm màn đen của
thế giới con người. Là cảnh buồn và ảm
đạm trong một thước phim vui. Vì thế,
mỗi lần Giáng Sinh về, Giáo Hội không ngừng
mời gọi con cái của mình không chỉ mừng lễ
với những đèn sao nhấp nháy, tiệc tùng linh
đình và những thứ bề ngoài khác. Ngược
lại, Giáo Hội không ngớt lên tiếng thúc dục
mọi thành phần hãy chuẩn bị tâm hồn cho
thật xứng đáng, để đón nhận mầu
nhiệm vĩ đại của Thiên Chúa ngang qua
Đức Giêsu vào trong tâm hồn của mình.
Một trong những
cách thiết thực nhất thể hiện việc
sẵn sàng đón nhận Chúa đến với mình, đó
là mặc lấy tâm tình của Đức Mẹ Maria
để suy đi nghĩ lại trong lòng những gì
mắt thấy, tai nghe, ngõ hầu mọi sự diễn ra
trước mắt lại được ngấm thật
sâu trong tâm hồn mỗi người và toát ra nơi
cuộc sống. .
3.
Hãy làm cho Ngôi Lời của Thiên
Chúa được hiện hữu nơi chúng ta
Như vậy, việc
mừng Lễ Giáng Sinh đối với người Công
Giáo chắc chắn không phải là mừng một biến
cố hay kỷ niệm hoặc lễ hội thuần túy,
nhưng ngang qua đó, làm toát lên một mầu nhiệm
vĩ đại, mầu nhiệm cứu chuộc.
Chính vì vậy mà ơn
cứu độ của Đức Giêsu đem đến
không phải chỉ một lần vào đêm Ngài giáng
trần, cũng không chỉ là lời hứa hẹn cho
cuộc sống mai sau, mà ơn cứu độ, sức
sống mới của Đức Giêsu đã
được trao ban cho chúng ta ngay ngày hôm nay và lúc này.
Vì thế, nếu Con
Thiên Chúa đã nhập thể, đã chấp nhận từ
chỗ vị trí là Ngôi Lời, là Thiên Chúa đến
chỗ Ngôi Lời hóa thành nhục để làm người
và để cứu độ con người đang
lầm than tội lỗi. Thì đến lượt chúng
ta, chúng ta cũng phải làm cho Ngôi Lời trở nên
sống động và thiết thực trong cung cách sống
của mỗi người.
Nói cách khác, chúng ta
cũng hãy noi gương Ngôi Lời là Đức Giêsu
để làm một cuộc nhập thế ngay trong môi
trường, khung cảnh sống của mỗi
người.
Sự nhập thế
ấy ta hiểu như một sự hóa thân để
từ chỗ là một người giàu sang, quyền quý
trở nên người cận thân cận lân của
những người ốm đau, bệnh tật, cô
thế, cô thân, nghèo khổ, bị áp bức, bóc lột,
bỏ rơi. Trở nên những người cha,
người mẹ đầy yêu thương của các
trẻ em mồ côi nơi góc chợ, vỉa hè, trên
đường phố hay gầm cầu, công viên. Trở
nên người thầy - cô giáo tận tâm, hướng
dẫn, dạy dỗ để chắp cánh cho tương
lai đầy xán lạn nơi các học sinh thân yêu.
Trở thành người có trách nhiệm với
người khác như: bảo vệ môi trường, bênh
vực công lý, xây dựng công bình và loan báo sự thật
trong tin yêu và hy vọng.
Ngoài ra, chúng ta cũng
cần phải làm một cuộc nhập thể khác
nữa, cần thiết hơn và cấp bách hơn, đó
là một cuộc nhập thể ngay trong gia đình của
mình.
Nếu là người
cha/ chồng nơi gia đình, thì sự nhập thể
chính là trở nên người chồng, người cha
mẫu mực, biết yêu thương, lo lắng, dạy
dỗ con cái nên người; biết quan tâm và sống có
trách nhiệm cũng như chung thủy với vợ….
Nếu là người
vợ / mẹ, thì sự nhập thể chính là biết
sống hiền lành, nhã nhặn, vui vẻ, vun quén cho gia
đình; biết giữ hòa khí yêu thương và biết chu
toàn trách nhiệm làm vợ và làm mẹ….
Nếu là người
con, thì sự nhập thể chính là biết ngoan ngoãn,
hiếu thảo với cha mẹ và thầy cô giáo; chú tâm
đến việc học văn hóa, giáo lý nơi nhà
trường và nhà thờ; chu toàn bổn phận hằng
ngày trong gia đình….
Đây chính là kết
quả của việc lắng nghe, suy đi nghĩ lại
và tuân giữ Lời Chúa trong lòng như Mẹ Maria. Đây
cũng chính là sống tinh thần Mầu Nhiệm Giáng Sinh
của Đức Giêsu. Và, đây cũng chính là một hành
trình nhập cuộc theo gương Ngôi Lời Thiên Chúa.
Giờ đây, chúng ta
tiếp tục dâng thánh lễ để cùng nhau đi sâu
hơn khi cảm nghiệm và sống mầu nhiệm
tự hủy của Ngôi Lời Thiên Chúa ngay trong Bí tích Thánh
Thể sắp tới.
Đây chính là quà
tặng vô giá mà Đức Giêsu không ngừng ban tặng cho
nhân loại, để ai tin và đón rước thì
được bảo đảm cho hạnh phúc và sự
sống đời đời mai sau.
Lạy Ngôi
Lời của Thiên Chúa, Ngài là Đấng Emmanuel, xin cho chúng
con biết cảm nghiệm sâu xa tình yêu tự hủy
của Chúa, để đến lượt chúng con,
mỗi người cũng biết sống mầu
nhiệm ấy trong cuộc đời của mình, ngõ
hầu mang lại cho nhân loại niềm hy vọng, bình an
và ơn cứu độ qua mầu nhiệm nhập
thể làm người của Chúa. Amen.
|