Thần dân
trung tín của
Vua Tình Yêu
(Suy niệm của AM Trần Bình An)
Thường thì
phạm nhân không được phép treo ảnh, nhưng
Hiroshi Igarashi nài xin ban quản giáo và cuối cùng
được phép treo ảnh Mẹ Têrêsa thành Calcutta. Một
đêm nọ, một quản giáo đi tuần khu nhà tù anh
ở đã yêu cầu anh: “Này, anh làm ơn lấy bức
ảnh đó xuống dùm tôi. Mắt bà ấy nhìn sợ
quá.” Igarashi đáp: “Anh thấy rùng rợn vì anh là người
tội lỗi.”
Giờ đây Igarashi đã
được tự do, anh tổ chức một nhóm
ở Tokyo gọi là “Nhà Mẹ”. Nhóm tận tâm giúp những
người ở tù làm lại cuộc đời và tái
nhập xã hội sau khi mãn hạn tù. Nhóm lấy tên Mẹ
Têrêsa và còn lấy tinh thần của thánh nhân và Kinh Thánh làm
nền tảng cho các hoạt động của nhóm. Có
tiền án hình sự 3 lần và gần 20 năm ngồi tù,
Igarashi biết rõ thực trạng và tất cả các
vấn đề trong tù. Nhiều tù nhân bị cô lập và
thiếu thốn tình thương. Điều mà những
người này cần là có người hỗ trợ
họ về mặt tình cảm, nhưng không có ai làm
điều đó cả.
Khi anh bị bắt giam lần
thứ ba, gia đình anh cắt đứt mọi liên
hệ với anh. Anh đã nghĩ đến chuyện
tự vẫn, nhưng ngay lúc đó có một người
Brazil gốc Nhật vui tính bị cảnh sát bắt giam.
Người này thường xuyên cầu nguyện và nói
về Kinh Thánh cho Igarashi nghe. Đó là lần đầu tiên
Igarashi bắt đầu đọc Kinh Thánh. Anh ấn
tượng nhất là câu: “Saolô, Saolô sao ngươi lại
bắt bớ ta?” (Cv 9, 4) Đối với Igarashi, câu này
nghe như thể Đức Kitô đang hỏi chính anh: “Sao
con phạm tội chống Ta?”Đó là lúc anh trở lại
đạo. Anh cầu nguyện hết lòng, lớn
tiếng nói: “Con xin lỗi Chúa!”
Anh nhận ra khi Chúa Giêsu chết
trên thập giá, Ngài chết thay cho anh trên đó và anh khóc
nức nở. Igarashi biết Mẹ Têrêsa cũng ở trong
nhà tù, qua một quyển sách anh tình cờ đọc
được. Anh lập tức tin rằng “con
người này có thật” và muốn học hỏi nơi
thánh nhân, mãi sau này anh mới biết ngài đã qua
đời. May mắn thay, anh có cơ hội gặp
được một số tu sĩ dòng Thừa sai Bác ái
do ngài sáng lập.
Đức cố Hồng y Seiichi
S. Hirayanagi mở khoá học giáo lý tân tòng giới thiệu
đức tin Công giáo cho anh. Một luật sư Tin lành
đã đứng ra bảo lãnh anh. Khi ra tù, Igarashi bắt
đầu biến đức tin thành hành động
thực tế bằng cách thành lập Nhà Mẹ.
Đức Tổng Giám mục Takeo Okada đích thân gửi
thư chúc mừng. Anh làm việc hết mình, phấn
đấu noi theo con đường tình yêu của Mẹ
Têrêsa. (Theo UCA News)
Đức Kitô, Vua Tình Yêu đã
cảm hóa tù nhân Hiroshi Igarashi. Nhờ vậy, Mẹ Têrêsa
Calcutta mới dẫn dắt anh bước theo Ơn
Gọi. Tin Mừng hôm nay công bố điều kiện
để được Thiên Chúa chúc phúc và được
ban thưởng Nước Trời.
Xả kỷ
Tiên quyết
theo lời mời gọi Tình Yêu Thiên Chúa, người Kitô
hữu phải bỏ mình, thoát khỏi những ràng
buộc xác thịt, đam mê, ham muốn, nếu quyết
dấn thân theo Chúa, với trọn tâm tình tin, cậy,
mến.”Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác
thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9, 23)
Không nuông
chiều bản thân, không màng danh lợi phù vân, mà cần làm
trọn bổn phận, trách nhiệm được Chúa
trao phó. Chu toàn mọi nhiệm vụ, hay Ơn Gọi, dù chịu
khó khăn, thách đố, dù bị đối xử phân
biệt, bị vu oan cáo vạ, tra tấn, tù đầy, ám
hại, vẫn phó thác, vững tin vào Chúa Quan Phòng.
Một khi
xả kỷ, bỏ đi bản thân, thì mới có thể
tha thiết gần gũi với tha nhân, để cảm
thông, chia sẻ và giúp đỡ. Nếu còn lấn cấn
ngã chấp, cao ngạo, lục dục, tham sân si, thiếu
khiêm hạ, vì còn dai dẳng vị kỷ, kiêu căng, coi
thường, đố kỵ, khinh khi, ganh ghét
người khác, thì làm sao có thể chân thành đến
với người khốn cùng. Nếu có, chỉ là
đóng kịch, giả hình, che mắt thiên hạ, hòng
kiếm chút hư danh phù du.
Bác ái
Cảm
nghiệm Tình Yêu vô biên, Mẹ Têrêsa Calcutta mới hiểu
thấu vì sao Đức Giêsu hiện thân trong người
nghèo khổ, hèn mọn:“Chúng ta phải ngạc nhiên thấy
Chúa đói khát chúng ta như thế nào. Người đã
hóa nên kẻ đói khổ, kẻ thiếu áo mặc,
người hấp hối, để chúng ta có cơ
hội cho Người ăn, cho Người mặc,
phục vụ Người qua công việc chúng ta giúp
đỡ người nghèo khó.”
Bác ái còn là
dấu chỉ Tình Yêu, vì thế: “Đâu có tình yêu
thương, ở đó có Thiên Chúa; đâu có thù ghét, ở
đó có hỏa ngục.” (Đường Hy Vọng,
số 749)
Buồn lắm
thay, cũng phát sinh những kiểu bác ái biến thể,
dị dạng, què quặt, lạm dụng, phi Kitô giáo,
thậm chí phản Kitô:
Có loại bác ái ồn ào: Bác ái
phóng thanh.
Có loại bác ái kể công: Bác ái
ngân hàng.
Có loại bác ái nuôi người:
Bác ái sở thú.
Có loại bác ái khinh người:
Bác ái chủ nhân.
Có loại bác ái theo ý: Bác ái
độc tài.
Có loại bác ái nhãn hiệu: Bác ái
giả hiệu.
(Đường
Hy Vọng, số 756)
Phục vụ
Sau khi rửa
chân cho các môn đệ, Đức Giêsu phán dạy: “Vậy,
nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em,
thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu
gương cho anh em, để anh em cũng làm như
Thầy đã làm cho anh em.” (Ga 13, 14-15) Không chỉ phục
vụ lẫn nhau, thân bằng quyến thuộc, Đức
Giêsu còn đòi hỏi phải phục vụ những
người hèn mọn, bé nhỏ, khốn cùng, khách lạ,
người đau yếu, kẻ tù tội. Bởi vì
những người khốn khổ đó chính là hiện
thân Chúa Giêsu.
Thánh Phaolô
khẩn khoản Kitô hữu hãy quên mình phục vụ tha
nhân. “Đừng lợi dụng tự do để
sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức
mến mà phục vụ lẫn nhau.” (Gl 5, 13)
Phục vụ
tha nhân đâu chỉ bằng vật chất, của
cải, mà còn bằng tinh thần, thân thiện, sự chia
sẻ, sự quan tâm, đồng cảm, đồng hành,
hiệp thông cầu nguyện: “Tôi không làm việc bác ái
được, vì tôi không có tiền! Chỉ có tiền
mới bác ái sao? Bác ái của nụ cười, bác ái
của bắt tay, bác ái của thông cảm, bác ái của
thăm viếng, bác ái của cầu nguyện.”
(Đường Hy Vọng, số 741).
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con
biết yêu như các Thánh yêu người, biết nhận
ra Chúa trong mọi người, nhất là những kẻ
hèn kém, khốn cùng, để chúng con có thể xả thân
phục vụ Chúa mọi nơi, mọi lúc.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ là
mẫu gương mẫu bác ái, phục vụ, xin giúp chúng
con biết noi theo Mẹ thực hành Lời Chúa dạy
mến Chúa yêu người, để chúng con xứng
đáng được nhập vào đoàn chiên bên hữu
Chúa Giêsu Kitô. Amen.
|