Tỉnh thức và sẵn sàng
(Suy niệm của AM Trần Bình An)
Waiting
for Godot (Chờ Godot) là vở kịch của nhà văn
Samuel Beckett. Ông được trao giải Nobel Văn học
1969. Tác phẩm này được coi là
Vở kịch tiếng Anh đáng lưu ý nhất thế
kỷ 20.
Hai nhân vật
Estragon và Vladimir thất nghiệp tìm mọi cách giết thì
giờ trong khi chờ đợi một người
được gọi là Godot, nhưng cuối cùng
đợi không được; Godot có thể tồn
tại, cũng có thể không tồn tại, kịch
kết thúc, Godot cũng không đến. Toàn bộ tác
phẩm ngoài việc đợi chờ, không có một
điều gì khác phát sinh, tại sao lại đợi
Godot, Godot là ai, tại sao Godot không đến, tất
cả những điều này đều không quan trọng.
Tác phẩm dùng cốt truyện không kịch như vậy
là để nói lên một điều, nhân loại ngoài
việc đợi chờ vô vọng hoặc ngồi đó
chờ chết thì không còn con đường nào khác; con
người đã không thể biết được về
vận mệnh của mình, không thể suy tư về
tất cả những thứ quanh mình, cho nên, ngoài việc
đợi chờ đầy tiêu cực, ngoài những
việc vô nghĩa như vậy, còn biết làm gì đây?
Tác phẩm không có nội dung cụ thể, đợi
chờ mù quáng và vô vọng chính là nội dung, ý nghĩa
của nó là sự vô nghĩa của đợi chờ.
Waiting
for Godot là một tác phẩm tiêu biểu cho loại kịch
phi lý. Nó không có cốt
truyện, cũng không có cao trào. Cũng có
thể gọi nó là bi kịch mang tính chất trào lộng.
Tuy nhiên, thông điệp đó lại được
thể hiện hết sức thú vị qua những tình
tiết hài hóa bi kịch. Beckett đã
đưa triết học hiện sinh chủ nghĩa lên
sân khấu và gây sự kích động mạnh mẽ trong
công chúng và cả giới phê bình.
(Wikipedia)
Trong bối cảnh hoang tàn sau thế
chiến II, thuyết Hiện Sinh nở rộ tại Âu
Châu, nghi hoặc những gì cao siêu, thiếu cụ thể,
chỉ bằng lòng những gì đang hiện hữu
cảm nhận được. Nên bản ngã
lên ngôi, tha hồ hưởng lạc, coi tha nhân là hỏa
ngục. Hoàn toàn trái ngược với
Kitô giáo, tín hữu biết mình là ai, sống làm chi và
biết mình chờ ai. Sinh ký tử quy, tín hữu Kitô
biết mình sẽ trở về trình diện Đấng
Thẩm Phán chung cuộc.
Tin Mừng Thánh Marcô hôm nay mở đầu
năm Phụng Vụ B, đồng thời dẫn vào Chúa
Nhật I Mùa Vọng. Chúa Giêsu kêu gọi mọi
người hãy tỉnh thức và sẵn sàng cho Ngày Chúa
Đến. Chúa không muốn con người thức
tỉnh trong lo âu, sợ hãi, sầu bi, ủ rũ, bất
an hoặc thất vọng, mà hoàn toàn trái lại.
Niềm vui cho đi
Trước tiên, tỉnh thức là sống
trọn vẹn giây phút hiện tại, theo Thánh Ý Chúa đã
mời gọi, vui vẻ chu toàn bổn phận, trách
nhiệm được Chúa trao phó cho mỗi người
một việc. “Cũng như người kia trẩy
phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các
đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi
người một việc…” (Mc 13, 34)
Chu toàn bổn phận với bản thân và với
tha nhân luôn đòi hỏi tinh thần xả kỷ vị
tha, bỏ mình, quên mình để yêu thương phục
vụ mọi người. Đồng
nghĩa cho đi, trở nên tặng phẩm, niềm vui cho
mọi người.
“Bổn phận là giấy vào Nước
Trời: Ai thực hiện ý Cha Ta trên trời, sẽ vào
Nước Trời.” (Đường Hy Vọng, số 27)
Bình an nhận lại
Tỉnh thức cũng là sẵn sàng đón
nhận mọi biến cố xảy đến trong
đời một cách an vui. Dù biến
cố tích cực hay tiêu cực, dù bệnh hoạn, đau
yếu hay khỏe mạnh, sung mãn, tất cả
đều là hồng ân, cũng như thánh giá Chúa gửi
đến thử thách, trui luyện trên đường
về quê. Cứ bình an, bình tĩnh đón
nhận. Quà tặng trước khi đi xa,
Đức Giêsu trao lại cho con người chính là bình an.
“Thầy ban cho anh em bình an của
Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban
tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến
cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14, 27)
Tỉnh thức là chấp nhận tất
cả những gì tha nhân gửi đến với tâm
hồn thanh thản, bình an. Lời khen, tiếng chê,
nhục mạ, vô ơn, lẫn lời an ủi, khuyến
khích, nâng đỡ, che chở, đều có thể giúp
mỗi người thăng tiến đường tâm
linh, nếu biết sống theo Lời Chúa, theo quan niệm
Chúa, theo đường lối Chúa.
“Gian khổ là cơm bữa
của đời người. Nhưng
với người Công giáo, cuộc sống của họ
“loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng
việc Chúa sống lại.” Con có sung sướng khi
đọc lời ấy không?” (Đường Hy Vọng,
số 710)
Cầu nguyện & Hy vọng
Trong suốt cuộc đời
vất vả, tranh đấu với sự dữ, cái ác,
tội lỗi, thì tỉnh thức là luôn thành tâm cầu
nguyện mọi nơi, mọi lúc. Luôn kết hợp
mật thiết với Đức Giêsu, để
Người che chở, cứu giúp, giải thoát khỏi ba
thù, khỏi thử thách khắc nghiệt, mà vui vẻ cho đi
và bình an nhận lại. “Vậy anh em hãy
tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ
sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy
đến và đứng vững trước mặt Con
Người.” (Lc 21, 36) Lời cầu
nguyện cao quý nhất là tham dự Thánh Lễ, hầu
được bổ dưỡng, thánh hóa, bằng chính
mầu nhiệm Mình Máu Chúa.
“Ai trong anh em đau khổ ư? Hãy cầu nguyện. Ai vui
vẻ chăng? Người ấy hãy hát
thánh ca. Ai trong anh em đau yếu ư? Người
ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh
đến; họ sẽ cầu nguyện cho người
ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa.” (Gc 5, 13-14) Thánh Giacôbê đã chân
tình khuyên nhủ trong Thư Chung.
“Chúa dạy đọc kinh, để giúp con
cầu nguyện, nhưng việc chính là gặp gỡ, nói
chuyện giữa Cha và con: “Khi
cầu nguyện, đừng lo phải nói gì! Hãy vào phòng
đóng cửa, cầu nguyện với Cha của con cách
kín đáo, và Cha con thấy mọi sự, sẽ nghe lời
con.” Không cần hình thức, chỉ cần tâm tình phụ
tử.” (Đường Hy Vọng, số 127)
“Chấm này
nối tiếp chấm kia, ngàn vạn
chấm thành một đường dài. Phút này nối
tiếp phút kia, muôn triệu phút thành
một đời sống.
Chấm mỗi
chấm cho đúng, đường sẽ đẹp.
Sống mỗi
phút cho tốt, đời sẽ thánh.
Đường
hy vọng do mỗi chấm hy vọng.
Đời hy
vọng do mỗi phút hy vọng.” (Đường Hy
Vọng, số 978)
Lạy Chúa Giêsu,
xin dạy chúng con biết luôn tình thức và sẵn sàng
đón Chúa đến từng giây phút, từng ngày giờ.
Xin Chúa hướng dẫn, chỉ bảo chúng con biết đón
tiếp tha nhân, biết cho đi tất cả, yêu
thương và phục vụ suốt đời. Xin Chúa ban
chúng con Chúa Thánh Thần, để soi sáng, đổi
mới, thánh hóa chúng con, sẵn sàng về với Chúa
bất cứ lúc nào.
Lạy Mẹ
Maria, khấn xin Mẹ dọn lòng trí chúng con luôn sẵn sàng
đón Chúa, luôn sống cho Chúa và tha nhân, để chúng con
luôn xứng đáng làm con Chúa. Amen.
|