Yêu mến
và phụng sự Chúa nơi tha nhân
(Suy niệm của
Lm. Ignatiô Trần Ngà)
Hôm nọ, có người đàn
ông đem đến cho tôi một tượng chuộc
tội khá lớn. Bàn tay Chúa Giêsu chịu
đóng đinh bị sút ra khỏi thanh ngang của cây thánh
giá. Ông ta nhờ tôi đóng lại cây đinh
bị sút để tượng Chúa Giêsu chịu nạn
được gắn chặt vào thập giá như trước.
Tôi hỏi ông: “Một việc
đơn giản như thế, sao ông không tự làm
lấy, đem đến nhờ tôi làm gì mất công.” Ông
trả lời: “Tôi không dám đóng đinh Chúa, sợ xúc
phạm đến Ngài.”
Vậy mà mấy tuần sau, ông
nầy lại vác rựa chém người hàng xóm, may có
người can ngăn kịp thời, nếu không thì ông ta
đã chém chết một hiện thân sống động
của Thiên Chúa.
Nhiều
người cung kính cúi đầu trước tượng
ảnh thánh và không bao giờ dám xúc phạm đến
ảnh tượng thánh do tay người phàm làm ra,
nhưng lại ngang nhiên xỉ vả, mắng chửi,
đánh đập những người chung quanh là hình
tượng sống động của Thiên Chúa do chính Ba
Ngôi Thiên Chúa dựng nên mà không áy náy lương tâm.
Sở dĩ
như thế cũng chỉ vì người ta không nhận
ra những người đang sống chung
quanh mình là hiện thân của Chúa Giêsu. Mà hiện thân
của Chúa Giêsu thì đáng trọng hơn những bức
tượng thánh bằng thạch cao, bằng gỗ đá…
là biểu tượng của các thánh, do con người
tạo nên.
Nói như
thế không phải là xem thường ảnh tượng
thánh nhưng để nhấn mạnh rằng nếu chúng
ta dành cho các tượng ảnh thánh trên bàn thờ một
tâm tình tôn kính đặc biệt và không bao giờ dám xúc
phạm ảnh đến ảnh tượng thánh, thì chúng
ta cũng phải đối xử y như thế
đối với anh chị em chung quanh.
Qua bài Tin
Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định với chúng ta
rằng mọi người chung quanh chúng ta, dù bần cùng
cơ cực, dù đau yếu bệnh tật, dù bị tù
đày hay bị ruồng bỏ… cũng đều đáng
được tôn trọng, đáng được yêu
thương và phục vụ vì họ là hiện thân
của Chúa Cứu Thế, là chi thể của Chúa Giêsu.
Những ai cho
người đói khát một bát cơm thì Chúa Giêsu nói là
họ đã cho Ngài ăn, vì người đói khát đó
cũng chính là Chúa; những ai cho người rách
rưới một tấm áo thì Chúa Giêsu nói là họ đã
cho Ngài mặc, vì người rách rưới đó cũng
chính là Chúa… Như thế, Ngài dạy rằng mọi
người chung quanh chúng ta là hiện
thân của Ngài, làm gì cho họ là làm cho chính Chúa.
Nếu hôm nay
chúng ta chửi mắng, chà đạp, gây buồn phiền
đau khổ cho những người chung quanh thì
đến ngày ra trước toà phán xét, Chúa Giêsu sẽ phán
với chúng ta rằng: "Hỡi quân bị nguyền
rủa kia, hãy đi cho khuất mắt Ta mà vào chốn
cực hình dành sẵn cho ma quỷ và các thần ác, vì
xưa kia ngươi đã đánh đập, chửi
mắng, xỉ nhục Ta…”
Hôm xưa,
đang khi ông Sao-lê (tức là thánh Phao-lô khi chưa trở
thành tông đồ của Chúa) hăm hở tìm bắt
những người tin theo Chúa Giêsu
tại thành Đa-mát, bỗng nhiên ông bị ngã xuống và
có tiếng Chúa Giêsu (đã phục sinh) vang lên giữa thinh
không: "Sao-lê, tại sao ngươi bắt bớ Ta?"
Phao-lô hết sức kinh hoàng, đáp lại: "Thưa
Ngài, Ngài là ai?" Có tiếng từ trời đáp: "Ta
là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ" (Cv 22, 6-9).
Sự
kiện nầy chứng tỏ bắt bớ các ki-tô
hữu là bắt bớ Chúa Giêsu vì họ là hiện thân
của Chúa Giêsu.
Thánh Ca-mi-lô
Len-li là đấng sáng lập “Hội Dòng Tôi Tớ các
bệnh nhân”. Ngài luôn nhìn thấy Chúa Giêsu nơi các bệnh
nhân, đến nỗi nhiều lần mang thức ăn cho họ, ngài nghĩ họ là
Đức Ki-tô nên nài xin họ ban ơn và tha thứ
tội lỗi cho mình. Ngài đứng
trước mặt họ với với thái độ cung
kính như thể đang ở trước nhan Chúa vậy.
Qua
trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta bí quyết
để được hạnh phúc đời
đời, đó là biết nhận ra Chúa nơi mỗi anh
chị em đang sống chung quanh và hết lòng yêu
thương phục vụ Chúa nơi những người
đó.
Bài học
nầy là cốt tuỷ của giáo lý công giáo, là kim chỉ nam cho đời sống
đạo, là chìa khoá mở cho ta vào cửa thiên đàng.
Lạy Chúa Giêsu,
Nhờ Lời Chúa soi sáng, chúng con
biết rằng yêu thương phục vụ tha nhân là con
đường đưa tới hạnh phúc thiên đàng
và vô cảm thờ ơ trước những đau
thương của tha nhân là đường dẫn
xuống hoả ngục.
Xin giúp chúng con dứt khoát từ
bỏ lối sống ích kỷ và sẵn sàng yêu
thương phục vụ mọi người, nhờ
đó, mai đây chúng con được Chúa đón vào quê
trời muôn đời vinh hiển. Amen.
|