Dân vi quý – Lm Giuse Nguyễn Văn
Nghĩa
Hằng năm vào ngày Chúa Nhật cuối cùng
của năm Phụng vụ, giáo hội hiệp với
toàn thể vũ hoàn suy tôn Chúa Kitô là Vua Vũ Trụ.
Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc
quyền năng thượng giới, tất cả
đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Đức Kitô
và cho Đức Kitô, Người Con chí ái của Thiên Chúa
(x.Col 1,16). Khi suy tôn Chúa Kitô là Vua Vũ
Trụ, giáo hội muốn khẳng định chân lý mà
thánh tông đồ dân ngoại đã nói với tín hữu Côlôxê,
đó là mọi sự trên trời cùng dưới
đất đều được Thiên Chúa tạo thành
nhờ Đức Kitô và cho Đức Kitô. Chúa
Kitô không chỉ là nguyên lý và là cứu cánh của mọi
hiện hữu mà Người còn là khuôn mẫu của
mọi vật mọi loài, vì người là Trưởng
tử của mọi loài thọ sinh.
Loài người là loài cao
trọng nhất trong các loài thọ tạo hữu hình.
Thánh Kinh minh định chân lý này qua việc bàn bạc
của Thiên Chúa trước khi tạo dựng con
người và sự lao nhọc của
Thiên Chúa khi dựng nên con người. Các loài
thọ tạo khác thì Thiên Chúa chỉ phán một lời thì
liền "xẩy ra như vậy". Sự cao
trọng của con người còn được khẳng
định khi nó được dựng nên "giống
hình ảnh" của Đấng Tạo Thành và được
trao quyền làm chủ vũ trụ vạn vật (x.St
1,26-29). Hình ảnh của Đấng vô hình nay đã
được mạc khải cách hoàn hảo và rõ nét
nơi chính Đức Kitô (x.Col 1,15).
Suy tôn Chúa Kitô là Vua vũ trụ, giáo hội
không chỉ khẳng định quyền tối
thượng của Chúa Kitô trên mọi loài mà còn tuyên
xưng Chúa Kitô chính là khuôn mẫu, là lẽ sống của
mọi hiện hữu, nhất là của loài người. Qua các bài đọc của Chúa Nhật XXXIV TN C mà
giáo hội cho trích đọc chúng ta nhận ra khuôn mẫu,
lẽ sống mà Đức Kitô tỏ bày đó là hiện
hữu cùng và hiện hữu cho.
"Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai
và sinh hạ một con trai và người ta sẽ gọi
tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là
Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta" (Mt 1,23). Khi vào trần gian, Đức Kitô đã mạc
khải cho nhân loại chúng thấy ý nghĩa của các
hiện hữu là hiện hữu trong tương quan.
Mọi thụ tạo, nhất là loài
người, không ai là một hòn đảo. Ta chỉ
là ta trong tương quan với người. Có
người thì mới có ta. Trong mối tương
quan gia đình dòng tộc, cha ông chúng ta có câu ngạn ngữ
rất tượng hình: có con
rồi mới có cha, có cháu rồi mới có ông, có bà.
Mối tương quan
"cùng-với" này vừa nói lên sự tuỳ thuộc
vừa nói lên sự liên đới giữa các hiện
hữu. Nhiều muông thú hay vật nuôi như chim, gà,
mèo, chó..., khi được nuôi riêng một mình thì chúng
vẫn phát triển thành chúng, trái lại, con người
không thể lớn lên, phát triển thành người cách
đúng nghĩa khi sống một mình. Hiện
tượng "người rừng" đó đây,
không có khả năng nói, không có khả năng giao tiếp
với đồng loại...là một minh chứng. Chúng ta làm người, chào đời, có mặt
ở trần gian này là nhờ ai đó và với ai đó.
Vì thế có thể nói rằng một trong những mục
đích và ý nghĩa nền tảng của sự hiện
hữu của con người đó là sống cùng, sống
với và sống cho.
Cả cuộc đời của Đức
Kitô trên trần gian, rõ nét nhất là quảng thời gian rao
giảng Tin mừng và đích diểm là cái chết trên
thập giá khẳng định cho chúng ta về mục
đích ý nghĩa của kiếp nhân sinh. Đức Kitô là
Đấng đi đến đâu thì giáng phúc thi ân
đến đó (x.Cvtđ 10,38). Và chính
Người đã minh định rõ ràng: "Con
Người đến không phải để
được người ta phục vụ nhưng là
để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm
giá chuộc muôn người" (Mt 20,28).
Trên đỉnh đồi Gôngôta, dù có thể
tự cứu mình khỏi án hình thập
giá, nhưng Chúa Kitô đã không tự cứu mình. Dù không tìm
cách tự cứu mình thế mà Người đã hứa
ban hạnh phúc Thiên đàng cho người bị treo bên phải
Người, đồng thời xin Chúa Cha tha cho những
người đang phỉ nhổ, hành hạ và giết
mình mà trong số đó chắc chắn có cả
người gian phi bị treo bên trái Người (x.Lc
23,39-43).
Hình ảnh của một vị minh quân theo quan niệm người xưa đó là
người lo trước cái lo của thiên hạ và vui sau
cái vui của thiên hạ. "Dân vi quý, xã
tắc thứ chi, quân vi khinh". Hình ảnh vị
minh quân này đã được Chúa Kitô thể hiện
bằng vị mục tử nhân lành sẵn sàng hiến dâng
mạng sống vì đàn chiên và vì từng con chiên một. Xuất thân từ một người chăn
chiên, Đavít đã được chọn gọi
để làm vua Israel. Dù còn nhiều thiếu sót và lỗi lầm
tày trời, nhưng Đavít chính là một hình ảnh tiên
báo cho vị Mục Tử Nhân lành, vị Vua Công chính là
Đức Kitô, Đấng đã dùng tình yêu của mình
để dẫn đưa mọi thụ tạo, nhất
là loài người về với sự thật căn
bản: chúng ta là loài thụ tạo, chúng ta sẽ chỉ là
mình khi hiện hữu đúng với thánh ý Đấng
Tạo Thành đó là sống cùng và sống cho tha nhân.
Dỏng dạc trước Philatô, Chúa Kitô
minh nhiên công bố: "Tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã
đến thế gian nhằm mục đích này: làm
chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự
thật, thì nghe tiếng tôi"(Ga 18,37).
Và sự thật ấy được tỏ bày cách hoàn
hảo bằng một Con Người chịu treo trên
thập giá, với trái tim bị đâm thâu, hầu
đưa toàn thề nhân loại đi lên và những ai tin
vào Người thì sẽ được sống muôn
đời (x.Ga 3,14-15), đồng
thời làm cho muôn vật muôn loài được hòa giải
với Thiên Chúa (x.Col 1,20).
Suy tôn Chúa Kitô là Vua tức nhìn
nhận quyền tối thượng của Người
trên đời chúng ta, là đón nhận lẽ sống, quy
luật hiện hữu mà Người đã ban ra.
Chúng ta có thể nhận ra quy luật ấy qua lời
khẳng định của Chúa Kitô: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác
thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu
mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mạng
sống mình vì tôi và vì Tin mừng thì sẽ cứu
được mạng sống ấy...(Mc 8,34-38; Mt 16,24-28;
Lc9,23-27).Và đến ngày tận thế, chính Đấng là
Vua Vũ Trụ, khi "ngự trên ngai vinh hiển của
Người" sẽ thẩm xét chúng ta dựa trên tiêu chí
là thái độ sống cùng, sống cho tha nhân của chúng
ta, đặc biệt cho những người anh em "bé mọn"
(x.Mt 25,31-46).
|