Một tước hiệu dễ bị ngộ nhận
(Suy niệm
của Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa)
Tin Mừng thánh
Matthêu chương XXV mẹ Hội Thánh đưa vào trong
Thánh Lễ cuối năm Phụng vụ, dễ bị
ngộ nhận như là gai chướng. Sự gai chướng
dễ bị ngộ nhận này không nguyên chỉ vì
tước hiệu Vua vũ trụ mà Hội Thánh suy tôn
Thầy Chí Thánh và còn cả nơi nội dung lời
giảng dạy của Người qua dụ ngôn “cuộc
phán xét chung”.
Hình ảnh
của một minh quân trong lịch sử quả là hiếm
hoi so với nhiều ông vua gian ác, độc tài, chuyên chế.
Nghĩ đến thể chế phong kiến người
ta dễ có cái nhìn không mấy thiện cảm. Đã là quân
chủ với một ông vua cai trị kiểu cha truyền
con nối thì sự chuyên chế hà khắc thường
xảy ra. Thế mà Hội Thánh vẫn không ngần
ngại suy tôn Chúa Kitô với danh hiệu Vua vũ trụ.
Qua danh hiệu này Hội Thánh không chỉ nhìn nhận
quyền tối thượng của Đức Kitô trên mọi vật mọi loài thọ
tạo, hữu hình và vô hình, mà còn tuyên bố với mọi
người về niềm hạnh phúc và vinh dự của
mọi loài thọ tạo khi có Đức Kitô làm vua của
mình.
Đã là loài
thọ tạo thì phải thần phục Đấng
dựng nên mình. Tuy nhiên chúng ta không sống tâm tình thần
phục như nguời nô lệ. Đấng xứng
đáng là Vua, là chủ tể của chúng ta đã tự
nguyện làm anh cả giữa loài người. Đấng
tạo thành đã tự nguyện trở nên con của loài
người. Và đặc biệt Người đã
chọn hạnh phúc của con người, của từng
người làm vinh quang của chính Người. Có thể
nói không ngoa ngữ chút nào rằng Người tự
nhận số phận của con người, của
từng người, nhất là những người
yếu thế, kém phận, làm số phận của chính
Người.
Chúa Kitô làm vua
của một vương quốc mà trong đó mọi
người từ cổ chí kim đều là con dân của
Người. Chúng ta hãnh diện và vui mừng vì vương
quốc mà Chúa Kitô thống trị là một vương
quốc mà trong đó “dân vi quý, dân vạn đại”. Chúng
ta vui mừng và hãnh diện trong vương quốc này vì
vị Vua cai trị chúng ta là Đấng có thể nói theo
kiểu phàm nhân rằng “luôn lo trước cái lo của
thiên hạ và vui sau cái vui của thiên hạ”. Chúng ta lại
càng hãnh diện và vui mừng vì vương quốc Chúa Kitô
thiết lập là một vương quốc mà trong đó
không một ai là đáng bỏ đi, không một ai là thành
phần hạ đẳng.
Khi các
ngươi làm hay không làm điều tốt cho một trong
những kẻ bé mọn này là các ngươi đã làm hay
đã không làm cho chính Ta x.Mt
25,31-46). Hiến pháp, luật lệ của vương
quốc này thật đơn giản. Đó là phải
sống cho có lòng, có tâm với nhau, đặc biệt
với người anh chị em yếu thế, kém may
mắn cận kề chúng ta.
“Thầy
bảo thật cho anh em biết, nếu anh em không ăn
ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisiêu thì
sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt
5,20). Và Chúa Giêsu đã quảng diễn sự phải “công
chính hơn” này là không được phép loại bỏ
bất cứ một ai dù chỉ là trong cung cách hành xử
hay trong tâm trí. Không loại bỏ tha nhân chưa đủ,
Người còn đòi hỏi phải biết liên
đới với tha nhân trong hạnh phúc của họ.
“Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn
thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có
chuyện bất bình với anh, thì hãy để của
lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa
với người em ấy đã, rồi trở lại
dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24). Dĩ nhiên, nếu
vì lỗi của ta thì việc bỏ của lễ lại
để đi làm hòa trước đã, là điều
dễ hiểu. Còn nếu không phải do lỗi của ta
mà do lỗi của người anh em, thì ta cũng phải
làm như thế. Nếu không làm thì ta sẽ mắc
phải món nợ tình yêu, vì ta thờ ơ với số
phận của người anh em mình. Người có
lỗi, người có tội là một trong những bé
mọn mà ta cần quan tâm nâng đỡ. Mẹ Hội Thánh
đã hiểu chân lý này khi dạy chúng ta những mối
thương người: “Lấy lời lành mà khuyên
người; Mở dạy kẻ mê muội; An ủi
kẻ âu lo; Răn bảo kẻ có tội…”
Không ai có
thể lên trời “một mình”. Không ai có thể làm con dân
Nước trời với sự ích kỷ, với thái
độ bàng quan, hững hờ trước người
anh em. Mặc dù vẫn có đó sự gai chướng
của hình ảnh vị quân vương trần thế
của quá khứ lịch sử, thế nhưng đã
đón nhận chân lý trong niềm tin thì chúng ta cùng với
toàn thể thụ tạo phải thần phục tuyệt
đối Đấng tạo thành nên mình. Đã con thần
dân của vương quốc tình yêu thì ta phải sống
theo thể chế và luật lệ của vương
quốc ấy mà thôi. Luật lệ và thể chế
ấy không gì hơn là sự hiệp thông liên đới
huynh đệ trong tình yêu của Vị Vua trên các vua đã
yêu thương chúng ta trước đến độ
hiến dâng cả mạng sống vì chúng ta. Lịch sử
cho thấy đã từng có biết bao người xưa
lẫn nay can đảm đón nhận sự gai
chướng ít nhiểu bị ngộ nhận khi thần
phục Đấng là Vua Vũ Trụ nhưng rồi
họ đã cảm nghiệm nó thật là “êm ái và nhẹ
nhàng” (x.Mt 11,28-30).
|