Vua mục tử
(Suy niệm của Lm. Văn Hào SDB)
“Ngài sẽ ngồi trên ngai vinh hiển, như một
mục tử” (Mt 25,31-32).
Những công trình nghệ thuật và văn
chương cổ điển, như những bức
họa của Michelangelo tại đền thờ Sixtine hay
của họa sĩ Dante, rất cuốn hút người
xem với những cảnh vẽ về ngày phán xét sau cùng.
Sự pha trộn những nét tương phản
được diễn tả rất sống động,
như sự đối kháng giữa thiên thần và quỷ
dữ, giữa lửa và mây, giữa những con
người vui sướng vì được cứu thoát
và những kẻ bị chúc dữ đầy khiếp
sợ. Các bức họa muốn diễn bày ý tưởng,
là trong ngày chung thẩm, người
tốt lành sẽ được ân thưởng, và kẻ
gian ác sẽ bị luận phạt. Các họa sĩ
cũng mô tả chân dung của Đấng phán xử như
một vị Vua uy lực, đấng sẽ ra phán
quuyết tối hậu về số phận của
mọi người, người tốt cũng như
kẻ xấu. Những hình ảnh này chắc chắn làm an
tâm những ai đang cố gắng sống ngay lành, tuy còn
phải nỗ lực hoàn thiện, đồng thời
cũng gợi nhắc những ai làm điều xấu
phải cố gắng hoán cải để nên hoàn
thiện hơn.
Hình ảnh một vị Vua thần thánh
đầy uy quyền, công bố những phán quyết
để xử phạt, hoàn toàn đối nghịch
với hình ảnh của một Thiên Chúa yêu thương
qua dáng dấp một vị mục tử nhân lành, mà bài
đọc thứ nhất cũng như Thánh vịnh
đáp ca hôm nay gợi tả. Dung mạo của
Đấng Chăn Chiên nhân hậu luôn chăm sóc đoàn
chiên, đi tìm kiếm các con chiên lạc, thu gom chúng về
đàn để không bị tản mát, chữa trị
những con bị đau yếu, dẫn chúng về
đồng cỏ xanh tươi đầy ắp thức
ăn bổ dưỡng, cho chúng thư thái nghỉ ngơi
và được no khát nơi dòng suối trong - hoàn toàn
đối nghịch với một Đấng uy quyền
ngồi trên tòa cao ngất ngưởng để xét xử
và ra những phán quyết nhằm nghiêm phạt. Trong Tin mừng Matthêu, nhiều lần Đức
Giêsu đã nói với các môn đệ hãy bắt
chước Ngài, sao chép lại tình yêu mục tử
giống như Ngài. Ngài chạnh lòng thương
cảm trước đám đông như bầy chiên lang
thang không người chăn dắt (Mt 9,36).
Ngài sai các môn đệ đi “tìm các con chiên lạc nhà Israel
(10,6). Ngài cũng khuyến mời các
học trò hãy thực hành giống như Ngài, một
người chăn chiên liều lĩnh, đã bỏ
lại 99 con trên đồng vắng để đi
kiếm tìm con chiên lạc mất (18, 10-14).
Trong trình thuật Tin mừng hôm nay, thánh
Matthêu dung hòa cả hai chiều kích xem ra có vẻ
đối nghịch này, để khải thị chủ
đề về cánh chung. Một
đàng, là vào giờ phút chung thẩm sau
hết, sự chọn lựa cuộc sống nơi
mỗi người chúng ta mang tính chất quyết
định và không thể thay đổi. Đàng
khác, Đức Giêsu, đấng ngồi trên ngai phán xử
lại là một Người Chăn Chiên giàu lòng nhân
hậu. Đức Giêsu vừa là một Vị Vua uy
quyền, ngự trên ngai tòa cao sang, nắm trong tay toàn
quyền sinh sát trên tất cả sinh linh, đồng
thời, Ngài cũng là một mục tử hiền lành,
rất mực bao dung và đầy lòng thương xót. Hình
ảnh sống động nhất nơi dụ ngôn không
phải là dung mạo một ông vua với vinh quang chói sáng
theo quan điểm trần gian, nhưng là một
Đức Vua cao cả được đồng hóa
với khuôn mặt của những con người cùng
khổ đang đói, đang khát, đang lang thang nơi
đầu đường xó chợ, đang rét
mướt trần trụi không manh áo che thân, đang
quằn quại bi thương trong bệnh hoạn hay
đang bị giam giữ chốn lao tù. Những con
người khốn khổ này được đồng
hóa với chính Đức Giêsu. Điệp
khúc đó được lập đi lập lại
bốn lần trong câu truyện dụ ngôn, như muốn
làm vang lên những tiếng thét gào ai oán của những
người khốn khổ nhất. Họ giống
như những con chiên thương tích và ốm yếu
trong đàn đang cần được chăm sóc.
Những học trò của Đức Giêsu khi thực hành
giáo huấn này, biết bày tỏ lòng thương cảm
đến các cận nhân chung quanh, chính
là họ đang hiển thị dung mạo yêu thương
của Đức Giêsu - Vua Mục Tử, một cách rõ nét
nhất.
Trong Tin Mừng Gioan, quyền uy của
Đấng chăn chiên hiện lộ trong việc kết
hợp thân tình giữa chủ chăn và đoàn chiên (10,14), khi người mục tử biết
từng con chiên(10,3), và người chăn chiên hy sinh ngay
cả mạng sống mình cho đoàn chiên (10,11). Đây là uy
quyền được diễn bày bằng tình yêu, một
thứ uy quyền được sẻ chia,
được trao ban để đi vào lòng người,
chứ không phải là một thứ uy lực đứng
ngạo nghễ trên cao, chỉ để công bố
những phán quyết trừng phạt cách nghiêm khắc.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng
cảnh báo chúng ta. Đương nhiên, chúng ta không
khiếp sợ trước một vị vua oai phong nghiêm
trị các thần dân khi chúng ta sao lãng bổn phận do
lơ là hay yếu đuối. Nhưng những ai vẫn
ngoan cố đóng khép lòng mình lại, chối từ lòng
thương xót của Đấng Chăn Chiên nhân hậu,
chính họ đã tự chuốc lấy án phạt cho chính
mình.
Mỗi người chúng ta có tự do
để chọn lựa số phận muôn đời.
Sự định đoạt đó tùy vào thái độ
chúng ta hôm nay có biết đón nhận hay khước
từ tình yêu của Vị Chăn Chiên nhân hậu,
đấng luôn yêu thương và muốn cứu độ
chúng ta.
|