Chứng nhân
Trong những năm giảng dạy, có lần Chúa
Giêsu đã nói với các môn đệ: “Các con sẽ làm
chứng về Thầy”. Và chứng ấy là “Người
ta sẽ hành hạ và giết các con”. Dù không thuộc
lịch sử Giáo Hội cho lắm, chúng ta đều
biết rằng: Trong ba thế kỷ đầu, Giáo
Hội Công giáo đã bị bắt bớ, hành hạ ghê
rợn, và không biết bao nhiêu người, từ Giáo hoàng
trở xuống, đã đổ máu ra làm chứng
đạo Chúa. Rồi lịch sử đạo Công giáo
ở Việt Nam cũng thế, dù chúng ta không hiểu
biết nhiều lắm, nhưng ai cũng biết
rằng: Đây là những trang sử oai hùng, những trang
sử mà không một trang nào lại không được tô
điểm bằng những nét vàng son chói lọi, và
những cái chết anh hùng của tiền nhân chúng ta
dưới đủ mọi hình thức tàn bạo, ghê
gớm.
Quả thực, có thể nói: Đạo Công giáo đã
được chính thức khai nguyên và lập cơ sở
ở Việt Nam từ lễ Phục sinh năm 1615, khi cha
Bu-giơ-mi, dòng Tên, người Ý dâng thánh lễ đầu
tiên tại Hội An, Đà Nẵng bây giờ. Vài chục
năm sau, cuộc bắt đạo đầu tiên xảy
ra thời chúa thượng Nguyễn Phúc, khiến hai thày
Inhaxiô và Âu tinh chịu trảm quyết năm 1645 ở
Huế. Kể từ năm 1665, việc
cấm đạo xem ra liên tục hơn, lúc căng lúc
dùng. Hầu hết các thánh đường bị
triệt hạ, đất đai nhà
chung bị tịch thu và hàng trăm người
được phúc tử đạo vào thời Trịnh
Cương và Trịnh Giang. Từ năm 1706
đến 1740. Cuộc bách hại kéo dài
khốc liệt và đẫm máu hơn qua thời các vua
Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đến
thời Văn Thân, khiến nhiều thừa sai ngoại
quốc và không biết bao nhiêu linh mục và giáo dân Việt Nam đã
phải đổ máu để gieo vãi hạt giống Tin
Mừng.
Suốt ba thế kỷ cấm
đạo, dưới sáu triều đại, khi thăng
khi trầm, Giáo Hội Việt Nam có
được khoảng 100.000 vị tử đạo. Trong số đó có
117 vị được phong thánh Tử Đạo vào ngày
19.6.1988 do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Hiện nay
cũng có mười vị được phong “đáng
kính” và 1.000 vị được kể vào bậc “tôi
tớ Chúa”. Cái chết của các vị
tử đạo nói lên điều gì và dạy chúng ta
điều gì?
Chúng ta không những nhìn nhận mà còn xác tín rằng:
Những người chết vì Chúa như thế được
gọi là tử đạo, nghĩa là những chứng
nhân của đạo Chúa. Tại sao vậy?
Bởi vì khi ấy cũng như ngày nay, Giáo
Hội dùng cái chết của các ngài để minh chứng
đạo Công giáo là đạo của Chúa. Các ngài lấy máu mình để làm chứng, không
phải là làm chứng cho một lý tưởng, nhưng là
cho một việc. Chết cho một lý tưởng
chưa phải là bằng chứng quyết định cho
lý tưởng ấy, vì người ta có thể
tưởng lầm rằng: Lý tưởng ấy là
đúng, và chết cho một lý tưởng chỉ minh
chứng mình có lòng ngay, mình thành thực. Nhưng khi
người ta chết cho một việc thì khác, đó chính
là cái chết của các vị tử đạo:
Trước cái chết, các ngài tỏ ra can đảm, anh
hùng, cương quyết, bình tĩnh, khiến cho mọi
người phải thán phục.Trước cái chết,
các ngài không sợ hãi, khuyến khích nhau, tha thứ, cầu
nguyện cho kẻ bách hại mình, và vui vẻ tiến lên
dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Do đó, cái
chết của các ngài có một ý hướng nhất
định: Các ngài là những chứng nhân cho đạo
Chúa. Vì thế, danh từ “Tử Đạo”
có nghĩa là làm chứng, và dùng đau khổ, cái chết
để bảo đảm cho lời chứng. Pascan
tiên sinh đã nói: “Tôi sẵn sàng tin những truyện mà
người thuật lại giơ cổ cho người
khác chém để làm chứng”.
Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ: Tử Đạo là một
ân huệ đặc biệt Chúa ban cho một số
người, nhưng bổn phận làm chứng cho Chúa thì
không dành riêng cho ai cả, là Kitô hữu là có nhiệm vụ
làm chứng, và chúng ta đều biết cách làm chứng
tốt nhất là bằng chính đời sống tốt
đẹp của chúng ta. Chúng ta cần thuyết phục
những người chưa có đạo, những
người không hiểu về chính nghĩa của
đạo bằng chính đời sống tốt
đẹp, dù chúng ta không nói hay chưa làm gì cả.
Người ta kể rằng: tại Trung Quốc
trong những năm trước năm 1950, có nhiều giáo
sĩ đã được gửi đến truyền giáo
tại nước này. Người ta đã
mở những lớp dạy tiếng Trung Hoa cho những
giáo sĩ ngoại quốc để có thể tiếp xúc
với dân chúng địa phương. tại
một lớp nọ có khoảng 70 người theo
học, trong buổi học đầu tiên, bà giám
đốc của trường bước vào lớp
học. Bà ta đi qua từng hàng ghế
từ trên xuống dưới rồi từ dưới
lên trên, tươi cười nhìn các học viên, rồi
cuối cùng đi ra khỏi lớp mà không nói một
lời nào. Các học viên đều
ngạc nhiên về việc làm của bà giám đốc.
Một lát sau, bà ta trở lại lớp và hỏi: “Quí
vị đã tiếp thu được điều gì hôm nay
chưa?”. Mọi
người đều ngơ ngác vì bà đã dạy gì
đâu? Có một người đứng lên nói: “Chúng
tôi chưa nghe bà nói một lời nào. Nhưng chúng tôi
chỉ để ý có một điều, khi bà đến
lớp này, bà đã xức một loại nước hoa thơm quá”.
Cả lớp phá lên cười. Lúc đó, bà giám
đốc tươi cười nói: “Tôi cố ý xức
nước hoa thật nhiều để quí vị chú ý
đấy. Nếu quí vị đã nhận ra
được điều ấy là hôm nay quí vị đã
học được một bài rồi. Qua
điều ấy tôi muốn nói với quí vị rằng:
Quí vị sẽ sống khoảng hai năm ở
nước này như những người câm vì quí vị
không nói chuyện được với những
người Trung Hoa. Tuy nhiên, quí vị vẫn có thể
để lại cho những người chung
quanh quí vị một mùi thơm đặc biệt qua
nếp sống của quí vị, để dầu không nói
một lời nào, nhưng người khác cũng vẫn
nhận ra được hương thơm của Chúa qua
quí vị”.
Là con cái của Chúa, chúng ta có thể đem đến
cho trần gian, cho những người chung quanh,
hương thơm ngào ngạt của
Chúa qua nếp sống hàng ngày của chúng ta mà không cần
nói một lời nào. Xin các thánh Tử
Đạo cầu bầu và trợ giúp để chúng ta
luôn sống đúng và sống đầy đủ bổn
phận làm chứng của chúng ta.
|