Vạn Tuế Các
Thánh Tử Đạo Việt Nam
MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
(Kn 3,1-9; Rm 8, 31b-39; Mt 10, 28-33)
Chúa nhật ngày 19/6/1988, thánh Giáo
hoàng Gioan Phaolô II đã nâng 117 vị chân phước tử đạo
Việt Nam lên hàng hiển thánh. Dịp khai mạc Năm Thánh
2010, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI, trong sứ điệp gửi
các Giám mục Việt Nam có viết : « Việc cử hành Năm Thánh trùng với
ngày lễ kính 117 vị thánh Tử đạo hiển vinh của
đất nước Đức Cha. Việc nhớ lại chứng
từ cao quý của các ngài sẽ giúp toàn thể dân
Chúa tại Viêt Nam kích động đức mến, gia tăng đức
cậy và củng cố đức tin mà đôi lúc bị thử
thách bởi chính đời sống thường ngày » (Trích Sứ
điệp gửi các Giám mục Việt Nam dịp Năm Thánh
2010). Thư của Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng
Giám Mục Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐGMVN gửi cộng
đoàn Dân Chúa nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày tôn phong 117 Hiển
Thánh Tử đạo Việt Nam có đoạn : « Đây là cơ hội giúp Dân Chúa củng
cố đức Tin qua đức Cậy nhờ đức Ái (số
1) ; Giúp cho Giáo hội Việt
Nam sống chan hòa trong tình hiệp thông và hiệp
nhất (số 2) ; Thúc đẩy
chúng ta hăng say hơn trong sứ vụ loan báo Tin Mừng (số
3) ; là dịp để cháu con
noi gương các Ngài sống xứng đáng những người con thảo
của Cha trên Trời (số 4) ».
Những gợi ý sống
trên làm chúng ta nhớ lại bài giảng của thánh Giáo
hoàng Gioan Phaolô II, ngày 19/6/1988 như sau : « Tôi biết rằng anh em đang ôm nặng
ước nguyện tôn vinh các vị Tử Đạo đồng
hương, nhưng trong thâm tâm còn tự cảm thấy nhu cầu
đứng chung quanh các thánh, để xe kết tình huynh đệ
kết nghĩa, mến thương … ».
Đọc lại lịch sử Giáo
Hội Việt Nam, khởi đi từ những bước chân thừa
sai của các nhà truyền giáo. Sử liệu ghi lại sự
đặt chân của giáo sĩ
Inikhu vào năm 1533 trên đất Việt, tiếp theo là Gaspar
da Cruz, Alexandre de Rhodes, Pedro Marques v.v. Ba trăm năm loan báo Tin Mừng,
một trang sử truyền giáo hào hùng, nhưng đầy đau thương và đẫm nước mắt. Từng
ngàn giáo dân tử đạo, từng trăm số người
đã chết lưu lạc trên núi, trong rừng sâu nước độc!
Tuy nhiên, một trang sử mới đã mở ra nhờ sự
hy sinh tuyệt vời của các thừa sai, cũng như hàng
hàng lớp lớp người vì tử đạo đã nằm
xuống với muôn cực hình cay đắng, khốn khổ.
Dòng máu của các ngài đã đổ ra, tuôn trào, tưới
gội Hội Thánh Việt Nam, làm cho Hội Thánh lớn lên
và phát triển, không ngừng sinh hoa kết quả tươi tốt,
đúng như lời Tertullien đã viết: « Máu tử đạo là hạt
giống trổ sinh người tín hữu ».
Hôm nay đây, chúng ta hướng tâm hồn
lên một cách đặc biệt để mừng kính các ngài,
trong hân hoan và hãnh diện. Chúng ta tôn vinh, tri ân các ngài và
cùng nhau hô vang : Vạn vạn tuế Các Thánh Tử
Đạo Việt Nam, vạn vạn tuế Các Thánh Tử Đạo
anh hùng.
Làm sao kể lại cho hết tất
cả 117 vị Tử Đạo, 1 vị á thánh, trong số đó
có 8 vị Giám Mục, 50 Linh Mục, 59 Giáo Dân, một phụ
nữ, Thánh Anê Lê Thị Thành, mẹ sáu người con.
Còn có biết bao nhiêu vị cũng đã « tử vì Đạo » mà
chưa được tuyên phong, cũng được mừng kính. Các ngài thuộc
đủ mọi thành phần, tuổi tác, hoàn cảnh sống :
công chức, thương gia, công nhân, quân nhân, y sĩ, ngư phủ,
trùm họ v.v. Trong số đó, bao gồm cả một số
những nhà truyền giáo « ngoại quốc » Pháp,
Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý… đã đến Việt nam
truyền Đạo và chết vì Đạo.
Thánh Vinh Sơn Liêm,
Dòng Đaminh là người Việt Nam tử đạo đầu
tiên năm 1733. Rồi tới Cha thánh Anrê Trần An Dũng Lạc
bị trảm quyết năm 1838. Các ngài đã phải chịu
mọi thứ cực hình mà người ta có thể
nghĩ ra được như: gông cùm, xiềng xích, nhốt trong
cũi, đánh đòn, bỏ đói, bị voi giầy, bị trói
ném xuống sông, bị đổ dầu lên rốn rồi cho bấc
vào đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng v.v.
Quyết liệt hơn thì bị trảm quyết, tức
là bị chặt đầu, bị xử giảo, tức là bị
thắt cổ, hay bị thiêu sống. Bị xử lăng
trì, phân thây ra từng mảnh hay là xử bá đao là những
hình phạt man rợ và hiểm độc nhất. Tổng
số 79 vị bị chặt đầu. 18 vị bị thắt
cổ. 8 vị chết rũ tù. 6 bị thiêu sinh. 4 bị
phân thây ra từng mảnh. 1 bị tử thương và 1 bị bá
đao.
Lời Chúa trích sách
Khôn Ngoan : “Linh hồn những
người công chính ở trong tay Thiên Chúa và đau khổ sự
chết không làm gì được các ngài” ( Kn 3, 1 ). Quả
quyết như trên có vẻ là không chính xác với thực tế
lịch sử: thực ra đau khổ đã va chạm thân
xác các ngài đến ghê sợ như : tùng xẻo, lăng trì,
chặt đầu. Tuy nhiên, tác giả Kinh Thánh tiếp tục
quảng diễn tư tưởng: «Đối
với mắt người không hiểu biết, thì
hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ
biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thực
ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người
đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng cậy trông của
các nài cũng không chết » ( Kn 3, 2 – 4 ).
Đúng là : « Ai khôn mới biết hiến
mình cho chân lý, để chiếm hữu phần gia
nghiệp muôn đời » (Thánh Phêrô Truật) ; « Thân xác tôi ở trong tay quan… nhưng
linh hồn tôi là của Chúa, không có gì khiến tôi hy
sinh nó được » (Thánh Phaolô Tịnh)
Các ngài là chứng nhân cho Chúa Kitô
đã toàn thắng sự chết. Thay vì hình khổ
ngắn ngủi, các ngài được nhiều ơn vĩ đại,
« vì Thiên Chúa đã luyện
lọc các ngài và thấy các ngài xứng đáng, Chúa đã thử
thách các ngài như thử vàng trên lửa và đã chấp nhận
các ngài như của lễ toàn thiêu » (Kn 3, 5- 6). Trong Chúa Kitô các ngài được
Thiên Chúa cứu rỗi.
Chúng ta, dòng giống các vị
tử Đạo. Hôm nay, hãy nghe hết lời sách Khôn
Ngoan: « Trong ngày phán xét, người
công chính sẽ chói sáng và chiếu tỏ ra như ánh lửa chiếu
qua bụi lau ». (Kn 3, 7) Những tia sáng, những ánh
đèn phản chiếu nguồn quang minh rữc rỡ. Và đây là
câu sau cùng trong sách Khôn Ngoan: « Các
ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị
các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài đến
muôn đời » (Kn 3, 17).
Xin các Thánh
Tử Đạo Việt Nam giúp chúng con biết chân thành chọn
lựa đi theo Chúa, trung thành làm chứng cho đức tin và nhiệt
thành yêu mến Giáo hội bằng tinh thần cộng tác,
hiệp thông và đồng trách nhiệm trong sứ mạng loan
báo Tin Mừng trên quê hương, đất nước chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
|