Mong đợi
Chúa
(Suy niệm của Lm. Giacôbê Phạm Văn
Phượng, OP)
Năm mới theo
dương lịch, bắt đầu vào ngày 1 tháng Một
mỗi năm. Năm mới theo âm
lịch, bắt đầu vào ngày 1 thánh Giêng. Năm mới
theo phụng vụ, bắt đầu vào ngày Chúa Nhật
thứ nhất Mùa Vọng. Mừng lễ Chúa nhật
thứ nhất Mùa Vọng là chúng ta bước vào một
năm phụng vụ mới.. Như vậy, Mùa Vọng là mùa xuân của năm
phụng vụ, từ đó phát sinh hy vọng. Trong
mùa xuân, cây cối trổ sinh lộc non lá mới, bắt
đầu kết nụ đơm hoa
chuẩn bị cho một mùa thu hoạch mới. Và như thế mùa xuân cũng là mùa hy vọng,
đó là thời gian trông chờ, mong đợi.
Đối với niềm tin
của chúng ta, Mùa Vọng thực sự là mùa trông chờ,
mong đợi. Lòng trông đợi mỗi lúc một
rộn ràng hơn khi càng gần lễ Giáng Sinh; đồng
thời mang nhiều sắc thái và mức độ khác nhau
tùy tâm trạng mỗi người: người ta
đợi Nô-en như một dịp để ăn
chơi, để giao thiệp; đợi Nô-en như
một cơ hội "nhất cử lưỡng
tiện": tiễn năm cũ và đón chờ năm
mới may mắn, phát đạt hơn như phần
đông tín hữu các nước theo dương lịch.
Hoặc đợi Nô-en theo đúng tinh
thần Tin mừng là đón Đấng Cứu Tinh nhân
loại. Còn chúng ta, chúng ta mong đợi gì?
Niềm trông đợi của chúng ta có ý
nghĩa nào?
Chúng ta có thể trả lời: Chúng ta mong
đợi Chúa đến. Ý nghĩa "Chúa
đến" thường được hiểu ba cách:
- Chúa đến trong lịch sử nhân loại - Chúa
đến trong ngày thẩm phán chung
hoặc riêng - Chúa đến trong tâm hồn mỗi
người. Nhiều lúc chúng ta có khuynh
hướng coi cả ba ý nghĩa này đều xa lạ
với tư tưởng mong đợi. Thực vậy, trong lịch sử, Chúa đã
đến từ hai ngàn năm và hiện giờ chúng ta
đã kỷ niệm ngày sinh của Chúa từng mấy
chục lần trong đời sống rồi. Còn
trong ngày chung thẩm, trong cái chết
của mỗi người thì sao? Dĩ nhiên
Chúa đến, nhưng chẳng lẽ cứ ngồi mà lo
sợ chờ chết ư? Cũng
phải tạm quên cái chết để vật lộn
với cuộc sống chứ? Còn Chúa
đến trong cuộc sống mỗi người, thì ngày
nào chúng ta chẳng đón Chúa trong kinh lễ, trong giờ
cầu nguyện sớm tối? Thế
thì chúng ta mong đợi cái gì nữa?
Giáo Hội dạy chúng ta
vẫn phải mong đợi. Và hàng năm Giáo
Hội tổ chức Mùa Vọng, không phải chỉ
cốt để chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh,
không phải chỉ dạy chúng ta gây dựng tâm tình mong
đợi trong mùa đó, nhưng Giáo Hội muốn nhân
không khí Giáng Sinh dạy chúng ta phải có tâm tình mong
đợi thường xuyên, phải mong đợi Chúa
hàng ngày: Chúng ta mong đợi Chúa trong ngày chúng ta từ giã
cuộc sống để về với Chúa. Đó
cũng là một biến cố đích thực và có ý
nghĩa.
Kinh Thánh và giáo lý dạy cho chúng ta biết:
mỗi người có hai kiếp được sống và
phải sống: một đời sống tạm bợ
và một đời sống vĩnh cửu; một
đời sống hiện tại và một đời
sống tương lai; một đời sống hành
hương và một đời sống quê thật;
một đời sống trần gian và một đời
sống thiên đàng hay hỏa ngục. Từ kiếp
sống này qua kiếp sống kia,
mỗi người phải qua sự chết duy có một
lần, đó là lần bái yết Chúa đầu tiên và duy
nhất. Đành rằng có một ít người
được ơn lạ chết đi sống lại
hai lần, như La-da-rô hay con trai bà góa thành Na-im hay một
vài trường hợp nào đó, nhưng hầu hết
nhân loại chỉ chết có một lần, vì kiếp
sống tạm bợ ở trần gian chỉ diễn ra
có một lần.
Sự chết xảy tới
với mỗi người được Kinh Thánh gọi
là Chúa đến. Và việc Chúa
đến này thường xảy ra bất ngờ, bí
mật. Thiên Chúa muốn giữ bí mật như
vậy để chúng ta luôn luôn sẵn sàng, và do đó luôn
cố gắng sống tốt lành thánh thiện. Chẳng
hạn như trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Mác-cô thuật
lại dụ ngôn về đầy tớ phải canh
thức đợi chủ về: " Anh
em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà
đến". Còn thánh Mát-thêu thì nói rõ: "Anh em hãy canh
thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ
đến". Trong cả hai trường hợp, ý
nghĩa đều rõ ràng là Chúa Giêsu nói về chính mình Ngài.
Chính vì yếu tố bất ngờ đó mà
Chúa dạy chúng ta phải luôn canh thức và sẵn sàng. Bởi vì cuộc đời con người
đem so sánh với thời gian đã là một cái gì
tạm bợ. Nhưng nếu đem so
sánh với sự sống vĩnh cửu, thì nó càng mong manh
hơn biết bao. Người ta đã từng ví von:
đời người như hơi nước dễ tan,
như hơi thở qua mau, như cánh chim lưng trời
mất hút, như bông hoa sớm nở chiều tàn. Cuộc
đời không những phù du mà còn kèm theo
tính cách bất ngờ nữa: không ai biết khi nào mình
từ biệt cõi đời, như kinh nghiệm vẫn
minh chứng và Kinh Thánh đã nói tới từ khi có con
người.
Nhìn chung lại,
đoạn Tin mừng này nêu chủ đề: Chúa sẽ
đến, nhưng chúng ta không biết ngày nào, vậy
phải canh thức để được sẵn sàng
đón Ngài khi Ngài đến. Canh thức sẵn sàng như
người đầy tớ hoàn thành nhiệm vụ
được trao phó, như các trinh nữ khôn ngoan cầm
đèn đi đón chàng rể, như người
được trao vốn đem kinh doanh sinh lời lãi, và
cuối cùng bằng đời sống yêu thương
phục vụ. Đó là cách thế chờ
đợi Chúa đến.
Mùa Vọng là mùa trông
đợi. Trông đợi Chúa
đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Nhưng cũng là trông đợi giây phút cuối
cùng của mỗi người khi ra đi gặp Chúa.
Chúng ta đã chuẩn bị hành trang gì cho giây phút gặp
gở ấy và có canh thức sẵn sàng chu toàn bổn
phận mà Chúa trao cho hay không, để ngày Chúa đến
là một niềm vui chứ không phải nỗi buồn, và
chúng ta gặp Thiên Chúa tình yêu chứ không phải Thiên Chúa
phán xét. Chúng ta canh thức mong chờ Chúa
thế nào thì Chúa sẽ đến với chúng ta như
vậy. Cho nên, chúng ta phải luôn sống trong tư
thế sẵn sàng đón Chúa.
|