Sứ điệp Gioan Tiền Hô
(Suy niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty
SDB)
Sứ điệp của Gioan có
giá trị nào đối với Kitô hữu chúng ta?
Tác giả Mác-cô mở đầu sách Tin
Mừng bằng việc giới thiệu Gioan, vị
sứ giả tiền hô của đấng Messia: “Khởi
đầu Tin Mừng... Ta sai sứ giả của ta đi
trước mặt Con, người sẽ dọn
đường cho Con…” Công việc tiền hô của
vị sứ giả đã được xác định
rõ, ông phải hô hào mọi người: “Hãy dọn sẵn
con đường của Đức Chúa, sửa lối
cho thẳng để người đi!” Thế nhưng
tôi vẫn thường tự hỏi: Gioan Tiền Hô có
thật sự hiểu rõ Đấng mà ông đang nỗ
lực kêu mời mọi người chào đón hay không?
Điều này xem ra không được rõ cho lắm; có
vẻ như ông vừa hiểu lại vừa không, chính vì
vậy mà lời ông kêu gọi chỉ là chung
chung, rất dễ gây ngộ nhận về Con
Người sẽ đến và sứ điệp Tin
Mừng của Ngài.
Điều Gioan tỏ ra biết về
đấng Messia, người mà ông có nhiệm vụ
tiền hô dọn đường, hoàn toàn bó gọn trong
nội dung Cựu Ước, vốn đã rất phổ
thông đối với người Do Thái đương
thời. Messia - vị Thiên Sai - Đấng Được
Sức Dầu phải là một vị đầy quyền
uy thống trị, “Có Đấng quyền thế hơn
tôi… Tôi không xứng đáng cúi xuống cởi
quai dép cho Người”. Đối
với một đấng như thế, Gioan kêu gọi dân
chúng phải đón tiếp trong sợ hãi và kính phục.
Các tác giả Mát-thêu và Lu-ca ghi rõ lời ông đe loi, “Ai
đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ
của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?...
Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào
không sinh quả tốt đều bị chặt đi và
quăng vào lửa” (Mt 3:7.10). Như vậy
lời kêu gọi sám hối của Gioan quả có sức
mạnh, nhưng hoàn toàn trong nội dung Cựu Ước,
“Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa,
sửa lối cho thẳng để Người đi!”
(Is 40:3) Ngay cả khi tuyên bố, “Người sẽ làm phép
rửa cho anh em trong Thánh Thần” Gioan vẫn hiểu đó
là phép rửa trong sức mạnh của Đức Chúa, vì theo hiểu biết chung của người
Do Thái, Thần Khí đơn giản chỉ là biểu
hiện sức mạnh của Gia-vê.
Gioan còn phải tìm hiểu nhiều về
dung mạo đích thực của đấng Messia mà ông
được gởi tới dọn đường. Điều này đã được Phúc Âm minh
chứng, nhiều lần trong suốt cuộc sống ông
không ngừng nỗ lực tìm hiểu. Ngày cả
tới lúc bị giam cầm trong ngục thất, ông
vẫn còn loay hoay trong nghi vấn này và muốn tìm lời
giải đáp cho chính mình cũng như cho các môn đệ
của ông: “Ngài có thật là đấng phải
đến, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”
Đáp lại Đức Giê-su đã phác lên một dung
mạo khác hẳn với hình ảnh ông vốn có về
đấng Messia: “Các anh cứ về thuật lại cho
ông Gioan những điều mắt thấy tai
nghe: người mù thấy được, kẻ què đi
được, người chết chỗi dậy,
kẻ nghèo được nghe tin mừng” (Lc 7:20.22). Đó là dung mạo của một đấng Thiên
Sai đầy từ tâm và cứu vớt, ngược
hẳn với Messia uy nghiêm xét xử mà ông từng rao
giảng dọn đường. Đức Giê-su
hiểu việc thay đối quan niệm như thế là
không dễ chút nào, kể cả đối với vị
tiền hô đáng kính nể của mình, Người nói
thêm: “Và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi!”
Nếu quả như thế thì một Kitô
hữu như tôi khi tiến vào Mùa Vọng phải biết
xác định rõ: Đấng mà tôi chuẩn bị đón
rước trong thời gian này là ai? Giáo Hội giới
thiệu cho tôi sứ điệp và diện mạo của
Gioan Tiền hô, “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng
bằng dây da, ăn châu chấu và
mật ong rừng”. Thế nhưng tôi đâu
phải là người Do Thái của Cựu Ước! Là
Kitô hữu của Tin Mừng, tôi biết Đấng mà tôi
được kêu gọi đón tiếp lại rất
giầu từ tâm và hay thương xót; Người không
đến để luận phạt, nhưng đến
để cứu vớt và thứ tha. Vì thế
việc sám hối và ‘dọn đường… sửa
lối cho ngay thẳng…” của tôi sẽ không chỉ vì
muốn xứng đáng đón tiếp một đấng
cao cả quyền uy, lại càng không phải để
‘tránh cơn thịnh nộ’ vì ‘rìu đã đặt sát
gốc’. Tôi nhìn nhận tội lỗi mình vì
nhờ đó tôi càng ý thức mình ‘phận nghèo
được nghe Tin Mừng’. Đúng hơn chính khi
nhìn nhận mình tội lỗi, tôi lại càng tới
gần hài nhi Giê-su nhân hậu và cứu
độ hơn, đồng thời biến việc
dọn đường trở thành niềm vui và hy vọng
tràn trề. Phải chăng đó mới chính
là điều Phụng vụ đang hướng chúng ta
tới?
Tuy nhiên, đối với tôi cũng như
đối với mọi người, vẫn luôn tồn
tại nguy cơ ngộ nhận sứ điệp của
Gioan, ngộ nhận ngay cả Tin Mừng Đức Kitô
rao giảng, ngộ nhận cả huấn quyền cứu
độ của Hội Thánh. Mùa Vọng là thời gian dành
cho tôi, trong khi vẫn thành khẩn tiếp nhận sứ
điệp sám hối, gia tăng nhận biết diện
mạo nhân ái giầu xót thương của một Thiên
Chúa đang đến để cứu vớt chứ không
phải để luận phạt. Tôi không chỉ vọng
về lễ Giáng Sinh, mà phải biến trọn
đời sống Kitô hữu tôi thành một Mùa Vọng
bất tận; vọng về tình yêu nhân ái của Thiên Chúa,
đấng yêu thương tôi. Công việc này thật
khẩn trương và vô cùng quan trọng, cho Gioan cũng
như cho chính tôi, vì “phúc thay người nào không vấp ngã
vì tôi!”.
Lạy
Đấng đang đến và con được mời
gọi dọn đường đón tiếp. Xin cho con nhận
biết dung nhan hiền dịu Chúa để, cho dầu con
người con có bất toàn và tội lỗi đến
đâu, với lòng chân thành sám hối, con càng vui mừng
tiến ra đón Chúa với cánh tay và trái tim mở rộng;
vì biết rằng Hài Nhi giáng sinh là đấng cứu
độ chứ không phải là người luận
phạt. Xin cho toàn nhân loại cùng con chia sẻ niềm vui
Giáng Sinh, trong tâm tình ca khen cảm tạ tình yêu của Thiên
Chúa giáng trần. Amen.
|