Bắt đầu lại
(Văn Hào, SDB chuyển ngữ)
Chúng ta mong đợi trời mới đất
mới (2P 3,13)
Thời điểm bị khủng hoảng
cũng là dịp để giúp chúng ta thay đổi, canh
tân và bắt đầu lại. Khi mọi sự đang
diễn ra suông sẻ, chúng ta thường ít nghĩ
đến việc phải đổi thay. Giữa lúc
thế giới có những xáo trộn, chúng ta có thể
dễ dàng nghe được tiếng nói của những
người đang cần đến chúng ta, để
giúp họ vươn lên và sống đúng với phẩm
giá đầy tròn của mình. Đây cũng là điều
mà ngôn sứ Isaia đã làm đối với dân Chúa trong
cuộc lưu đày bên Babylon,
mà chúng ta sẽ nghe trong bài đọc thứ nhất hôm
nay. Vị ngôn sứ ngọt ngào nói với Israel,
hay diễn tả theo kiểu cách văn hoa là Isaia đã
“ngỏ lời bằng con tim của mình” về niềm hy
vọng khi bình minh mới ló rạng. Đây là ngôn ngữ
của những người đang chìm đắm trong yêu
thương nồng nàn. Bình minh ló rạng sẽ khai mở
một tin tức tốt lành lúc ban mai: Dân sẽ thoát
cảnh lưu vong và được trở về cố
hương. Một con đường dẫn ngang sa
mạc sẽ đưa họ trở về Giêrusalem,
về với quê cha đất tổ.
Nhiều người đi lưu đày, coi
đó như một hình phạt do chính tội lỗi
họ đã gây ra. Tuy nhiên vị ngôn sứ nói về “cánh
tay mạnh mẽ của Đấng Thánh” không phải là
đôi tay để giáng phạt. Trái lại, Thiên Chúa giang
rộng vòng tay để thu gom đoàn chiên bị tản
mát, để ôm ấp dân Ngài vào lòng cách trìu mến, và
dịu dàng đưa dẫn họ trên con đường
về lại quê hương. Đây chính là tin vui được
công bố. Một Thiên Chúa uy quyền và mạnh mẽ
lại là một Thiên Chúa nhân hậu, như một mục
tử hiền lành, chăm sóc những con chiên bị
thương tích và tật nguyền, dẫn chúng thoát
khỏi nơi hoang vu, và đưa chúng đi vào
đường lối của Ngài. Đó là một khởi
đầu mới quá tốt lành.
Tuy nhiên, Gioan tiền hô cũng đã công
bố một khởi đầu mới, nhưng xem ra có
vẻ hơi nhức nhối và khó chịu. Gioan nói
rằng, quà tặng thứ tha đến từ Thiên Chúa,
chỉ được trao ban cho những ai nhận
thức được tội lỗi mình và biết
trải lòng ra để Thiên Chúa lau rửa sạch sẽ.
Sự khởi đầu mới này đã được
đón nhận bởi đám đông khi họ đến
nghe Gioan rao giảng, và được thanh tẩy bằng
Thần khí. Câu văn đầu tiên, mà Marcô đã viết
trong trình thuật “ Khởi đầu Tin Mừng”, vọng
lại âm hưởng những dòng đầu tiên trong sách
Khởi nguyên. Marcô muốn gợi lên nơi chúng ta niềm
hy vọng vào Thiên Chúa, đấng đang thực hiện
một khởi nguyên mới khi Đức Giêsu đến.
Đó là một cuộc tạo dựng mới,
được bắt đầu ngay hôm nay, ngay bây giờ,
mỗi khi chúng ta trở về với Chúa và biết
biến cải tâm hồn chúng ta đi theo đường
lối chính trực và ngay lành.
Bài đọc thứ hai cũng nói về
sự mới mẻ mà chúng ta đang đợi chờ.
Thánh Phêrô dùng hình ảnh “trời mới, đất
mới” để khải thị điều này. Nhiều
bản văn Kinh thánh cũng nói về một cuộc
tạo dựng mới tương tự, ( như trong Is
65,17; 66,22; Kh 21,1; 2 Cor 5,17; Gal 6,15). Tuy nhiên chỉ trong lá
thư thứ hai của Thánh Phêrô, vị tông đồ
đã phác vẽ một viễn cảnh cánh chung bao gồm
cả sự hủy diệt và khóa sổ vũ trụ,
trước khi khai mở một tạo dựng mới.
“Các tầng trời sẽ bị thiêu hủy và ngũ hành
chảy tan ra trong lửa hồng” (2P 3,12). Quan niệm này
bắt đầu xuất hiện ở Ba-tư, dần
trải rộng sang vùng theo văn hóa Hy - La. Nhiều
lần, chính chúng ta cũng mong muốn Thiên Chúa thực
hiện một điều gì đó xem ra có vẻ bi
thiết giống như vậy, để khởi
đầu lại, và xóa sạch mọi vết tích cũ.
Tin Mừng được công bố, chính là việc Thiên
Chúa, cho dù đã thực hiện những việc bi ai,
nhưng Ngài biến đổi vũ trụ, thiết
định một tạo dựng mới xuyên qua những
dạng thức bi ai này. Tuy nhiên, Thiên Chúa thực thi
những công trình của Ngài, không phải với
phương cách hủy diệt đầy phẫn nộ
và tàn bạo. Ngài chỉ mong muốn mạnh mẽ lôi kéo
mọi con tim sắt đá và chai cứng đến sát bên
Ngài, để những tâm hồn tội lỗi đó
được tẩy luyện trong máu Đức Giêsu.
Đây là cách thái thông thường, tuy cũng khá đặc
biệt, mà Thiên Chúa thường hay sử dụng. Ngài dùng
sự Khôn Ngoan linh thánh nhập thể nơi vũ trụ,
để biến đổi hoàn vũ cũng như
biến đổi tâm hồn chúng ta.
Đối với một số
người, cần phải có một thời gian dài
để mở toang cánh cửa tâm hồn cho tình yêu Thiên
Chúa chiếm ngự và biến đổi. Một số
khác, lại rất nhạy bén và nhanh chóng quy thuận
để bước theo chỉ dẫn của Ngài. Thiên
Chúa hứa thực hiện một khởi đầu
mới nơi ta, nhưng nhiều khi ta vẫn nghĩ
tưởng là Ngài chậm trễ hay trì hoãn. Không phải
Ngài chậm trễ, mà là chính chúng ta, chúng ta không thiết tha
hay cứ mãi chần chờ. Bài đọc thứ hai hôm nay
bảo đảm rằng, Thiên Chúa luôn kiên nhẫn và không
theo những gì chúng ta hoạch định cho hôm nay hay cho
ngày mai. Đối với Chúa, một ngày cũng như ngàn
năm và ngàn năm cũng như một ngày. Thánh Phêrô nói
với chúng ta rằng nhiều người vẫn nghĩ
Thiên Chúa quá chậm chạp, song thực chất Ngài luôn kiên
nhẫn đợi chờ, chỉ vì muốn lôi kéo chúng ta
đến với tình yêu Ngài, để tình yêu đó
biến đổi và tái tạo cuộc sống mới
nơi chúng ta.
Các bài đọc hôm nay trình bày cả hai
chiều kích năng động, một từ phía Thiên Chúa,
và một từ phía con người. Thiên Chúa mong muốn
thực hiện nơi ta những khởi đầu
mới nhưng Ngài sẽ bất lực không làm được,
nếu chúng ta không đáp trả và cộng tác. Chúng ta
phải nhận ra rằng Chúa đang đến, và chúng ta
cần phải biết trải lòng mình ra đón chờ Chúa
đến. Bài đọc thứ nhất và cả bài
đọc thứ hai hôm nay đều mời gọi chúng
ta đi vào sa mạc để thực thi điều
ấy. Sa mạc biểu thị cả hai trạng
huống tương phản. Đó vừa là nơi hoang
vắng đầy khiếp hãi, đồng thời sa
mạc cũng là nơi Thiên Chúa thân tình đến gặp
gỡ và trao ban ân sủng cho con người. Từ trong sa
mạc nội tâm nơi mỗi người chúng ta, vẫn
luôn vang vọng điệp khúc của hy vọng, đem
đến cho chúng ta những tin tức tốt lành. Đó
là tin tức về tình yêu của Thiên Chúa không bao giờ
vơi cạn, và cả khi chúng ta cảm thấy tâm hồn
mình cằn cỗi, thiếu vắng tình yêu, ơn Chúa
vẫn luôn đủ để giúp chúng ta “bắt
đầu lại”.
|